1839-1840
Bắt đầu vào công cuộc "chạy đua vũ trang", chỉ tiếc là không đúng thời điểm. T^T Năm 1839, MM phái người sang tận châu Âu tham quan, đến khi họ trở về thì vua chết mất rồi. Mà dù MM sống thêm được chục năm nữa thì vẫn lỡ mất cuộc CM công nghiệp lần 2 - mà cái này mới quan trọng. (Ờ mà biết đâu MM sẽ học được cái gì từ sứ giả đi Tây về báo cáo? Dù vậy thì MM hâm mộ khoa học Tây nhưng ghét văn hóa Tây. =_= Tây thời đó thì cũng ba chấm lắm cơ.)
Còn người trong nước thì... Ngay khi thấy Anh đánh Thanh, đã đua nhau dâng sớ bảo đóng cửa lại, khỏi giao lưu với nó nữa. MM bảo ta còn phải mua vũ khí, đi thăm dò địch, đi rèn luyện... mới át được đi. Thiệu Trị rụt rè đấu không được với đám quan này. (Những thợ thuyền, quan lại bộ Công của MM bị bỏ uổng phí quá đi, cả mấy đứa trẻ được học tiếng nước ngoài. T^T)
Chạy thử thuyền máy hơi nước mới đóng ở sông Hương. Vua ngự ra xem, thùng nước vỡ, chảy, máy hơi không chuyển động, bọn đốc công chuyên biện đều phải xích giam, lại liên luỵ cả đến bộ Công Nguyễn Trung Mậu, Ngô Kim Lân bị khiển trách là tâu càn, rồi được tha. (Trước đấy bọn Nguyễn Trung Mậu coi làm thuyền ấy đã xong đem việc chuyển động đúng cách thức. Tâu vào đến nay vì xe chuyển vận từ sở thợ đến bến sông, khi đi đường bị lay động, thùng nước phá vỡ, để máy hơi không chuyển, cho nên bị khiển trách).
Vua đi chơi cầu sông Nhị Hà, xem thí nghiệm thuyền máy hơi, thấy máy móc linh động, chạy đi nhanh nhẹ, thưởng đốc công Phó giám đốc Hoàng Văn Lịch, Vũ Huy Trinh, mỗi người một nhẫn pha lê bịt vàng, một đồng Phi long đại kim tiền, lại gia hàm cho Giám đốc, thêm hai cấp, thưởng khắp cả đốc công và lính thợ 1.000 quan tiền. Bảo rằng: trước kia bọn ngươi làm lỡ việc, hầu mắc phải tội. Nay đã hết lòng hết sức làm cho đến thành công, cho nên khen thưởng không tiếc. Vả lại thuyền ấy mua ở nước Tây cũng sao không được. Chung muốn thợ thuyền nước ta học biết máy móc khôn khéo, cho nên không kể nhọc tốn mà thôi.
Chế tạo thêm một chiếc thuyền lớn, máy chạy bằng hơi nước, tính tiền hết 11.000 quan có lẻ. Vua bảo bộ Hộ: “Trẫm muốn những người làm thợ nước ta đều học tập máy móc được tinh xảo, cho nên không tính đến sự tổn phí”.
Làm cái tàu bằng hơi nước hạng trung kiểu mới. Sai Chưởng vệ là Đoàn Kim, Chánh phó giám đốc là Lê Văn Quý, Lê Văn Xuyên chiểu theo thể chế cách thức tàu chạy hơi nước hạng to mới mua về, châm chước mà làm (thân tàu dài 5 trượng 4 thước, ngang 9 thước, sâu 4 thước 3 tấc 6 phân. Nồi chứa nước dài 6 thước 5 tấc, ngang 5 thước, cao 4 thước 1 tấc, trục bánh xe guồng 2 bên làm dài thêm 2 thước. Tay guồng 12 cái vẫn làm bằng sắt, duy ván tay lái làm bằng gỗ lim dài 3 thước 3 tấc, mặt 9 tấc, 2 đầu trục bánh xe guồng làm thêm mỗi bên một cái đỡ trục bằng đồng. Còn ống còi cùng ống khói cùng cột đồng trung tâm cái guồng và cái nắp nồi chứa nước, hoặc làm bằng sắt, hoặc làm bằng đồng, tuỳ tiện mà làm. Ván thân tàu hoặc gỗ tử gỗ đỗ (Gỗ tử, gỗ đỗ: chưa rõ đích xác là thứ gỗ gì, nhưng cũng có thể là loại gỗ thị, gỗ bàng.) cũng được, ván chỉ dày 8 phân). Còn tàu chạy hơi nước hạng trung cũ để làm tàu vận tải tầm thường gọi là ô thuyền [tàu đen].
Đặt tên cho 3 tàu thuỷ chạy bằng hơi nước: tàu lớn gọi là tàu Yên Phi, tàu hạng trung gọi là tàu Vân Phi, tàu nhỏ gọi là tàu Vũ Phi, đều khắc chữ thếp vàng ở đằng sau lái, cho có danh hiệu. Tàu Yên Phi khi mới mua ở Tây dương về, máy móc nhiều chỗ han gỉ, nồi sắt cũng rò nước, chạy thử chưa được nhanh lẹ. Đã sai đốc công sức thợ tháo ra xem xét, mài giũa từng cái, sửa chữa chỉnh đốn, lại lắp vào như cũ. Cho cùng thuyền hiệu Bình hải ra biển chạy thử, từ cửa biển Thuận An đến đồn Đà Nẵng, đi về 2 lần, tàu chạy máy hơi nước đều chạy nhanh hơn. (Thuyền Bình hải vẫn có tiếng là nhanh lẹ).
Đúc 2 cỗ súng lớn Chấn hải. Sai ty có trách nhiệm theo đúng cách thức của Tây dương mà làm (1 cỗ chất bằng gang, trong lòng đường kính 2 tấc, 2 phân ; 1 cỗ chất bằng đồng, trong lòng đường kính 1 tấc 9 phân). Khi đúc xong đem thí nghiệm, đều được cứng tốt. Vua cho là thứ súng lớn ấy dùng về thủy chiến rất đắc lực, lại sai đúc thêm 30 cỗ chất bằng đồng nữa.
Đúc 15 cỗ súng “Xung tiêu” bằng đồng. (Lòng súng bắn đạn ra đường kính 5 tấc 4 phân, lòng súng để nạp thuốc đường kính 3 tấc, có 10 cỗ. Lòng súng bắn đạn ra đường kính 5 tấc, lòng súng để nạp thuốc đường kính 2 tấc 8 phân, có 5 cỗ). Lại chế 30 cái thước đo, để thí nghiệm thuốc súng đều theo cách thức của Tây dương.
Vua nghe nói địa phương Đại Tây Dương vốn có tiếng là nơi đô hội, sai Tư vụ Trần Viết Xương, Thư lại Tôn Thất Thường mang theo người thông ngôn cùng ngồi vào thuyền Thuỵ Long đến Giang Lưu Ba, rồi do phái viên chuyển đáp nhờ sang thuyền Tây Dương mà đi, năm sau thì về. Phàm đến nơi nào, mắt trông thấy, tai nghe thấy cái gì đều ghi tường tận về tâu, để biết rõ phong vật phương xa; nhân tiện tìm mua một vài thứ hàng Tây Dương đem về dâng. Rồi cho rằng chuyến đi này biển khơi qua vượt xa xăm, hậu thưởng cho áo quần, bạc lạng và tiền lương bổng có thứ bậc mỗi người một khác.
Vua xem bản vẽ về Thiên tượng của Tây Dương, bảo viên quản lý Khâm thiên giám là Trương Đăng Quế: “Bản vẽ của người Tây Dương cho Thiên Hà là sông thật, thì thực là nói bậy sai lầm. Sông Ngân Hán ngang trời là do nhiều vì sao tụ họp liền nhau, trông có ánh sáng rờ rỡ, có hình như con sông, chứ đâu có lý là sông thật ư?”.
Vua đem trận đồ thuỷ chiến của Tây Dương cho Trương Đăng Quế xem và bảo rằng: phép thuỷ chiến, nếu giặc chiếm được đầu gió, tất nhiên thừa thế đuổi đánh ta, thì thuyền ta giả cách thua, nhân đó buông dây, trở buồm dần dần chạy gié ra, rồi sau súng ống của ta mới thừa sơ hở mà bắn đánh lại được. Nếu ta chiếm được đầu gió, thì nên đuổi theo từ từ, đừng bức bách chúng vội quá, thì chúng không đánh trả lại mình được. Những điều tương tự như vậy đều có thể suy ra. Những lúc rỗi việc công, khanh nên xem kỹ bản đồ này, tham bác châm chước để làm phép thao diễn thuỷ quân.
Vua thường xem quyển “Tây dương ký sự”, bảo các quan rằng: Sách Tây có nói: “Đời vua Nghiêu bị nạn nước lên to, vua nước ấy lấy một chiếc thuyền lớn đem hết thảy nhân dân chim muông trong nước lánh lên ở trên đỉnh ngọn núi cao”. Lại nói: “Trong khi nước to, trong nước chỉ còn bảy người, sau sinh sản ngày một nhiều, đều là con cháu bảy ông tổ ấy”. Cái thuyết ấy thực không có bằng chứng. Lại nói: “Trong nước có một vị vua, sai người trong nước xây một cái tháp lên trời cao không biết mấy nghìn muôn trượng, toan lên chơi cung phủ của trời để xem xét cảnh giới trên trời. Trời sợ sai Thiên quan xuống làm thay đổi tiếng nói đi, để không thể sai gọi được nhau, cho nên cái tháp ấy không thành. Nay các xứ trong nước ấy, tiếng nói phong tục khác nhau, là bởi cớ đó”. Thuyết này lại càng vô lý. Lại nói: “Người ta sinh ra trong khoảng trời đất, vốn xưa có một phái, vì ở riêng ra từng nước, cho nên phong tục khác nhau. Vì vậy người các nước đến buôn bán, người nước đó đều gọi là anh em”. Lại còn: "vua nước đó ra đứng ở đường phố cho người nước cầm tay và hôn trong bảy ngày mới thôi”. Đó cũng là cái tục hủ lậu quá lắm. Và quyển sách đó đều viết bằng chữ Hán, tất là người nước Thanh theo đạo Tây dương làm ra. Trong đó viện dẫn Kinh truyện, lời, nghĩa, lung tung lại không thành câu cú gì. Đọc quyển sách ấy cố nhiên không có gì đáng kể, chỉ sợ sau này có nhà văn Trung Quốc nào lưu lạc bất đắc chí đến ở nước đó rồi làm sách cho nước đó, thì đạo ấy sẽ thịnh hành, làm mê hoặc cho đời rất lớn vậy. Cũng như đạo Phật, kỳ thuỷ cũng chưa lan mạnh, đến sau các nhà văn sĩ phiên dịch rộng kinh Phật ra, lòng người bèn dần dần xu hướng, cũng giống như thế đó. Nay nên đặt điều cấm cho nghiêm để ngăn chặn đi.
Phái viên đi việc công từ nước ngoài về, đem cây tường vi ở Tây dương về dâng, sai phát cho các tỉnh mỗi tỉnh 10 cây để trồng ở trước sân hành cung.
Vua bảo bộ Binh rằng: voi ở Cam Lộ rất thuần và thông minh, so sánh còn hơn voi nước Chân Lạp và nước Xiêm, xét ra việc đánh bắt dùng voi nhỏ lại là đắc lực, mà đánh ở rừng núi càng thích hợp vì voi to thân hình nặng nề, xông pha hiểm trở rất khó, thực không bằng voi nhỏ nhanh nhẹn. Từ sau có phân phát cho các tỉnh, nên dùng voi nhỏ, còn voi lớn chỉ để ở Kinh chầu hầu được thôi. Lại nói rằng ngụy Tây Sơn đánh nhau với quân Tàu, phần nhiều dùng voi, ngựa. Tàu sợ voi trông thấy liền rụt lại cho nên phải thua, nước Tiểu Tây đánh nhau với nước Hồng Mao, cũng dùng voi xông vào giết chết, sau người nước Hồng Mao dùng cành tre để chắn voi không dám tiến, chờ cho hơi mệt, lấy giáo nhỏ đâm vào mũi voi, voi hoặc lăn ra chết, hoặc chạy về giày xéo, quân lính lại tự tan vỡ. Nhân xem đấy, đánh bằng voi được hay thua là ở người khéo dùng hay không khéo dùng mà thôi.
Đến nay vua xem sổ tổng cộng thuế lệ năm trước do bộ Hộ dâng lên, thấy tiền thuế 6 tỉnh Nam Kỳ so với 13 năm trở về trước tăng đến gấp 3, nên rất khen.
Lại sai Nội các soạn đưa ra một bộ sách nói về hình vẽ địa cầu của Tây dương, giao cho phụng giữ.
Đến khi về, cùng quần thần bàn cách thức xây dựng, hỏi Phan Huy Thực rằng: trẫm nghe phần mộ nhà Lê trước không đắp nấm, không trồng cây, không muốn người đời sau biết chỗ chôn, có chăng? Thực thưa rằng: nhà Lê trước có làm lăng tẩm, dựng cột mốc, bia đá, đến lúc suy, dần dần phải để đồi bại; phần mộ họ Trịnh thì ở dưới xây gạch đá kiên cố, mà mặt trên không đắp nấm. Vua cười bảo rằng: “Sao phải ngờ sợ mà giấu giếm như thế”. Hà Duy Phiên nhân đấy tâu nói: năm trước thần từ Ninh Bình về qua Thanh Hoa, thấy 1 ngôi mộ cũ cách sông mới đào độ 3, 4 trượng, ở mặt trên bằng phẳng, bên cạnh có bia đá khắc rằng lăng vua mỗ nhà Lê. Vua vì thế thương lắm, bèn sai bộ Lễ tư đi các địa phương hỏi khắp lăng các vua từ nhà Lê trở về trước, sửa lễ cáo yết, chỗ nào đồi bại thì đắp lại.
Sai phát thứ bông của Tây Dương chứa ở kho chia giao phủ Thừa Thiên, tỉnh Quảng Trị thuê dân dệt vải (phủ Thừa Thiên 4.000 cân, tỉnh Quảng Trị 2.000 cân, Mỗi tấm hết 4 cân bông, lấy mỗi tấm dài 30 thước, rộng 6 tấc 5 phân làm mức).
Lại mật dụ các quan địa phương 6 tỉnh Nam Kỳ: “Dân các hạt có nhiều người lầm theo tả đạo Gia Tô, năm trước giặc Khôi làm loạn, bọn chúng phụ hoạ với giặc, ngầm ngấm giao thông với nhau, không phải một việc mà thôi. Kịp khi giặc Khôi bị tan vỡ tiêu diệt, thì chúng châu đầu chịu giết, hoặc tản mát trốn tránh, hoặc bội bạn sang theo nước Xiêm, coi sự bỏ nước của cha mẹ như bỏ cái giầy rách.
Tháng 11, sai dò tìm những di cảo văn chương của người bản quốc. Dụ rằng: “Nước Đại Nam ta vốn có tiếng là một nước văn hiến, danh thần, văn sĩ đời nào cũng không thiếu người, trong đó chắc cũng có nhiều văn trước thuật. Nhưng từ trước tới giờ không biên chép góp nhặt thành ra mất mát không còn dấu tích gì. Vậy truyền dụ cho các quan thượng ty cho hỏi tìm khắp trong hạt, phàm quan lại, học trò và thường dân, nhà ai còn giữ được những tác phẩm như thơ, vịnh, minh, ký, từ, phú, bất luận đã lâu hay gần đây, nếu muốn đem dâng thì tất ban khen ngợi; nếu họ không muốn nộp quan thì mượn về sao chép ra, dâng lên ngự lãm, sẽ giao cho bộ Lễ hợp với viện Hàn lâm chọn lựa: bản nào hay thời soạn đóng lại thành sách, đặt tên là “Nam thổ anh hoa lục”, khắc thành bản in để làm tỏ rõ việc tốt đẹp tôn chuộng văn học của triều thịnh trị”.
Vua bảo Tham tri bộ Binh là Lê Văn Đức rằng: “Gần đây nghe nói nước Thanh đánh nhau với nước Hồng Mao đã 5, 6 tháng mà chưa thắng được. Kể ra nước Thanh đường đường một nước lớn, thiên hạ trông vào mà lúc trước thất tín để gây chiến, sau lại đánh lâu làm cho mỏi quân mà nuôi giặc, còn ra sự thể gì nữa? Tuy việc ở nước kia mà trẫm cũng không thể quên nghĩ trong bụng được. Vì nước ta tiếp giáp với nước Thanh, từ trước đến nay của cải hàng hoá trăm thứ đổi chác lưu thông. Nay nước Hồng Mao làm ngăn trở, thì đường biển không thông, những thứ dân gian thường dùng như thuốc bắc, chè tầu, mua vào đâu được. Thế thì đã thiệt cho người buôn lại thiệt cho dân nữa”.
Vua nói: “Người nước Thanh hèn yếu, ta đã biết rồi. Năm trước nước Hồng Mao ở các hòn đảo thuộc tỉnh Quảng Đông, mà chẳng nghe thấy người nhà Thanh vạch ra một kế gì, đem một cái thuyền nào ra biển để đánh. Nay nó lại đến, người nhà Thanh thế không chống được tất phải đổ lỗi cho Lâm Tắc Từ gây việc để làm cớ nói rồi lại cùng Hồng Mao họp chợ thôi”.
Vua bảo viện Cơ mật rằng: “Nay nghe nước Anh Cát Lợi cùng nước Thanh gây hiềm khích, xảy ra chiến tranh, mà nước ta tiếp liền với cõi nước Thanh, từ trước đến giờ tàu ngoại quốc cũng thường đến đậu ở vụng Trà Sơn tỉnh Quảng Nam, cần nên trước khi có việc gia tâm tuần xét để việc phòng bị bờ biển được vững chắc. Vậy nên truyền dụ cho tỉnh thần Quảng Nam sức ngay cho Lương Văn Liễu cùng viên coi đồn Đà Nẵng liệu phái người biết việc ngày thường đem kính thiên lý ngồi vào chiếc thuyền nhanh nhẹ ra ngoài biển khơi trông nhòm. Nếu thấy chiến thuyền kiểu Tây dương chỉ độ 1, 2 chiếc, tất phải thân đến hỏi rõ tình hình, theo lệ trước mà làm. Nếu thấy chiến thuyền đến 3, 4 chiếc trở lên, lập tức báo cho tỉnh biết, tỉnh thần thượng khẩn làm tờ sớ đệ tâu. Và phải phái 1 viên quản vệ, cơ đem lính tỉnh 500 hay 600 tên đến ngay hội đồng với biền binh trú phòng 2 thành An Hải, Điện Hải, hợp sức lại để phòng hộ, không được để chậm một khắc nào”.