*lưu ý là mềnh hông chuyên về thời kỳ này, nên nhiều dữ liệu chỉ là lụm lặt khắp nơi*
Họ hàng là cái chi chi
Ai cũng biết rằng Trần Thủ Độ cướp ngôi nhà Lý rồi giết con cháu nhà Lý bằng hết. Nhưng có mấy ai thắc mắc 1 chiện: Trong chuyện tranh ngôi giành vị của họ Trần với vua Lý có thấy "con cháu" nhà Lý ho he gì đâu, thậm chí có vai trò ảnh hưởng, nhúng 1 ngón tay ngón chân nào vô đâu - vậy mà giết làm giề vậy?
Bác TCĐT túm tắt lý do bằng 1 từ "cướp đất".
Hồi trước mềnh đã lảm nhảm 1 hồi về các gia tộc trong triều Lý và chiện các gia tộc này oánh nhau (có phần đóng góp tích cực của vua Lý). Thiệt ra thì... khuyến khích đọc Đông Chu liệt quốc để hiểu về cái cơ cấu thiên tử - chư hầu này. Thiên tử cũng có 1 phần đất, mỗi chư hầu có 1 phần đất, nhưng rồi chư hầu có thể mạnh lên, trở thành "trùm" với các chư hầu khác, "bắt nạt" ngược lại thiên tử. Dù phải mất thời gian cực kỳ lâu mới có chư hầu diệt thiên tử - Vì các chư hầu kềm hãm lẫn nhau, không cho phép có thằng vượt mặt đụng chạm đến thiên tử, có chiện là 1 đám hò nhao "bảo vệ thiên tử" liền à, dù thường ngày chúng nó có thể chả thèm nhìn thiên tử đâu. Nên thiên tử chỉ có thể bị diệt khi có 1 thằng mạnh nhất dọa mấy đứa kia sợ hết hồn không dám làm gì, hoặc là số "nước phong" còn lại rất ít, thực lực đồng đều, và thằng nào cũng coi mình ngang thiên tử ra mặt rồi, thiên tử sống chết chả ảnh hưởng đến nó cũng như thằng kia.
Quay lại với chính biến cuối triều Lý, khi họ Phạm Đằng Châu nổi loạn, không những họ Lý chả ai ra mặt mà cả họ Lê họ Đỗ họ Ngô cũng "mất tích". Cả họ Đàm của Thái hậu cũng thuộc loại có tiếng không có miếng. Cao Tông phải dựa vào họ Trần "ngư dân", gọi 1 anh họ Nguyễn về đánh nhao hộ (rồi anh tếch đi lập đất khác). Vậy câu hỏi đặt ra ở đây, mấy họ đó đâu rồi?
Lý do lớn nhất là họ không được đất phong, do đó cũng không có binh quyền. Khi quyền điều động chư hầu của "trung ương" mất thì họ cũng bó tay, ví dụ như họ Đàm. Binh lực của vua Lý chỉ nằm trong đất vua Lý. Và lý do các họ "không được phong" lại nằm hết trong triều thì là do quá trình "tập trung hóa" của vua Lý tạo thành. Các dòng họ "sứ quân" đã dần dần bị loại bỏ, mà đỉnh cao là cuộc "thanh trừng" của Đỗ Anh Vũ. Khi ấy, ở các địa phương, chỉ còn dòng tộc họ Lý nắm quyền.
Nếu nhớ đầu thời Lý, Lý Thái Tông đi đánh "vương làm phản" được phân phong ở Ninh Bình thì sẽ nhận ra các hoàng tử nhà Lý vẫn được phân phong làm chủ các nơi - cũng như Lê Long Đĩnh làm vương ở Đằng Châu cùng với sứ quân họ Phạm cũng Đằng Châu. Khi loại bỏ thế lực "xưa cũ" thì chỉ còn họ hàng nhà Lý làm chủ.
Vầng, và có 1 câu thời Lý Cao Tông lý giải cho tất cả "Phạt đánh 50 trượng người không đến dự hội thề Đồng Cổ".
Hội thề này đóng vai trò như "hội họp chư hầu" của các "minh chủ" thời Xuân Thu. Thằng nào không đến, vui thì "minh chủ" cho người đến hỏi lý do, buồn thì minh chủ họp quân chư hầu đi "phạt tội". Và rõ ràng, có người không thèm tới nên mới đặt ra luật phạt.
Rồi khi "có chuyện", tất cả cũng im lìm. Họ Trần có nhõn 1 rẻo đất Nam Định cũng đi đánh được vua, lon ton đi "dẹp loạn" khắp nơi. Vài đứa chiếm được mảnh nào thì chiếm (cũng bé tẻo teo) mà đánh nhau như thật. Nguyên dải đất phía Nam "thiện chiến" bậc nhất im ru bà rù cho mấy ông (bé teo) oánh nhao.
Hiện trạng làm ta nhớ đến cuối triều Trần, quân Chiêm dung dăng dung dẻ chạy từ Nam ra Bắc 3 lần như chỗ không người. Vua đem quân (của mình) đi đánh được thì đánh, không đánh được thì chạy. Mà ngay cả thời trước, Ô Mã Nhi vừa ới 1 tiếng thì dòng Trần quản Nghệ An đã đầu hàng cả lượt. Vua Trần chỉ có chỗ dựa (hay chọn chỗ dựa) ở ông họ Hồ bên ngoại, được mấy ông họ hàng "còn xài được" thì kẻ chết kẻ bị giết. Sau khi họ Hồ tiếm ngôi, cũng rất "êm đềm" tiễn họ Trần đi cả lượt, rồi mấy vùng đất chả có "minh chủ" giữ vỡ như ong.
(Chiện đánh nhau của thiên tử - chư hầu là khi có chiện muốn đánh nhau, thiên tử sẽ kêu gọi chư hầu đem quân của mình đến "đóng góp", ờ, góp cả tiền lương chiến cụ binh xa này nọ kia nữa. Nên thấy thiên tử bơ vơ đánh nhau 1 mình là biết có chuyện rồi đó.)
Nhưng mà họ Trần là 1 quá trình đi ngược với họ Lý. Từ "tập quyền cho dòng họ", đến Trần Minh Tông đã xung đột với ông bố vợ, bỏ luật cưới vợ trong họ. Có thể các quan "bên ngoài" cũng được đưa vào rất nhiều, giảm ảnh hưởng của họ Trần ở trung ương. Rồi quá trình "mạnh ai nấy sống" ở các địa phương cũng phát triển. Ủa, khi Chiêm đánh vào, liệu có ai nhớ con cháu của các "anh hùng chống Nguyên" ở đâu rồi không?
Ờ, chỉ oánh Thăng Long, lấy đồ của vua chớ có động gì đến mềnh đâu, nhở.
Nói tóm lại là... họ hàng là cái chi chi? =____=
---
Lần trước thắc mắc về ý kiến của bác TCĐT với Lê Long Đĩnh: Theo ý bác thì LLĐ bị "kỳ thị" vì mâu thuẫn của tập quán Chiêm Thành bên mẹ với "triều đình Hán hóa" đó. Ngay lúc ấy đọc đã thắc mắc: Chả phải cái "triều đình" đó mới mấy chục năm trước xẻ thịt Đỗ Thích chia mỗi người 1 miếng hở? Hay cả mấy trăm năm sau, triều đình thời Trần vẫn xẻ thịt ăn gan, gia nô vương gia cắt thịt kẻ thù ăn sống sạch bách đó sao? Xã hội VN cho đến tận ngày nay vẫn còn nhất định chém ngang lưng heo giữa sân đình, đâm trâu máu me be bét - vậy thì cớ gì cả ngàn năm trước đi kỳ thị ông ăn thịt mèo cho được?
Ngay cả nói "Hán hóa" thì vào thời Tống, mấy "anh hùng Lương Sơn Bạc" vẫn còn đang mở quán bán bánh bao thịt người, cắt tai cắt mũi người như trò chơi. Hán này là Hán nào? Việt này là Việt nào?
Nói "dã man tàn bạo" thì xin lỗi chớ LLĐ còn chưa bì nổi ngay với cha, giết dân của cả 2 châu "người chết vô số" chả có cái tội gì. Khi viết những dòng mô tả như thế (mà thật ra có mấy phần giống chuyện Trụ vương bên Tàu), sử gia hẳn muốn nói tới chuyện "tính tình quái gở". Có kiểu hung tàn như Lê Hoàn, giết vô số dân mà chả có phốt đời tư, lại cũng có kiểu như LLĐ, toàn đi trừng trị tội phạm với kẻ thù mà ngàn đời mang danh "dã man tàn bạo". Cái này do tính khí mà ra.
Và 1 điều nữa rất quan trọng: Triều đình của họ Lê "Hán hóa" đến mức nào? Xin lỗi, những ông "Hán hóa" làm loạn 12 sứ quân đã bị diệt gần hết rồi. Khúc Thừa Dụ là Tiết độ sứ của TQ phái xuống, nhưng Dương Đình Nghệ khởi binh từ Ái châu (Thanh Hóa), là người dân tộc. Và tổ chức gồm đủ loại người Tàu Việt Mường của ông phân rã, để cho Đinh Bộ Lĩnh lại mang 1 đám người "không xuất xứ" đánh dẹp toàn bộ. Trong dư luận sau này, tổ chức của Đinh Bộ Lĩnh vẫn là "1 đám dân giang hồ". Lê Hoàn cũng không ngoại lệ.
Còn đám người "quý tộc", "Hán hóa" kia, dòng dõi của những Tiết độ sứ, Thứ sử... phần bị diệt, phần gia nhập với họ Đinh. Nhưng ngoài họ Phạm (mà vai trò quan trọng ở phía sau), Ngô Nhật Khánh sau này làm phản, và người họ Dương cũng làm phản, rụng dần dần.
Nhắc đến họ Dương, Ngô, phải nhắc đến Thanh Hóa. Dương Đình Nghệ khởi binh từ Thanh Hóa, và thông gia họ Ngô, Ngô Xương Xí cũng là sứ quân giữ Thanh Hóa, cơ đồ của họ Dương. Đinh Bộ Lĩnh không đánh Ngô Xương Xí, mà theo nhiều tài liệu đã kết hôn với 1 người họ Dương để liên kết với nhau. Nhưng sau này hẳn cuộc liên kết này không cơm lành canh ngọt cho lắm, khi Ngô Nhật Khánh làm phản, rạch mặt vợ kể tội "Cha mày ác với tao".
Và 1 người họ Dương khác sau này đến Thanh Hóa kêu gọi Chiêm Thành, bị Lê Hoàn kéo quân đến giết sạch dân của 2 châu.
Còn 1 người họ Dương khác trong triều đình, đưa Lê Hoàn lên ngôi. Nhưng nhìn hành động của người họ Dương sau đó, cái án "tư thông" này không biết mấy phần là thật - Hay chỉ như Ngô Thì Sĩ nhận định: Lê Hoàn nhân lúc rối ren, kéo quân Phạm Cự Lượng đến bao vây mẹ góa con côi, lúc đó muốn gì chẳng được.
Chưa nói tới, việc xảy ra sau khi toán quân khởi từ Thanh Hóa của 4 tướng dưới quyền Đinh đế đã bị dẹp hoàn toàn. Nghĩa là Dương hậu có thực sự là dòng dõi Dương Đình Nghệ thì cũng chẳng còn chút thực lực nào. Lê Hoàn cũng như Đinh Bộ Lĩnh cưới Dương hậu chỉ để lấy danh nghĩa cai trị 1 vùng đất "khó nhằn" bậc nhất trong lịch sử VN.
Mà nhắc đến họ Phạm, cần nhắc đến vai trò Phạm Cự Lượng, người đưa quân về suy tôn Lê Hoàn lên ngôi. Họ Phạm là 1 "cựu sứ quân" - Nghĩa là, đây rốt cuộc lại là cuộc tranh đấu của những dòng họ lâu đời. Nhưng họ Phạm sau này không còn vai trò nào nữa. Kéo dài cho đến triều Lý, lại xuất hiện 1 họ Ngô khác dưới triều Lý Thái Tông: cha của Ngô Tuấn - Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt thuộc dòng dõi Ngô Xương Ngập, đến lúc ấy lại tái xuất hiện.
Nói tóm lại là, ngoại trừ họ Phạm sứ quân nhiều đời, trong triều họ Lê còn ai danh gia vọng tộc, còn ai mang văn hóa Hán lâu đời, và họ có ảnh hưởng được bao nhiêu? Lê Hoàn có ông Thái sư người Tống, nhưng tiếp đón sứ Tống vẫn bị nhìn bằng cặp mắt "khoe mẽ", vẫn chả có thực tâm coi Tống là thiên tử gì ráo. Bảo Lê Hoàn không có thụy hiệu thì Đinh Bộ Lĩnh cũng đâu có. Thụy hiệu chỉ có từ Trung Tông, nghĩa là dưới thời LLĐ (hay Lý Công Uẩn).
Mọi điều đều cho thấy trong triều đình Ninh Bình này, dù có sắp xếp theo thể chế TQ, vẫn là "có vỏ không có ruột", thậm chí cái vỏ cũng chưa xong. Như LLĐ đi xin sách từ Tống về, thì có vẻ như đến Lễ ký ghi những phép tắc cơ bản nhất còn chưa có.
Nhưng trong thời Lý "trọng Phật giáo" ấy, chỉ sau 2 đời đã cho xây Văn Miếu thờ Khổng Tử. Việc học Nho học rời rạc và chút ít phong hóa từ dân TQ di dân truyền sang đã bước đầu trở thành hệ thống. Như vậy, ảnh hưởng này đến từ đâu? Ngoài nhu cầu thiết lập một cơ cấu, đạo đức xã hội "quân sư phụ" để ổn định, điều mà Phật giáo không làm được, thì "lực đẩy" cho Nho giáo trong triều Lý đến từ đâu? Có vẻ chẳng phải miền đất phía Nam "chỉ giỏi mỗi chuyện đánh nhau". Như đã nói trên, triều đình Hoa Lư chả có "lễ nghi" gì cho nó đúng.
Mà như đã nói trên nữa, hành động của LLĐ dù có quái dị đến đâu thì xét tới xét lui nó cũng chả kinh thế hãi tục với mấy ông Việt Tàu cho lắm, so với cả người trước lẫn người sau. Sử thời Lê chép thì có vẻ ghê gớm, nhưng trong thời đại đó thì chưa đủ là lý do để đá 1 ông vua xuống. Cái gọi là "khác biệt văn hóa" càng lạ, thời Lê cho 1 đống người Chiêm vào Đông Kinh, vua Lê lấy vợ Chiêm cũng có, chẳng ai nói đến kỳ thị gì. Thì trong 1 cái thời, xin lỗi chớ - Chiêm Thành giành độc lập từ khuya rồi, chả biết thằng nào hơn thằng nào - có gì để mà "kỳ thị"? Trong 1 cái thời mà kéo dài cho đến hết thời Lý, các công chúa còn phải bị gả cho tù trưởng, hào trưởng để liên hôn, thì "kỳ thị dân tộc" hay cảm thấy "hành vi dân tộc quái lạ" nó có... hơi bị quái lạ không? Người Việt đến cuối thời Lê (hay tận thời này) vẫn còn ăn cóc, nhện, bất cứ con quái dị gì, thì lăn tăn chi cái chuyện... con kia ăn được?
---
Quan hệ của Lý Công Uẩn với họ Ngô-Dương thật ra lại rất mật thiết: LCU lấy con gái của Dương hậu.
Vầng, từ điều này đã suy ra được quan hệ ẩn giấu giữa LCU và các vị quan Thanh Hóa đã nói ở bài trước trước nữa. Điều này cũng khẳng định điều bác TCĐT nói (mà nhiều người cho rằng ngược lại), là LCU dời đô không hẳn liên quan đến sự chống phá của "đất khách" với vị vua Bắc Ninh, vì chẳng thấy sự chống phá nào ngoại trừ "man Cử Long" đánh mê mải từ Lê đến Lý. Ngược lại, các võ tướng Thanh Hóa (hay tổ tiên liên quan Thanh Hóa) là bức chắn chống đỡ cho suốt đầu triều Lý. Và những "người TH' này chọn phò trợ Lý Thái Tông, cháu Dương hậu, chứ không phải tam vương kia là điều... dĩ nhiên.
(Nhắc đến họ Dương lại nhớ 1 bà hậu họ Dương khác: Thượng Dương hoàng hậu bị Ỷ Lan bức tử. Bà hậu không con cũng không được chồng yêu, có quyền hành gì (khi Ỷ Lan đã phụ chính lúc Lý Thánh Tông đi chinh chiến), mà vẫn giữ được ngôi, vẫn chia được nửa chức Thái hậu với Ỷ Lan thì "chỗ dựa" cũng phải lớn thế nào.)
(PS2: Nếu có gia phả họ Ngô Dương để xem sau khi họ Ngô (LTK) trừ khử họ Dương trong triều, chuyện gì xảy ra thì vui.)
(PS3: Ỷ Lan họ Lê, ít ai biết nhưng 3 người họ Lê Ỷ Lan, Lan Xuân (Phụng Thánh phu nhân), Linh Chiếu hoàng hậu lần lượt là vợ của Lý Thánh Tông rồi Lý Thần Tông. Và điều ít ai biết hơn nữa: Họ Lê này là dòng dõi của... Lê Hoàn. Vầng, xin lỗi người tin cổ tích, không có Lọ Lem cũng không có cô Tấm gì trong "thôn nữ tựa cây lan", hoàng tộc thất thế thì có đó.
Và họ Lê này giữ vai trò phế lập suốt 3 đời vua sau này: Nhân Tông, Thần Tông, Anh Tông. Mà sự tư thông của bà hoàng Linh Chiếu với Đỗ Anh Vũ cũng hất nhà Lý xuống bùn luôn.)
Như vậy, nhờ hệ thống liên hôn mà họ Lý đã có được sự "bình yên" tạm thời ở "điểm nóng" Thanh Ninh, dù lấy ngôi của ông vua Ninh Bình. Nhưng từ đây lại đặt ra câu hỏi: Lý Công Uẩn là người như thế nào mà lại lấy được con gái của Dương thị - 1 người trọng-yếu như thế?
Trước tiên, với tính cách của Lê Hoàn, LCU phải là người... không đe dọa được đến họ Lê. Xuất thân con côi, cha nuôi là sư, thầy dạy cũng là sư, thuộc loại tứ cố vô thân (nghĩa đen luôn). LCU lại có vẻ trung thành với họ Lê (theo cách đối xử với Trung Tông).
Và 1 điều thuộc diện nghi vấn: Mẹ LCU họ Phạm, dù sử ghi chỉ là bà giữ chùa, nhưng đến thời Lý Thái Tông cho xây miếu thờ Phạm Cự Lượng ngay tại đền Ngự sử của Văn Miếu để "tỏ rõ sự linh thiêng sáng suốt". Ờ, thiệt tình thì mấy "giấc mơ" thần tiên của vua chúa chỉ để làm màu là chính, nhưng tại sao lại là Phạm Cự Lượng?
Mà thật ra, họ Phạm là hào trưởng của đất Đằng Châu - khu vực mà Lê Long Đĩnh đến thụ phong vương sau này. (Đây gọi là đường nào cũng đến La Mã.) Dù LLĐ đã đứng ra xin chức thái tử nhưng Lê Hoàn không làm gì để kiềm chế người con này, có phải là lòng tin vào con quá cao? 1 trong 2 lý do: Lê Hoàn cảm thấy có thể kiềm chế được LLĐ, hoặc đã không thể làm gì để kiềm chế được nữa. Theo tính cách Lê Hoàn thì điều sau rất khó xảy ra, nhưng LLĐ đã làm gì để thu phục LCU thì cũng... không ai biết.
Vầng, và nhìn trên bản đồ, từ Thanh Hóa đến Hưng Yên với điểm giữa là Ninh Bình đã kín chỗ cho các họ tộc "nguy hiểm". Chỉ còn 1 địa điểm nằm giữa Hưng Yên - Bắc Ninh là nơi đóng quân cũ của sứ quân Lý Khuê, gần nơi sinh LCU. Dù LCU chỉ là con nuôi và họ Lý này là "đi mượn", thì cũng khó hiểu tại sao các sư lại tỏ thái độ tích cực như vậy với 1 cậu bé chỉ mới 3 tuổi?
Mà nếu như nhìn quanh LCU, nhận ra tất cả "mối dây" của Ngô Dương Đinh Lê Lý Phạm trải suốt từ Bắc đến Nam miền đông bắc đều đến lúc kết tụ buộc vào quanh 1 người, tất nhiên người đó lên ngôi sẽ hết phân tranh.
Hay người ta gọi "Càn khôn bĩ rồi lại thái", hoặc là... đến lúc nó thế.
---
Quay trở lại với tranh chấp quanh ngai vàng Tiền Lê, như đã thấy, chìa khóa của việc này là quyền lực của những hào trưởng, thủ lãnh, họ tộc chứ không phải là mâu thuẫn văn hóa. Trong suốt thời nhà Lý, mâu thuẫn văn hóa khá là ít, lý do có thể vì... người VN chẳng giỏi triết học để mà mâu thuẫn với nhau. Trừ những đạo nói ra lời như ông Khổng ghét thần ma, Phật Nam tông chỉ thờ 1 Phật, còn thì đạo thần tượng cỏ cây hoa lá mưa gió bão, sơn tặc thổ địa gì cũng thành thần được tuốt, đạo Phật bảo ai cũng là Phật, Chân Như huyền không thì ngàn thần cũng chỉ là hóa thân của Phật, đạo to là chung nhất vân vân, nói chung rất thích hợp với người VN.
Cho nên sử gia thời Lê còn ghi thắc mắc vào chỗ đám tang Ỷ Lan: Tuẫn táng là tục nhà Tần, hỏa táng là tục đạo Phật, trộn chung với nhau nghĩa là thế nào?
(Nói về tục tuẫn táng, trong sử sách VN thì đến tận Lê Thái Tông mới ra lệnh bỏ tục tuẫn táng. Trong khi ở TQ thì đời Hán, khi bắt đầu áp dụng Nho học, đã cho bỏ tuẫn táng rồi - tuy vẫn có vài vụ vì xử trị nhau mà bắt người nào đó chết cùng "chôn theo", hay các vua đầu đời Minh bắt cung phi tuẫn táng, nhưng đó không phải là đạo lý Nho giáo mà có thể tục lệ rơi rớt lại của Mông Cổ. Ngay trong thời Chiến quốc, Thân Công Báo đã đả phá tục lấy người tế thần, Khổng Tử, Mạnh Tử đã chỉ trích tục tuẫn táng. Nhưng ở VN vào thời Lý vẫn thấy vua vứt người tế sông Hồng, triều đình vẫn dùng người tuẫn táng - Cho thấy văn hóa, đạo lý Nho giáo hay "Hán hóa" vẫn chả là cái đinh gì để mà đòi "mâu thuẫn".)
(PS2: Không rõ tục tuẫn táng có được thi hành "triệt để" trong triều Lý hay không, nhưng 2 lần sử ghi hành động này thì cả 2 lần đều liên quan đến bà hoàng "hiền lương, mộ Phật" Ỷ Lan. Lần đầu là bức tử Thượng Dương cùng 72 cung nữ, lần 2 là trong chính đám tang mình bắt người hầu chôn theo. Sử quan ghi là tục nhà Tần chứ thời gian này hay ngay cả thời gian dài sau đó tục này vẫn còn ở rất nhiều vùng châu Á.)
Lại nói về chuyện xin sách của Lê Long Đĩnh. Đạo Phật ở VN phát triển rất sớm, có thể ngay vào thế kỷ 2,3 sau CN, nghĩa là trước thời Lê-Lý phải 6-7 trăm năm - Với trung tâm Luy Lâu (Bắc Ninh) nổi tiếng ngay từ thời Đường. Không biết các nhà sư VN khi ấy theo tông phái nào, nhưng vẫn thường có người đi sang Ấn Độ học hay nhà sư từ TQ đi qua. Vào thời Lý, tông phái mạnh nhất ở VN là Vô Ngôn Thông, tuy cho là phái Thiền tông, nhưng từ tôn chỉ cho đến trước tác của các tác gia đời Lý đều ảnh hưởng rất mạnh Duy thức tông.
Nói 1 cách đơn giản, có thể dùng câu "Sắc tức thị không, không tức thị sắc" để biểu thị cho Duy thức tông, ý "tất cả các pháp đều từ tâm sinh". Tâm này mang sẵn nghiệp của quá khứ, tạo thành "ảo ảnh" mà con người cho rằng có thật. Và thơ Phật thời Lý đều xoay quanh sắc sắc không không - so với thơ văn thời Trần lại nói đến ý Không của cuộc sống nhiều hơn. Lý tập trung vào tâm thức, Trần chủ ý lại là chiêm nghiệm.
Thiền tông dung hòa giữa Trung quán tông và Duy thức tông, con người không có tự ngã nên chỉ là Không, tất cả đều do duyên tạo thành, rồi thế giới bên ngoài lại theo cái tâm ấy để thay đổi, tác động ngược trở về. Trung quán cho rằng Duy thức quá chú trọng cái tâm thức, mà cái tâm này thậm chí còn không thật, không có sắc không mà chỉ là không. Thiền tông, khi kết hợp với Lão và Nho, phát huy chữ Không này lên đến tột đỉnh "gặp Phật giết Phật". Cũng cùng tập trung vào thiền quán, nhưng trong khi Duy thức tìm "tâm" thì Thiền tìm "ngộ". Chữ ngộ này các tông phái khác nhau lại hiểu theo kiểu khác nhau.
(Cho nên thiệt ra là đừng tưởng cứ nói "theo Phật" là tùy tiện treo hàng đống kinh thư lên miệng nhân vật, đều cho rằng cần ngồi tụng kinh gõ mõ lạy Phật. Sợ nhất là cứ đem kiểu Tịnh Độ áp lên mấy ông Thiền. )
Duy thức cực thịnh vào thế kỷ 6, và có 1 thành viên rất nổi tiếng: Đường Tam Tạng. Nhưng cũng đồng thời, vì quá chú trọng đến lý luận, kiến giải tâm thức này nọ kia mà dẫn đến việc chia bè rẽ phái ai cũng nhận mình là Chân lý. Và như đã nói trên, đọc rồi thì cảm thấy thiền phái đời Lý mang ảnh hưởng Duy thức rất nặng, nhiều khi đem mình và ngoại vật tách rời ra hẳn. Đặc biệt, với những "truyền thuyết" sư tu thành chính quả là bay lơ lửng trên trời, tỏa hào quang sáng chói vân vân, đạo Phật này vẫn mang nặng tính... mê tín mà nhiều người cho rằng có liên quan tới Mật tông.
(Thật ra mình hông tin người VN ngấm được Mật tông, cũng chỉ vì... khả năng triết học quá ít, mà Mật tông coi vậy thôi chứ yêu cầu rất cao. Vẽ mấy lá bùa, chế mấy bài thuốc, làm mấy trò ảo thuật thì có chứ về "ma thuật" thì còn thua mấy dân tộc miền núi. Dân tộc người ta còn có mấy loại bùa pháp nổi tiếng chứ cả ngàn năm dân tộc VN có loại bùa chú nổi tiếng nào?
Còn chuyện bay lơ lửng, tỏa hào quang... thì đó là phong khí chung thời Lý,. Như đầu thế kỷ 20 mà còn rất nhiều tôn giáo đi tuyên truyền bằng cách chữa bệnh hiểm nghèo, bằng súng đạn bắn không thủng, bằng abcxyz truyền thuyết huyền huyễn các loại. Tất cả đều cần có 1 "sức mạnh thần quyền" to lớn, rồi đến lượt nó được phủ lên tấm màn toàn huyền thoại.
Như mình từng nói chớ, người thành công ở lịch sử VN có thể không cần gia thế chứ nhất định phải cần... thần thế. Gia thế ở VN chả là cái đinh gì, nhưng... kiến đục lá bàng là đủ cho Lê Lợi gọi người, và trước hay sau, sớm hay muộn, các "thiên tử" cũng phải tự biến mình thành "đại diện được trời chọn". Và anh người Anh lai Việt đanh-đá-cá-cày Baron tổng kết bằng 1 câu nói được lịch sử ngàn năm chứng minh: "Chỉ cần 1 lão thầy bói linh tinh lảm nhảm là đủ nguyên cớ để nổi loạn".)
À mà nói tới đâu rồi? Ờ, Luy Lâu tại Bắc Ninh là trung tâm Phật giáo VN, cùng với Đại La thi thoảng xuất hiện trong các chuyến đi của giới tăng lữ từ phương Bắc xuống. Mà muốn trở thành nơi văn hóa phát triển, tập trung nhiều tăng lữ như vậy, nơi đó cũng phải là nơi thông thương trù phú. Sau thời Đường, Phật giáo lan tỏa khắp nơi, và có thể đã chiếm đa số nơi này.
Nhưng trong triều đình Đinh Tiên Hoàng lập nên, ta thấy cả nhà sư mà cũng có cả đạo sĩ. Không rõ thái độ của Lê Hoàn với tôn giáo như thế nào, nhưng đến đời LLĐ thì thấy "thái độ" với sư, khinh thường với ma. Cái thái độ lập lờ của đất Thanh Hóa với tôn giáo còn thấy kéo dài cả tới thời chúa Nguyễn, khi ông thì thích Lão, ông tôn Phật ông trọng Nho, không có cái kiểu vua vào ngồi ở Thăng Long là phải chú trọng đình chùa (Ngay cả Huế rồi cũng thế. Mà xung đột tôn giáo thời... Ngô Đình Diệm càng cho thấy là thế).
Điều này do bản chất của vùng đất Trung Bắc bộ tạo thành. Bác TCĐT từng cho rằng "man Cử Long" là người Nam Chiếu - mà tổ tiên chúa Trịnh cũng là người Nam Chiếu. Sau này, với những đợt biến động lịch sử từ TQ, người phía Tây Nam TQ kéo xuống rất nhiều, có dân tộc xuống đến Tây Nguyên - khác với vùng biển phía Đông thu nhận hầu hết là người Hán từ Lưỡng Quảng. Các "động man" này đến tận thời Minh Mạng mới bị giải tỏa thành làng xã (sau khi quậy triều đình chịu hết nổi ), rất nhiều vùng bây giờ cho là "người Kinh" chứ chỉ hơn 100 năm trước thì không phải đâu. Vì thế, sự độc tôn 1 thứ tôn giáo nào đó, coi nó là "quốc giáo" với họ nó vừa không thực tế, vừa... quá độ.
Cho nên, bây giờ ta quay lại với điều xưa cũ: Hành động của LLĐ sẽ chọc đến nhiều nhất là người theo Phật, mà nói chung là số đông tin thần tín thánh. Ta hãy chạy đến... cuối đời Lý. Nguyên nhân đầu tiên gây nên sự sụp đổ của nhà Lý là vua Cao Tông giết chết Phạm Bỉnh Di, khiến tướng của Bỉnh Di tạo phản. Sử không ghi ông là ai, nhưng Bỉnh Di cất quân từ Đằng Châu đi đánh Phạm Du. Vầng, là họ Phạm ở Đằng Châu. Sau khi Đỗ Anh Vũ một tay diệt hết họ Dương, Nguyễn cùng bao nhiêu người khác chưa rõ, tôn thất nhà Lý chạy sang Cao Ly rồi, chỉ cần họ Phạm Đằng Châu tạo phản, vua Lý phải chạy khỏi kinh thành không còn nương nhờ được ai ngoài 1 họ Trần xa lạ. Nghĩa là triều đình còn lại hầu như trống không, các họ Đàm Đỗ Lê giết nhau trong triều thì giỏi mà đụng chuyện đánh nhau là ngơ.
Lần trước mình nói chớ họ Phạm sau cuối Tiền Lê, đầu đời Lý không còn thấy được ghi vai trò gì, chỉ "đột nhiên" nổi bần bật cuối đời Lý, hầu như là danh tộc cuối còn sót lại sau khi triều Lý "thay máu". Thật ra sử có những khoảng trắng rất là "bí hiểm".
---
Như đã nói trước về lịch sử Phật giáo ở VN, tôn giáo này đã "có mặt" ngay sau thời kỳ nhà nước bộ lạc sụp đổ, và do đó, đã trở thành 1 loại "tôn giáo nền tảng" cho bộ phận người sống tại Đông Bắc bộ gần 1000 năm trước khi tự chủ. Do đó, không có chuyện "nhà nước đem tôn giáo thành quốc giáo" mà chỉ có "nhà nước thuận lợi cho tôn giáo được lập nên".
Thực tế, dân nào thì nhà nước ấy, vì số-đông tạo nên quyền lực hỗ trợ cho nhà nước, nếu không nhà nước không thể tồn tại nổi. Trong 1 thời gian dài, nhà nước có thể dùng quyền lực của mình tác động trở lại thay đổi số đông, nhưng đây là việc rất mạo hiểm.
(Thực tế nữa thì không có tôn giáo nào "ôn hòa" khi đụng đến quyền lợi của mình. Người VN rất khoái nhận những chữ "hòa bình, hiền lành, ôn hòa" vào bản thân, trong khi sự thực...
Ở Nhật Bản, trong thời gian cuối thế kỷ 16, đầu 17, chính những thiền sư là lực lượng đứng sau việc bài trừ Thiên Chúa giáo. Để rồi đến Minh Trị, rất nhiều chùa bị đốt vì coi đây là lực lượng "phản tiến bộ" - ờ, nhưng thành-công đã che lấp điều đó rồi.
Ngay cả ở vùng Đông Nam Á, sự xung đột của Phật giáo cũng liên quan rất nhiều đến... lịch sử VN. Vua Chiêm Thành muốn theo Phật, liên kết với nhà Trần. Và sau này, vua Chân Lạp cưới vợ Hồi giáo, muốn dựa sức các quốc gia Hồi giáo phương Nam chống Xiêm - Chưa chống được gì đã bị người trong quốc gia Phật giáo này móc nối với Nam Hà lật đổ, dẫn đường cho việc Nam tiến.
Ngay cả ở VN, xung đột tôn giáo này dễ thấy nhất ở thời Ngô Đình Diệm. Hãy đọc Taylor để nhìn toàn cảnh về 1 chính phủ TC nằm trong 1 nước Phật giáo, chứ các sự kiện chỉ là bề nổi.
Dù giáo lý có hướng thiện ôn hòa đến đâu, tôn giáo/hệ tư tưởng nào cũng đi kèm với quyền lợi riêng dành cho tầng lớp tăng lữ / lãnh đạo. 1 khi gặp đối thủ cạnh tranh, nghĩa là nó sẽ mất dần tín đồ, mất đi ảnh hưởng xã hội chính trị, tất nhiên tất cả mọi quyền lợi đều ảnh hưởng. Chưa nói đến, "đối thủ cạnh tranh" này có thể được hỗ trợ bởi lực lượng âm mưu khác.
Các bác phương Tây rất thích dùng chiêu bài "xung đột văn hóa" như ngày nào các bác đánh châu Mỹ, châu Á. Các bác quên xừ nó việc dùng văn hóa thâm nhập, chia rẽ xã hội, nhà nước người, khích thằng này đánh thằng kia. Đến khi bị đập lại, các bác to mồm hơn ai hết gào lên đổ tội là đồ cuồng tín, đồ bảo thủ. - Hãy đọc Shogun để nghe 1 bác Tây tự thẳng thắn đánh giá mình (thiệt ra là kể tội nhau).
Mọi cuộc xung đột đều phải nhìn từ bên ngoài và bên trong. Mọi "nhóm lợi ích" đều có xu hướng tự bảo vệ mình, nhưng trên đời này không phải tất cả đều sống trên cung trăng để chỉ cần tinh thần mí lị "lý tưởng". Các bác phương Tây duy lý nhất, vật chất nhất - nhưng cũng đồng thời đi gieo rắc những ý tưởng viển vông nhất, mang tính chất duy-tâm nhất cho kẻ-khác nhằm để xóa-trắng mục tiêu vật chất của mình, cái xung đột thực sự nằm sau tất cả.)
Khi nói tới tư tưởng nền tảng, tự dưng lại nhớ tới ý "gà con mở mắt". Ở TQ, Kinh Dịch là tư tưởng nền tảng của TQ, và không chỉ các tôn giáo bản địa như Nho, Lão đều được xây dựng trên nền tảng tư tưởng này, ngay cả Phật giáo cũng bị "bản địa hóa" triệt để. Ở Nhật Bản, nhà nước Thiên Hoàng tồn tại trước toàn bộ các tôn giáo, tư tưởng, và dù có là tôn giáo, tư tưởng nào, người Nhật đều đưa lòng trung thành lên hết thảy. Ấn có tư tưởng Bà la môn - nền tảng của rất nhiều tôn giáo sinh tại đây, ngay cả Phật giáo. Và vùng Trung Đông, nơi sinh ra 3 tôn giáo lớn, thực tế đều từa tựa nhau.
(Bây giờ người ta chỉ biết câu chuyện "ai có tội thì ném đá người phụ nữ này" mà không biết kinh thánh Do Thái cho phép giết chết người ngoại tình, luật Deuteronomic cho phép đàn ông gửi trả vợ nếu phát hiện không còn trinh, và người nhà cô ta sẽ ném đá đến chết người phụ nữ này. Chỉ vài thập niên trước, ngoại tình là tội phạm hình sự ở các quốc gia Công giáo. Ngay cả sau cải cách tôn giáo thế kỷ 17, các giàn xử tội vẫn được dựng lên khắp nơi, và mới bị hủy bỏ giữa thế kỷ 19. Các giàn xử tội và sự khắc nghiệt của đạo đức tôn giáo này có thể tìm đọc trong Chữ A màu đỏ.
Cho đến thế kỷ 19, quan hệ trước hôn nhân vẫn là phạm pháp ở Anh. Và "trinh trắng" là điều được nhắc đi nhắc lại trong kinh thánh. Chả hiểu sao bây giờ lại nhiều người cho rằng văn hóa châu Âu bản-chất cởi mở. Ngay từ hồi bé đọc Shogun đã cho mình cái ấn tượng là ngược lại.)
Cho nên, các triết gia TQ có thể dung hòa Phật giáo Nam truyền vào
Nho, Lão, biến mình thành nhà nước Nho giáo theo Phật - trong khi đó, VN có xu hướng biến mọi hệ tư tưởng khác thành... phái thần tượng hay giáo lý Phật giáo kiểu đơn giản nhất. Dù có bắt chước TQ về hầu như mọi mặt, VN vẫn chỉ có cái vỏ - Như ngày nay hễ thấy phương-Tây-văn-minh có cái gì là kéo về, bất chấp có phù hợp tình hình thực tế hay không.
Tư tưởng nền tảng của VN sinh ra trong 1 hoàn cảnh không có quốc gia, không có chính phủ, chỉ có những nhóm người riêng lẻ tự tìm cách sống, vừa căm ghét sự điều khiển từ bên ngoài vừa lo ngại cho bản thân. Chữ nghĩa của tầng lớp thống trị phương Bắc đưa xuống cũng lẻ tẻ, rời rạc và chỉ có lớp vỏ sắp đặt bên ngoài, những đạo lý chỉ có chữ "Lễ" mà không có căn bản.
Kết hợp với Phật giáo được truyền vào rất sớm - Đến thế kỷ thứ 2 sau CN, Đại thừa mới cơ bản hình thành, và đến thế kỷ thứ 4 Đại thừa mới phổ biến, Phật giáo nguyên thủy đến VN sớm nhất phải là Tiểu thừa. Và 1 câu nhận xét Đại Tiểu thừa có thể tóm lược: Đại thừa muốn cứu vớt mọi người, Tiểu thừa chỉ cứu chính mình.
Cho nên, tư tưởng này không có thế quyền, không có tổ chức, không có 1 nền tảng phân cấp cơ bản ngoài 1 mối quan hệ kéo dài trong suốt lịch sử VN: Vùng miền. Làng xã, họ tộc, nơi những nhóm người có cùng chung môi trường sống, cùng chung 1 người tộc trưởng được tin cậy, cùng chung 1 quyền lợi. Tôn giáo là điều giúp con người có đủ sức mạnh tinh thần để tồn tại, và ở đây lại cũng không có 1 hệ thống phân cấp, tổ chức nào ngoại trừ niềm-tin.
(Nên với ví dụ của các quốc gia Phật-giáo-mạnh trên kia, mềnh cho rằng chỉ có con người ôn hòa hay không chứ làm gì có tôn giáo ôn hòa. Còn tại sao các quốc gia thuần Phật luôn là mục tiêu triệt hạ của các thế lực khác chứ chả mấy khi ngược lại là do... tính không tổ chức của tôn giáo này. Với các tôn giáo xuất xứ Trung Đông, thần quyền hỗ trợ cho thế quyền, tạo thành lòng trung thành khủng khiếp. Với các nước như Chân Lạp, "nền tảng" của họ là Bà la môn, là chính quyền theo hệ thống mandala. Chính quyền triều Lý, hay cả Lê trước đó, phải vận dụng hệ thống của Nho giáo, phần vì chịu ảnh hưởng lâu dài của phương Bắc, phần vì... bản thân không tự có.)
Các chính quyền VN, do đó, cực kỳ vất vả để xây dựng nên một tổ chức thể chế có thể tồn tại lâu dài. Trong hàng ngàn năm Bắc thuộc, lịch sử cho thấy việc đánh thắng vài đạo quân phương Bắc, giành lại độc lập là không khó, nhưng đều là... sau đó chính phủ tự đập nhau, tự giết nhau cho quân Bắc tràn xuống hốt nốt.
Ngay cả chính phủ Dương Đinh Lê. Sự phân hóa của chính phủ họ Dương cũng là mẫu chung như bao lần trước, đến họ Đinh diệt bớt số sứ quân lẻ tẻ, liên kết với những sứ quân mạnh. Đến họ Lê diệt bớt thêm 1 số nữa. May là nhà Tống không phải nhà Đường.
Giống như hình-mẫu các "hôn quân" sau này ghi vào sử sách theo tinh thần Nho giáo là vua ăn chơi nên mất nước, hình-tượng của LLĐ được ghi lại cũng nhắm đến mục đích tương tự: Số đông.
Trong thời điểm đề cao tôn giáo, tất nhiên, phạm đến tôn giáo là tội tày trời.
Nhưng dù triều Lý của LCU không gặp vấn đề này, triều Lê lại thực sự gặp vấn đề: Vùng miền. Dù đã lấy Dương hậu, động thái trong triều Lê cho thấy cái vùng đất phía Nam chả ủng hộ gì cả. Và 1 người con nuôi của Lê Hoàn đã được nhà Tống phong Thái thú quản lý Nghệ An - nghĩa là nó là phần tách hẳn với ĐCV. Sau khi LLĐ chiếm ngôi, người này chạy sang Tống ở luôn.
Lê Hoàn, dù là con nuôi ở Thanh Hóa, là người "phương Bắc", và sau này đã liên kết với họ Phạm "phương Bắc" triệt hạ lực lượng phương Nam. Nhưng triều Lê vẫn đóng tại Ninh Bình, và do đó - bị "phương Nam" phản công lại bằng... con rể của Dương hậu. Xét tương quan các lực lượng lúc ấy, LLĐ dùng lực lượng Đằng Châu của mình chiến thắng Ninh Bình, sau khi các vương ở Ninh Bình đánh nhau xong, rồi lại kéo đi đánh các vùng khác dễ dàng. Nhưng cũng giống như đoạn cuối triều Lý khi mạt: Giành giật quyền lực xong thì chẳng còn gì, và lực lượng ủng hộ cuối cùng trở giáo là xong luôn.
Cái "xung đột vùng miền" không đúng với LCU, nhưng đúng với Tiền Lê - mà lịch sử thì luôn có "chốt thí".
Từ xung đột quyền lợi bị biến hóa thành "xung đột văn hóa" luôn luôn là chiêu bài trong mọi nền lịch sử.
Tuy vậy, LCU vẫn là người phương Bắc. Và khởi đầu cho tất cả các triều đại sau đó, LCU làm 1 việc: Đem người phương Nam lên phương Bắc, và đem văn hóa phương Bắc xuống phương Nam. LCU đã nhận ra "họa ngầm" của Tiền Lê khi triều đình người Bắc bám giữ lấy Ninh Bình.
Nên sau khi bóc từng lớp vỏ, ta thấy xung đột vùng miền là thật, văn hóa cũng là thật, họ tộc cũng là thật, nhưng đồng thời, tất cả chỉ là lớp vỏ của sự thật.
---
Chuyện "lời sấm" về Lý Công Uẩn
Sử sách chép lại, trong thời kỳ Lê Long Đĩnh làm vua, sét tự nhiên đánh xuống cây trong chùa Cổ Pháp, nơi Lý Công Uẩn sinh ra. Thân cây tách ra, xuất hiện 40 chữ: "Thụ căn liễu liễu, mộc biểu thanh thanh, hòa đao mộc lạc, thập bát tử thành, đông a nhập địa, dị mộc tái sinh, chấn cung xuất nhật, đoài cung ẩn tinh, lục thất niên gian, thiên hạ thái bình."
Không cần phải đợi đến bây giờ, trong Việt sử tiêu án, Ngô Thì Sĩ cũng đã nói đây là "tác phẩm" của sư Vạn Hạnh: Ờ, cây bị sét đánh đóa, nhưng mà chữ thì hông biết à nha, có khi nó loằng ngoằng không ra chữ gì mà sư Vạn Hạnh đem "phép thần thông" thầy bói ra đọc như đúng rồi thôi à.
Rồi người đời sau tiếp tục "giải thích" câu này ra làm sấm truyền cho cả lịch sử nước Việt. Nhưng phải nói chớ, toàn là nói nhửm. Ví dụ như "đông a" thành chữ Trần. Ờ, Trần 陳 thì có chữ "đông" 東 đó, còn chữ "a" 阿 ở đâu? Bên trái của chữ Trần là bộ phụ chớ nào phải chữ A. Còn "dị mộc" thì liên quan gì đến Lê? Đúng Lê 犁 thì có chữ "mộc" 木 đóa, nhưng chữ "dị" 異 ở nơi mô? Còn chữ Nguyễn 阮 thành "tổng hợp của chữ lục, thất" thì xin lỗi, trình chiết tự (tưởng tượng) của iem kém cỏi, nhìn toét mắt ra được chữ lục à.
(Đây có lẽ là do mí ông nhà Trần thấy chữ "đông" mừng quá, nhận luôn làm "thiên mệnh" cho thiên triều, càng về sau càng ghép chữ bậy bạ. Đến chữ "Đoài cung ẩn tinh", ờ Đoài là phía Tây, Tây là Tây Sơn thì thoai. Nhưng "Chấn cung xuất nhật" làm xao thành chữ Mạc được vậy (ngoại trừ chữ Mạc có chữ Nhật)?)
Đáng chú ý chỉ là câu "thập bát tử thành" chỉ chữ Lý. Mà 30 năm trước, cái câu này đã từng xuất hiện trong "sấm truyền" cho Lê Hoàn giành ngôi "Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh, cạnh đầu đa hoành nhi, đạo lộ tuyệt nhân hành, thập nhị xưng đại vương, thập ác vô nhất liệt, thập bát tử đăng tiên, kế đô nhập nhị thiên".
Sử kể rằng có tên thư lại tên Đỗ Thích mơ có sao rơi vào miệng, tin là có số giết vua, ứng với câu "kế đô nhập nhị thiên" này nà. Nếu như hành thích Đinh Tiên Hoàng là kế hoạch đàng hoàng, thì câu "sấm truyền" này là mở đầu cho Lê Hoàn "ứng thiên mệnh" lấy ngôi nhà Đinh. Nhưng cái số của "sấm truyền" đem ra cho thiên hạ là để người người... mổ xẻ nhảm nên chữ "thập bát tử" có thể đã bị phiên dịch thành chữ "Lý" lâu lắm rồi.
Và "sấm truyền" sau xào lại y nguyên cái chữ "thập bát tử" như đường hoàng chỉ cho thiên hạ vào chữ "Lý".
Đọc một cách bình thường, chỉ trong thời gian đó, cái câu sấm truyền này nó có nghĩa vầy nà: Gốc cây rối rắm, lá cây xanh xanh. đao chặt cây rụng, "thập bát tử" thành, nương về đông vào đất, cây khác lại tái sinh, cung chấn mặt trời mọc, cung đoài còn ẩn sao, trong vòng sáu, bảy năm, thiên hạ sẽ thái bình.
Toàn bộ câu này có ý nghĩa: Cái cây xanh tốt, bị chặt rồi mà nhờ "đất phía Đông" lại tái sinh thành "Lý". Dù mặt trời mọc ở phía Đông, vẫn còn sao ẩn ở phía Tây đối nghịch, trong vòng 6,7 năm nữa sẽ có biến lớn rồi lại thái bình.
Vầng, Kinh Bắc (Bắc Giang) thời ấy, nằm phía Đông Bắc Hà Nội (Thăng Long). Còn "hay ho" hơn nữa, thì nếu Lê Long Đĩnh ở vị trí của vua tại phía Bắc, ngoảnh đầu về phía Nam, thì phía Đông nằm bên trái (Tả).
Ở ngay chùa Cổ Pháp nơi Lý Công Uẩn sinh, lại "Lý" này "Lý" nọ, lại còn "ám chỉ" kiểu "đó là trẻ mồ côi còn sót lại của cuộc thanh trừng nào đó". Toàn bộ đều chỉ vào LCU.
Rồi dường chưa "đủ đô", lúc Lê Long Đĩnh còn chưa (thèm) tin cái câu "sấm truyền" này, một quả mận chứa hột lê (lý) đáp ngay xuống trước mặt.
Mà như mềnh nói chớ, Lý Công Uẩn có dại lắm mới chơi trò này. Toàn bộ "ám chỉ" đều chỉ đích danh mình, cái cây cũng nằm ngay trên đất "nhà mình", như sợ Lê Long Đĩnh còn chưa tin nên đổ dầu vào "giết họ Lý đê, giết đê".
Mà nếu là bàn tay khác ngoài LCU, thì người này cũng phải cực kỳ thân cận với Lê Long Đĩnh đủ để đưa quả mận đến tận miệng vua. Và người này còn biết cả "cây khác lại tái sinh" - Có bao nhiêu người đáp ứng đầy đủ "yêu cầu" này?
Gia phả họ Nguyễn ghi thẳng "Nguyễn Đê và Đào Cam Mộc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi", trong khi chính sử im phăng phắc về vai trò của người Hữu Thân vệ đáng lẽ cực kỳ quan trọng trong thời gian ấy.
---
Vai trò của Nguyễn Đê trong việc lập Lý Công Uẩn
Bài trước có nhắc đến Nguyễn Đê, mà trong Đại Việt sử ký chỉ ghi vắn tắt vai trò của Nguyễn Đê như sau: "Đến khi Ngọa Triều băng, vua nối còn bé, Công Uẩn cùng với Hữu điện tiền chỉ huy sứ là Nguyễn Đê mỗi người được đem 500 quân tùy long vào làm túc vệ."
Sau đó không nhắc đến Nguyễn Đê, nhưng Lý Thái Tông lên ngôi lập tức phong Nguyễn Quang Lợi, con Nguyễn Đê, làm Thái úy - chức quan võ lớn nhất trong triều đình. Điều này cho thấy trước đó Nguyễn Đê cũng đã thăng chức không nhỏ. Nguyễn Phước tộc thế phả ghi, Nguyễn Đê là thân cận của vua Lý, giữ chức Đô hiệu kiểm, chánh nhị phẩm.
(Trong khi nếu ta nhớ rằng "chủ mưu" của vụ "lấy ngôi" được ghi trong sử sách là Đào Cam Mộc chỉ được lấy công chúa, phong tước hầu, không còn "vai trò" gì trong lịch sử triều Lý).
Như vậy, ngài Hữu điện tiền chỉ huy sứ Nguyễn Đê - ngang hàng với Tả điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn - chính là 1 nửa mảnh ghép của cuộc chiếm ngôi "êm đềm" nhất lịch sử. 2 người giữ quân thân vệ bảo vệ kinh thành, nhà vua đồng loạt trở cờ, tất nhiên là cung điện cũng giống nhà hoang.
Lý Công Uẩn thì thôi không nói, còn Nguyễn Đê được ghi nhận lại là con Nguyễn Bặc. Mà Nguyễn Bặc chết dưới tay Lê Hoàn. Đành rằng Lê Long Đĩnh nhìn người cũng "có vấn đề" (như việc trọng dụng Lý Công Uẩn), cho phép kẻ có thù giết cha cầm giáo canh dưới gối mình có phải là... điên ngoại hạng hông?
Nhìn lại Nguyễn Phước tộc thế phả ghi chép về Nguyễn Đê: Khi Nguyễn Bặc bị giết, vợ ông đem 2 con trai chạy về Thanh Hóa. Sau đó, Nguyễn Đê cùng em trai lại trở về Kinh Bắc, "giao du với nhiều hào kiệt và là bạn thân của Lý Công Uẩn" (Kinh Bắc chính là quê Lý Công Uẩn). Tất nhiên, Nguyễn Đê không thể nào dán nhãn "con trai Nguyễn Bặc" lượn lờ ở ngay Kinh Bắc, rồi vào làm quan ngay trong triều Tiền Lê. Ở Thanh Hóa, Nguyễn Đê có thể đã tìm được cách giả trang thân thế nào đó (dù sao xứ ấy thời đó còn hoang vu hỗn loạn, có ai mà kiểm được).
Có thể, chính nhờ Lý Công Uẩn, Nguyễn Đê đã tiến vào triều Lê. Hoặc cũng có thể Nguyễn Đê đã tìm được cách nào đó tiếp cận Lê Long Đĩnh, trở thành cánh tay mặt (Hữu thân vệ) của Lê Long Đĩnh. Dù sao, "kịch hay" của Nguyễn Đê với Lý Công Uẩn vẫn ở đằng sau.
Xưa nay (hay gần đây) mấy nhà nghiên cứu cho rằng mấy lời sấm truyền về Lý Công Uẩn toàn do Lý Công Uẩn và Sư Vạn Hạnh vẽ ra. Nhưng như vậy thì quá "lạy ông tôi ở bụi này". Lê Long Đĩnh tìm giết người họ Lý nhưng chưa bao giờ nghi ngờ Lý Công Uẩn ắt có lý do. Mà Lê Long Đĩnh có thể ác chớ hông bị ngu. Như vậy, phải có 1 bàn tay nào đó ở bên ngoài sắp xếp những việc này mà không hề "dính líu" gì đến Lý Công Uẩn.
Và trong thời điểm quyết định, người "thuyết phục" Lý Công Uẩn là Đào Cam Mộc - là người Thanh Hóa. Cũng như Lê Phụng Hiểu phù tá Lý Thái Tông (dưới trướng Nguyễn Quang Lợi) cũng là người Thanh Hóa. Bên kia, vị Hữu thân vệ dường chỉ chờ ngài Tả thân vệ gật đầu là toàn quân lính buông vũ khí.
Một câu hỏi được đặt ra: Lý Công Uẩn chủ động trong việc chiếm ngôi này bao nhiêu phần trăm? Nếu thực sự có chủ đích chiếm ngôi, hai bên tả hữu thân vệ lại là "người quen" cả, liệu có cần Đào Cam Mộc gợi ý? (Nếu như sử gia không dùng Đào Cam Mộc làm bình phong đỡ đạn). Hay một nhóm người nào đó thực sự muốn đưa Lý Công Uẩn lên ngôi và "người có lòng, ta có ý" thôi mà.
Nhìn lại, năm 979 Nguyễn Bặc bị giết. Năm 1005, Lê Hoàn mất, các con bắt đầu tranh ngôi vua. Lê Long Đĩnh giết tất cả anh em, làm vua được 3 năm. Không rõ Nguyễn Đê đã ở bên Lê Long Đĩnh từ lúc nào, nhưng quá trình con cái Lê Hoàn rơi rụng hết thì chắc chẳng thiếu phần đâu.
Đứng sau Lê Long Đĩnh diệt hết con cháu nhà Lê, lại dùng Lý Công Uẩn lấy nốt thiên hạ của nhà Lê, nếu tất cả là một tấn kịch mà nhân vật Nguyễn Đê dựng lên từ ngày rời Thanh Hóa đến Kinh Bắc, quả là màn trả thù "dựng tóc gáy" nhất lịch sử.
Cái com trước của mềnh: "Mờ cái tên Nguyễn Đê cũng thiệt là kỳ lạ. Nó là chữ Đê này 低, nghĩa là thấp kém, hèn kém. Ai lại đi đặt tên con mình kiểu đó, nhất là ông đại tướng triều Đinh? Chắc đây là cái tên đặt sau này, đủ thấy quá trình ẩn nhẫn, nằm gai nếm mật của Nguyễn Đê cũng không phải loại thường đâu."