Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

TS – LC&ĐV – 6
Trường An November 24th, 2017

II-3: Lực lượng

Nhân nói đến chuyện "cải cách", thì 1 vấn đề thâm-căn-cố-đế trở lại: Sự thiếu hiểu biết về kiến thức nhân-loại nói chung đã khiến sử học VN có những nhận định rất "buồn cười". Xa xa thì có Hồ Quý Ly "cải cách đột phá" khi dùng tiền giấy đã được sử dụng ở TQ 500 năm trước, gần gần thì có Nguyễn Huệ "học theo Chu Tử" là tân tiến văn minh, gần nữa thì là muôn vàn chuyện phét lác về "học hỏi Tây dương" kiểu chiếc đèn treo ngược. Thậm chí lời Khổng Tử, Chu Tử, aka các ông Tử được vài bậc danh nhân nhà ta trong lúc thuận miệng đọc lại cũng trở thành... bài thi phân tích tư tưởng chói ngời hiện đại đột phá của "danh nhân nhà ta" (thật ra đây cũng không phải lỗi của danh nhân, ai biết "đời sau" của mình nó lại... không hiểu biết bằng mình).

Cho nên trong cái nền lịch sử VN hỗn độn địa phương cá nhân nọ, đôi khi tự nhiên lại nổi lên vài "ngôi sao cải cách" chói ngời vượt qua cả không gian thời gian thế giới vũ trụ, và bị "thực tại phũ phàng" nuốt chửng. Thật ra ngoài chuyện "không hiểu thế giới" thì còn 1 vấn đề nữa là... không hiểu cả chính mình luôn. Hậu quả của tư tưởng thuộc địa đầu thế kỷ 20, ai ai cũng chắc mẩm rằng "tổ tiên nhà mình" là 1 cộng đồng gì đó vô cùng "tách rời khỏi thế giới" nhưng lại hay... đột biến gien sinh ra thiên tài, những người ở trong cái cộng đồng "hủ lậu khép kín" nhưng mang tâm tư của... anh hùng đột biến xuyên không. Nghĩa là, bất chấp mọi môi trường phát triển, mọi hoàn cảnh xung quanh, mọi kinh lịch xã hội, mọi văn hóa thế giới thế thời, "tư tưởng tân tiến tân thời" nọ lao từ đâu xuống thì... cứ hỏi ông giời.

Trong phạm vi bài này thì không đủ đất để mà nói về chuyện văn minh thế giới hay khu vực, nhưng chỉ nhắc lại 1 chuyện rằng: Trình độ thương nghiệp của Đàng Trong vô cùng phát triển, và ngay từ thế kỷ 16, các ông giáo sĩ đã khen ngợi hết lời về sự cởi mở của dân Đàng Trong. Các chúa Nguyễn cũng liên tục sử dụng giáo sĩ Tây dương để làm việc, chúa Nguyễn Phúc Chu thậm chí còn học toán và thiên văn từ các giáo sĩ. (Lại có 1 chuyện cần nói, các chúa Nguyễn cũng chẳng phải sản phẩm của đột biến gien, cùng thời gian thì bên xứ TQ, Khang Hy cũng tập hợp giáo sĩ dạy thiên văn địa lý, vua Xiêm bên nước Đại Thành có 1 ông quan Hy Lạp, cử sứ thần sang Pháp, thương nghiệp Đông-Tây bên Miến Điện đông đúc như trẩy hội... Tất cả những bài ca "bế quan tỏa cảng" lẫn hâm dở này nọ kia đều do "bọn Tây" nói phét ra đấy). Chuyện tôn giáo thì phần lớn nằm ở lý do tôn giáo hoặc do những đợt tấn công của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan vào các đảo quốc châu Á xung quanh gây chuyện - Nói chung, là do phản ứng với "thế lực gây nguy hiểm" chứ chả phải do tư tưởng gì.

Cho nên, Nguyễn Phúc Ánh sinh ra trong 1 môi trường như thế, nơi mà khi Lê Quý Đôn vào còn vớt được 1 ông Tây sống ở Phú Xuân làm nghề sửa đồng hồ, 1 ông "đi Tây về" cái gì cũng biết sửa biết làm. Sự tiếp nối "truyền thống" này được phát huy ở Gia Định, khi Nguyễn Phúc Ánh được tiếp xúc với 1 nguồn lực mới mẻ hơn: Người Pháp, 1 trong các quốc gia đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần I, vào đúng thời gian đỉnh cao của cuộc cách mạng này. Tư tưởng Nho giáo, sự kết hợp của "Tam giáo đồng quy", dù không tương hợp với các tôn giáo nhưng không đến cái mức "nhìn nhau như cừu thù" đã khiến Gia Định nói riêng, miền Nam nói chung là cái nôi cho đủ loại tôn giáo cho đến tận ngày nay. Cho nên Nguyễn Phúc Ánh 17 tuổi đã đi theo Bá Đa Lộc làm thuyền chiến 2 tầng, thu nhận vào quân mình 1 đám người chả cần biết xuất thân xuất xứ, cũng như Minh Mạng sau này có học toán, thiên văn hay viết chữ latinh cũng là chuyện vô-cùng-bình-thường khi nhìn vào môi trường phát triển này.

Nhưng vào bối cảnh VN, nơi mà tính địa phương nhỏ lẻ vẫn còn cao độ, thì 1 đàng ở Gia Định ta thấy Nguyễn Phúc Ánh nhận người Pháp, 1 đàng ở phía Bắc ta thấy Nguyễn Huệ viết chiếu rủa xả "Bọn Tây dương trắng nhợt như xác chết trôi". À thì, dù nói thật ra trước đó người VN thường chỉ tiếp xúc với người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha da ngăm tóc đen mắt đen - thì Đàng Ngoài vẫn còn người Anh, Hà Lan. Chính Tây Sơn vẫn có lúc lôi kéo 1 đoàn sứ thần Anh. Giáp điệp Nguyễn Nhạc tung vào Gia Định tung tin người Tây làm phép dọa người. Một lần nữa, ta chả biết Tây Sơn hay Nguyễn Huệ có kỳ thị gì hay không, chỉ thấy rằng họ tiếp tục nhắm tới kích động sự kỳ thị và thù hằn nằm trong 1 số người với "nhân tố lạ bên ngoài". Hay nói cách khác, sự tiếp nhận giao thương và tiếp xúc văn hóa nằm ở 1 số "thành phần tinh anh", còn số khác vẫn là lối sống và suy nghĩ cũ, có thể họ cũng sẽ tùy thời thay đổi cái nhìn - Hoặc như ông con lai J. Baron chua chát nói về tư tưởng dân Đàng Ngoài: họ ghét đi ra ngoài, kỳ thị bất cứ thứ gì ở bên ngoài (nghe có vẻ như tuổi thơ của ông ở Đông Kinh cũng không được vui vẻ cho lắm).

Mà điều này thì... có vẻ cũng đúng khi mà Nguyễn Huệ đang muốn đem quân miền Bắc đánh xuống Gia Định. Số quân Thuận Quảng có vẻ không đáng kể khi mà Nguyễn Huệ lên tiếng mắng mỏ hết "tên Chủng" này đến "tên Chủng" kia, rồi "dân Gia Định nhút nhát giờ lại nổi lên" đến "bọn chết trôi biển Bắc dạt xuống". Lời chiếu này 1 lần nữa xác lập tư tưởng của Tây Sơn: Hoàn toàn không coi Gia Định là 1 phần "của mình", và kích động mối thù hằn hay khinh ghét giữa các vùng miền, sự kỳ thị với thành phần "bên ngoài" xa lạ và hỗn tạp mà đại diện là "Gia Định" - nơi có vô cùng nhiều sắc dân "ngoại quốc" sinh sống. (Làm 1 phép so sánh, dù trong thời Nguyễn vùng Thanh Nghệ có nổi loạn liên tục thì cũng chả ông nào rống lên "đồ dân Thanh Nghệ ngang ngược giờ lại nổi lên" trong đoàn quân đi bình định).

Như đã nói trước, Tây Sơn lớn mạnh và phát triển từ những mâu thuẫn, thù hằn, kỳ thị và xung đột, họ rất giỏi trong việc khuấy động những thù hận này, lợi dụng nó để lấy phần lợi cho bản thân. Nhưng chơi dao lắm có ngày đứt tay, hay nói cách khác là Nguyễn Huệ không nhận ra rằng vị thế của mình đã ở đâu: Là hoàng đế của 1 quốc gia chứ không phải chủ tướng của 1 nhóm người địa phương. Ngày xưa Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành cũng phải kể 91 tội của vua Chiêm chứ nào phải kiểu "ta ghét ta đánh", "nó chống ta nên ta đánh". Và khi "ta" ở đây là 1 triều đình mới lập chưa có thành tựu ơn nghĩa sâu dày gì, thì thật ra không lấy làm lạ khi Nguyễn Huệ cuối cùng đành vời đến Nguyễn Nhạc để kiếm đường đi đến Gia Định. Còn dân Gia Định trước đó còn than trời than đất oán trách Nguyễn Phúc Ánh đổ cho họ 1 đống việc, 1 đống thuế thì sau đó... im lìm ngoan ngoãn hết mực.

Như vậy, quay lại với điều đang nói ban đầu, thì xét cả về môi trường, hoàn cảnh lẫn biểu hiện, Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc của Tây Sơn đều cách cái hình tượng "ngôi sao cải cách" của những sử gia tân thời hơi bị xa xôi. Là những thương nhân trên vùng núi Quy Nhơn, họ có điều kiện tiếp xúc với "bên ngoài" - nhưng chỉ hạn chế trong giới thương buôn Trung Quốc, Đài Loan (có thể cả Nhật Bản). Với người Tây và tôn giáo của họ, Tây Sơn không kỳ thị nhưng cũng không chào đón - Nguyễn Nhạc có thể kêu gọi giáo dân vào 1 thời điểm nào đó, rồi lại thu thuế họ, Nguyễn Huệ cũng dùng họ rồi lại dồn ép họ. Như các thương nhân, Tây Sơn sử dụng các "điều kiện bên ngoài" như 1 món hàng, khi cần giáo dân thì gọi giáo dân, khi cần thương buôn thì gọi thương buôn, khi cần người Đàng Ngoài thì "theo ông Chu Tử", khi đánh Quy Nhơn thì kể tội "giết vua", khi cần đánh Gia Định thì "1 bọn chết trôi"...

Vì chuyện "nhạc nào cũng nhảy" này, thật ra khó mà xem xét tư tưởng thật sự của Tây Sơn là gì. Tuy nhiên, xem xét cả quá trình - khi mà thời gian Tây Sơn và Nguyễn Phúc Ánh xây dựng lực lượng thật ra cũng tương đương với nhau: Khi mà Nguyễn Phúc Ánh ở Gia Định, sau khi Cù lao Phố bị đốt cháy, thương nghiệp bị hủy hoại, đã đưa thương nhân đến Sài Gòn để xây dựng lại từ đầu, bước đầu thu nạp được Mãn Noài cùng mua được vài thuyền Tây khác, tự chế tạo thuyền kiểu mới cho mình - Thì trong cùng thời gian, Tây Sơn đi thu được 1 bọn hải tặc TQ về "đào tạo"; Hội An bị phá, Nước Mặn không dùng được, đoàn thuyền Anh đi mất hút, Tây Sơn... cướp được tàu Bồ Đào Nha, dìm chết chủ thuyền. Thời kỳ thứ 2, Nguyễn Phúc Ánh về Gia Định lần này còn tan hoang hơn, mở khoa thi thu nhận người Gia Định làm quan, tìm mua vũ khí, xây dựng lại thương nghiệp - Thì đến năm 1792, năm Nguyễn Huệ chết, Tây Sơn mới chỉ chùng chình ý định dùng vài ông giáo sĩ thử kêu gọi thuyền đến (mà chả ông nào muốn đi), khoa thi thì đến lúc Quang Toản thua chạy mới mở; việc chính Tây Sơn làm là... đi đánh Vạn Tượng và hoạch định đánh Thanh, đánh Gia Định. Trong hơn 20 năm nằm dưới quyền quản lý của Tây Sơn, thương cảng Hội An - Đà Nẵng phồn hoa 1 thời đến tận 1798 vẫn tan hoang tiêu điều khốn khổ, chả có gì được dựng xây tái tạo. Ngay cả ở trong quyền quản lý của Tây Sơn, cảng thị Nước Mặn - Thị Nại từ đó cũng hoang phế không bao giờ phục hồi lại nổi.

Nhưng Tây Sơn quét sạch Gia Định, Phú Xuân nhờ đội thuyền bọn hải tặc TQ chỉ huy, đánh ra Đàng Ngoài nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh, vét sạch kho tàng họ Trịnh đem về Phú Xuân. Thật ra, năm xưa Trịnh đánh Mạc, dân Nghệ An chết đói chỉ còn 1/10, Đông Kinh bị đốt sạch thì... đã có làm sao? Cơ cấu địa phương được 1 điểm rất có ích cho chính quyền trung ương: Chỉ cần có 1 lực lượng đủ mạnh để "khống chế tầm gần, tấn công tầm xa" - nói cách khác là đủ để tiêu diệt "địa điểm nổi loạn" nào đó, thế là đủ. Những địa phương bất mãn rải rác dễ dàng bị khống chế trong tầm ngắm, một khi đã thu được quyền lực ở trung ương và có 1 đội quân đủ mạnh. (Ví dụ dễ dàng nhận thấy nhất là nhà Thanh ở Trung Quốc - một khi chính quyền trung ương nhà Minh tan rã, không thể kết nối nổi 1 lực lượng đủ mạnh, quân Thanh cứ thế ăn dần dù người Hán có căm ghét triều đình này đến mức nào. Sau đó, vào thời dân quốc, khi chính triều Thanh đã mất quyền khống chế với các địa phương, TQ đã trở thành "mồi ngon" của các thế lực bên ngoài như thế nào).

Nhìn cả 1 quá trình thì có thể dễ dàng nhận ra: Chẳng gì tự nhiên mà có. Môi trường của Nguyễn Phúc Ánh tạo nên vị vua của 1 chính quyền trọng thương nghiệp, thủy chiến, kết liên và mở rộng bang giao. Môi trường của Tây Sơn sinh ra anh em Nhạc Huệ giỏi việc tập hợp các băng nhóm "tứ cố vô thân", đầu cơ trục lợi và "lấy của người thành của mình" - Liên tưởng hơi xa, có thể nghĩ tới các cuộc chiến tranh của nhà nước Chiêm Thành thời xa xưa, khi không sản xuất được thì họ cướp bóc, lúc thì lập cả đoàn hải tặc trên biển, lúc thì tấn công các nước xung quanh.

Và một khi cái thế lực này nắm quyền cai trị 1 quốc gia, cũng không ngạc nhiên khi thấy các kế hoạch chiến tranh mới được hoạch định bất chấp "xứ Thanh không còn 1 bóng người". Dù đã sát nhập vào mình cái phần "hoạch định chiến lược" của các sĩ phu Nho giáo miền Bắc, biết là muốn lập quốc phải lo kinh tế, giáo dục, nhưng những lời Nguyễn Thiếp nói thì Lê Quý Đôn (cùng người đương thời) đã ca cẩm hàng mấy chục năm trước, còn đường lối thì... chưa thấy đâu. Rồi một khi chính quyền đã chìm trong tranh chấp, thì... thương cảng sát sườn quan trọng nhất vùng là Hội An Đà Nẵng vẫn tiêu điều hoang vu khốn khổ như ngày nó bị đốt, miễn nói tới các vùng khác.

Kể ra mà nói, thì các quan Gia Định mà Nguyễn Phúc Ánh thu gom được có số rất lớn là người Minh Hương, hoặc lớn lên trong môi trường công thương, dòng dõi của các thương nhân phú gia. Ngoài ra, ngay cả người Pháp đến Gia Định cũng là được Bá Đa Lộc cùng các thương nhân dùng tiền chiêu mộ đến. Còn tầng lớp "sĩ phu Đàng Ngoài" mà Nguyễn Huệ quy tập được thì chỉ có đại diện 1 ông sĩ phu lánh đời trong núi, 1 ông quan giỏi chèo khéo chống trong thị phi triều đình, những "thế gia vọng tộc" ăn lương nhà nước ngồi viết văn mà Nguyễn Hữu Chỉnh còn mỉa cho "hạng nhà Nho nói phét". Mà chẳng biết có nói phét hay không thì lớp sĩ phu này cũng bị thổi bay sạch trong xung đột sau khi Nguyễn Huệ chết.

Nói chung, hiện tại là sự thừa hưởng tiếp nối của quá khứ. Tây Sơn của Nguyễn Huệ đã thừa hưởng cái "cơ đồ" của Lê Trịnh, chính những con người, mảnh đất, thế lực, lực lượng, gia tài mà Lê Trịnh bỏ lại. Hỏi thật, một khi chúa Trịnh đã thất bại, vua Lê thua thảm thương với những con người đó, thì sự "đột biến gien" nào có thể biến họ thành bậc thiên tài trị quốc an dân? Kết quả thì họ cũng chỉ có thể quẩn quanh "về với ông Chu Tử", tranh giành đấu đá với nhau cho đến ngày tất cả chết hết. Ngay cả trong triều Nguyễn, các ông "sĩ phu" cũng bị Lê Chất 1 đòn quật bay hết sạch, kết quả chỉ ngẩng mặt nhìn trời ai oán kiểu Thanh Hiên Hồng Lĩnh than thở cho "ta có tài mà trời phụ ta" được mà thôi. Ờ...

Sự kết hợp của tầng lớp tướng lĩnh xuất thân từ rừng núi Quy Nhơn mang đầy tính tộc họ địa phương bè phái và tầng lớp quan lại Bắc Hà "sống như 600 năm trước", cộng thêm lực lượng lâu nhâu của những kẻ gió thổi chiều nào bay theo chiều ấy, thể hiện thành lời chiếu đánh Gia Định "vô cùng đặc sắc" của Nguyễn Huệ. Tất nhiên, chiếu này cũng chẳng phải Nguyễn Huệ tự viết đâu, nhưng nó là "tiếng đồng lòng" của cả 1 triều đình gửi đến cho "chúng dân toàn đất nước".

Từ "đen răng dài tóc" cho tới "bọn xác chết trôi", từ "đánh chúng không còn manh giáp" đến "bọn dân Gia Định nhút nhát lại nổi lên", thật ra là có cùng 1 bản chất.



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.