I.2. Đàng Ngoài
Để nói về Đàng Ngoài, trước tiên có lẽ cần chú ý đến tình hình chính trị xã hội của nó. Trong đó, cần chú ý đến 1 điểm đặc biệt: Nạn đói xảy ra ngày càng dày đặc. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Cương mục,những năm ghi "đói" là: 982, 1042, 1156, 1208, 1268, 1290, 1291, 1292, 1301, 1310, 1320, 1333, 1337, 1343, 1344, 1354, 1358, 1379, 1405, 1408, 1409, 1447, 1467, 1487, 1490, 1492, 1512, 1517, 1557, 1559, 1572, 1577, 1585, 1586, 1589, 1594, 1595, 1596, 1608, 1629, 1630, 1634, 1679, 1681, 1694, 1695, 1702, 1703, 1712, 1713, 1724, 1728, 1740, 1741, 1753, 1757, 1758, 1768, 1774, 1776, 1777, 1778, 1786, 1788, 1790. Mà hễ đói là có cảnh "dân nằm chết gối lên nhau", "thây chết đầy đường". Những năm 1594 - chết 1/3, 1596 - chết quá nửa dân số, năm 1723 "số dân 10 phần không còn lại một".
Ngay cả năm 1681, nạn đói mà trong Sử ký chỉ ghi đơn giản "đói" thì John Barrow, con lai Anh-Việt sống cả thời thơ ấu ở Đông Kinh miêu tả "nạn đói kinh khủng đầy tai họa - như nạn đói đã tước đi hàng triệu linh hồn trong hai năm trước".
Trong cả ngàn năm, Đàng Ngoài chỉ 21 năm có ghi "được mùa to". Và cần chú ý 1 điểm rất đặc biệt: Nạn đói dồn dập xảy ra từ nửa cuối thời Trần trở đi, trở nên trầm trọng vào thời Lê, và "kinh khủng" vào cuối đời Lê Trung Hưng. Ngay cả trong thời thịnh trị của Lê Thánh Tông, Cương mục vẫn tổng kết lại có "11 lần hạn hán, 6 lần thủy tai, 4 lần có nạn đói".
Trong sử Nguyễn, khi ghi chép về công cuộc trị thủy, các quan nhà Nguyễn đã có 1 nhận xét đáng lưu ý: Hệ thống đê điều của điền trang thời Trần được xây dựng tự phát đã tạo áp lực lên dòng chảy của nước, khiến sức nước tụ lại, cuộn xoáy bất thường và có thể dễ dàng phá nát 1 điểm xui xẻo nào đó hứng phải sức mạnh của nó. Rồi đến lượt mình, các nơi khác buộc phải xây đê đắp đập để tự bảo vệ mình trước sức nước tụ dồn kia. Qua thời gian, hệ thống đê điều loạn xạ này đã đẩy toàn bộ sức ép xuống vùng hạ nguồn dòng sông. Điều này có thể lý giải cho những nạn thủy tai mà vùng đồng bằng Bắc bộ phải gánh chịu.
(Dù cả triều Nguyễn lẫn Pháp đã cố gắng cải thiện hệ thống đê, đào thêm sông thoát nước, miền Bắc vẫn có những nạn đói đáng lưu ý như trận lụt năm 1910, 1956... Những người sinh vào khoảng 1950-1970 vẫn còn ký ức về thứ gọi là "mùa lụt". Thứ duy nhất có thể làm mất lụt lội ở đây là... mấy con đập TQ xây dựng ở đầu nguồn.)
Thiên tai đi kèm với tình trạng dân số tăng, sống co cụm và trình độ sản xuất nông nghiệp kém phát triển đã làm các nạn đói càng trầm trọng hơn. Vì nghèo đói nên không thể tích trữ, không thể tích trữ khiến sự nghèo đói kéo dài, và khi thiên tai xảy ra thì chỉ có chết. Thậm chí không được như Đàng Trong có thể dùng thương nghiệp để chống đỡ, theo John Barrow "thương nghiệp Bắc Hà là chán nhất trong toàn châu Á" do nghèo nàn về vật phẩm buôn bán, giá cả không cạnh tranh (như Lê Quý Đôn nhận xét muốn mua hàng ở Đàng Ngoài thì chẳng thà đi vào Đàng Trong mua được nhiều và rẻ hơn), cùng với nạn tham nhũng lan tràn, kể cả phong tục không thuận, luật pháp không ủng hộ... Và đến cuối đời chúa Trịnh, ngay cả nền thương nghiệp yếu ớt ấy của Đàng Ngoài cũng đã bị phá hủy bởi các cuộc nổi loạn.
Không thể cho rằng nạn đói kéo dài suốt những năm trị vì của chúa Trịnh Sâm, đặc biệt là quãng thời gian 1774-1778 không có tác động gì đến chính trị Đàng Ngoài. Nạn đói là khoảng thời gian rất dễ xảy ra nổi loạn, bất kể lý do là gì, như cuộc nổi dậy của Nguyễn Hữu Cầu chỉ 30 năm trước đó. Đến lượt nó, những cuộc nổi loạn này tác động ngược lại, khiến nhà chúa thắt chặt kiểm soát, chi tiền cho quân đội lớn hơn. Kết quả, đầu những năm 1700s, Anh lẫn Hà Lan đã rút hoàn toàn sứ quán, cắt đứt giao thương với Đàng Ngoài, các thương phố như Phố Hiến suy sụp sau cuộc nổi loạn của Nguyễn Hữu Cầu. Đến khoảng năm 1777, khi nạn đói xảy ra quá khốc liệt, chúa Trịnh Sâm buộc phải lên tiếng nhờ mua gạo của Trung Quốc. Và thế lực của những ông tướng quân, nhóm binh sĩ ngày càng lớn hơn, Hoàng Ngũ Phúc chính là 1 trong những viên tướng thành danh từ cuộc trấn áp phản loạn đời chúa Trịnh Doanh. Nhóm quân Thanh Nghệ có ảnh hưởng rất lớn ở Đông Kinh, loạn kiêu binh thời Trịnh Khải chỉ là 1 trong nhiều cuộc rối loạn mà nhóm quân tướng này gây ra.
Cuộc nổi loạn của Nguyễn Hữu Cầu thực sự đã gây vô cùng nhiều thiệt hại cho Đàng Ngoài, cả vô hình lẫn hữu hình, cả những thứ tức thời cho tới hậu quả lâu dài mới hiển lộ.
Cần nhắc rằng họ Trịnh xuất thân từ Thanh Nghệ, nhưng không giống như vua Lê dù cũng từ Thanh Nghệ nhưng đã tạo lập được chỗ đứng tương đối cho mình. Họ Trịnh tôn lập vua Lê, dù có thể lợi dụng danh nghĩa của vua Lê nhưng cũng phải chịu sức ép không nhỏ của cả trong lẫn ngoài Đàng Ngoài, đặc biệt là khẩu hiệu "Phù Lê diệt Trịnh" mà chúa Nguyễn đề ra. Vâng, khẩu hiệu này là của nhà Nguyễn, được nhắc tới nhiều lần trong trận chiến của chúa Hiền đánh lên miền Bắc. Sau này Tây Sơn đã sử dụng lại nó - Thậm chí, theo nhiều nguồn sử đương thời cả trong và ngoài VN, Tây Sơn đã tự xưng là con cháu của họ Nguyễn Phúc để kéo quân lên tiêu diệt Trịnh (Điều này quá "nhạy cảm" với cả triều Nguyễn nên sử Nguyễn lại không ghi nhận).
Trong hàng trăm năm, từ khi Nguyễn Hoàng bị người anh rể đẩy khỏi quân đội, phải bỏ trốn khỏi Đông Kinh, họ Nguyễn vẫn coi họ Trịnh là kẻ tiếm quyền - lấy mất vị trí của cả bản thân lẫn của vua Lê. Các vị hoàng thân nhà Lê cũng liên tục phản kháng giành lại địa vị. Và trong những nạn đói dồn dập xảy ra, cộng hợp thêm việc Trịnh Sâm giết chết thái tử nhà Lê gây "oán khí thấu trời" như sách sử ghi chép, tâm trạng bất mãn với họ Trịnh cũng từ đó mà lớn lên. Đám kiêu binh của Trịnh Khải chỉ là giọt nước tràn ly.
Họ Trịnh đã lập triều đình trên 1 vùng đất "xa lạ" còn nguyên dấu thù địch của họ Mạc, sau 1 cuộc chiến tương tàn, gần thì phá hủy hoàn toàn Đông Kinh, xa thì gây thương vong khủng khiếp cho dân chúng Thanh Nghệ, về lâu dài còn để lại hậu quả không nhỏ ở biên giới phía Bắc. Họ Trịnh lấy danh nghĩa vua Lê, nhưng thực chất ngay cả trong 100 năm triều Lê sơ, các vua Lê cũng không dám "rời bỏ" vùng Thanh Nghệ thang mộc của mình - Ngoại trừ Lê Túc Tông chết chỉ sau 6 tháng trị vì, các vua Lê không có họ ngoại Thanh Hóa đều bị trừ khử, Lê Nghi Dân, Lê Uy Mục dựa vào thế lực ngoài Thanh Hóa để cướp ngôi và cũng đều bị tiêu diệt theo cùng 1 cách, Lê Chiêu Tông dựa vào Mạc Đăng Dung trong tình thế các viên tướng Thanh Hóa đánh giết nhau để rồi nhà Lê bị cướp ngôi. Họ Trịnh phù lập vua Lê, nhưng cũng đồng thời thừa kế của vua Lê cái tiền đồ xung đột này, và nó lại càng phức tạp thêm lên do mâu thuẫn địa vị trong ngoài, nơi một Đàng Ngoài đã tan nát vì chiến tranh, trì trệ trong vòng vây của những xung đột vụn vặt và cá nhân, nơi những cuộc chiến chẳng đi được về đâu ngoài phá nốt chính nó ra thêm nữa.
Trong suốt thời chúa Trịnh, có thể thấy hàng loạt cái chết của những viên đại quan "miền Bắc" như Nguyễn Công Hãng, Bùi Sĩ Tiêm, Phạm Đình Trọng... trong thời gian mà họ Mạc đã được dẹp xong. Những viên quan này đều có đặc điểm được vị chúa trước tin dùng, vị chúa sau trừ khử. Triều đình chúa Trịnh, cũng giống như chúa Nguyễn, phải chống trả với những âm mưu phản loạn nằm trong chính họ tộc mình. Và rồi, những vương tử ấy cũng đã trở thành "con cờ" cho các thế lực xung quanh.
Tuy nhiên, họ Trịnh cai trị Đàng Ngoài hàng trăm năm chắc chắn cũng xây dựng được thế lực cho mình. Theo Quốc sử di biên, những đội quân đuổi theo anh em Quang Toản, kẻ giết chết Quang Thùy, bắt được Quang Toản là các hào mục thuộc hạ cũ của họ Trịnh. Theo hệ thống quản lý của Đàng Ngoài, xã trưởng và lý trưởng đóng nhiệm vụ trưởng làng cai quản toàn bộ làng, từ việc kiện cáo, quản lý đến thu thuế, những người này dễ dàng tạo lập được 1 "lực lượng chiến đấu" cho mình khi cần thiết - Như trong Lê quý kỷ sự ghi nhận, sau khi Tây Sơn chiếm chính quyền Đông Kinh, các làng đã tự vũ trang chống trả. Và khi Quang Toản thua trận bỏ chạy, chính các thủ lĩnh, hào mục này - chứ không phải quân Nguyễn - dồn đuổi, bao vây bắt giết toàn bộ quân Tây Sơn.
Ở Đàng Ngoài, ngoài các làng mạc người Việt ở vùng trung du còn có hệ thống người dân tộc sống đông đúc trên rừng núi - Nhiều khi, chính các lực lượng dân tộc này mới là sức mạnh hỗ trợ lớn nhất cho các cuộc lật đổ, phản kháng như đã thấy trải dài trong suốt lịch sử VN. Xuất phát từ Thanh Nghệ, lấy sức mạnh từ đội quân Thanh Nghệ chống họ Mạc trong cuộc chiến Nam Bắc triều, họ Trịnh đã có sự chống đỡ đáng kể của quan, quân Thanh Nghệ từ đất thang mộc. Ngoài ra, hơn hai trăm năm phát triển ở trung du Bắc bộ cũng giúp triều đình này nhận được sự ủng hộ của một số lực lượng có liên hệ. Các vị thủ lĩnh, hào mục, thổ mục, lý trưởng này mới thực sự là lực lượng ngầm bên cạnh quân đội chính quy.
Cái thế lực này chỉ đổ vỡ khi chính họ Trịnh phân chia. Cuộc đấu đá này, bề ngoài là sự tranh giành của 2 vị công tử, nhưng thực chất sâu xa hơn là của các quan trong triều họ Trịnh với 1 thế lực lớn mạnh: Hoàng Ngũ Phúc - Hoàng Đình Bảo. Hoàng Ngũ Phúc là 1 hoạn quan mà trở thành Quận Việp nắm giữ toàn bộ quân lực họ Trịnh, khi đánh Đàng Trong thành công thì danh thế càng lên cao. Hoàng Đình Bảo vừa là cháu vừa là con nuôi Hoàng Ngũ Phúc, được phong trấn thủ Nghệ An mà đến chúa Trịnh Sâm cũng phải e ngại thế lực quá lớn của người này. Nhưng 1 người xuất thân hoạn quan thì gia thế ở mức nào? Trịnh Khải, dưới sự ảnh hưởng của các ông quan trong triều, đã thể hiện thái độ khinh ghét với Hoàng Đình Bảo ra mặt. Có điều chắc cần phải nói thêm, mẹ của Trịnh Khải là người Nghệ An.
Sự xung đột của thế lực mới lên họ Hoàng với lực lượng quan lại lâu đời họ Trịnh - cộng hưởng cùng xung đột vùng miền của nhóm lính Thanh Nghệ với ông chỉ huy quê Bắc Giang - đã được thể hiện ra ngoài thành cuộc giành ngôi của Trịnh Khải. Và tác động của nó còn khiến Lê Duy Khiêm (tức Lê Chiêu Thống) trở thành thái tử của triều Lê.
Cha của Lê Duy Khiêm là Lê Duy Vĩ bị chúa Trịnh Sâm cùng phe nhóm của Hoàng Ngũ Phúc, Phạm Huy Đĩnh hại chết để lập Lê Duy Cận làm thái tử. Sau khi giết chết Hoàng Đình Bảo, nhóm binh Thanh Nghệ này tạo sức ép đưa Lê Duy Khiêm trở về, buộc giết toàn bộ vây cánh của họ Hoàng, đưa Lê Duy Khiêm thành thái tử. Không rõ họ ngoại của Lê Duy Khiêm có quan hệ ra sao với Thanh Nghệ, nhưng khi bị Tây Sơn đuổi giết, Lê Chiêu Thống từng có thời gian chạy về Thanh Hóa trong khi gia đình lẫn quần thần chạy lên phía Bắc.
Như vậy, ta có thể thấy "hạt nhân" của toàn bộ rối loạn trong triều đình họ Trịnh nằm ở vị hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc, hay suy luận rộng ra là xung đột của 1 "triều đình Thanh Nghệ" nằm giữa trung tâm Bắc Hà. Họ Trịnh ở giữa những sức ép "phù Lê", với danh nghĩa tiếm quyền vua, đã chỉ nhờ cậy vào lực lượng quân sự Thanh Nghệ "tâm phúc", để rồi không thể thoát ra khỏi nó.
Và rồi, Nguyễn Hữu Chỉnh, thuộc hạ của Hoàng Đình Bảo, chạy xuống Phú Xuân vời quân Tây Sơn. Đội quân này dễ dàng phá qua "cánh cửa" Nghệ An vốn là đất trấn thủ cũ của Hoàng Đình Bảo, nơi mà năm 1777 dân đã chết đói "10 phần không còn lại một". Sử hẳn đã không vô tình khi ghi sự kiện Hoàng Đình Bảo xuất kho cứu đói trong năm 1777, khiến nhân dân Nghệ An biết ơn.
Trong khi đó, Trịnh Khải lên ngôi dựa vào thế lực của 1 nhóm lính ô hợp hoàn toàn không có sự kiểm soát. Nhóm lính này không chỉ giết Hoàng Đình Bảo mà còn phá phách tất cả nhà cửa quan lại ở Đông Kinh, hoành hành cướp bóc, rồi Trịnh Khải phải tính kế để diệt trừ đội quân này nhưng không sao làm nổi. Sự oán ghét đối với họ Trịnh - mà ở đây là Trịnh Khải, đã lên cao tột độ. Ngay cả những thế lực ủng hộ họ Trịnh cũng không muốn phò tá Trịnh Khải, việc Trịnh Khải bị chính thuộc hạ của mình bán đứng có thể là 1 dấu chỉ cho điều đó. Nghe Nguyễn Hữu Chỉnh thống suất quân Tây Sơn (mượn danh họ Nguyễn Phúc) đánh lên, các quan chỉ tìm cách bỏ trốn cho nhanh.
Nhưng ghét Trịnh Khải không có nghĩa là ưa Tây Sơn, cũng như mối xung đột của các quan với thế lực họ Hoàng cũng chẳng vì thế mà mất. Nguyễn Hữu Chỉnh phải bỏ chạy theo Tây Sơn, hay tìm cách xuống trấn thủ Nghệ An sau này là biểu hiện của điều đó. Lê Chiêu Thống sử dụng Nguyễn Hữu Chỉnh, dùng Chỉnh để đi tiêu diệt phe nhóm họ Trịnh, cũng có nghĩa là đã tự cắt đôi vùng đất vốn đã nhiều xung đột của mình. Khi có việc, 1 nhà vua họ Lê hàng trăm năm không danh không thế không thể nào quy tập nổi lực lượng để có thể chống lại dù ngay ở đất "thang mộc" nhà mình. Thiếu người liên kết, các làng chống Tây Sơn tự vũ trang để rồi bị tiêu diệt từng làng một.
Trong khi, cũng vẫn những thế lực đó, lực lượng đó lại có thể tiếp tục nổi loạn liên tục trong suốt thời Tây Sơn đến Nguyễn.
Các vua Lê (hay Lê Chiêu Thống) có lẽ đến giờ phút ấy mới nhận ra, những kẻ kêu gọi "phù Lê" ấy có bao giờ là vì họ Lê đâu.