Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Chép vụn 9
Trường An March 6th, 2014

Trước đọc sử cứ thắc mắc mãi là nhắc đến vùng Thanh Hóa, Nghệ An là nói "thổ mục", thậm chí Sơn Tây, Ninh Bình, Bắc Ninh... cũng có - Vậy bọn họ đi đâu hết rồi? Bây giờ đọc thấy MM cho chia hết các động, sách ra thành xã, thôn, cho theo tục người Kinh. Ngay cả ở Biên Hòa cũng cho người trên núi xuống làm ruộng (vì dân Gia Định "lười" không làm), chia đặt huyện, xã. Cho nên bây giờ chỉ trên núi cao xa xa mới có "người dân tộc".

Mà hụ hụ, e rằng "phố cổ HN" cũng đến đời Nguyễn mới được quy hoạch:

"Ngoài thành tỉnh Hà Nội thất hỏa, cháy lan hơn 1.400 nhà, có người bị thương chết. Vua sai lấy tiền thóc phát chẩn. Nhân dụ bộ Công rằng: Ngoài thành Hà Nội dân cư đông đúc, đường sá cong hẹp, cửa nhà liền nhau, cho nên thường gặp hỏa hoạn, nếu bắt làm nhà ngói cả, thì người giàu nghèo không đều nhau, thế khó bắt ép, duy nhân sau khi bị hỏa tai này, lường đo địa thế, chia vạch cửa nhà cho có thứ tự mới giữ được không lo. Vậy sai Tổng đốc Đặng Văn Thiêm trù tính. Thiêm bèn xem địa thế, mở đường sá, nghiêm sức các hộ phố dự bị đồ chứa nước, đồ cứu hỏa, lại chọn đất lập đền thờ Hỏa thần, sai dân sở tại mùa xuân mùa thu cầu cúng, đem công việc tâu lên. Vua cho lời tâu là phải."

"Đường sá cong hẹp" nhóe (nếu nhớ tới nguồn gốc khu phố là do các ngành nghề tự nhóm họp lại sống chung). Đến khi Pháp vào đã thấy đường thẳng băng, chia hàng chia dãy. (Hóa ra khu phố mà mềnh bảo "chỉ có con đường là cổ" thì đường cũng chả cổ à? =_=)


Những máy móc cơ khí bắt đầu đi vào thực tế. Nhưng ở VN thì không có công trường nào to lớn mà thực hiện "công nghiệp hóa".


Làm xe máy cưa ván gỗ (bắt chước kiểu mẫu Tây dương làm ra). Vua thưởng cho thợ 100 quan tiền.

Làm xe máy xẻ gỗ ở thác dài thôn Dương Hoà, nguồn Tả Trạch. Sai bộ Binh bắt một quản vệ, 300 biền binh khơi đường nước chảy, đắp bờ đê, tuỳ thế mà làm, công việc làm xong, cắm gỗ làm cưa, máy móc nhanh nhẹ, xẻ thành tấm ván, cũng được bằng phẳng, thưởng cho Phó giám đốc chế ra là bọn Vũ Huy Trinh 100 lạng bạc. Vua bảo bộ Công rằng: “Xe máy này so với công người không hơn không kém lắm, nhưng đằng kia là sức người, mà đây thì tự nhiên, thì hơn kém có thể thấy được”.

Vua bảo rằng: “Trẫm nghĩ đê công ở Bắc Kỳ, khi bắt đầu cũng nhân nước lụt, bồi đắp nhỏ thôi, về sau thế nước ngày lên to phải theo mà đắp cao dày hơn, đến nay bèn không thể bỏ được, sợ hạt thành ấy ngày nay như thế, thì hơn vài mươi năm nữa, thế cũng không khác gì công đê Bắc Kỳ, nay phải trù nghĩ trước làm thế nào, có thể bảo vệ được việc nông, mà nhân dân khỏi phải sự khổ đắp đê, mới là tốt”.

Thị vệ Lê Nguyên học được cách làm máy, lấy máy của nước Tây dùng để hút nước tưới ruộng rất tiện, chế ra đem dâng, gặp khi trời nóng lắm, nước ruộng khô cạn, vua sai bộ Công đốc thúc ngay chế tạo máy ấy có 3 cái, đưa cho phủ Thừa Thiên chia tưới đồng ruộng, bảo nếu có thành hiệu, nên cho dân đó theo cách thức mà làm.

Lại lấy nhiều hình người bồi bằng giấy của nước Thanh, nước Tây mặc áo đẹp vào làm giống hình bát tiên, lại chế máy móc luân chuyển, khiến cho các thứ người giấy voi ngựa tự chạy tự động được.

Sai Vũ khố đóng thuyền máy hơi nước (theo kiểu thuyền Tây dương mà làm) thưởng cho đốc công, thợ làm việc 100 quan tiền.

Xây đắp bờ phía tây sông tả Hộ thành (từ cửa đến thành ngoài đài Trấn Bình) và bắc cầu dài ở chỗ bến phố Đông Hội, gọi là cầu Đông Hội (nguyên cầu Thanh Tước trước vì mục nát bỏ đi, đến nay lại bắc mà đổi tên ấy, khoảng giữa cầu ấy đặt ván gỗ có máy, phàm thuyền bè đi lại thì nhắc lên, sau khi qua rồi, lại hạ xuống, lấy 20 người dân phụ cận canh giữ). Sai thự Tiền quân là Phạm Hữu Tâm trông coi việc ấy. Đến khi cầu làm xong, vua khen là kiểu mới, làm khéo, thưởng cho bọn chỉ bảo, đốc công tiền, bạc, áo, quần; còn biền binh và thợ cùng phu dịch, thưởng cho tiền gạo lương tháng.

Vua cùng bộ Binh Trương Đăng Quế ban về phép thuỷ chiến, dụ rằng: "Trong nước tuy yên, không nên quên việc đánh trận, binh chế triều ta, đánh trận bằng voi, đánh trận trên bộ, đều đã am hiểu, duy đánh trận ở dưới nước, vẫn chưa tập quen, trẫm thường hỏi phái viên đi công cán ở ngoại quốc về, đều nói các nước phương Tây, duy có nước Hồng Mao và Ma-li-côn là giỏi về thuỷ chiến, khi lái thuyền đi, hoặc phải ngược gió, hoặc được xuôi gió, không khi nào là không nhanh chóng, tuỳ cơ ứng biến, lanh lợi vô cùng, thực nên bắt chước. Kìa như thi thư để dạy học trò, võ Kinh để dạy quân đội, từ trước đều thế, riêng đánh trận ở dưới nước, chưa có sách làm ra cho người học tập, trẫm cũng biết qua một vài phương pháp phương Tây, muốn các ngươi tính nghĩ kỹ càng, làm thành quyển thành pho, cho binh lính ngày đêm học tập, phàm nghe tiếng trống thì tiến, không vì thế địch rất mạnh mà tạm tính rút lui, nghe tiếng chiêng thì lùi, dù thế địch tan vỡ, cũng không được tham lợi mà khinh tiến, và khi đoàn thuyền tiến lui, hoặc nhanh như chim bay, hoặc chậm như cua bò, nhưng không khi nào không có phép để cho nghiêm chỉnh, kẻ làm binh lính chỉ biết sợ tướng, không sợ giặc, đi nhanh không dám quá, đi chậm cũng tự cố, khi tiến khi lùi, đều như nối liền nhau, mới là được việc..."

Lại từng bảo các quan hầu rằng: "Ngày nay các nước phương Tây, lớn nhỏ ở xen nhau, mà đều giữ được bờ cõi, không cắn nuốt lẫn nhau, các nước ấy phần nhiều theo đạo Gia Tô, nghe nói truyền lại, ngày xưa đạo chủ là Chi-thu (Giê-xu) có thề ước rằng: phàm các nước anh em ở phương Tây, nếu có người mưu tính, thì các nước cùng đánh, từ Chi-thu đến nay đã 1840 năm, các nước đều giữ lời ước ấy, cho nên không lấn đánh nhau. Nhưng trẫm thường nghe ngày xưa, vua nước Hồng Mao ở phương Tây không có con trai, chỉ sinh được người con gái, gả cho vua nước Pha-nha, nguyên tục ở phương ây, dù tôn quý làm vua một nước cũng chỉ lấy một vợ, không có vợ lẽ, người con gái ấy đã về nước Pha-nha, về sau vua nước Hồng Mao chết, người trong nước nói: “Vua ta chỉ có một con gái, tức là con trai, nên làm vua trong nước, bèn yêu cầu với nước Pha-nha đón về lập làm vua”. Lâu rồi vua nước Pha-nha ở một mình không thích, bèn bỏ nước ấy đi sang nước Hồng Mao, người vợ nhân trao cho làm chức quan to cùng ở với nhau. Vợ lại nói dỗi dỗ chồng đem hết đồ bản, quan lại, tài vật nước Pha-nha phụ thuộc về nước Hồng Mao, người chồng cũng nghe, người trong nước cũng đều thuận theo, đều làm tôi tớ nước Hồng Mao, cung dâng cống phú. Khi vua nước Pha-nha đã chết, người vợ vẫn còn, người nước Pha-nha cũng cam làm thần dân, không ai làm phản. Đến khi vợ vua nước Pha-nha chết, nước Hồng Mao không khống chế được nữa, lại làm nước láng giềng hoà hảo như xưa. Kể thì người ở phương Tây xem đến chế tạo đồ vật, phần nhiều có ý khéo, ngỡ là bậc đại trí, sao xử đoán việc lớn lại mờ mịt không biết phải trái, chẳng những ông vua nước ấy đắm mê về vợ, cả nước cũng không biết nên chăng chút nào, đem nhau làm con tin với nước láng giềng, sao mà ngu thế? Nói là lời thề ước của đạo chủ cũng là nói dối. Xem ra lẽ phải ở đời, chia lâu tất phải hợp, giả sử trời sinh ra bậc vua anh hùng hào kiệt, mưu thần xét đoán, sáng suốt mở mang bờ cõi, biết đâu chẳng hỗn hợp các nước khác lại làm một, chỉ vì khí vận chưa đến, cho nên còn như thế mà thôi. Thử xem đời Xuân Thu, Chiến Quốc, các nước chư hầu thay nhau hùng trưởng, đều giữ đất đai, rồi sau rút lại vẫn là một há chẳng phải cũng là lẽ đấy ư?”.

(Hự, bác kể chuyện gì thế? >__< Nhưng nói thế này thì đúng thật MM biết cái "hiệp ước" của các nước Thiên Chúa giáo về "đồng lòng hợp sức" chia sẻ thuộc địa.)


Vua bảo rằng vì con cháu dựng sản nghiệp, cũng là thường tình của người ta, không thể nào khỏi, nhưng tiền của cũng như nước suối, nên lưu thông mà không nên ứ đọng, người mưu tính cho con cháu, để cho tiền của khó tụ dễ tan, không bằng để cho phúc có của không hết, người xưa nói: “Để cho con vàng đỏ đầy hòm, sao bằng để cho con một pho sách, nếu chưa thể như thế được, muốn lấy tiền của để cho người sau thì bỏ vàng bạc ra, mua nhiều ruộng đất, cũng không ngại, vẫn có thể làm của cho con cháu ngày sau, việc gì phải chứa nhiều vàng chôn, chỉ là tiền của ứ đọng, khi có con cháu không hiền, cũng không giữ được, há chẳng phải chỉ giữ tiền cho nhọc, rút cục vẫn không có, chẳng là ngu quá ư?

Ngự sử đạo Ninh - Thái là Nguyễn Văn Đạt, dâng sớ xin sưu tập các truyện ký phong vật đời trước làm ra, xem xét sửa lại thành sách, và chính thể của bộ, viện, đều biên chép thành pho. Lại xin đầu bài thi chuyên lấy Kinh Truyện và tập văn của các nhà ghi chép trong Nam sử làm câu hỏi chính, Bắc sử làm dẫn giải phụ thêm, ngõ hầu lời nói việc làm thuở trước của nước ta, không đến nỗi mất, mà sĩ tử đều có thực dụng.

Vua bảo rằng: "Sưu tập truyện ký phong vật đời trước làm ra, thực là việc hay, về văn hiến, trẫm vẫn thích nghe, đã sắc cho các địa phương đi khắp tìm hỏi, lại sai các nha đem tất cả thể lệ, phân từng loại, biên chép thành tập, để rõ chính thể trị nước của đời thịnh, nhưng các việc ấy, vốn không phải là hằng năm, hằng tháng có thể làm được, chậm đến 10 năm không hại gì, huống chi nay việc cần phải làm, vẫn phải cố gắng, lần lượt cử hành, đối với việc có thể hoãn được, chưa có thì giờ mà thôi. Còn như đầu bài thi, xin hỏi về Nam sử, xét ra Sử ký về đời trước của nước Việt ta, phần nhiều không chép đúng, lầm lẫn còn nhiều, còn phải 1 phen sửa lại, mới rõ là sử đúng, nếu vội vàng làm đầu bài cho học trò thi, cũng chưa là thích hợp. Vậy sai bộ Lễ xét kỹ bàn lại, tâu lên."

Vua sai bộ Hộ bàn, cho là sáu tỉnh Nam Kỳ là nơi đất cát màu mỡ, sản xuất ra thóc gạo, từ Bình Thuận trở ra Bắc, dân phần nhiều nhờ có thóc gạo ấy để ăn, nghị trước của quan Kinh lược sứ là lấy việc buôn bán thóc gạo, có quan hệ tới ăn dùng, đời sống của dân so với buôn bán thứ khác chuyên làm nghề buôn có khác, cho nên thu thuế, miễn thuế khác nhau, nay nếu nhất khái đánh thuế, thì buôn bán thóc gạo, thế tất ngày một ít, đó là muốn nặng về việc cấm buôn bán, mà hầu như lại làm khổ dân, xin phàm thuyền ở sông mang chở thóc gạo thì không cứ nhà nông chuyên chở, dù buôn bán cũng được miễn thuế, nhưng thuyền ấy tuy chở thóc gạo mà xét ra có nhiều hàng hoá để buôn, thì chiểu lệ thu thuế, còn thì theo như lời xin của quan tỉnh. Vua theo lời bàn ấy.



Cứ theo án ấy định, không kể tội của hắn, thân thuộc đã phải tội lây, và đem việc Lê Văn Hán cùng với giặc Khôi làm phản, thì một nhà anh em thân thuộc cũng nên phải tội chết, hiện nay chỉ cứ tên giặc Lê Văn Hán và người ở cùng một nhà là bọn Lê Văn Nguyên, Lê Văn Thiện phải xử chém mà thôi, còn người không ở cùng nhà thì hãy tạm giam cấm, các đàn bà con gái và trẻ con đều tha không phải tra bắt. Lê Văn Duyệt cũng tha chém xác cho xương khô được toàn, còn như con của tên giặc Lê Văn Hán là Lê Văn Sơn cũng còn giam cấm, thực đã quá nhờ điển lệ khoan hồng, mấy lần xét án mùa thu đình nghị và pháp quan lại đều cho là bọn Lê Văn Yên theo luật nên phải tội lây và xin xử chém, nhưng trẫm cũng chưa nỡ quyết vội, không ngờ bọn tù trong ngục lại muốn suy tôn Lê Văn Sơn, mưu theo vết xe cũ của giặc Khôi như thế, ác nghịch ngập trời, tội không tha được. Nay đình thần tâu lên, thực do ở lòng công phẫn công tâm, nếu trẫm lại tạm bợ dung cho kẻ gian, giả sử ngày sau lại sinh biến khác thì người sẽ cho trẫm là thế nào? Cho nên không thể không theo lời xin ấy, Lê Văn Yên chuẩn cho tự chết, Lê Văn Tề, Lê Văn Phúc, Lê Văn Thận, Lê Văn An, Lê Hào, Lê Văn Sầm, Lê Văn Doanh đều chém ngay, còn con của Lê Văn Yên là Lê Văn Diễn, Lê Văn Minh, con của Lê Văn Tề là Lê Văn Hợp, Lê Văn Dũng tạm tha cho tội chết, phát đi an trí ở Cao Bằng, đợi khi trưởng thành, do địa phương xét, quả là yên phận giữ phép, hay hoặc có tình trạng hung ác khác, cứ thực tâu bày, đợi Chỉ.

=> Cuối cùng MM cũng "phải" thừa nhận là nương tay với nhà LVD, án từ 1835 đến 1838 còn chưa chịu xử, có đứa trong tù nổi loạn nên mới phải quyết. Cứ kiên trì giam cho đến đời Thiệu Trị thì có phải đã được tha rồi không. =-=



One Response
Uyên

Tha LVD òi không có cái Lăng Ông cho mình đi cúng rồi sao :)) :)

Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.