Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Tổng hợp
Trường An October 10th, 2015

Nhơn tiện nếu như ai chưa biết, dạo này mềnh tập trung nói nhảm trên đây: Facebook

Nhưng sau 1 hồi nghĩ lại thì mềnh cũng hông tin chú Mark cho lắm, nên mấy thứ "có giá trị" tí tí thì nên ôm về nhà. ;))

---

Mô tả Võ vương Nguyễn Phúc Khoát của James Bean:

"Trông chúa đường bệ với những đặc điểm của một người Âu châu, nước da trắng. Vẻ mặt của chúa là một cái gì rất dễ chịu, nhưng oai nghiêm đáng kính phục."

"Ngoại diện chúa thật oai vệ, chúa đã tiếp chúng tôi với một vẻ mặt vui tươi khiến cho, ngay giữa cung điện nguy nga này, chúng tôi phải nhất nhất tuân theo lời ngài."

"Chúa hỏi tên mỗi chúng tôi, khi phát âm chúng ngài cười rất thân thiện: tôi chưa bao giờ thấy một người đàn ông đầy vẻ dễ chịu như vậy."

Đọc cái này lâu ồi nhưng hầu như chả nhớ gì ngoại trừ ấn tượng: Võ vương rứt đệp giai.
pacman emoticon
Mờ thiệt ra thì mấy ông vua Nguyễn, ngoại trừ Khải Định với Đồng Khánh được móc từ đâu ra đưa lên làm vua, có ông nào xấu đâu.
pacman emoticon

Đến ông người Anh mà còn xuýt xoa 3 lần 4 lượt "chúa đệp quá", chúa Tây quá, thì các đồng chế đừng có lấy mấy cái ảnh chân đất mắt toét ra bẩu anh đệp giai hông có trong sử VN nhóa.

---

Chuyện cái quạt

Quạt là 1 thứ "đồ trang sức" rất phổ biến ở người Việt cổ. Rất nhiều tài liệu đã ghi lại về thói quen cầm quạt của người Việt, nam cũng như nữ, hè cũng như đông, "cầm chơi vậy thôi". Và ghi chép suốt mấy trăm năm từ cảng Hội An cho đến cuối thời Nguyễn vẫn cho thấy quạt là mặt hàng phổ biến nhất từ Trung Quốc đưa sang, bên cạnh sách và trà (ờ, trước đó hông có ai ghi nên hông biết đâu).

Nhưng trước khi tả "văn nhân mở quạt phe phẩy", cần lưu ý 1 chiện vô cùng bự: Cái quạt gấp đó có từ đời nào?

Quạt gấp, hay còn gọi là chiết phiến, tụ đầu phiến, chỉ phiến... (nhiều tên lắm), theo lịch sử Trung Quốc, chỉ phổ biến từ Vĩnh Lạc đời Minh (1402-1424). Nhà vua nhận được chiết phiến tiến cống từ Cao Ly, vì yêu thích nên cho mọi người dùng, truyền ra đến bên ngoài.

Nguồn gốc chiết phiến có khá nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, cũng chính các nhà nghiên cứu TQ dần dần bác bỏ chuyện chiết phiến có từ thời Nam Bắc triều, Đường Tấn... Sử liệu cho thấy Nam Bắc Tống có lẽ đã xuất hiện chiết phiến, do Nhật Bản hoặc Cao Ly tiến cống, nhưng loại quạt này không phát triển ra bên ngoài nhiều cho lắm. Cho nên, đến hiện tại, nhiều người TQ vẫn cho rằng chiết phiến là sản phẩm của nước ngoài du nhập vào TQ.

Còn trước đó, loại quạt phổ biến ở TQ là quạt tròn, hay còn gọi là đoàn phiến, hoàn phiến, hợp hoan phiến. Tuy gọi là quạt tròn nhưng nó có đủ hình dạng bầu dục, lục giác, hình vuông, hình hoa, hình bông, hình vân vân... điểm chung là có cán quạt và bầu quạt nở ra xung quanh, có thể có lõi. Vật liệu làm quạt tròn cũng rất đa dạng, từ lông vũ, lá cỏ, mây tre cho đến giấy, lụa...

Cây quạt tròn xuất hiện sớm nhất vào thời Thương, dùng lông gà rừng ngũ sắc kết thành. Quạt lông tròn lúc này là vật biểu thị quyền uy, dùng tương tự như cái lọng sau này. Cũng bắt đầu xuất hiện loại quạt lá nan đan. Đến thời Tây Hán, quạt tròn mới được dùng với chức năng... quạt. Cây quạt lông nổi tiếng của Gia Cát Lượng cũng chính là đoàn phiến sơ khai. Thời Đông Hán, quạt lông vừa ít tác dụng làm mát vừa rắc rối nên được lấy lụa, vải các thứ làm quạt.

Đến thời Tống, bắt đầu có 2 loại quạt:

Bình phiến: quạt tròn, quạt lá, quạt ngọc... không thể gấp.

Chiết phiến: loại quạt gấp.

Sau thời Tống, nhất là sau thời kỳ Vĩnh Lạc, chiết phiến mới lưu hành khắp nơi. Trong thời Minh Thanh, Chiết Giang, Tô Châu, Tứ Xuyên là những địa phương sản xuất quạt nghệ thuật lớn nhất, truyền sang châu Âu - và theo ghi chép ở các cảng Việt Nam, bên ta cũng nhập không ít quạt về.

Chiết phiến loại quý giá, ngoại trừ chữ, tranh quý giá trên mặt còn được dùng đồi mồi, phỉ thúy, ngà voi, trúc tương phi, gỗ đàn hương... làm cốt quạt.

Riêng về đoàn phiến, từ khi lưu hành thông dụng, qua đến Nhật Bản thành quạt dành riêng cho giới quý tộc, quạt cũng có khá nhiều hình dạng, ví dụ như quạt hình lá, có cốt hình lá cây, bồi giấy hoặc lụa làm phiến quạt (như hình dưới). Quạt quý giá hơn dùng các loại cán vật liệu quý, bồi giấy, lụa thượng hạng, đeo thêm các vật trang sức cuối cán quạt. Quạt tròn còn có các hình thức sử dụng trong tôn giáo khác như "quạt tắt lửa", "quạt ngăn nước", quạt của giới "thầy mo"...

(Nên đừng thấy nó giống lá mà tưởng là lá. Tùy theo thời kỳ mà chọn loại quạt, miễn đừng cho vua chúa quan lại quý xờ tộc đi phe phẩy quạt lá chuối là được - cái quạt đó hồi xưa mềnh dùng để đập ruồi).

---

Ti giáo phường

Ti giáo phường là cơ quan quản lý âm nhạc cung đình của Trung Hoa cổ đại. Từ cổ đến đời Đường thì gọi là giáo phường, chuyên quản lý giảng dạy nhạc cung đình lẫn tục nhạc, diễn xuất. Đến thời Minh, đổi giáo phường thành ti giáo phường, thuộc Lễ bộ, chuyên quản lý vũ nhạc, ca kịch. Đến thời Ung Chính thì đổi tên thành Hòa thanh thự.

Ti giáo phường trên danh nghĩa là quản lý cơ cấu âm nhạc, tương tự như đoàn nghệ thuật ca vũ nhạc hiện đại - Nhưng ngoài tập âm nhạc, thực tế ti giáo phường còn quản lý kỹ viện của con gái, con trai quan bị trừng phạt sung làm quan kỹ. Con gái bị đưa làm kỹ nữ, con trai sung làm nhạc công. Hơn thế, con cháu của những người này cũng đời đời làm ca kỹ.

Bên 4 cổng của Bắc Kinh đều có ti giáo phường, là các ngõ nhạc lâu, kỹ viện. Từ thời Tống Nguyên về trước, câu lan là nơi diễn trò, sau chữ "câu lan" cũng đồng nghĩa với "kỹ viện". Nơi diễn nhạc, diễn trò cũng chính là kỹ viện. Ghi chép đời Càn Long cho thấy các kỹ viện ngoài cửa Bắc Kinh này lệ thuộc vào ti giáo phường, là kỹ viện của các quan gia, chuyên cung phụng hoàng thân quý thích.

Lịch sử ti giáo phường

Định am nói: "Từ đời Đường, Tống, Minh đến nay, từ kinh sư cho tới các đại ấp, thành lớn đều có nhạc tịch. Thời cổ triêu mộ hàng ngàn nữ tử gia nhập nhạc tịch."

Nhạc tịch là kỹ viện của quan gia, thuộc về ti giáo phường của Lễ bộ. Ngoài nhận con gái bên ngoài vào còn là nơi trừng phạt vợ con của các quan lại phạm tội. Vợ con của phạm nhân bị đưa vào ti giáo phường trong dã sử ghi lại không ít.

Trong thời Tống, ti giáo phường còn có tù nhân chiến tranh, vợ con của người bại trận, phụ nữ bị bắt trong chiến loạn.

Ti giáo phường thuộc Lễ bộ, chuyên tấu nhạc, biểu diễn tại các lễ mừng, lễ đón khách... Nhưng trong đó, số lượng kỹ nữ rất nhiều. Nguyên sử viết, trong lễ đón mừng của Hốt tất Liệt, đội âm nhạc của ti giáo phường đưa đến 150 kỹ nữ.

Những kỹ nữ thuộc giáo phường được huấn luyện âm nhạc, có nhiều người tài năng nổi tiếng như Chu Liêm Tú, hay Tần Hoài danh kỹ thời Minh mạt như Đổng Tiểu Uyển, Lý Hương Quân, Biện Ngọc Quân, Trần Viên Viên đều thuộc ti giáo phường của Lễ bộ, có sức ảnh hưởng rất lớn đến các danh sĩ...

---

Ở Hà Tiên có nhiều địa danh được đặt tên theo các địa danh Trung Quốc, đặc biệt là vùng Quảng Đông. Nhưng địa danh thì cũng có hàng trăm hàng ngàn, sao lại lấy tên này mà không lấy tên khác? Sau khi tuyên bố với bạn "Người đặt tên chỗ này chắc chắn đang bị thất tình", mềnh đã nghiêm túc nghĩ lý do tại xao lại như thế.

Vì rằng ngoại trừ bờ biển ra thì đất phương Nam chả giống Giang Nam giề, mà một hòn núi tự dưng lại mang tên Tô Châu, một dòng sông lại có tên Giang Thành. Cái tên này chắc hẳn mang ý nghĩa tượng trưng, văn học nhiều hơn là sự giống trên thực thể. Mà nhắc đến Tô Châu trong văn học thì phải nhớ tới bài Phong kiều dạ bạc. Mà những "ô đề nguyệt lạc", "thanh chung" ấy cũng được Mạc Thiên Tứ nhắc lại trong bài Tiêu tự thần chung. Núi Tô Châu lại ở cạnh Đông Hồ. Do đó, điển tích nhắc tới ở đây chính là Phong kiều dạ bạc, với "tiêu điểm" là Hàn San tự.

Một trong những truyền thuyết về Hàn San tự là câu chuyện 2 người huynh đệ tên là Hàn San và Thập Đắc cùng yêu một cô gái. Vì sợ làm buồn lòng huynh đệ, Hàn San bỏ đi đến đến ngôi chùa này, Thập Đắc cũng đi tìm đến tận nơi. Cuối cùng, 2 người (bỏ luôn cô kia) sống với nhau như trước. '__'

Còn Giang Thành cũng là 1 địa danh TQ, nhưng cái tên này trong văn học lại được nhắc đến như 1 phiếm chỉ cho... sông nước nhiều hơn là 1 vùng đất cụ thể. Sự "liên quan" của Giang Thành với Tô Châu nằm trong 1 bài từ điệu Giang Thành tử của Âu Dương Quýnh:

Vãn nhật Kim Lăng ngạn thảo bình,
Lạc hà minh,
Thuỷ vô tình.
Lục đại phồn hoa,
Ám trục thệ ba thanh.
Không hữu Cô Tô đài thượng nguyệt,
Như Tây Tử kính,
Chiếu Giang Thành.

Trong "truyền thuyết" về Phong Kiều dạ bạc cũng nhắc tới câu thơ của 1 chú tiểu làm trong đêm ấy:

Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,
Bán trầm thủy để, bán phù không.

Mà nếu đứng ở bờ bên này sông Giang Thành nhìn qua núi Tô Châu giữa sông có thể thấy "trời đất bị chia làm 2 nửa", trăng mọc qua núi khi chiếu xuống nước sẽ bị phân làm đôi ở 2 bờ.

Cảnh tượng này cũng sẽ rất có cảm giác "lưỡng mang mang" nào đó. Mà cũng phải nói, Tô Châu là kinh đô nước Ngô cũ, là nơi có núi Linh Nham mà Tây Thi gặp Phạm Lãi, có núi Cô Tô, có nàng Tây Tử. Thơ Mạc Thiên Tứ cũng đã từng nhắc đến 1 "mỹ nhân" nào đó: "Tư mỹ nhân hề, diểu hà chi. Hoài cố quốc hề, đồ dẫn lĩnh". Ngay cả truyền thuyết chữ "Hà Tiên" cũng đã phảng phất bóng một "tiên nhân" nào đó trên sông.

---

Trong vụ án Lê Thái Tông, K.W.Taylor nhắc đi nhắc lại chừng 3,4 lần là "vua chết sau khi Tư Thành sinh được (mười) mấy ngày" (hay mấy ngày mà trí nhớ cá vàng của mềnh từ chối nhớ chi tiết). Nói 1 lần thì ngờ ngợ, mà nói nhiều lần thì... dù tác giả rất thận trọng nhưng vẫn lộ ra ý nghi ngờ của mình.

Trong khi đó, tác giả viết về nhà Lê theo kết cấu vầy nè: Vua (Lê Thái, Lê Nhân) cùng các quan đại thần - Lê Thánh Tông và các chính sách, quan hệ (cùng cách điều phối, đối xử với các quan) - Các vua sau (lại tiếp tục) cùng các đại thần.

Túm lại cái chết của Lê Thái Tông được tả như vầy: Ngô Ngọc Dao được Nguyễn Trãi đưa khỏi cung - Sau khi Lê Tư Thành sinh được mấy ngày, Thái Tông ra ngoài "chơi", đến chỗ Nguyễn Trãi, chết.

Mà Nguyễn Thị Anh được tác giả nhìn nhận là phụ nữ không có năng lực (Điều này mềnh cũng công nhận luôn. Đừng nhìn tóm tắt wiki thấy "Thái hậu" giết người này người kia mà tưởng ngầu. Đọc sử mới thấy vua lẫn Thái hậu sợ công thần như gì. Liên tục gả công chúa cho con công thần, kể cả công chúa mới 10 tuổi cũng bị lôi đi, lễ cưới thành "kiểu mẫu" tham nhũng của kinh thành. Con cháu công thần đánh nhau, giết người ngay giữa kinh thành mà không dám xử. Đến mức ngay cả đối thủ Nghi Dân, Lê Thánh Tông kể tội "con hoang" nọ kia mà vẫn phải lắc đầu bảo "gà mái gáy sáng", chả có năng lực giề.) - Chiện này sẽ nói sau.

Vậy thiệt ra cái sự nghi ngờ của tác giả Taylor đang nhắm vào ai?

Trong quan hệ triều chính thời Nhân Tông, lại thấy nổi bật lên cái tên Lê Thụ, người mà sau này Lê Thánh Tông từ chối công nhận công thần, còn "tiện thể" xài xể thêm mấy câu. (Trong sử còn ghi lại chuyện con Lê Thụ lấy công chúa 10 tuổi, quà cáp chật nhà. Hay chuyện các quan minh tranh ám đấu xung quanh ông này.)

Vậy quay lại cái chết của Thái Tông sau khi Tư Thành được sinh ra. Mẹ con Tư Thành do Trịnh Khắc Phục, Nguyễn Trãi đưa đi. Mà 2 người này là... tâm phúc của Thái Tông đưa về. Nên trừ phi Thái Tông quáng gà đâm hồ đồ quay lưng lại với tâm phúc, hành động của họ cũng chính là ý muốn của Thái Tông. Nhưng trong cung thì có gì ép vua phải đưa vợ con đi?

Vậy phải nhìn lại quá trình phế lập liên tục của Thái Tông: Dựa Lê Ngân diệt Lê Sát, rồi dựa (vào đâu đó) diệt Lê Ngân - tương đồng với quá trình phế lập các phi tần, con gái của những người này. Điều này có thể còn tiếp tục dài dài. Nghĩa là con của Ngô Ngọc Dao cũng có thể là một "con bài" mới để Thái Tông diệt tiếp "kẻ nào đó" đang lên trong triều. Nguyễn Thị Anh thế lực yếu ớt, nhưng con của Ngô Ngọc Dao - người có thế lực mạnh cả họ nội lẫn họ ngoại - thì là mối đe dọa khó hơn nhiều.

Nếu là quyền thần, chọn Nguyễn Thị Anh hay Ngô Ngọc Dao thì dễ khống chế hơn? Lịch sử đã chứng minh.

Thiệt ra thì Lê Thái Tông hoàn toàn có thể hồ đồ, nghe lời gái phế lập lung tung xèng, rồi Nguyễn Trãi phải ra tay "giải quyết hậu quả". Rồi vua cũng tự nhiên chết, tai bay vạ gió trúng nhằm NT.

Nhưng cũng có câu "Một lần bất tín, vạn sự bất tin". Cái kiểu hành xử vắt chanh bỏ vỏ của Thái Tông thì hông ai hông nhận ra. Mà nếu vua bị ngay những cận thần bên cạnh mình "tiên hạ thủ vi cường", "không giết vua thì vua giết mình" diệt hậu hoạn cũng rất là có thể.

(Nhớ mang máng đâu thì Tạ Chí Đại Trường cũng từng nhận xét Thánh Tông dựa thế lực của những người từng giết cha mình mà lên ngôi.)

Nên bảo Nguyễn Thị Anh (hay thế lực nào đó) muốn diệt Lê Tư Thành thì cũng chả phải - sau này Tư Thành được đón về nuôi dạy đàng hoàng, trong khi thật ra chỉ cần tí tẹo thuốc độc thì ai biết đấy là đâu. Thứ họ muốn diệt thực sự là "ý muốn phế lập của Thái Tông" đằng sau Tư Thành. Nên vua chết, nguy cơ đó đã không còn.

Đúng ra, nếu muốn diệt Tư Thành khi còn trong trứng để "giữ vững ngôi vị cho Bang Cơ" thì Tư Thành đã không được sống lâu rồi. Nếu đã ép được Thái Tông phải bỏ vợ con thì cũng chả ngại lấy mạng luôn đứa con sau khi Thái Tông chết. Nhưng Tư Thành được giữ lại làm "đối trọng quyền lực" cho bên Bang Cơ, cũng như Khắc Xương sẽ được giữ lại làm "đối trọng quyền lực" cho bên Tư Thành.

(Thánh Tông giết Khắc Xương sau khi "cha vợ" Nguyễn Đức Trung qua đời. Sau khi Nguyễn Đức Trung cáo bệnh về nhà, Thánh Tông mới đưa ra những "cải cách" quan lại hành chính quân sự quan trọng. Chẳng biết sử gia vô tình hay cố ý mà lấy năm sau khi Nguyễn Đức Trung mất làm cuốn mới ghi cho Thánh Tông. '_')

Nên thiệt ra trong mắt Taylor, Thái Tông chỉ là ông vua trẻ con dễ bị lung lay, dễ kích động, xoay vòng vòng giữa các phe phái mà cuối cùng tự hại chết mình. Đây cũng là cố tật của các vua chúa thủ lãnh VN, toàn trong lúc đang thành công thì diệt kẻ bên cạnh đang đem thành công đến cho mình. Người ngoài bảo "sao dại thế?" chứ chỉ mấy ổng mới biết mình bị đè đầu cưỡi cổ, có tiếng không có miếng ra sao. =))

Mà diệt xong "phe lớn" rồi mà còn chưa bị "phe khác" và đối thủ đập chít ăn thịt thì hình như chỉ có mỗi... Nguyễn Ánh - do may là chính. =))))) Sau này NA cũng phải về làm hòa với Võ Tánh, "thế lực" lớn nhất ở Gia Định, làm hòa với tất tần tật người trong ngoài mới thành công được.

Nên muốn "độc tài" như Minh Mạng cũng là một quá trình gian truân hơn 10 năm trời xây dựng lực lượng đấy chứ giỡn à? "Chuyên chế" như Lê Thánh Tông cũng làm đủ trò đợi "cha vợ" về vườn mới chuyên với chế được.

Còn cái trò "đấu đá diệt quyền thần" giết người này người kia nghe thì cun ngầu nhưng chỉ dành để... thiếu nữ thiếu nam mơ mộng cun ngầu thôi.

---

Ngồi lược ĐVSK, đang từ Lý Trần nói toàn chuyện bình định thổ mục phiên liêu nọ kia nhảy sang thời Lê toàn chiện ông nọ đâm ông kia, cãi nhau giết nhau. Đang lầm bầm hông biết người viết sử có quá mức chi tiết lặt vặt hông thì cũng tự nghĩ ra là... tất nhiên nó phải thế.

Thiệt ra thì trong thời Lê, sức đẩy cho nền "chuyên chế tập quyền" không phải bắt đầu từ Lê Thánh Tông mà là từ... địa lý. Trong thời Lý Trần, những thế lực cai trị nằm ở phương Bắc, nên hễ có loạn lạc là bắt đầu từ vùng Thanh Hóa - Nghệ An trở đi. Lê Lợi nhờ địa lý ẩn náu suốt 10 năm, đưa lực lượng quân Thanh Hóa lên ngôi, đồng thời "thống nhất" được 2 vùng Nam-Bắc miền Bắc. Các châu mục miền Bắc được bình định trong thời Lý Trần cộng với châu mục phía Tây Nam nhà Lê đánh được mới tạo thế cục vững vàng để Lê Thánh Tông đánh xuống phương Nam. Mà ở các triều đại trước, đất lấy được không giữ được, thì đến đời Lê đã có thể "ổn định" đến tận Quảng Nam.

Mà một khi không phải chia quyền lực để bình định "đất xa" nữa thì... chỉ còn các ông đấu nhau thôi. Lê Thánh Tông trước hết là... may mắn, vì sinh ra trong thời điểm các ông giết nhau gần xong rồi. Đến khi LTT lên ngôi thì "công thần" già quá qua đời gần hết.

Nhà Mạc thất bại trước hết là vì... đây là dòng họ đặt quyền lực ở phương Bắc (Hải Dương). Nên bị nhóm phương Nam họp nhau đánh bại. Mà đến đây thì chứng tỏ một điều là chế độ tập quyền thời Lê không có tác dụng gì với "đất xa", chỉ giữ được vùng này yên ổn nhờ vị thế "đất của vua". Đến thời Trịnh thì lại phải nhờ vua Lê để "giữ" đất phía Bắc. Điều này cũng tương tự như thời Trần dùng quan hệ hôn nhân để giữ đất - Như Trần Quốc Khang được đưa xuống Diễn Châu, cưới toàn phụ nữ Diễn Châu, để rồi người kế nghiệp cai trị cũng là "người Diễn Châu" (ĐVSK ghi rằng điều này ứng hợp với hầu hết vương nhà Trần cai trị nơi xa).

Quá trình "Nam tiến" của VN là quá trình "thống nhất ngược" khi quyền lực dần chuyển giao về phương Nam.

---

Người VN có tục thờ cây đa, nhưng tại sao lại là cây đa?

Cây đa được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ, trải rộng khắp ở các vùng nhiệt đới Nam Á, Đông Nam Á, Nam Trung Quốc... (và hiện giờ cũng có mặt ở Úc). Tục thờ cây đa không chỉ có ở người Việt mà còn xuất hiện ở Ấn, Philippin, Guam... đặc biệt là người Dao cũng thờ cây đa.

(Theo kết quả nghiên cứu của Đề án "Sưu tầm kiểm kê kho sách cổ người Dao" do Tiến sĩ Trần Hữu Sơn (Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao Lào Cai) chủ trì có đăng tại thì: Người Dao có nguồn gốc xa xưa ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) gồm 7 nhóm. Người Dao ở Việt Nam và ở Lào Cai có 3 nhóm: Dao Tuyển, Dao Nga Hoàng và Dao Làn Tẻn (còn gọi là Dao Chàm) họ bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê (vào khoảng cuối thế kỷ 17). Để đến được đất Việt, sống ở vùng núi như ngày nay, người Dao đã phải trải qua cuộc hành trình muôn phần gian khổ vượt biển, vượt núi, vượt sông. Điều này phản ánh rõ trong nhiều phong tục, nghi lễ của người Dao và được ghi lại rất tỉ mỉ trong sách cổ. Người Dao di cư sang Việt Nam theo nhiều đợt từ đảo Hải Nam, qua Phòng Thành, tới Bắc Giang.)

- Theo truyền thuyết Hindu, cây đa là nơi nghỉ ngơi của thần Krishna (một trong những tên để gọi thần Vishnu). Thần Shiva cũng thường được miêu tả ngồi dưới gốc đa. Cây đa được coi là cây thần, gọi là Vat Vriksha.

- Theo truyền thuyết của Philippine, cây đa được coi như là nơi trú ngụ của các linh hồn và ma quỷ. Trẻ nhỏ thường được dạy là không nên chỉ trỏ cây đa hay nhục mạ linh hồn trú trong nó. Hồn ma trong cây đa có thể gây tai họa, hãm hại người.

- Nguời Chamorro ở Guam (một giống dân được cho là tới từ Đông Nam Á khoảng từ 2000 năm trước Công nguyên, gần với người Philippine và thổ dân Đài Loan), tin rằng cây đa là nơi trú ngụ của các linh hồn cổ xưa, bảo vệ cây thần này.

Ngoài ra, bóng dáng cây đa còn xuất hiện ở nhiều đình đền đài Cambodia (Angkor Wat), Indonesia, Hong Kong...

Ngoài ra, cây đa còn thường được nói tới trong Phật giáo Nguyên thủy, là nơi những sinh vật tầm gửi tới trú ngụ.

...

Ở đây, ta thấy niềm tin của chính người VN cũng chia thành 2 tuyến: Một bên thờ phụng cây đa, cho trồng gần chùa, làng, "Cây gạo có ma, Cây đa có thần" (thật ra cái cây "có ma" còn có nhiều biến tấu khác, lúc là cây si, lúc là cây gạo, cây thị...). Nhưng người thường thì tin là cây đa có rất nhiều ma, không khó gì để nghe người dân quê kể chuyện ma ở cây đa đủ mọi loại. :))

(Trong 2 vế "cây abc có ma, cây đa có thần" thì khó có thể hiểu thần được nói đến ở cây đa là ma. Ngoài ra còn có những câu "Sợ thần thì nể cây đa", "Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa"...)

Do chưa đủ hứng thú để đi dò lại truyền thuyết về cây đa ở các nước nên... đến đây kết thúc. Nhưng nói thêm, tín ngưỡng thờ cây đa vào Nam đã không còn, ngay từ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận cũng đã ít hẳn.



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.