Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Chép vụn 4
Trường An February 25th, 2014

1827 - 1829

Xử án sau Phan Bá Vành:

Những đồ đảng bắt được, án của thành xin đều trị tội như luật. Vua nói rằng: “Bọn chúng đều là con đỏ của triều đình, cũng có người sợ giặc tàn ngược mà bị hiếp phải theo, nếu đem xử cực hình cả thì lòng trẫm có chỗ không nỡ. Nếu một mực rộng rãi thì kẻ có tội lại được may mà khỏi. ở khoảng hai điều ấy, làm sao cho không oan uổng mà không bừa bãi thì được thôi”. Lại sai thành thần xét lại, cho giảm tội chết, phát đi sung quân gần 400 người.

Quan Bắc Thành tìm được sổ của giặc đem tâu lên, can liên đến quan dân hơn 800 người. Vua bảo bộ Hình rằng: “Hạt Bắc Thành thổ phỉ quấy rối, nay mới đánh được, dân tình còn đang sợ hãi, chính là phải nghĩ cách yên ủi vỗ về. Nếu chiếu sổ bắt giam tất cả, không khỏi rối loạn làng mạc, vương luỵ đến kẻ vô tội. Nếu im đi không xét thì kẻ càn bậy còn răn sợ làm sao. Vậy hạ lệnh cho thành thần mật bắt những người trong sổ mà có danh sắc đem xét hỏi trước, xem hư thực thế nào đừng cho người ngoài biết, dễ sinh ngờ sợ”.

Quan Bắc Thành tâu rằng: “Nam Định tự ngày thổ phỉ quấy rối, dân địa phương bị tàn phá, sau khi giặc dẹp yên, dân nhiều người bị đói, ba huyện Vũ Tiên, Thư Trì, Giao Thuỷ khổ nhất. Xin phái Thiêm sự Hộ tào là Nguyễn Văn Mưu đến hội với trấn thần phát chẩn, cứ 2 người cấp cho 1 hộc thóc hay 1 phương gạo, cho đỡ dân lúc gấp”. Vua theo lời tâu.

Kinh lược sứ là bọn Nguyễn Văn Hiếu, Hoàng Kim Xán đến Nam Định, đi thăm các huyện ấp, xét hỏi nỗi đau khổ của dân, tâu xin phàm các xã dân bị giặc đốt phá thì cấp cho mỗi nhà 2 quan tiền 1 hộc thóc; nhà nào phái viên ở thành đã phát chẩn thóc rồi thì cấp cho 2 quan tiền; người nào có nhà cửa mà của cải mất hết thì cấp 1 hộc thóc; người nào đánh nhau với giặc bị giết chết thì lượng cấp tiền tuất. Sơn Nam cũng theo như thế mà làm”. Vua y theo lời tâu. Tất cả chi hết hơn 5.700 quan tiền, hơn 1.980 hộc thóc.

Lấy Tả Thị lang Hình bộ là Nguyễn Công Trứ lĩnh chức Dinh điền sứ. Nguyên trước Nguyễn Công Trứ dâng sớ nói 3 việc:

1. Lập phép nghiêm cấm để trừ dứt trộm cướp. (Bắc Thành sau loạn Tây Sơn, tập tục kiêu ngoa, những bọn gian giảo, thấy lợi quên nghĩa, bắt cóc người, đào mồ mả để đòi tiền chuộc, tụ tập đồ đảng doạ nạt dân làng, tù trốn thì lấy nhà cường hào làm sào huyệt, tổng lý cũng lấy kẻ hung ác làm chân tay, để xưng hùng với nhau. Phàm gọi là làm loạn, không phải cứ đánh thành cướp đất mới là làm loạn; người không ở yên thuận lẽ cũng là loạn. Ngạn ngữ nói: “Loạn thì chém” không dùng phép nặng không ngăn được loạn. Xin đặt thêm hương trưởng mỗi làng 2 người, để coi sóc nhân dân khiến họ yên nghiệp làm ăn, ai du đãng trộm cướp thì báo quan ngay, nếu dung túng chứa chấp, việc phát giác thì tổng trưởng, hương trưởng, xã trưởng đều phải chém cả. Phàm cha anh không ngăn cấm được con em thì cho tự thú cáo trước, nếu giấu giếm đến lúc phát giác thì phải đồng tội. Như thế thì không ai dám phạm, mà trộm cướp yên tắt được).

2. Minh việc thưởng phạt để khuyến khích quan lại. (Nay lại dịch tham ô thường làm hại cho dân là bởi chưa có cách khuyên răn. Xin phàm các địa phương, nên thải bỏ những người hèn kém bớt đi một nửa, và cho thêm lương, để giữ thanh liêm; định lệ 3 năm, xét một lần, ai liêm cần thì được cất nhắc, ai khinh nhờn pháp luật thì không cứ việc lớn hay nhỏ, tang nhiều hay ít, đều trị tội cả, khiến ai ai cũng biết giữ mình. Như thế thì tham chuyển thành liêm cả).

3. Vỡ ruộng hoang cho dân nghèo. (Đời làm ăn xưa chia ruộng định của, dân có nghiệp thường cho nên ở yên nơi làng mạc không có gian tà. Ngày nay những dân nghèo túng, ăn dưng chơi không, khi cùng thì họp nhau trộm cướp, cái tệ không ngăn cấm được. Trước thần đến Nam Định thấy ruộng bỏ hoang ở các huyện Giao Thuỷ, Chân Định mênh mông bát ngát. Ngoài ra còn không biết mấy nghìn trăm mẫu, hỏi ra thì dân địa phương muốn khai khẩn, nhưng phí tổn nhiều, không đủ sức làm. Nếu cấp cho tiền công thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn, nhà nước phí tổn không mấy mà mối lợi tự nhiên sẽ đến vô cùng. Vả lại bãi Tiền Châu ở huyện Chân Định hoang rậm, trộm cướp thường tụ họp ở đấy làm sào huyệt, nay khai phá ra, không những có thể cho dân nghèo làm ăn, lại còn dứt được đảng ác. Xin sai trấn thần khám xét, phàm những đất hoang có thể khai khẩn được, cho những người địa phương giàu có chia nhau trông coi công làm, mộ những dân nghèo các hạt đến khai khẩn, như mộ được 50 người thì lập làm một làng, cho làm lý trưởng, mộ được 30 người thì lập làm một ấp, cho làm ấp trưởng; đều tính đất chia cho. Cấp cho tiền công để làm cửa nhà, mua trâu bò nông cụ; lại lượng cấp tiền gạo lương tháng trong hạn 6 tháng, ngoài hạn ấy thì làm lấy mà ăn, 3 năm thành ruộng, đến chiếu lệ tư điền mà đánh thuế. Quan phủ huyện sở tại lập kho chứa thóc để phòng năm mất mùa cho dân vay. Những làng ấp mới lập gọi là “quân Lực bản” ((1) Bản quân : xưa nay nghề làm ruộng là nghề gốc. Lực bản là ra sức vào nghề gốc.). Phàm các hạt xét thấy những dân du đãng không bấu víu vào đâu, đều đưa cả về đấy. Như thế thì đất không bỏ hoang, dân đều làm ruộng, phong tục kiêu bạc lại thành thuần hậu).

Bắt đầu đặt huyện Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương, Nam Định. Một dải Tiền Châu liên tiếp bãi biển. Trước kia cây cỏ rậm rạp, bọn cướp hay tụ họp ở đấy, không ai dám đến gần. Đã có câu nói "ai dám đến đùa quấy ổ giặc mà chơi". Lĩnh Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đến nơi, chiêu tập phủ dụ lòng người mới yên.


Linh tinh:

(Luật thông gian) Điều quan lại ngủ nhà đĩ. Quan lại ngủ nhà đĩ thì xử 80 trượng, người mối lái xử nhẹ hơn 2 bậc. ấm tử, ấm tôn ngủ nhà đĩ đều xử nhẹ hơn quan lại 2 bậc. Giám sinh sinh viên ngủ nhà đĩ thì đều xử bắt về làm dân.

Vua từng cùng bầy tôi bàn về đạo làm chính trị. Dụ rằng: “Việc thiên hạ đến chỗ làm không được thì cũng phải biến thông thì mới chuyển vận được, cũng như sông để đi bè, biển để đi thuyền là lẽ thường. Nay chở gỗ đi đường biển thì thuyền không dùng được lại phải đóng bè mới đi được, xem một việc ấy thì biết việc khác. Trẫm từng nửa đêm suy nghĩ, những việc thi thố cũng muốn cho thiên hạ đời sau không ai nói vào đâu được, đến lúc thi hành lại thấy khó, cũng là thế như thế thôi. Phàm làm vua ở trên thiên hạ, bên tả, bên hữu, đằng trước, đằng sau, hăm hở mong mỏi không chỉ một việc mà thôi. Nếu việc này, việc khác đều thoả hết nhân tình thì làm sao cho được. Phàm mùa hạ thì phải nóng, mùa đông thì phải rét, khí hậu bốn mùa còn như thế nữa là việc chính trị à!”.

Mấy nghìn dân đói của các Man Sô Liên, Song Khả và Cổ Khẳng thuộc nước Xiêm xiêu tán đến ở phủ Bông Xuy nước Chân Lạp, hái lá cây và nấu bèo để ăn, nhiều người chết đói. Thành thần Gia Định đem việc tâu lên. Vua động lòng thương nói rằng: “Dân nước Xiêm xiêu tán đông như thế, nước Chân Lạp chứa thóc không được mấy, lấy gì giúp đỡ nhau. Trẫm thương dân như một, sao nỡ ngồi trông mà không cứu”. Bèn sai phát 4.000 phương gạo và 200 phương muối phát chẩn cho.

Giặc trốn ở Thanh Hoa là Ninh Đăng Tạo kết hợp đồ đảng, lén phát ở miền giáp giới Thanh Nghệ. Nhân dân bị hại đã lâu, trấn quan dùng nhiều cách tìm bắt, đồ đảng tan đi. Tạo thế cùng, ngầm đến Bắc Thành thú tội, lại không thú hết. Quan Bắc Thành tâu lên. Vua sai giết đi. Nhân bảo thị thần rằng: “Tạo tội ác đầy dẫy, không trốn khỏi lưới trời. Nó đã bị giết rồi thì vùng Thanh Nghệ được yên cả. Trẫm để lòng trừ tàn bạo để yên dân, kẻ không tội cố nhiên là thương xót, nhưng đối với kẻ đầu sỏ đại ác mà cũng thương thì chẳng là lòng nhân của đàn bà sao”.

Đặt Tượng cục pháp lam. Bọn Vũ Văn Mai, thợ vẽ ở Nội tạo, học được nghề làm đồ pháp lam(() Đồ pháp lam: đồ đồng tráng men, cũng gọi là pháp lang. Chữ Pháp là émail.). Bèn sai đặt cục ấy, hạn cho 15 người, thiếu thì mộ mà sung vào.

Người xã Đông Ngạc Sơn Tây là Phan Huy Tuệ dâng kiểu xe long đoàn, thuyền phượng dực. Vũ Khố bác đi. Vua nói rằng: “Kiểu xe thuyền ấy, tuy không ích gì, nhưng cũng là người có chí gắng sức khó nhọc xét dùng cũng không hại gì, để khuyến khích người có tài”. Sai cấp tiền gạo hằng tháng theo Vũ Khố sai phái.

Ngày Bính tuất, tế Trời Đất ở đàn Nam Giao. Trước đây Hữu ty làm cầu phao để qua sông Hương, lại sai bày quân thí nghiệm. Đến trước tế Giao một ngày, xa giá đến Trai cung, đi qua cầu phao nước sông tràn lên, bầy tôi đi theo đều sợ. Vua không biến sắc mặt, sai đổi lấy thuyền rồng theo hầu để sang sông. Người chuyên coi làm cầu là Nguyễn Tài Năng, người thí nghiệm là Phan Văn Thuý cùng người phù giá là Phạm Văn Lý đều bị đình thần tham hặc.

Vua lại nói: “Sử để ghi việc, không phải người học rộng không hiểu nổi. Vừa rồi sai các quan toản tu chức chế đến khi dạng bản tiến lên, lời văn nhiều chỗ quê mùa, thế mới biết tài chép sử là khó. Vả lại người Khởi cư chú ((1)Khởi cư chú: chức quan theo hầu vua, vua nói câu gì, làm việc gì, đều biên chép cả.) chép đủ việc hay việc dở, vua không nên xem. Xưa Đường Thái tông xem quốc sử, lại tự tay tước bỏ, trẫm cho là không phải. Người có chức trách cầm bút ghi việc, phải nghĩ làm thế nào cho muôn đời về sau tin được, phải cẩn thận nhé!”.

(==> Nên bây giờ phần sử của MM mới dài thế này =0=)

Vua đến ruộng Tịch điền xem lúa, bảo Kinh doãn là Đặng Đức Thiệm rằng: "Trẫm lúc ít tuổi, vẫn thích trồng trọt, cây đã trồng đều tốt rườm rà. Nay mới làm lễ cày Tịch điền, may gặp trời mưa, lúa tốt đẹp như thế há chẳng phải lòng trời ngầm giúp hay sao?"

Thuyền buôn Gia Định chở trộm nhiều gạo đem bán ở Hạ Châu. Vua bảo bầy tôi định lại chương trình để trừ mối tệ. Đình thần đều bàn rằng: “Việc bán gạo lại có nghiêm cấm, mà bọn buôn gian cứ thấy lợi thì làm, không sợ pháp luật. Nếu cứ để cho đi buôn mà đặt điều cấm thì pháp chế có rõ cũng không hơn được trước, sợ cũng chưa khỏi được sự gian lậu ở ngoài pháp luật. Muốn trừ tệ ấy chẳng gì bằng lấp cái nguồn đi là hơn. Nay xin từ nay về sau cấm hết thuyền buôn nước ta không được đến Hạ Châu buôn bán, làm trái thì chiếu luật buôn lậu mà trị tội”. Vua y theo.

Thái y viện tiến thuốc, chưa công hiệu, vua chán, liền mấy ngày không uống, Hoàng trưởng tử cùng các hoàng tử dâng sớ can khéo. Vua nói: “Thánh nhân chưa từng bỏ thuốc. Cha chúng mày lại trái với mọi người à!”.

Gặp có người thị vệ đi việc công ở Bắc Thành về, vua gọi hỏi về việc dân, nhân bảo thị thần rằng: “Việc đắp đê giữ lụt trẫm thường đến nửa đêm lo tính suy nghĩ đời sống của dân mà chưa được kế gì hay. Phàm đắp đê giữ lụt chẳng qua là tranh lợi với nước, tưởng cũng là vì địa thế khiến phải vậy thôi. Đất kỳ phụ ((1) Miền đất ở gần Kinh kỳ.) ở gần biển, nước lụt tràn lại rút ngay, không đê cũng được. Còn ở Bắc Thành thì địa thế phẳng rộng, nước lũ mùa thu tiến đến, nguồn xa dòng dài, không đắp đê ngăn lại thì cái nạn ngập lụt không thể tính hằng tuần được, ruộng đất nhà cửa của dân ta đều ở đấy cả. Nếu muốn dời đi nơi khác thì đi đâu được? Muốn cho tiện dân thì đê không thể bỏ được. Các đời trước đắp đê đã lâu. Nay chi bằng nhân đê cũ mà bồi đắp thêm. Nhưng trước khi làm cũng nên xét kỹ hình thế. Trẫm xem địa đồ, thấy gần đây các nơi đắp đê, có chỗ nhân lấy đất gần, có chỗ theo tư đê để đỡ nhân công, đều không phải là thuận thế nước mà dẫn dòng, vì thế nước sông chảy xiết dữ dội, đê không ngăn được. Thế thời việc của người chưa được chu đáo”.

Vua se mình mới khoẻ, muốn ngự điện nghe việc. Gặp trời mưa to, bầy tôi sợ lạnh rét can. Vua phê rằng: "Thế đủ biết lòng thành yêu mến, nhưng trẫm vẫn khoẻ, muốn gấp gặp các khanh để thoả lòng các quan trông ngóng, mà lòng trẫm cũng được thư thái, chẳng hơn ngày ngày chỉ thấy lũ đàn bà quan thị không biết nói chuyện gì à? Bèn ngự điện Cần Chính, bầy tôi lạy mừng ở sân, áo mũ đều bị ướt. Vua cho vời lên trên điện để ngồi, uỷ lạo hồi lâu rồi ban cho tiền vàng và chuỗi ngọc trai theo thứ bậc.

Hiện nay cung nhân có danh vị chỉ có 16, 17 người. Tất cả các ban chưa quá 100 người, đủ để sai khiến trong cung mà thôi.

Bắc Thành sát hạch viên dịch các tào, chia làm ba hạng ưu bình thứ, làm danh sách tâu lên. Vua xem bảo bộ Lại rằng: "Bắc Thành nhiều lại dịch ty viên, nay xem danh sách không có hạng liệt, cũng không xét ra được kẻ gian dối, có lẽ nào lũ ấy đều là người mẫn cán thanh bạch cả? Hay là có lòng thiên vị che chở mà như thế". Sai vứt trả lại mà phạt bổng Tào trưởng là Nguyễn Đăng Tuân 6 tháng. Lại dụ sai Phó tổng trấn Phan Văn Thuý cùng các bọn Binh tào Đặng Văn Thiêm, Hình tào Ngô Bá Nhân cứ theo lời dụ trước mà xét kỹ tâu lên.

Thực lại tâu rằng: “Nguyễn Trọng Ngọc một nhà anh em bốn người đều hiển đạt phúc ấm rất thịnh, bè bạn không ai kịp được”. Vua nói rằng: “Thế là mãn thịnh rồi. Ví con rối làm trò, đáng sợ mà không đáng tin cậy”.

Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt tâu rằng sáu phòng thành tào, và trấn Hà Tiên, nha lại ít mà việc thì nhiều, xin trích lính ở các cơ An thuận, Hồi lương ai biết viết tính thì sung bổ vào chức Vị nhập lưu thư lại, xoá tên trong sổ lính. Vua nói: “Bọn ấy nguyên là người can phạm không tốt, nếu lại sai họ làm việc đao bút ((2) Đao bút: người làm lại đời xưa, có việc gì thì chép vào quyển sách bằng trúc, nếu lầm, lấy dao cắt đi, nên gọi là đao bút.) thì chẳng hóa ra dạy vượn trèo cây à!”. Không cho.

“Kỳ trước giá gạo rất rẻ, 1 phương gạo bất quá 5, 6 tiền. Gần đây, tuy năm được mùa mà giá gạo cũng không dưới 1 quan, đó là bởi bọn buôn gian giảo đong trộm nhiều, và thuyền người Thanh chở khách đến họp ăn rất nhiều, cho nên như thế.

Lại từ trước đến nay, thuyền người Thanh chở khách đến mỗi năm hàng vài nghìn, nay ở xen trong hạt thành đến 3, 4 phần 10, gián hoặc lừa dỗ dân ta hút vụng thuốc phiện hoặc sinh điều hung tợn ăn trộm ăn cướp, có án luôn luôn, tệ ấy cũng không thể để lớn lên được. Xin từ nay có khách đến buôn thì người tay lái và thuỷ thủ đều phải đăng hết vào sổ điểm mục. Đến khi trở về thì viên tấn thủ chiếu sổ điểm lại rồi cho đi, chớ để sót lậu một người nào”.

Đến như người Thanh thấy nước ta đất tốt, đều muốn làm dân thì sao lại một mực cấm chỉ. Xin từ nay phàm thuyền người Thanh mới đến, thì sở tại chiếu sổ điểm mục đòi hỏi, người nào muốn ở lại thì phải có Minh Hương và bang trưởng bảo kết vào sổ chịu sai dịch để cho có chỗ cai quản. Còn người khác thì thả về nước hết. Thế thì số người ở lại có hạn, đã bớt được khoản phí họp ăn của họ, mà cái thói bướng nhờn cũng có thể trừ được. Vua theo lời bàn.



Quan hệ với Tây:

Vua từng xem sách sử đời Lê, bảo Phan Huy Thực rằng: “Trẫm xem cuối đời Lê Trịnh kỷ cương rối loạn, một việc kiêu binh lại là việc loạn lạ lùng, từ xưa chưa có, thực đáng thở dài. Trẫm từng nghe việc loạn ở nước Phú Lãng Sa, bắt đầu có người yêu quái truyền nói ở trong nước rằng: “Phàm loài miệng có răng đầu, có tóc đều là người cả, sao lại để cho giàu nghèo không đều”. Thế là ùa nhau nổi lên cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo để cho đều nhau, dần đến loạn to, so với việc kiêu binh cuối đời Lê việc cũng giống nhau. Nhưng đảng loạn nước Phú Lãng Sa cuối cùng bị diệt mà kiêu binh thì không từng có kết cục, lại như lọt lưới thì lạ thực”.

Trước kia người Phú Lãng Sa là Nguyễn Văn Chấn dâng 2 cái ống nhòm bằng đồng của Tây dương, gọi là ống nhòm mặt trời. Vua để một cái ở trong cung, một cái cho Khâm thiên giám, chưa có ai biết dùng. Vua từng khi rỗi đem xem biết được cách xem, gọi Phan Huy Thực và Nguyễn Danh Giáp bảo rằng: “Cái ống nhòm này, để bằng, để lệch, để cao, để thấp, độ số khác nhau, gần thì đo được núi non, xa thì xem được trời đất, rất là diệu”. Bèn chỉ vẽ cặn kẽ cho họ tự biết suy xét.

Bổ người Tây dương là Phú Hoài Nhân làm Chánh thất phẩm thông dịch ty Hành nhân, Tây Hoài Hoa và Tây Hoài Hoá làm Tòng thất phẩm thông dịch ty Hành nhân, mỗi tháng cấp cho mỗi người 20 quan tiền, 4 phương gạo lương, 1 phương gạo trắng, sai phủ Thừa Thiên trông coi, cấm không được ra ngoài dạy học trò để truyền giáo (Bọn Hoài Nhân đều là tên họ vua cho).

Lại ban súng đạn nhỏ của Tây dương (cũng gọi là Chưởng tâm lôi: Sấm trong lòng bàn tay) cho các đình thần.

Thuyền buôn Phú Lãng Sa bị gió dạt vào cửa biển Đà Nẵng, xin đem thuyền ấy nộp cho nhà nước. Vua sắc cho Quảng Nam đem bạc kho trả cho đúng giá. Nhân sai Thống chế Nguyễn Tài Năng đốc suất lính và thợ sửa chữa thuyền ấy, đặt tên là thuyền An dương.


Vua lại bảo thị thần rằng: "Người có nước có hai việc sửa đức và thiết hiểm đều không thể thiếu được. Nay trẫm chế tạo tàu đồng là muốn giữ những chỗ yếu hại ven biển, làm xưởng chứa sẵn đấy, để lúc có việc dùng đến. Vả lại chỗ yếu lại không đâu bằng vụng Trà Sơn. Tàu ngoại quốc đến chỉ có thể đỗ ở đấy, mà chướng khí rất dữ, giếng độc hơn 10 cái. Trước có tàu Tây dương tránh gió đến đấy, cuối cùng bị nước độc làm hại, do đấy mà nói rằng người ngoại quốc dù có muốn dòm ngó cũng không sao làm được. Hơn nữa do đó ta lại giữ được chỗ hiểm để có thể vận dụng tàu thuyền kia mà."

Khi trước đạo Cam Lộ có việc, vua mật dụ cho Tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt phải phòng bị, đại lược nói: “Người Xiêm, dẫu mang bất trắc, nhưng việc lo ngoài của họ, như nước Hồng Mao, nước Diến Điện cho đến các man ở Vạn Tượng, có thể nào một loạt kinh lý ổn thoả được cả ư? Huống chi lại thêm mối lo trong nữa, thì lo việc mình chẳng xong, khó lòng bỗng chốc đem cả nước đến xâm lược được. Nếu chúng gây sự mà đến Gia Định thì một mặt tuỳ cơ đánh dẹp, một mặt thì tấu ngay, trẫm tất sai đại phát Kinh binh, chia đường thuỷ lục đều tiến, sẽ cho một trận tan tành sào huyện của chúng, cứ gì ngăn chống mà thôi đâu !. Chỉ sợ chúng chẳng dám phát trước”. Đến bấy giờ Duyệt dâng sớ nói rằng: “Thánh nhân làm việc tất là vạn toàn. Nay người Xiêm quấy nhiễu, chưa rõ hẳn là tự ý vua Xiêm hay tự biên tướng cần công. Vả lại hắn lấy cớ đòi hỏi Vạn Tượng mà quân ta vội động thì phải trái chưa rõ, mà tin tức việc binh lại lộ ra trước, nước họ lại nhân thể mà củng cố phòng bị, như thế chưa phải là mưu vạn toàn thủ thắng. Xin hạ lệnh cho quan kinh lý biên vụ, đóng binh không động, để xem việc biến chuyển ra sao. Lại sai sứ đưa thư sang Xiêm, đem việc thiết trách. Nếu họ cố ý gây chuyện thì ta lợi dụng vin cớ ấy, binh ta tuyên bố nghĩa lớn, thẳng tới kinh đô nước Xiêm, phá tan sào huyện của họ cũng chưa là muộn”.



Về Lê Văn Duyệt:

Mỗi lần Duyệt vào chầu, vua càng đãi hậu hơn lên, từng nói với thị thần là bọn Trần Văn Năng, Tống Phước Lương rằng: “Người ta nói Duyệt tính bướng, nay trẫm xem ra là người trung thuận, cái nghĩa thờ bề trên có sẵn lúc ngày thường. Thì ra cái tính bướng bỗng đã gột sạch, không ngờ lúc tuổi già lại tỉnh ngộ như thế”.

Tả Tham tri Hộ bộ lĩnh Hộ tào Bắc Thành là Trần Nhật Vĩnh có tội phải hạ ngục. Vĩnh trước ở Gia Định, được Tổng trấn Lê Văn Duyệt tin dùng, cậy thế ăn của đút, thậm chí cướp vợ người, dỡ nhà, chiếm đoạt tài sản của người, người ta sợ nó tàn ngược không dám phát giác. Vĩnh đi nơi khác chưa đầy một tháng, nhân dân nộp đơn kiện rất nhiều. Duyệt thụ lý tất cả, già trẻ ai cũng reo mừng. Duyệt đem việc tham tâu lên, giải Vĩnh về để đối chất, xin phái quan Kinh về hội xét. Lại làm tờ tâu nhận tội mình tin dùng phải người bậy, xin giao bộ nghị xử.

Vua bảo bầy tôi rằng: "Duyệt trung thành có thừa, mà thiếu sáng suốt, đã vì kẻ gian lừa phỉnh đem lòng tin cậy thì vua cha ở trên đã nhắc bảo cũng vẫn mê không biết, nữa là liêu thuộc, có ai sửa chữa cho được. Đến lúc biết là lầm, hối không kịp nữa. Trần Nhật Vĩnh xuất thân hèn mọn, không dự khoa cử. Triều đình đã dùng làm đến chức này, mà dám luông tuồng làm bậy, tham lam bẩn thỉu, tội ác đầy rẫy, giá có trăm miệng cũng không thể cãi mà che giấu được, cần gì phải giải về để việc dằng dai ra. Tào thần nhiều người, tự trẫm chọn dùng, lẽ nào lại tự vì kẻ có tội tự chuốc tội lỗi, cần gì phải đợi phái quan Kinh".

Vua dụ Lê Văn Duyệt rằng: "Trước kia khanh nghe lầm tà thuyết của Trần Nhật Vĩnh, nhiều việc sai bậy, những chương sớ tâu lên có nhiều điều không hợp, trẫm nghĩ công lao ngày trước của khanh mà không trách mắng. Nay khanh đã đến lúc bóng dâu buổi chiều còn biết hối lỗi trước, đem Trần Nhật Vĩnh nghiêm tham trừng trị và tâu xin nhận tội, tình từ thống thiết, trẫm đã thấu hết lòng khanh. Có lỗi mà biết đổi, thánh nhân còn tha, nữa là trẫm đối với khanh à. Việc khanh xin nghị xử thì gia ân miễn cho. Vậy ban dụ này ân cần chỉ bảo cho được yên lòng. Từ nay về sau khanh nên càng kính giữ đạo làm tôi, hết lòng công trung, chọn người mà dùng, chọn lời mà theo, không nóng nẩy làm bậy, không riêng nghe một người, để giữ trọn lời khen, tiếng tốt, như thế mới xứng được lòng tốt của trẫm bảo toàn công thần đến vô cùng".


=> Có lẽ MM nhận xét đúng lỗi lớn nhất của LVD là "thiếu sáng suốt". Tính khí LVD có lẽ giống GL, kiểu người gì cũng tiếp nhận, nhưng lại không xét đoán được người. Lại thêm tính kiêu ngạo cho ý mình là nhất nên trừ khi sai rành rành thì thôi, bằng không thì chẳng nghe ai (người kiêu ngạo thường có thêm thuộc tính thích nghe nịnh '__'). Nên thân tín của LVD lại thường là bọn nhân phẩm có vấn đề. Đến sau này sự biến phát ra, mới bị đem xử tội dùng người bừa bãi, chứa chấp trong thành toàn là bọn tù bị đưa đi đày, thân tín thì lại toàn bọn thổ mục LVD "thu lượm" được lúc đi đánh quân man (Lê Văn Khôi là người dân tộc họ Nông).



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.