- Dữ thế ninh tri vô đoạt mục, ư dư tối ái thị kiên tâm[1]
(An biết với đời không lóa mắt, như ta yêu nhất là kiên tâm)
Ta có một người bạn từ nhỏ tên Hoàng Quýnh. Đầu năm nay, hắn từ Bắc Thành về lãnh bộ Hộ. Nhân việc thành thần Gia Định tâu rằng vật giá đắt vọt, hàng hóa nhà nước cần mua không đủ, hắn bèn bảo: Đến da trâu, lưới rách mà dân còn không muốn bán cho nhà nước. Triều đình thu mua đặt giá cao ý muốn có lợi cho dân, nhưng quan thừa hành thì nắm tiền kho trong tay phát cho người nhà, xuống chỗ dân tùy nghi nửa ép nửa cướp, lọc lừa làm loạn phân loại hàng. Triều đình hóa ra chỉ lấy được những hàng thứ cấp, mà tiền thì lọt vào tay bọn sai nha, hàng thì chúng lấy trộm đem về bán riêng lấy thêm một khoản nữa. Dân chúng thà xé lưới, giết trâu còn hơn đem bán cho quan, ấy là những món bỏ đi còn thế, huống hồ gì những thứ quý giá hơn.
Ngươi xem, mới chỉ là một bản tâu của Hộ tào Gia Định chưa biết thực hư sai đúng mà Hoàng Quýnh này đã nói như thế, có phải ngu ngốc không? Đành rằng Nguyễn Văn Thoại đang bị tố cáo hàng loạt tội danh câu kết với Trần Nhật Vĩnh cướp của Phiên dân, nhưng quan Hộ tào Ngô Bá Nhân hiện tại do chính ta phái đến, hàng hóa triều đình bắt buộc phải thu mua mới có để dùng. Hắn nói năng như thế chỉ gây thù chuốc oán cho bản thân, chẳng trách mới ra ngoài được vài tháng đã bị đồng liêu tố hết tội này đến lỗi nọ. Năm ngoái hắn đi kinh lý đê điều, bản tâu vô số, đề ra rất nhiều cách thức nhưng đều bị đình thần bác bỏ hết cả. Đến cả việc đào sông Thiên Đức làm nơi thông nước mà chính ta cũng phải đích thân viện lý này lẽ nọ bắt người tra xét cho ra lẽ. Thấy nước đã hơi yên là chẳng ai muốn làm cái gì nữa, đề xuất bỏ đê trong mắt họ càng điên cuồng phi lý, cũng chỉ có Quýnh dám nói ra[2]. Thật là kẻ trong mắt chẳng có ai.
Nói đến chuyện đê điều, chúng ta còn có một người bạn khác là Nguyễn Đăng Giai. Kẻ này cái gì cũng giỏi, nhưng giống ta ngày xưa là chẳng thích học từ chương. Vậy mà khi ta mới lên ngôi, Hoàng Quýnh tiến cử Đăng Giai lên, hắn từ chối, bảo không muốn dựa vào quen biết tiến thân. Chật vật thi mãi rồi hắn mới đậu, làm việc mãi rồi ta mới đưa hắn đi làm Thự Tham hiệp Nam Định được. Nếu nói đến chuyện người ta nên biết dùng cái tốt của mình, nhân danh giúp đời giúp nước mà nắm lấy cơ hội, thì chẳng phải tên Đăng Giai này cũng là một kẻ gàn dở sao? Trong khi hắn thậm chí còn chẳng để mắt đến kẻ bên ngoài nói gì, chẳng qua gàn dở thành tính rồi.
Một người quen của ta là Lê Văn Đức, tưởng đâu cũng là kẻ khôn khéo lọc lõi. Nhưng hắn là con nuôi của Nguyễn Văn Thành, mỗi năm các ngày kỵ cho chí lễ tiết, hắn đều lập án thờ dâng cúng chẳng khác cha ruột, không buồn để ý tới thái độ của ai trong cái triều đình này.
Đến cả một tên tôi tớ trong tiềm để của ta là Vũ Hữu Đường, hắn xuất thân nô bộc mà ta đã có ý nâng đỡ dạy dỗ, cho làm đến Thị vệ ngân bài, nhưng hắn cứ nhăm nhe chực chờ bỏ trốn hàng trăm lần rồi. Hắn cho rằng ta không thể giết hắn à?[3]
Trong đám bề tôi bây giờ có một kẻ tên Nguyễn Công Trứ. Kẻ này đích thực là điên cuồng cái gì cũng dám nói, việc gì cũng dám làm. Tố cáo cường hào toàn Bắc Thành đã là gì, hắn còn dám cười nhạo cả đám sĩ phu ngàn đời đấy.
Đã biết má hồng thời phận bạc
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng
Chiếc quạt thoa đành phụ nghĩa Kim lang
Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình thời cũng phải.
Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải
Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu,
Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu
Mà bướm chán ong chường cho đến thế?
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm.
Bán mình trong bấy nhiêu năm
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai.
Nghĩ đời mà ngán cho đời.
Tại sao đám sĩ phu bây giờ lại thích đem mình ví với kỹ nữ rồi lại cung phi, tuyền những kẻ bán mình mua vui như thế? Rồi lại than khóc viện hết cả trung nghĩa hiếu tiết ra mà thanh minh, mà tỏ ý cảm thông thương tiếc, cho rằng mình cao quý trong sạch, tấm lòng quảng đại vô biên? Cho rằng vì hiếu trung mà bán rẻ mình một lần, rồi sẽ tiếp tục cả đời như thế, rồi sẽ tiếp tục cả đời viện lý do. Những kẻ tự gọi là sĩ phu mới đích thực giỏi nhân danh đạo cao nghĩa cả, giỏi lươn lẹo nói về sự đời kiếp phận, không biết nói gì thì đổ cho nghiệp quả nhân duyên, vừa khóc than phải trôi dạt rẻ rúng vừa buồn bã thất vọng khi bị kẻ trên vứt bỏ, chỉ tiếc không thể bán mình lâu hơn, làm trò mua cười cho thiên hạ được giá hơn. Biết thứ gì dễ thấy trên đời nhất không? Là lý do. Những kẻ tự cho mình khôn khéo thông minh biết sống ở đời, một là dạng thích rao giảng đạo lý rỗng tuếch, hai là rất giỏi tìm lý do. Một là thầy tu ngồi trong chùa quán dọa nạt người về nhân quả lấy cúng dường, không phải chữ nghĩa sách vở thì cũng là ma quỷ thần phật chả biết đâu đúng sai thật giả, lấy những thứ to lớn lòe người, dùng lịch sử phong tục làm lá chắn. Hai là từ sĩ phu, quan lại cho chí kỹ nữ, chỉ sống vì mình nhưng lại rất giỏi tìm cớ đổ cho đời, vừa than trách vừa tự khoác cái áo đạo nghĩa lên cho bản thân.
Đời này chỉ tuyền những kẻ vì trung hiếu mà bán mình, tuyền những bậc cha mẹ lấy thân xác nhân phẩm con cái mà sống, tuyền những kẻ làm đủ mọi thứ dơ bẩn, sống trên những thứ dơ bẩn mà vẫn thấy mình cao quý đúng đắn, giúp ích cho đời, đáng thương đáng buồn. Cái thứ đời như thế không đáng cười sao? Cái thứ đời chẳng ai thấy mình sai cả! Cái thứ đời chỉ tuyền những kẻ trung hiếu tiết nghĩa đáng thương, giỏi giang khôn ngoan, mà không hiểu sao trở thành rác rưởi hết cả!
Nghe Nguyễn Công Trứ nói xong, ta bảo với ông ta rằng, ta vốn thất thường hẹp hòi, không phải là người rộng rãi gì, duy chỉ có điều ta dung túng được những kẻ điên. Những kẻ vừa ngu dại vừa điên khùng bên cạnh ta cứ việc ngu dại điên khùng, còn hơn bọn rối làm trò cho đời[4].
Cô nghĩ đến những lời ấy khi đứng trước đồng dâu phía sau hoàng thành. Những luống dâu vừa được trồng đã chớm tươi tốt lại sau vài cơn mưa. Bên cạnh cô, nữ quan đang điền nốt số cây dâu vừa đếm được, lẩm nhẩm số cung nữ có thể làm việc trông coi.
“Trứng tằm cũng đang được chuyển tới, nhưng nhà nuôi tằm trong cung Từ Thọ chưa xây xong nên chúng ta phải đợi thôi.” Trần Thị Tuyến cười nói. Nữ quan cùng cung nữ vừa quay lưng đi, cô ấy đã kéo tay cô, hạ giọng. “Em xem, chúng ta có giống phi tần thất sủng bị phái đi lao dịch không?”
Vì Trần Thị Tuyến vừa cười vừa đùa cợt nói, cô cũng chỉ cười.
Thái hậu bỗng một ngày gọi mấy cung tần tới, nói rằng nhà vua muốn dựng nhà nuôi tằm trong cung, chọn đất trồng dâu, cho các cung nhân trồng trọt, nuôi tằm lấy tơ sợi. Quả nhiên cô cùng vài cung nhân lớn tuổi, không bận con cái như Trần Thị Tuyến được lựa chọn ngay làm người chủ trì. Cây dâu con được đưa về trồng trong đất trống của hoàng thành và khoảng đất sau thành, cũng khá dễ chăm sóc, duy việc nuôi tằm suốt ba mùa trong năm cần người trông coi liên tục. Dù bọn cô chẳng hề có kinh nghiệm nuôi tằm, một số phụ nữ, nữ quan đã được cử tới giúp đỡ.
Cô đã đồng ý nhận ngay công việc này, vì được ra khỏi hoàng cung. Dù chỉ là khoảng đất nhỏ phía sau, được rào bốn bên tường kín, nhưng cô có thể hàng ngày đi qua con đường sau hào, đưa mắt nhìn khắp bốn xung quanh Kinh thành, những sở quân, công xưởng, cả bóng của cung Khánh Ninh phía xa. Miên Liêu đã vào Dưỡng Chính đường, cô không muốn lủi thủi ở lục viện, cánh đồng dâu nho nhỏ này nối liền với vườn hoa bên cạnh, thật là một nơi thoáng đãng hơn hẳn.
“Làm nông phải vun đất, bón phân, tưới nước, không phải cứ vùi xuống là xong đâu.” Cô đi qua luống dâu, chạm vào những chiếc lá mềm, nói khẽ. “Về cung phải nhờ Đức hoàng cho mỗi người một cái nón lá rộng, áo tơi tránh nước tránh mưa, kể cả vài bộ áo vải thô nữa.”
“Không chỉ là cung tần thất sủng, chúng mình sắp thành bà lão nông cả rồi.” Trần Thị Tuyến cười lớn phía sau cô, chỉ tay về cái đình phía xa. “Trời mưa chúng mình có thể ở đó nướng khoai, còn cô Bảo thì ngồi ngâm thơ ‘Mạch thượng tang, mạch thượng tang. Thiếp ý quân tâm thùy đoản trường’[5].”
“Chỉ sợ tới khi cô ấy nuôi con lớn rồi ra đây thì dâu lẫn tằm đã chết cả.” Cô nói khẽ, không muốn bàn thêm về Nguyễn Thị Bảo. Tâm trạng của cô gái từ năm ngoái đã ngày càng xấu đi, nhưng nhà vua có thời gian nào mà chú ý đến? Ngài ta chỉ muốn những người bên cạnh nghe lời mình, hoàn toàn không có tâm sức để nói chuyện linh tinh. Trong những lúc căng thẳng, từ nội giám đến cung nhân phạm lỗi nhỏ nhặt cũng bị ngài ta mắng đuổi. Với số người đột nhiên tăng lên trong cung cấm, ngài ta nghĩ ra một đồng dâu và cả nhà tằm đẩy họ đi làm việc.
Ngài ta đang say sưa mê mải với công việc của cả một đất nước, nghĩ cách kiểm soát từng con người đến mức quan lại địa phương từ Tri huyện trở lên đều phải vào Kinh diện kiến, từng khẩu súng phải đo lại kích thước, từng thôn sách xã phường phải kê khai số ruộng số đinh. Những lúc rảnh rỗi, ngài ta còn vẽ cả đồ mặc tế tự[6], nghĩ lại tên thụy cho các công thần, bày ra cả buổi bình thơ bàn truyện cho toàn quan lại góp lời. Bắc Thành đang được bàn bạc cải tổ lại toàn bộ cơ cấu, chuyển các trấn thành tỉnh lị chia đặt Tổng đốc cai quản. Quan lại các bộ ra vào triều đình bàn chuyện như mắc cửi, có thể còn bị gọi đến vào lúc nửa đêm. Đầu năm nay, bỗng dưng Gia Định liên tục báo tin Xiêm La có ý xâm phạm Chân Lạp, khiến chuyện biên giới lại trở nên ồn ào.
Không kể tới Xiêm La, Chân Lạp cùng Gia Định cũng đã là một vấn đề to lớn. Sau khi Nguyễn Văn Thoại qua đời, Nguyễn Văn Tuyên cùng Bùi Đức Minh tới thay thế, quả nhiên hàng loạt vụ việc được báo về. Nguyễn Văn Thoại cùng Trần Nhật Vĩnh nhận chỉ mua đậu khấu, một trăm cân trả một trăm năm mươi lạng bạc, nhưng ép giá Phiên dân đến còn năm mươi, sáu mươi lạng, còn nói phải thêm của nhà bù vào cho triều đình. Nguyễn Văn Thoại được lệnh chiêu dân lập ấp ở Châu Đốc, cho tiền gạo để dân vay làm vốn mà không đòi, không phải trả thuế đinh điền, nhưng chín năm mà dân binh ở bốn mươi mốt xã thôn mới chỉ có tám trăm người. Nguyễn Văn Thoại tự tiện xây thêm kho chứa thóc, báo lên triều đình một phần, nhà vua đã cho thêm một ngàn quan, nhưng rồi lại phát hiện các kho thóc riêng khác.
Sau khi báo án kho thóc ở Chân Lạp, lãnh Bảo hộ Nguyễn Văn Tuyên đột nhiên qua đời. Bùi Đức Minh được gọi về Kinh, lại bị quan ở Chân Lạp kiện tụng những việc làm nhũng nhiễu. Chuyện về Nguyễn Văn Thoại tưởng đã xong, không ngờ vừa rồi thuộc hạ của Tả quân là Võ Du lĩnh Hình tào Gia Định được lệnh sang Chân Lạp, trở về mách tội viên cựu Bảo hộ này bắt dân Phiên đi lấy gỗ táu mà không trả tiền gạo, xây đắp đường đưa tang vợ. Nhà vua nổi giận ra lệnh tịch biên gia sản Nguyễn Văn Thoại, giáng xuống hàm ngũ phẩm.
Nhưng những viên quan tiếp theo đến Chân Lạp lại bị tố cáo nhiều tội danh khác nhau. Trong khi đó, tin báo về cướp biển Chà Và bỗng nổi lên khắp vùng biển phía Nam. ‘Bỗng nổi lên?’ có người cười nói, cướp biển Chà Và hoành hành bấy lâu nay, tàu buôn người Đường, Tây dương đều nói đến cả. Nhưng trước đây chẳng phải chỉ tâu báo những trận thắng thôi sao? Từ khi Mạc Công Du bị cách chức ở Hà Tiên, các quan đến tiếp quản Châu Đốc, những trận thua mới báo về. Tướng thấy cướp thì bỏ quân mà chạy, hải tặc lên bờ bắt người, cướp thuyền buôn, đốt nhà dân, binh thuyền chẳng thể làm gì. Lại thêm hàng loạt cái tên bị giáng bổ, cách chức, trừng phạt.
Đến Bạch Xuân Nguyên vì vụ việc của người Xiêm ở biên giới Chân Lạp mà được phái đến Binh tào Gia Định cũng bị giải chức về Kinh chỉ sau vài tháng, do sai phạm khi còn làm Phủ doãn Thừa Thiên. Sau cái chết của Trần Đăng Nghi, Nguyễn Văn Tuyên, tiếng nói đã bắt đầu rì rầm về bóng tối mờ ám ở Gia Định. Trần Đăng Nghi chết ngay trong lúc Gia Định liên tục tâu báo về tình hình Xiêm, nhưng chẳng thấy động tĩnh gì ở biên giới, Vạn Tượng vẫn im lìm. Nguyễn Văn Tuyên chết ngay sau khi tâu lên những kho chứa bí mật của Nguyễn Văn Thoại ở Chân Lạp. Rồi tiếp tục đến Bạch Xuân Nguyên lãnh nhiệm vị trí của Trần Đăng Nghi bị tố cáo đẩy về Kinh. Chẳng lẽ tất cả đều là ngẫu nhiên sao? Có chuyện gì đó ở Chân Lạp, người nào đó nói khẽ. Chân Lạp xuất hiện trong tất cả những vụ việc này. Và vụ án của Trần Nhật Vĩnh, dù hắn ta đã chết, cũng sẽ chẳng vì thế mà kết thúc.
Câu thì thầm ấy, có lẽ cô đã nghe được ở ngay sau điện Văn Minh. Vài tháng sau cái chết của Lê Hậu, cô được Thái hậu gọi tới, đề nghị cô vào ban làm sổ sách, ghi chép việc cung nội. Soạn thảo và chép lại chỉ dụ của Thái hậu, cô thường có dịp tới gần tiện điện của nhà vua, nơi đôi lúc vài tiếng nói vượt qua cánh cửa gỗ. Vẻ yên bình hiện tại đang tiềm ẩn một cuộc chiến, từ cơn lốc xoáy đang hình thành ở Gia Định cho tới cái lệnh mà nhà vua vừa mới ban ra cấm ngặt thuốc phiện trên toàn đất nước, cùng những cuộc xử trị trong các khu vực người Man. Từ Chiêu Nội bắt nộp nhà vua Vạn Tượng, thổ mục Mường Bổng tự giết thổ tri châu chiếm vị, thổ ty châu Chiêu Tấn chú cháu đánh nhau gọi lính Thanh vào bắt người, cho tới một tên thổ mục nào đó vụng trộm mắng triều đình, ngài ta cũng đều muốn xử cả. Dân Man trên núi cao rừng sâu ngoài giáo hóa, vốn chỉ muốn vỗ về để giữ đất biên cương, nay ngài ta lại nhất nhất muốn can thiệp từng hành động của họ.
Với việc chia đặt tỉnh thành, quan chức này, sự kiểm soát của triều đình với từng vùng sẽ càng chặt chẽ ngặt nghèo hơn, không một việc, một người nào có thể thoát những án luật vừa được chỉnh sửa nọ. Tất cả phải ở trong luật pháp, tuân thủ và bị trừng trị không hề phân biệt cao thấp sang nghèo, không thể giấu mình sau tầng tầng lũy tre rào chông của lớp lớp con người. Ngay cả các quan cũng chỉ là kẻ thừa hành đầy nguy cơ bị thăng giáng đến tận đất đen. Nhà vua sẵn sàng đóng gông Thượng thư, Đô Thống chế, đày bất cứ vị quan nào làm lính thú, bắt đi hiệu lực tận đảo xa. Những chức quan được đo lường bằng kỷ lục, quân công, phải dùng máu lẫn mồ hôi để đổi mà chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể mất tất cả. Luật pháp, đó là thứ công bằng và đạo lý duy nhất của nhà vua, của nhiều quan viên trong triều đình này.
Rồi cô lại nhớ đến lời người kia nói, trong mộng mị, bên cạnh ta tuyền những kẻ ngu dại điên rồ. Những kẻ sống chẳng cần biết đến thế gian, thậm chí chẳng cần quan tâm sống chết.
Ngoài đồng dâu nghe tiếng ồn như một đoàn lính đi qua, ca vang một khúc hát lẫn trong âm thanh giáo gươm loẻng xoẻng. Bóng đã ngả chiều, cô cùng Trần Thị Tuyến trở vào hoàng cung.
“Hôm nay đóng cửa thành sớm, ngài ngự lại đi đâu rồi à?” Quay đầu nhìn quanh, Trần Thị Tuyến chợt hỏi.
“Ngài ngự đến Trấn Hải đài rồi, mai mới về.” Cô gật đầu. Trấn Hải đài ở cửa Thuận An, ngài ta có thể bất chợt nảy ra ý đến và chuẩn bị rất nhanh để biến mất khỏi kinh thành.
“Lại đến Trấn Hải đài?” Trần Thị Tuyến nhíu mày, rồi bật cười. “À, Hồ Văn Thập ở đó mà.”
Cô ấy lại nói hoàn toàn vô tư, nghe như một chuyện cười. Bao nhiêu năm trong phủ đệ của hoàng Tư rồi cung thành này, Trần Thị Tuyến đã mặc nhiên xem mình chỉ là một người ngoài cuộc, dù với Ngô Thị Chính hay là cái bóng xa xưa nọ. Cô đi qua cổng thành, đưa mắt nhìn đình lầu mới xây thêm trong hồ. Khu hồ nước này ngày càng được tôn tạo xây dựng nhiều hơn, dường chứa bao nhiêu là tâm sức cùng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi của nhà vua.
Năm ngoái, sau cái chết của Trương Văn Minh rồi Lê Hậu, Hồ Văn Thập đã tình nguyện nhường chức Vệ úy tòng tam phẩm cho anh trai, dù đã được cấp mũ áo đại triều. Nhân đài Trấn Hải vừa sửa chữa xong, nhà vua cho Hồ Văn Thập đến làm Thành thủ úy, để Hồ Văn Lưu làm Phó Vệ úy Thần sách. Mùa xuân vừa rồi ngài ta lại đến Trấn Hải, thưởng khắp cho quan quân dựng thủy bằng nghỉ chân.
Trấn Hải đài nằm ở cửa biển Thuận An, do Hồ Văn Thập đóng giữ, dường như đã trở thành nơi nghỉ ngơi yêu thích mới của nhà vua. Trấn Hải đài trước nay là nơi lưu đày của các quan tướng phạm lỗi phải đến làm việc chuộc tội, là cái tên mà không ai ở triều đình này muốn nghe tới. Vị Phò mã chưa từng được thấy mặt công chúa này đã tình nguyện từ bỏ danh vị, đi ra biển khơi đón ánh mặt trời cùng những chiếc tàu vào bến. Có lẽ cũng như nhà vua, anh ta thấy bầu trời, mặt biển, những cánh hải âu, hoàng hôn cùng bình minh rực rỡ ấy vô cùng đẹp đẽ. Có lẽ, người họ Hồ bọn họ, đều mang trong máu thứ mộng mơ kỳ lạ ấy.
Tiếng hát vẫn vọng đến từ sau thành, khi cô đi ngang những thùng trứng tằm vừa được đưa tới ngoài cung Từ Thọ. Tơ này có thể dệt lụa dùng để cúng tế, Thái hậu nói về ý định của nhà vua. Những mảnh lụa được viết thành cáo sắc, văn tế, rồi đốt cháy trong các lò lửa ngoài sân miếu thờ. Thứ mà cô tạo ra ở nơi này, rồi cũng biến mất theo cách như thế. Đồng dâu, kén tằm, tơ mỏng, bầu trời, gió mưa, cùng cuộc sống.
Những kẻ điên rồ ngu dại, người kia nói. Những kẻ mộng mơ đem đời mình đốt cháy trong ánh sáng, những sợi tơ kết thành từ ngàn kiếp sống tiêu biến trong ngọn lửa ban thờ.
Chú thích:
[1] Mãi thạch nghiên của Ngô Nhân Tĩnh
[2] Sớ tâu việc đê điều của Hoàng Quýnh, Lê Đại Cương cuối năm 1829: “Việc đắp đê do lai xa lắm. Vài năm gần đây, nước sông làm hại, hoàng thượng đã nhiều lần sắc bảo kinh dinh công việc đê phòng, không điều gì là không rõ ràng đầy đủ. Bọn thần trước đi hội làm, thường hỏi thăm kỳ mục các địa phương về chỗ hưng lợi trừ hại, thì đều nói rằng ngoài việc đê phòng không còn cách khác. Thứ nữa thì đến bỏ đê và khai đào dòng sông mà thôi. Thiết nghĩ từ đời Đinh Lý về trước, chưa có đê phòng, dân địa phương đào giếng cày ruộng, có hại về nước lụt hay không thì chưa được rõ. Từ đầu đời Trần sai các lộ đắp đê để chống lụt, dân gian từ đấy đến những nơi thấp trũng mà nhóm ở làm ăn, cho nên các đời theo đó mà sửa đắp, xem là điều cốt yếu trong việc giữ dân và vệ nông, người ta mới nói rằng sau khi đã có đê không thể bỏ đê được nữa. Cho nên lời bàn bỏ đê, bọn thần chưa dám chắc là định luận.”
[3] Thực lục: “Vũ Hữu Đường là tôi tớ từ khi trẫm chưa lên ngôi, thường được dạy bảo, đã cất nhắc cho lên quan chức, hằng ngày hầu chầu bên cạnh. Nhưng tính nó không tốt, cam lòng lười biếng chơi bời, thường bỏ không lên hầu trực, cứ bắt được lại trốn đi hàng trăm, hàng chục lần.” Lần cuối Vũ Hữu Đường bị bắt lại ở Phú Yên năm 1830, giam một thời gian rồi lại thả.
[4] Thực lục: “Nguyễn Trọng Ngọc một nhà anh em bốn người đều hiển đạt phúc ấm rất thịnh, bè bạn không ai kịp được”. Vua nói rằng: “Thế là mãn thịnh rồi. Ví như con rối làm trò, đáng sợ mà không đáng tin cậy”.
4 người nhà là Nguyễn Trọng Vũ, Nguyễn Trọng Ngọc, Nguyễn Minh Khiêm, Nguyễn Chương Đạt sau vì Nguyễn Chương Đạt dung túng Lê Văn Khôi, bỏ thành Phiên An chạy mà tất cả đều bị cách chức.
[5] Trích Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Nghĩa: Xanh xanh những mấy ngàn dâu, lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.
[6] Năm 1831, Minh Mạng sai bộ Lễ tra cứu nghi thức cổn miện, rồi “tự mình chế ra thể thức để dùng, khi đã xong, đem bảo bầy tôi”.