Ngày 28/11: Mấy chiếc thuyền từ Bà Rịa, nơi mà Tổng trấn đã tiếp tục lên đường đến Huế, trở về nơi mà họ đã đón ông ấy. Ong-Kiam-Loto, chỉ huy của đoàn thuyền, trên chuyến trở về sau khi đưa Tổng trấn đến Bà Rịa, đột ngột mắc dịch tả qua đời ở tuổi 65. Ông ấy được đặt trong một cái quan tài được khảm và đánh bóng tốt ở trong nhà ông. Gia đình và người thân của ông ấy, cùng tất cả thành viên của đội thuyền hàng ngày làm lễ trước áo quan theo phong tục.
Một trường hợp gây tò mò xảy ra ngay trước khi Tổng trấn rời khỏi. Ông quan Tabaonhy và vợ ông ta bị tống giam vì kết quả vận động ngầm của Ong-Tan-Hiep, thư ký và người được Tổng trấn yêu thích. Người này được Tổng trấn thu nạp từ khi còn nhỏ, một người đàn ông tham vọng, có năng lực, và đầy oán hận, bị tất cả quan lại ghét bỏ, dù cho ông ta giàu có và đầy quyền lực. Tất cả quan ở đẳng cấp trên của ông ta phải đợi gặp ông ta ở nhà riêng - một vấn đề mà chúng tôi có cơ hội tự mình nhận biết khi cơ ngơi của ông ấy ở gần nơi chúng tôi trú ngụ. Không có ngày nào mà ông ta không nhận lấy một món quà hay một thứ gì đó - mà ông ta sẽ đem bán lại tại cửa hàng riêng được người của ông ta quản lý, gần với nhà ông ta vì căn nhà này ở trong khu chợ.
Lý do sự căm ghét của người này với ông quan Tabaonhy là thế này: Ông quan đã tán tỉnh một quả phụ giàu có xinh đẹp, và sau khi gần vét sạch ví, đã gần như thành công. Viên Thư ký xuất hiện, trẻ trung và điển trai hơn, đồng thời là người được Tổng trấn yêu, khiến cho quả phụ này thay đổi. Và cô ta chẳng còn gì để nói với ông quan Tabaonhy. Hai người này sau đó chưa bao giờ là bạn bè mà mỗi kẻ chỉ rình cơ hội đả thương kẻ kia. Viên Thư ký thành công hiệu quả trong việc này, vì như đã nói, ông ta đã khám phá ra ông quan Tabaonhy tham nhũng tiền từ những công nhân đào kênh Hà Tiên. Một ngày, một người thiếp xinh đẹp của ông quan Tabaonhy tên là Cheday gặp viên Thư ký trên đường và nói chuyện với ông ta, bảo rằng xin được tới nhà riêng của ông ta, cô có vài điều đặc biệt cần bàn. Ông ta bảo cô cứ đến khi nào cô thích. Cô ta đã tính toán canh chừng một cơ hội, và khi cô ta biết ông ta có nhà, đã đến nhà ông ta vào lúc 8 giờ tối. Sau đó, cô ta yêu cầu được nói chuyện riêng với ông ta, và ông ta đưa cô vào phòng riêng của ông ấy, khi cô ta khẩn khoản nài xin ông giúp đỡ thả chồng của cô ra. Ngay sau đó, gia đình nghe cô la hét "cưỡng hiếp" và "giết người". Khi họ đến giải cứu cô, cô bảo mình bị ông ta sàm sỡ khi cô xin ông giúp trả tự do cho chồng. Sau đó cô ta chạy ra đường, la hét tương tự, chìa cho mọi người xem lọn tóc của Thư ký mà cô ta cắt được. Buổi sáng, cô ta đến trước Tổng trấn, than van cho số phận cô, ném xuống trước mặt ông lọn tóc của viên Thư ký và đòi hỏi công lý. Biết rằng tội ngoại tình sẽ bị xử với hình phạt là tử hình, ông đã tự điều tra vụ việc này, phát hiện ra đây là kế hoạch của cô và chồng nhằm hủy hoại viên Thư ký, nên trừng trị cô bởi 100 hèo. Cô gái trẻ này tuổi không quá 25.
Ngày 1/12: Phái đoàn nhận được các ghi chép về nạn đói đang xảy ra ở phía Bắc đất nước này, gây nên cái chết của nhiều người nghèo. Lý do là bởi nạn triều cường ngập úng bất thường của biển đã phá hủy phần lớn mùa thu hoạch của một số quận huyện.
Vài ngày trước, một người đàn ông bị chém đầu vì đã đánh đập vợ mình, bà ta sau đó đã chết, dù được cho là không phải vì hậu quả của trận đòn.
Tổng trấn tạm thời lúc này đang củng cố thành trì của Gia Định thành bằng đá tảng lấy từ đồi núi của đất Đồng Nai cũ. 1000 lính làm việc cả ngày đêm.
Ngày 19/12: Vào ngày 18, có 2 chiếc thuyền rời đi đến Singapore, 1 chiếc nữa hôm nay, mang theo thư của phái đoàn gửi cho vua của Ava, thông báo kết quả đạt được của phái đoàn.
Anh em của cố chỉ huy của đoàn thuyền đã đi đến Hà Tiên trên vịnh Xiêm La để đưa về hài cốt vợ của anh trai ông. Ông trở về với 2 quan tài chứ không phải 1, và tất cả, cùng với cố chỉ huy tàu, được chôn chung với nhau.
Ngày 28/12: Hôm nay là sinh nhật của mẹ của vua. Và thành phố được thắp sáng rực rỡ trong 3 đêm liền. Một chiếu chỉ vừa đến từ kinh đô, cho gọi ông Diard, một thầy thuốc người Pháp, đến Huế.
Ngày 3/1/1824: 4 chiếc tàu đến từ TQ, mang theo 1300 người. Họ trả 6 dollar mỗi người để nhập cảnh. Sau khi đến, họ ổn định và phân tán trong các phần lãnh thổ, đi xa nhất đến thành phố của Chân Lạp.
Ngày 6/1: Phái đoàn nhận được 172 quan và gạo từ chính quyền cho tiền phí mỗi tháng. Chúng tôi được bảo là có một giống gỗ thuốc mà các sứ thần gọi là Akila, thứ tốt nhất được tìm thấy ở Quy Nhơn, và thử hiệu quả của nó với 2 thành viên trong đoàn bị kiết lị, họ đã khỏi bệnh sau 1 thời gian ngắn. Lúc này chúng tôi được xem quân lính tập trận trên bãi biển, tại một nơi được lập riêng cho mục đích ấy.
Ngày 16/1: Một chiếc tàu khác từ TQ với 400 hành khách. Những dân nhập cư TQ này sống ở khắp nơi, dọc theo dòng sông. Khi họ đến, hành lý đem theo của họ gồm một cái chiếu thô, gói nhỏ chứa quần áo rách rưới. Hàng ngàn người thế này cũng tới Xiêm và bán đảo Mã Lai hàng năm.
Ngày 30/1: Không nghe được gì về công việc của phái đoàn cho tới lúc này, các thành viên cũng không chờ đợi có kết quả cho đến khi ngày lễ kết thúc. Hôm nay là ngày cuối năm của VN, và những cửa hàng chỉ mở vào buổi sáng, người người bận rộn sắp xếp kế hoạch cho 4 ngày tới, khi mà chợ không mở. Trước mỗi nhà có một cây tre cao thẳng, phía trên chắc treo trầu không và thuốc lá như thể dâng cho thần.
Ngày 31/1: Hôm nay là ngày đầu năm. Người bỏ tất cả các loại công việc, đi ra ngoài trong những trang phục lễ hội, đi từ nhà này đến nhà kia chúc mừng nhau. Trước mỗi nhà có một cái bàn nhỏ đặt thức ăn ngọt và một ngọn nến cháy như một hình thức tưởng nhớ tổ tiên. Mọi người, trong mọi độ tuổi và chủng loại, bày trò chơi ở khắp nơi trong thành phố, cả ngày lẫn đêm đều nghe tiếng pháo ném, pháo đập và những loại pháo khác. Trong ngày thứ 7 của tháng, những người có khả năng thì đi thăm những người bạn, thân thuộc ở gần nhất và tặng nhau quà. Trong buổi chiều, cây tre cao chứa trầu thuốc được hạ xuống. Bàn thờ dành cho tổ tiên cũng được dọn đi, và những thứ trên đó được đem cho những thân thuộc gần gũi già nhất trong buổi tiệc. Tuy nhiên, trước khi việc này xong xuôi, thành viên trong nhà và khác khứa phải làm lễ trước. Người VN ăn mọi loại thịt thú, không kiêng, cũng không loại trừ thịt chó, mèo, chuột, cá sấu...
Ngày 13/2: Chúng tôi được thông tin từ vài nguồn rằng triều đình đang chuẩn bị một chiếc tàu cho chúng tôi về Ava.
Ngày 14/2: Thư ký Ong-Tan-Hiep đến hôm nay, với chiếu chỉ từ triều đình, ông ấy đi qua vùng đất này chỉ trong 12 ngày. Chúng tôi nhận được vài thông tin về sứ mệnh của phái đoàn.
Ngày 18/2: Hôm nay là ngày thứ 17 của tháng, kết thúc lễ hội. Ba khẩu pháo trên thành bắn loạt đạn chào, tiếp nối bởi một loạt súng hỏa mai và pháo nổ trong mỗi ngôi nhà của thành phố. Toàn bộ quân đội tràn ra đường, và đánh trống, phất cờ quạt, diễu hành với đủ loại nghi thức quanh chân thành. Sau đó, họ tiến ra bờ sông, ở đó đã có 3 chiếc thuyền đậu sẵn, đồng loạt bắn súng chào, và được đáp lại bằng súng hỏa mai như trước. Những chiếc thuyền sau đó thả buồm đi khắp sông, hộ tống bởi số lượng lớn tàu bè nhỏ được trang trí bằng cờ nhỏ, biểu ngữ, đèn lồng và giáo mác.
Vào 7 giờ sáng, một chiếu chỉ của nhà vua được đưa từ nhà của Ong-Tan-Hiep tới trụ sở của chính quyền trong thành với rất nhiều nghi lễ, trên cáng mạ vàng. 6 con voi đi theo, và rất nhiều quan lại hộ tống. Tổng trấn tạm xuất hiện trong bộ đồ chiến lấp lánh thêu một con sư tử trên áo. Với phái đoàn Miến Điện, chúng tôi nghe nói rằng có 3 viên quan và 1 viên thư ký cùng 70 người hộ tống, được chỉ định đưa chúng tôi về Ava. Tên của 3 viên quan là Ong-Kin, Ong-Kian, Bie Voung và thư ký Ong-Tri-Bohe. Ong-Kin là một hậu nhân người TQ; cha ông là trưởng một nhóm hải tặc người TQ đã giúp đỡ vị vua vừa rồi lấy lại ngai vàng. Ông ta gia nhập nhóm của vua ở Côn Đảo, và được cấp hàm thiếu tướng một tàu hải tặc mà ông ta đem theo từ TQ. Những người này, khi chiến tranh kết thúc, được sắp xếp ở tại bờ trái của dòng sông, nơi mà họ cùng hậu duệ của họ sinh sôi tới số lượng 300 hay 400 người, được trả phần cấp dưỡng bởi chính quyền và sẵn sàng phục vụ khi được gọi.
Ngày 19/2: Chúng tôi đến thăm Tổng trấn tạm, và được thông báo rằng có một chiếc thuyền sẽ đưa chúng tôi về nước mẹ.
Ngày 22/2: Chúng tôi nhận được tin rằng người được chỉ định đưa chúng tôi trở về được thăng một cấp, và người cấp trên đang chờ đợi thư từ triều đình và quà gửi cho vua Ava.
Ngày 25/2: Một đam cháy vừa xảy ra trong khu chợ, gần nhà của viên Thư ký, và chính Tổng trấn tạm đến địa điểm đó để huy động dập lửa. Nỗ lực này đã có kết quả, trên khoảng đất từ nơi này tới dòng sông, chỉ có 2 nhà bị hủy hoại.
Ngày 26/2: Coe-Doe-Lam từ kinh thành đến, và qua ông ấy, phái đoàn biết rằng Tướng Tổng trấn sẽ không trở về miền Nam trước tháng 5, đến khi ông ấy xong việc tham dự lễ cưới của một người cháu tên Cadoa với em gái của vua, con gái của vị vua trước. Ông ấy nói, khi Tổng trấn đến đã nói về việc mở kho thóc công, và vì thế, giá gạo đã giảm xuống còn nửa quan một hộc. Sự khan hiếm đã khiến một cuộc nổi dậy nổ ra ở Bắc Kỳ, những kẻ phản loạn sẽ không hạ tay xuống cho tới khi được nói chuyện với lãnh đạo xứ ấy.
Ngày 17/2: Một đám cháy khác ở gần nơi trú ngụ của phái đoàn, được dập tắt bởi những nỗ lực to lớn.
Ngày 28/2: Ông Diar trở về từ kinh đô, và phái đoàn được biết quà cho nhà vua đang được chuyển đến. Ông Diar được chỉ định bởi triều đình VN hộ tống phái đoàn về nước, và cho chúng tôi xem trát ủy nhiệm của nhà vua về việc đó, dưới có dấu triện của ty Hành nhân. Ông ấy cũng nói mình được đặc cách gọi tới triều đình để phiên dịch cho công vụ của phái đoàn. Ông ấy bảo rằng quan trưởng ty Hành nhân đã nói trước triều đình chống lại việc liên kết với Miến Điện, nhấn mạnh rằng nó sẽ đánh động người Xiêm La, và khiến họ thay đổi thái độ thù địch với đất nước VN. Nhà vua yêu cầu được biết tại sao các quan của ngài e ngại cuộc liên kết mới này, và chứng kiến, một điểm hết sức rõ ràng - Miến Điện là kẻ thù truyền đời của Xiêm La. Tướng Tổng trấn và hai viên quan Pháp Vanier và Cheneaux đứng về phía Miến Điện. Họ nói, Miến Điện là kẻ thù thâm căn cố đế của Xiêm La, và thông qua họ, VN có thể lần nữa chiếm lĩnh được vùng đất Battambang màu mỡ của Chân Lạp, và một nền thương mại tự do có lợi cho cả 2 bên có thể được thiết lập. Kết quả của cuộc tranh luận này là thù địch với sự kết giao cùng Miến Điện, mặc dù tôi không thể giải thích được lý do của sự kiên quyết không thiện chí trong tâm trí nhà vua VN. Trên tất cả, tuy nhiên, tôi có khuynh hướng gán kết quả này cho tính tự phụ quá mức của người VN, những người tin chắc là chính mình, và những người TQ mà họ là hậu duệ, là những kẻ văn minh duy nhất trên thế giới, tất cả các nước khác đều là man di mọi rợ. Với người Xiêm, nhà vua VN tin rằng có thể đánh bại họ ngay lập tức nếu muốn. Không ai có ý thức về triều đình và chính quyền ngoại trừ Tướng Tổng trấn Tả Quân, người thường mỉm cười trước lời nhục mạ của tất cả, và thậm chí đã ngụ ý cho nhà vua sự ngông cuồng quá đáng trong kỳ vọng của ngài - Rằng thật sự ngài chẳng là gì hơn một người triều cống cho hoàng đế Trung Hoa.
Ngày 4/3: Tàu chiến đưa chúng tôi về nước đến vào hôm nay.
Ngày 6/3: Phái đoàn nhận được 560 quan, 140 hộc gạo tiêu dùng cho 3 tháng hành trình. Chúng tôi được bảo chuẩn bị sáng mai đến thành để xem thư và quà dành cho vua Ava.
Ngày 7/3: Vào buổi sáng, thành viên phái đoàn đi bộ đến thành, được đưa bởi viên quan bộ Lại. Chúng tôi không thấy bảo vệ cũ Ong-Bo của chúng tôi, và khi yêu cầu thì được biết anh ta đã bị sa thải. Trên sân trước của sảnh thông báo, chúng tôi thấy thư dành cho vua Ava được đặt trên bàn, ở phía bên trái, bên kia là quà. Trong sảnh, 4 ngọn nến được thắp. Viên quan bộ Binh đứng trong hàng phía tay phải, và cư dân đứng về phía còn lại. Tất cả đều đứng, mặc quần áo lễ. Ngay sau đó, Tổng trấn tạm xuất hiện, đứng về phía bên phải, bên cạnh có một vị quan già được bảo là chỉ huy quân đội của phần Hạ Nam Kỳ, tất cả còn lại sắp xếp theo thứ tự. Đầu hàng trái của thường dân là Ong-ho-biang, người thủ quỹ, Ong-kim trưởng công tố sau đó, và sau đó là quản lý. Viên thư ký chỉ đứng hàng thứ 4.
Nhạc bắt đầu nổi, và những quan sứ hai bên bắt đầu hô hiệu, toàn bộ quan lại tiến tới trung tâm sảnh, lạy 5 lạy với ngai vàng như thể có vua đang ngồi đó. Các quan hộ tống phái đoàn làm lễ sau đó. Thành viên phái đoàn được yêu cầu đi tới và lạy 5 lạy như thế, và họ làm theo. Yêu cầu của nhà vua với phái đoàn được giải thích cho họ, và quà dành cho vua Miến Điện được liệt kê, cùng quà cho các thành viên phái đoàn, theo từng cá nhân, được thông báo. Sau nghi lễ, chúng tôi được đưa tới nhà của chính quyền, nơi chúng tôi có cuộc trò chuyện dài về sự vụ của phái đoàn, đặc biệt là những gì sẽ xảy ra khi chúng tôi trở về. Chúng tôi nay lui ra, cùng với thư và quà của nhà vua được vận chuyển rất thận trọng và được đặt trong chính sảnh ngôi nhà chúng tôi cư ngụ. Quà cho thành viên phái đoàn được đưa tặng tùy theo cấp bậc.
Ngày 10/3: Hôm nay chúng tôi đến thành để nhận lại quà của nhà vua Miến Điện. Phái đoàn nhận chúng với sự thành kính lớn lao, trong tư thế đứng.
Ngày 12/3: Thành viên phái đoàn tới cung điện để đáp lại lời cám ơn dành cho quà tặng mà nhà vua đã ban cho họ. Trong dịp này, chúng tôi mặc trang phục mà nhà vua VN đã đặt làm riêng cho chúng tôi, các quan và chúng tôi lại làm những nghi thức như ngày 7. Sau đó, Tổng trấn tạm giải trí cho chúng tôi tại nhà riêng với những màn kịch. Sau đó chúng tôi rời khỏi.
Ngày 1/4: Trong ngày 12 và 13, quà cùng hành lý đã được đưa lên tàu. Trong đêm ngày 13, sáng ngày 14, 2 đám cháy phát ra. Trong buổi tối cuối cùng chúng tôi lên tàu, và xuôi dòng khi triều xuống.
Trong ngày 15,16, nhóm tham gia đốn củi cho tàu.
Trong ngày 17, chúng tôi tới làng ở Cần Giuộc. Ngày 18, 19, nhóm đi lấy nước. Ngày 20, chúng tôi lại xuôi dòng. Ngày 21, chúng tôi neo ở Kauro. Từ đây chúng tôi ở tới ngày 24, những người VN bảo, tuy gió tốt nhưng theo thiên văn của họ, thời điểm này không may mắn. Trong ngày cuối, một ngọn gió độc tràn tới, và trong đêm chúng tôi bị gió trong đất quật. Nhưng lại neo đậu lần nữa ở Vũng Tàu, những viên quan bảo cần phải báo cáo tình hình chuyến đi tới chính quyền. Trong ngày 26, một tàu thông tin tới từ Sài Gòn xem chúng tôi thế nào. Khi chúng tôi đậu ở đây, 3 tàu tới Singapore vượt qua chúng tôi. Cuối cùng chúng tôi khởi hành vào ngày 30, mất dấu Vũng Tàu vào ngày 31 và tới Côn Đảo.
Ngày 9/4: Hôm nay chúng tôi an toàn tới Singapore, sau cuộc hành trình 10 ngày từ Vũng Tàu và 26 từ Sài Gòn. Ở đây, chúng tôi được thông báo rằng đang có chiến tranh giữa Anh và Miến Điện.
Hết
Ghi chú:
Phong tục đón Tết này trùng khớp với những gì được ghi trong Gia Định thành thông chí. Người Nam Hà bày trò chơi trong những ngày đầu tết và họ rời khỏi nhà ngay ngày đầu năm.
(Dấu vết của phong tục này vẫn còn đến hiện nay, vào ngày tết, người miền Nam rủ nhau đi chơi ngoài đường trong khi người miền Bắc ở nhà hay đi thăm nhau.)