- Thái cổ cầm thanh nghi hữu điệu, cận lai vô lộ mịch tiền tung[1]
(Ngờ có điệu đàn cầm thời thái cổ, gần xa không lối tìm dấu xưa)
Trong vòng hai năm ấy có nhiều việc xảy ra đến mức Tường cho rằng tất cả mọi người ở Gia Định khi nghĩ lại vẫn chẳng thể mường tượng được một cách rõ ràng. Mọi chuyện xảy ra đều rối rắm, quay cuồng trong một sự phi lý không ai tưởng nổi.
Dù trận chiến ở Bình Định vẫn giằng co, nhưng năm ấy Gia Định được mùa lúa, làm sự túng thiếu vì những lệnh thu thuế ráo riết cũng hơi dịu lại. Tháng mười một, đích thân Đông cung Cảnh gọi bà và mẹ cô vào điện thăm hỏi, cấp cho tiền gạo hậu hĩnh vì quân công cha cô lập được trên chiến trận. Trong những tháng tiếp đó, tiền gạo thưởng thi thoảng vẫn được đem tới tận nhà cùng thông tin về sự thăng tiến của cha cô trong quân ngũ. Cha cô đã trở thành vị tướng thiện chiến nhất bên cạnh chúa công, lãnh nhiệm vụ tại những địa điểm quan trọng nhất của chiến tranh. Lê tướng quân không thua bao giờ, có ngài ấy thì nhất định sẽ chiến thắng, lính báo tin nói.
Sự mừng vui của bà và mẹ cô lọt thỏm vào những cơn bão tại Gia Định. Đầu năm, cái tin choáng váng báo về: Quân Nguyễn đại phá Tây Sơn tại Thị Nại, trả giá bằng hơn sáu trăm người chết. Chiến thắng vẫn không giải vây được cho Bình Định. Nhiều người không có xác để chuyển về Gia Định, đã bị vùi chôn trong sóng nơi cửa biển.
Chỉ vài chục ngày sau, Đông cung Nguyễn Phúc Cảnh qua đời vì bệnh đậu mùa trong ngôi điện đóng kín cửa. Một thời gian ngắn sau, hoàng Ba Phúc Tuấn cũng trút hơi thở cuối cùng. Tháng tư, xác hoàng Hai Phúc Hy từ chiến trường được đưa về Gia Định. Tháng bảy, Phò mã Hậu quân Võ Tánh tự thiêu trong thành Bình Định.
Tháng năm, tin báo quân Nguyễn chiếm được Phú Xuân rơi vào giữa Gia Định tan tác buồn thương. Thuyền chuyển những xe tù chở anh em vua Tây Sơn xuống bến, lăn bánh dưới những dải màu tang chăng ngang cổng thành, giữa con đường chộn rộn náo loạn. Những lệnh gọi vét quân cuối cùng đã làm Gia Định hoàn toàn hoang vắng. Nhưng cuộc chiến vẫn đang diễn ra ở phương Bắc, gian tế của kẻ địch tràn vào Gia Định, đốt cháy cả nội cung. Những tin đồn đáng sợ bắt đầu xuất hiện, nói rằng Tây Sơn ở Bình Định vì quân Nguyễn để trống Phú Yên mà tìm cách đánh xuống Gia Định.
Năm Tân Dậu ấy, Gia Định tràn ngập màu tang chế, vắng lạnh cả sự sống. Tường đâm sợ hãi phải bước vào cung nội không lúc nào ngớt mùi khói hương và tiếng khóc. Người không khóc được đã chết lặng. Chỉ còn những vị quan ở chính điện bận rộn lo tang lễ và phần mộ cho người đã qua đời. Cả các viên tướng cũng đang lần lượt chết đi trên trận địa, quan tài họ vẫn được chuyển về trên bến cảng. Trong cung chỉ còn hoàng Tư Nguyễn Phúc Kiểu vẫn ra làm lễ cho họ.
“Chúng ta chẳng thấy mặt cậu ấy đâu.” Ngọc Anh nói khi Hồ Thị Hoa dò hỏi. “Không đi theo Trấn thần nghe việc thì cũng đã ra đồng Tập Trận hoặc Xưởng thuyền rồi. Nhị phi giữ cũng không được.”
Câu cuối, Ngọc Anh nói rất khẽ, giọng như lẫn vào tiếng kinh cầu vọng đến từ đại điện. Các công tử đang lần lượt chết đi như một lời nguyền, và tất cả đang chú mục vào người thứ tư, con nuôi của Nguyên phi.
“Vì cậu ấy nghe nói sau trận Thị Nại thì Tây Sơn phản công mạnh lắm, muốn đánh xuống Gia Định.” Hồ Thị Hoa nói khẽ. “Nếu việc đó xảy ra, chỉ còn cậu ấy ở đây…”
“Hẳn không đâu…” Môi Ngọc Quỳnh run run. Những người khác im lặng. Các công nữ đã được tụ họp vào điện của Quốc mẫu sau khi cung phủ của Đông cung Cảnh bị đốt cháy. Thành Gia Định được canh phòng gắt gao, thậm chí có người đã đi xem xét lại súng thần công đặt trên thành. Ngay cả phố trong thành cũng làm rào lũy, cắt cử người canh gác. Những phụ nữ âm thầm sắp xếp đồ đạc tư trang, nhà giàu chôn giấu của cải, người Tàu trong phố Sài Côn chuẩn bị thuyền bè. Sau mười lăm năm, nỗi sợ hãi lại cuốn xuống vùng đất này, dìm nó trong những cơn mưa trắng trời.
“Chúng có xuống thì ta đánh!” Ngọc Xuyến hất cằm. “Đánh không được thì thủ trong thành chẳng lẽ không được ba năm?”
Một lần nữa, không ai trả lời cô.
Khi Hồ Thị Hoa nắm tay Tường ra về, mưa vẫn còn rả rích. Hồ Thị Hoa vào cung, bế theo đứa em gái mới sinh sau khi cha cô ấy ra trận. Lính canh hé mở cổng cho mấy đứa trẻ, thậm chí hơi nghiêng người chào Tường. Lê Chất lập công chiếm lại Phú Xuân, bà cô đã hiên ngang đi vào cánh cổng lớn của thành cùng lời tuyên triệu thưởng công của lưu Trấn thần. Nơi này hầu như chẳng người nào biết Lê Chất là ai ngoài chiến công của anh ta, một viên tướng như thể người trời.
Trời chiều lù mù, khi đẩy cửa vào nhà, hai cô không nhận ra người đang quấn tròn trên giường. Nghe tiếng thở khẽ, Hồ Thị Hoa có vẻ giật mình, đặt đứa em đang say ngủ sang giường bên, đi đến lay cậu ta.
“Cậu Tư, sao cậu ở đây thế?” Cô vỗ khẽ người trong chăn, cậu ta lăn lại, ngái ngủ đáp.
“Mưa nên ta về ngủ một lát.” Cái chăn kéo cao lút đầu, cậu ta hơi co người lại. Hồ Thị Hoa cắn môi mấy lần, rồi lấy chăn ở giường bên đắp thêm cho cậu ta. Khi cô diềm mép chăn cho Nguyễn Phúc Kiểu, cậu ta bất thần kéo cô ngồi xuống bên giường, gối đầu lên chân cô. Hồ Thị Hoa không hất cậu ta ra, chỉ kéo chăn lên che kín vai cậu ta.
“Ngươi không đuổi ta về sao?” Vẫn nhắm mắt, Nguyễn Phúc Kiểu hỏi. Hồ Thị Hoa cười khẽ.
“Cậu không sợ thì tôi sợ cái gì?” Tay cô đặt trên vai cậu ta. Mi mắt Nguyễn Phúc Kiểu khẽ rung động, rồi cậu ta có vẻ lại chìm vào giấc ngủ. Tường im lặng đóng cửa rời khỏi nhà.
Hẳn trời mưa thì cả bãi tập lẫn Xưởng thuyền đều nghỉ, lúc này các công đường và trường học đã đóng, Nguyễn Phúc Kiểu không muốn về cung nên đến đây. Có thể cậu ta lại phát bệnh sau nhiều ngày dầm mưa dãi gió, và không muốn tới những nơi đông đúc hay nhà các quan tướng, cậu ta chạy đến căn nhà này. Ba công tử chết liền trong nửa năm, lúc này Nguyễn Phúc Kiểu chỉ cần hắt hơi thì tin đồn cậu ta sắp chết sẽ truyền toàn thành trong một cái chớp mắt.
Cậu ta cũng không đem theo đội cận vệ. Từ khi Gia Định rối loạn, một chi đội Túc trực hàng trăm người đã theo Nguyễn Phúc Kiểu mọi lúc mọi nơi. Chẳng rõ bằng cách nào cậu ta đã rẫy được họ đi, nhưng chẳng lẽ cậu ta không nghĩ có những kẻ đang bám theo cậu ta từng bước, sẵn sàng ra tay với người con thứ tư của chúa?
Nghĩ mãi không thấy an tâm, Tường liền ngồi xuống hiên bên ngoài nhà Hồ Thị Hoa, quay đầu nghe ngóng xung quanh. Mưa dần ngớt, thái dương cũng đã hạ xuống bên kia chân trời trên tường thành.
“Cầu vồng kìa.” Cô nghe Hồ Thị Hoa khẽ khàng thốt lên bên cửa sổ.
Buổi chiều hôm ấy, vầng dương không còn rực rỡ mà dịu dàng lẫn trong mây. Gió mưa không còn ào ạt mà lất phất bay trong nắng. Cả những làn mây cũng nhạt mờ hồng lên như lụa. Cả ráng chiều cũng mờ trong khói phủ hơi sương. Bầu trời phương Nam không còn chói chang dữ dội, nắng mưa phương Nam trong một thoáng không còn cuồn cuộn ầm ào. Gia Định lặng im vắng vẻ giữa cuộc chiến bỗng chốc không còn hoang lương lạnh lẽo.
Dưới mái hiên, Tường ngẩng đầu nhìn cầu vồng bảy sắc vắt ngang lưng trời trên bốn bức tường thành yên ắng tua tủa giáo mác và súng thần công, bất giác mỉm cười.
Người trong thành đã lục tục trở về. Nhác thấy bóng mẹ Hồ Thị Hoa đưa mấy đứa con tới đầu ngõ, Tường liền chạy đến gõ cửa, gọi khẽ. Khi cô cùng mẹ con bác gái Hồ vào nhà, Nguyễn Phúc Kiểu vẫn ngồi trên giường, Hồ Thị Hoa đang quạt bếp nấu nước bên nhà.
“Ta vừa nhận tin Cai đội Hồ Văn Bôi được thăng Phó Vệ úy nên đến đây báo cho gia đình.” Thấy bác gái Hồ, Nguyễn Phúc Kiểu liền nói. Cậu ta đứng lên, bác gái Hồ cùng ba đứa trẻ vội quỳ rạp xuống cửa. Nguyễn Phúc Kiểu cười. “Cả năm nay trên chiến trường, an nguy của chúa công đều nhờ vào đội Túc trực, thưởng công bao nhiêu cũng không đủ. Trận Thị Nại đại thắng, tàn quân ở Bình Định sẽ bị bóp chết nay mai, các người bền lòng thêm một thời gian, hẳn sẽ được đáp đền xứng đáng.”
“Tạ ơn chúa công.” Mẹ Hồ Thị Hoa lại cúi đầu lạy tạ. Thác rằng đang bận việc, Nguyễn Phúc Kiểu cáo từ ra về. Thấy cậu ta ra đến cửa, mấy bóng người đang ẩn nấp trong vườn, sau nhà bên cạnh liền xuất hiện, hộ tống cậu ta rời khỏi. Đến lúc ấy, Tường mới lờ mờ nhớ tới những người đàn ông rải rác ngoài đường. Gia Định đang bị kêu vét nhân đinh, vốn chẳng có nhiều trai tráng trên đường đến thế.
Có lẽ ngay cả mẹ Hồ Thị Hoa cũng nhận ra sự bất thường. Nguyễn Phúc Kiểu đã ra về, cửa nhà đóng lại, bà ngồi bên bàn nhìn Hồ Thị Hoa nấu cơm, lau mặt cho mấy đứa trẻ.
“Cha con cuối cùng cũng được thăng chức rồi.” Bà bỗng khẽ lên tiếng. “Ba mươi năm theo chúa công mới được đến Phó Vệ úy, bao nhiêu là cực khổ.”
“Cha hẳn mừng lắm.” Hồ Thị Hoa chỉ cười trước ánh mắt của mẹ cô. Bà lắc đầu, rồi lại gật đầu.
“Cha con từng kể khi chúa công thất trận, chạy theo ngài chỉ có ba mươi người, trôi dạt ra hoang đảo chỉ biết bắt rùa, ba ba mà ăn. Khi chạy trốn khỏi Xiêm, tưởng như chỉ cần một cơn gió, một phát đạn là cả thuyền chết hết. Nhưng cũng như ông Nguyễn Văn Trị, công khó thì nhiều chứ chiến công chẳng bao nhiêu, người lại thật thà sơ suất, chúa công chỉ cho làm quân Túc vệ bên cạnh, cầm búa mà đi theo. Năm nọ xây thành khi ta đang mang thai con, chúa công thu cả tiền của quan tướng, cha con cũng đem nộp cả, nhà có lúc chẳng còn hạt gạo. Thân thuộc để nhờ cậy cũng chẳng có ai, làng Bình An chỉ gồm toàn những người họ xa lắc, cha con còn chẳng biết ông cố ba đời là thế nào, cha mình từ đâu mà đến Gia Định này.” Bà hướng mắt về phía chén trà vẫn để trên bàn, thở dài. “Nhưng ta lấy cha con từ những ngày cực khổ nhất, sinh cho ông ấy năm đứa con, chỉ vất vả đôi chút chứ chưa bao giờ phải nhọc lòng.
“Người đời nhìn cậu ấm vương tôn thấy giàu sang phú quý, lại chẳng thấy chuyện nhà của họ. Những người ở nơi ấy, vốn không phải người bình thường. Đời này ta lấy được một người chồng thật thà vững chãi như cha con, thường nói với người ngoài rằng ta có được một anh hùng. Khi cha con đưa lễ đến nhà, ta chưa từng biết ông ấy, nhưng ông ngoại con bảo cha con là một anh hùng. Gian khổ bao nhiêu ta cũng có thể chịu, chỉ đừng bắt ta phải sống như các bà ấy. Nhà sang quý chỉ nói luật lệ, không nói tình, cơ thiếp chỉ là hoa nở sớm tối, thân phận thật chẳng khác con hầu bao nhiêu, con mình chẳng được nhận, phận mình chẳng được quyết.” Khói bếp bay qua mắt bà mờ ảo như sương. “Có được một người như cha con mới là phúc phận của đàn bà. Con tính tình nhẹ dạ nông nổi, người lại yếu ớt hèn kém, muốn làm vợ lẽ nhà giàu cũng khó. Con gái có nhan sắc thường bị lầm vì nhan sắc, lầm người mà lầm cả mình, khi có chuyện xảy ra thì người ta lại chỉ chê mắng là kẻ ti tiện mà tham lam hư vọng.”
“Mẹ nghĩ gì thế?” Hồ Thị Hoa ngẩng lên, bật cười. “Cậu Tư đến đây có việc thật mà. Cậu ấy không muốn đưa cả đội quân vào phố nên đến một mình, mẹ nhìn lại tưởng tượng gì thế?”
“Ta chỉ nhắc nhở con. Còn mấy năm nữa con cũng đến tuổi cập kê rồi, xưa là lấy chồng từ tuổi mười ba, phải thận trọng mà hành xử.” Mẹ cô hạ giọng gần như hơi gió. “Bây giờ cậu ấy là con trưởng rồi đấy…”
“Hôm nay con cho thêm ít gạo mừng cha được thăng chức, mẹ nhé.” Hồ Thị Hoa vẫn cười, vẫy hai đứa con trai. “Cho chị xem hôm nay các em học gì nào?”
Hồ Thị Hoa gọi cả Tường đến, lật sách chỉ cho cô mặt chữ. Có lẽ do bóng lửa vừa thắp lên, Tường thấy đầu ngón tay Hồ Thị Hoa run khẽ trên trang giấy.
Cuối năm, gió bắc đem những đợt khí lạnh thổi qua Gia Định. Vùng đất này, nắng mưa đều mãnh liệt dạt dào, đất trời bất chợt biến chuyển chỉ trong khoảnh khắc.
Đầu năm Nhâm Tuất, những biến chuyển rúng động lại liên tiếp đưa tới: Quân Nguyễn đại phá Tây Sơn ở lũy Trấn Ninh, phá hủy hoàn toàn ý định khôi phục của Tây Sơn ở Bình Định. Tháng hai, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng phải bỏ Bình Định theo đường núi chạy ra Bắc.
Tháng ba, người từ Phú Xuân đến Gia Định đón rước gia đình chúa Nguyễn về Kinh.
Người trong nội cung lặng lẽ gói ghém đồ đạc. Qua một năm tang tóc liên tiếp, có vẻ họ chỉ muốn rời khỏi Gia Định càng nhanh càng tốt. Nhị phi cho những cung nhân trẻ rời khỏi thành về quê. Những công nữ nhỏ luyến tiếc Gia Định nhưng cũng đồng thời háo hức với Phú Xuân trong những câu chuyện kể, với một chuyến đi dài mở ra trước mắt. Quan tướng bảo nhau, chúa công muốn làm lễ lên ngôi ở Phú Xuân nên cần đón rước Quốc mẫu về sớm.
Những ngôi điện trong thành Gia Định dần được dọn quang, người làm trong thành dần thưa thớt. Súng đạn được hạ bớt, voi cùng chiến bị được đưa lên thuyền chuyển về phương Bắc, nơi một chiến trường mới được mở ra. Thành Gia Định bỗng chốc trở nên trống trải đến lạ thường.
Ngôi điện bọn họ từng tụ họp mùa thu năm đó chỉ còn vài chiếc đèn lồng treo bên cửa. Tháng ba, nắng oi ả phản chiếu trên dòng nước quanh quanh, mùi hoa thơm gắt cay cay. Các công nữ ngồi trong điện, bàn bạc về một chuyến đi vòng quanh thành trấn này lần cuối.
“Có lẽ chẳng bao giờ chúng ta quay lại được nơi đây.” Ngọc Anh bùi ngùi nói. Cô vẫn có niềm lưu luyến đặc biệt với Gia Định, nơi cô đã sinh ra.
“Có thể chứ, chị chỉ cần tuyển một Phò mã người Gia Định, rồi sẽ thỉnh thoảng được về thăm cha mẹ chồng. Phò mã nhận nhiệm sở ở đâu thì chị đi đấy.” Ngọc Xuyến vẫn cười nói. Cán quạt của Ngọc Anh đập vào vai cô.
“Các em sẽ đến Phú Xuân chứ?” Ngọc Quỳnh quay nhìn Hồ Thị Hoa và Tường. Cả hai cùng im lặng một lúc lâu.
“Bà em nhất định muốn về Bình Định. Nhưng nếu cha em ở Phú Xuân thì em sẽ đến đó.” Tường ngần ngừ nói. Cha cô đang giữ vị trí ngày càng cao trong quân, tuy nhiên vẫn chưa chắc chắn nơi sẽ ở sau khi đại định. Nếu cha cô là một viên tướng tòng chinh thì hẳn cô và mẹ sẽ phải ở Bình Định với bà.
“Cha em ở đâu thì nhà em ở đó.” Hồ Thị Hoa nói khẽ. “Nhà em không có thân thích, đều phụ thuộc vào cha cả.”
“Chú Hồ đã được phong đến Vệ úy thuộc dinh Túc trực, hẳn sẽ ở bên chúa công thôi.” Ngọc Xuyến vỗ tay cười nói. “Nhưng chúng ta về Phú Xuân gấp vì có việc phải làm, các quan hẳn còn phải nghe ngóng tình hình các nơi một thời gian nữa.”
“Em quê ở đây, vậy có thể muốn về là về rồi.” Ngọc Anh vẫn thở dài nói. Các công nữ khác kéo cô đứng lên, cùng đi đến nơi xe đã chuẩn bị sẵn trong thành.
“Bọn họ cứ bỏ mình đi như thế…” Đứng bên đường nhìn xe đưa các cô rời khỏi cổng thành, Tường bỗng nói. Hồ Thị Hoa chỉ cười.
“Bọn họ từ bé đã sống rất đơn giản. Hẳn họ đang nghĩ nếu nhớ thì chỉ cần nhờ chúa công gọi người đến mà thôi.” Ngừng một thoáng, cô nhẹ thở ra. “Chỉ có đất là không đem đi được.”
Cô nắm tay Tường dắt vào chào Quốc mẫu và Nguyên phi. Các công tử, phi tần cũng đang tụ tập trong điện bàn bạc về việc chia đặt. Ngoài Nguyễn Phúc Kiểu và Nguyễn Phúc Đài đã hơi lớn, các cậu khác đều đang được bế trên tay.
“Ta có mấy món này tặng các con.” Quốc mẫu vẫy hai người lại, gọi cung nhân đưa cho mỗi người một hộp nữ trang. Bà có lẽ cũng đã nhận được lời nhắn đặc biệt chú ý đến gia quyến của Lê Chất, chiếc hộp của Tường to hơn của Hồ Thị Hoa, nặng trĩu trong tay cô.
Nguyên phi xanh xao nhợt nhạt ngồi bên phòng, vẫn chưa hồi phục được sau cái chết của Đông cung Cảnh. Nhị phi đang cầm một tờ giấy trong tay nói chuyện với các cung nhân, chỉ gật đầu đáp cái chào của Hồ Thị Hoa, dặn dò vài lời khách sáo. Quốc mẫu cho các cô rời đi, Nguyễn Phúc Kiểu đưa họ ra đến cửa.
“Nghe nói chúa công đang chuẩn bị đánh ra miền Bắc.” Tới cổng điện, Hồ Thị Hoa cười nói. “Hẳn lần này ngài cũng dẫn cậu theo thôi.”
Dù sao thì cậu ta cũng sẽ đòi đi, nhìn vẻ mặt Nguyễn Phúc Kiểu, Tường nghĩ thầm. Đầu năm trước ở Gia Định, cậu ta phải đóng vai trò của cả Đông cung lẫn hoàng Hai để nghe việc trong ngoài khi bà và mẹ chỉ lo than khóc. Sự lêu lổng trước đây của cậu ta đã chuyển thành tính tự quyết, cậu ta vẫn chạy khắp thành nhưng để trông coi công việc, dự các buổi tế, tham gia các buổi tập luyện, tuyển quân, đóng tàu bè. Đêm đêm nghe nói cậu ta phải coi cả các buổi đổi canh trực tối, kiểm tra các cổng thành đóng chặt rồi mới có thể ngủ. Hoàng Hai mất, Nguyễn Phúc Kiểu được gọi đến quân thứ của chúa, cùng đi trong đoàn quân tới chiếm lại kinh thành cũ rồi lại trở về báo tin cho Quốc mẫu. Sau lần tham gia xuất quân ở Vụng Tàu, cậu ta cứ liên tục đi đi về về, đã quen hẳn với quân đội và những chuyến tàu. Lần này chuyến Bắc phạt quan trọng đến thế, há cậu ta chịu ngồi yên chờ ở Phú Xuân?
“Nhờ cậu để ý đến cha tôi nhé. Trước ông ấy chỉ là một Cai đội ở cạnh chúa công, bây giờ nhậm chức Vệ úy chưa biết phải làm những gì, có nguy hiểm không.” Hồ Thị Hoa lại tiếp tục nói. Ôm chặt hơn chiếc hộp vào mình, cô cúi đầu. “Chúc cậu và gia quyến chúa công đi đường mạnh khỏe, vạn sự bình an. A…”
Hồ Thị Hoa kêu khẽ, Nguyễn Phúc Kiểu đã nắm mấy sợi tóc trước trán cô giật nhẹ. Cậu ta chỉ vào chiếc hộp trong tay cô.
“Quốc mẫu còn phải tặng quà chia tay cho ngươi, mà ngươi chỉ đứng đây nói mấy lời thế là xong à? Phép tắc ở đâu rồi đấy?” Cậu ta nhìn vẻ mặt mờ mịt của Hồ Thị Hoa, mím môi. “Quả thật ngươi không đem theo gì sao?”
“Không…” Hồ Thị Hoa lắc đầu. Cô không đeo trang sức, trên người đến một cái hà bao cũng chẳng có để lấy cớ. Nguyễn Phúc Kiểu trong mấy năm nay vẫn đi đi về về, nhưng đây là lần đầu tiên cậu ta đòi quà từ biệt. Thấy vẻ bối rối của Hồ Thị Hoa, Tường liền nắm lấy tay cô.
“Gia Định đang đói, nhà chị ấy cơm còn chẳng đủ ăn, thời gian đâu mà nghĩ đến cậu.” Tường ngẩng đầu nói. Trận chiến ở phía Nam kết thúc, đưa về Gia Định một toán thương bệnh binh cùng lính trốn đông đảo. Kho lúa gạo dự trữ đã bị vét sạch, thuế khóa nặng khiến giá cả mọi thứ cùng tăng cao chưa từng có. Bữa cơm của nhà Hồ Thị Hoa đã phải độn thêm khoai sắn, bên ngoài đã có nhà đói.
Nguyễn Phúc Kiểu trừng mắt nhìn Tường. Đây gần như là lần đầu tiên cô nói chuyện trực tiếp với cậu ta. Dù vẫn thường ở trong một nhóm, cậu ta chẳng bao giờ để ý tới cô bé nhỏ xíu cạnh Hồ Thị Hoa. Lời bọn họ nói dường chỉ chung cho cả đám người.
“Trẻ con…” Nguyễn Phúc Kiểu nói khẽ. Hồ Thị Hoa kéo Tường về phía sau, lại nghiêng mình cúi đầu.
“Chúc cậu ra trận lập đại công, đi được nhiều nơi, thỏa thích nhìn ngắm mọi thứ.” Mái tóc lòa xòa che nửa khuôn mặt cô. “Lần này chia tay không biết bao giờ mới gặp lại, nhưng khi ra trận bao nhiêu việc, đất lạ bao nhiêu sự vật hay. Cậu bảo trọng, giữ gìn sức khỏe.”
Có tiếng người gọi trong điện, Hồ Thị Hoa cúi chào Nguyễn Phúc Kiểu lần cuối, dắt tay Tường quay đi.
“Chị…” Tường ngẩng nhìn Hồ Thị Hoa, thầm thì. Khuôn mặt Hồ Thị Hoa vẫn an ổn, cô ngước lên bầu trời trên những tán cây hai bên đường ra khỏi thành.
“Nhiều người rời đi thật.” Hồ Thị Hoa khẽ khàng. “Có nhiều người, chỉ cần quay đi là sẽ chẳng bao giờ gặp lại.”
Như chú Trí nhà bên, như ông Đào trong ngõ. Xác họ chuyển về từ phương Bắc trong một tấm chiếu mỏng. Thậm chí nhiều người chỉ có tin báo tử cùng mất tích. Gia Định những năm này, lạnh lẽo thê lương.
Vậy thì, thêm vài người ra đi nữa có khác gì đâu?
Ngày thuyền đưa gia quyến vị chúa rời khỏi Gia Định, Hồ Thị Hoa và Tường vẫn đứng trong hàng ngũ thân nhân các quan đưa tiễn. Vẫn lớp lớp quân kỳ, tiền hô hậu ủng, chỉ không còn vẻ huyên náo choáng ngợp của buổi xuất quân khi xưa. Hồ Thị Hoa ngẩng nhìn các công nữ, công tử trên thuyền, mỉm cười vẫy tay chào. Các công nữ đến bấy giờ mới bật khóc, những cung nhân cùng nghẹn ngào.
Lại là một ngày mùa khô nắng gay gắt bỏng cháy hắt đến từ phía đầu sông. Hồ Thị Hoa lại nắm tay Tường ra về trên con đường vừa thoáng qua đã vắng. Lính thu dọn cờ quạt đưa về khu thành cổng nửa khép nửa mở. Mọi việc trong thành vẫn diễn ra, công đường cùng các khu nhà vẫn đang làm việc. Chỉ là khu nội điện đã đóng cửa chuẩn bị chuyển vào chức việc mới, người ta cũng đang bàn bạc khóa chặt nhà Thái miếu không cho ai lui tới. Chỉ là trong thành đã vắng đi một gia đình ríu rít tiếng trẻ con.
Rồi dần dà, sẽ chẳng còn ai nữa. Tường nhìn khu thành và những khu phố ngang dọc trong lòng nó, thầm nghĩ. Mọi người đang bàn bạc chuyện về quê, người ở gần thì sẽ chuyển ra khỏi thành hay về làng sinh sống khi đội quân Túc vệ được giải tán. Gia Định đang trở nên ngặt nghèo đối với họ, giấc mơ từ nơi chốn cũ đang vẫy gọi họ.
Trong số đó, có những người chẳng hề hay biết mình không bao giờ quay lại được nơi đây. Có những người trên con thuyền rồng ấy, chẳng hay biết rằng mình sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội quay trở lại.
Thành trì ấm áp ánh lửa, giăng giăng ngõ ngách xôn xao. Dòng sông tràn bóng nắng. Tán thị rợp che nghiêng mái ngói lưu ly. Căn phòng kín nghe gió mưa ngoài cửa. Và cả cầu vồng chiều hôm ấy. Tất cả đã vĩnh viễn chẳng thể quay về.
Chú thích:
[1] Hưởng hồ của Lê Quang Định