Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

LVD
Trường An February 23rd, 2014

Truy lục lại các vụ án quan lại trong thời Nguyễn, nhận ra... cái nào cũng liên quan đến Lê Văn Duyệt.

Về vụ Nguyễn Văn Thành, Thực lục ghi:

Khi ấy có người Thanh Hoa là Nguyễn Trương Hiệu tự đến xin làm môn khách của Văn Thuyên. ở không bao lâu, Văn Thuyên sai về. Trương Hiệu nói với đồng quận là Thiêm sự Hình bộ Nguyễn Hựu Nghi rằng Văn Thuyên ngầm muốn nổi loạn, dùng thơ sai Trương Hiệu gọi bọn người trong quận là Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Nhuận, lời rất bội nghịch.

Nghi sai Trương Hiệu đem thơ ấy cáo với Lê Văn Duyệt. Duyệt với Văn Thành vốn không ưa nhau, bèn đem thơ phản nghịch của Văn Thuyên dâng lên. Vua cho rằng sự trạng chưa được rõ rệt, hãy để đấy mà trả bài thơ ấy về.

Trước là Nguyễn Trương Hiệu tố cáo Văn Thuyên mưu phản, Văn Thuyên cho rằng thơ ấy không phải tự tay viết, cố cãi là vu. Kịp Đỗ Văn Chương làm chứng cho lời nói của Hiệu là đúng. Phạm Đăng Hưng tâu lên. Vua nói: “Văn Thuyên đã phục chưa?” Thưa rằng chưa. Vua nói: “Nó có lòng làm phản, sao được già miệng thế?” Đăng Hưng tâu rằng: “Văn Thuyên tự cho mình là con công thần, bệ hạ không nỡ giết và bọn thần ngửa theo lòng thánh, không dám hết phép tra trị, nên mới già miệng là do cậy mình vậy”. Vua nín thinh. Sáng hôm sau bèn sai Lê Văn Duyệt tra hỏi. Văn Thuyên quả phục, do đó Văn Thành sợ hãi xin chịu tội. Vua bèn đưa tờ biểu ra cho bầy tôi xem. Đăng Hưng tâu nói: “Văn Thành dâng biểu này, lời nói úp mở, muốn lấy khôn vặt đánh lừa triều đình, việc xin chịu tội là không phải thực lòng vậy”. Vua nói: “Lấy tình thực mà nói, Văn Thành không phải là người phản bạn, chỉ có lỗi là không biết con mình là ác, mà lại che lỗi cho, ấy là muốn khêu lòng giận cho mọi người, cũng ngu lắm vậy có gì là khôn đâu?”. Bầy tôi xin hạ ngục Văn Thành.

Có tên Hữu lấy trộm ấn Tả quân, Lê Văn Duyệt bắt được tâu lên. Vua sai đình thần tra hỏi. Hữu thú là do Nguyễn Văn Thành sai, hẹn thưởng 30 lạng bạc, lại nói Văn Thành sai làm môn hạ Văn Duyệt để bỏ ngầm thuốc độc, mưu không thành bèn tự lấy trộm ấn bỏ đi. Vua cho Hữu nói trước sau không đúng, lại không có căn cứ, không muốn xét kỹ sợ liên lụy cho người, bèn sai giết Hữu và bỏ việc ấy đi.

Bắt trói Tham tri Hình bộ Võ Trinh và Chưởng cơ Tống Phước Ngoạn mà hạ ngục. Đình thần đương họp tra Văn Thuyên. Văn Thuyên cùng Nguyễn Trương Hiệu thanh biện chưa xong. Có viên xá sai hình ty là Trần Ngọc Ngữ làm ngục lại nói với Võ Trinh rằng: “Trương Hiệu trước làm tịch sĩ cho Nguyễn Hựu Nghi, nay nhận là môn khách của Văn Thuyên là không đúng”. Trinh đem lời đó nói với Tống Phước Ngoạn, Ngoạn lòng muốn biện cho Văn Thuyên bị vu, bèn ngầm giục Ngữ đem việc phát giác. Vua sai đình thần nghiêm tra. Ngữ không trả lời được, đổ cho Trinh và Ngoạn mớm lời, hai bên bị tội.

Nguyễn Văn Thành phải tội tự sát. Trước là Bắc Thành xử án Lê Duy Hoán, án làm xong đưa về Kinh, lại sai bộ Hình hỏi lại. Duy Hoán bèn nói Văn Thuyên có âm mưu với hắn gửi thư bảo làm phản. Bộ Hình đem việc tâu. Vua nói: “Văn Thuyên ở trong ngục làm sao bảo người khác vì mình mà làm phản được? Lời ấy lại giống trẻ con nói đùa, vậy sai các nội thần hội bàn xét đến cùng cho rõ tội trạng”. Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Đình Đức đều nói: “Bọn kia ngầm mưu làm càn ngay từ ngày Văn Thành còn làm Tổng trấn Bắc Thành, chứ không phải đợi khi đã phải tội rồi sau mới gởi thư”.

Liệt truyện ghi:

Có người Thanh Hóa là Nguyễn Hữu Nghi trước là môn khách của Thành bị tội trốn đi đến làm môn hạ Duyệt. Duyệt yêu Nghi nói khéo, cất nhắc làm Thiêm sư bộ Hình. Có tịch sĩ Nguyễn Trương Hiệu là đứa lạc phách, Nghi cho Hiệu giả làm gia nhân con Thành là Thuyên. Thuyên vẫn thích tân khách, hay văn từ, Nghi ngầm sai Hiệu dò la việc làm của Thuyên, trộm lấy được bài thơ có câu bội nghịch, đến bấy giờ Duyệt về chầu, Nghi nói với Duyệt rằng con Thành là Thuyên đi chiêu dụ người đồng thuận là lũ Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Nhuận, lời rất bội nghịch, thơ này do chính tay Thuyên viết. Duyệt tin lời nói của Nghi, cầm mật thơ ấy tâu lên vua, vua nói: Sự trạng chưa rõ hãy để đấy, sai trả tờ ấy, Nghi nhân xui Hiệu giữ lấy tờ ấy làm văn tự nợ, Hiệu đón Thành ở đường nắm tay áo đòi tiền chuộc tờ ấy, Thành bất đắc dĩ bắt Hiệu cùng Thuyên đưa vào dinh Quảng Đức tra hỏi, đến triều đem việc ấy tâu vua. Nghịch án của cha con Thuyên bắt đầu từ đấy.

... Án Thuyên để lâu mãi không giải quyết được, Duyệt đốc trị việc ấy, Thuyên bèn thú tội. Tham tri bộ Lại Trần Văn Tuần bảo rằng: Trung quân với Tả quân là người đồng công cộng thể, Trung quân ngày nay như thế thì ông ngày sau thế nào? Duyệt nghe lời nói ấy cũng hơi buồn, thôi không tức giận Thành nữa.

Đến đời Minh Mạng, lại thấy xuất hiện 2 cái tên này:

Cất sinh đồ ở Thanh Hoa là Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Nhuận bổ vào Hàn lâm viện. Trước đây Lê Văn Duyệt đi kinh lược địa phương Thanh Nghệ, hai người ấy đều có công gọi giặc trốn ra đầu hàng. Duyệt đem việc tâu lên triều đình cho nên có mệnh này.

Nghi án Nguyễn Hữu Nghi - môn khách của Lê Văn Duyệt đứng sau giật dây mọi sự thì Thực lục không ghi chắc chắn, nhưng Liệt truyện thì lại ghi. Càng "lạ" hơn là chính Lê Văn Duyệt sau này lại cất nhắc "đồng đảng dự báo" của Nguyễn Văn Thuyên.

Lời khai của Lê Duy Hoán là bước quyết định giết cha con Nguyễn Văn Thành. Lê Duy Hoán bị bắt ở Bắc - lúc này nằm trong quyền Lê Chất, huynh đệ của Lê Văn Duyệt.

Nói chung, hầu như tất cả những nhân vật liên quan đến vụ án này đều dính đến Lê Văn Duyệt.

Ngay cả trong vụ án Đặng Trần Thường

Đặng Trần Thường có tội bị giết. Trước Đặng Trần Thường đã được tha, lưu lại Kinh. Nhân vì trước ở Bắc Thành, ẩn lậu thuế đầm ao đinh điền, Lê Chất phát ra lại bị hạ ngục. Trần Thường uống rượu nói xằng, phần nhiều oán trách. Đình thần thẩm án đều cho rằng nên giết. Bèn xử giảo và tịch thu gia sản.

Đặng Trần Thường với Lê Chất không ưa gì nhau. Án trước tha bổng, lại "được" đệm thêm án tham ô, giết bằng được mới thôi.

Điều lạ thứ hai là hầu như những Hiệp tổng trấn, Phó tổng trấn làm việc với Lê Văn Duyệt thể nào cũng có chuyện xảy ra:

Hiệp tổng trấn Gia Định là Ngô Nhân Tĩnh chết. Nhân Tĩnh trước sang Chân Lạp, có người nói Tĩnh nhận riêng của nước Phiên. Văn Duyệt đem việc tâu, Vua nói: “Việc không có chứng cớ, hãy để đó”. Nhân Tĩnh nghĩ không yên lòng, thường tự than rằng: “Vẽ rắn thêm chân, ai khiến ta mang cái oan không bày tỏ được”. Đến nay ốm chết.

Liệt truyện ghi:

Phó Tổng trấn Hoàng Công Lý làm quan tham ngược, Duyệt đem việc tham tâu, Lý phải tội xử tử.

Thực lục ghi:

Phó tổng trấn Gia Định là Hoàng Công Lý tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn mười việc. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên. Vua bảo Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Đức Xuyên rằng: “Không ngờ Công Lý quá đến thế, công trạng nó có gì bằng các khanh, duy nhờ Tiên đế cất nhắc, ngôi đến Phó tổng trấn, lộc nước ơn vua, thực không phải bạc, thế mà lại bóc lột tiểu dân, làm con mọt nước. Nay tuy dùng phép buộc tội, nhưng dân đã khốn khổ rồi”.

Sai đình thần hội bàn. Đều nói : “Công Lý bị người kiện, nếu triệu về Kinh để xét, tất phải đòi nhân chứng đến, không bằng để ở thành mà tra xét là tiện hơn”. Vua cho là phải, bèn hạ Công Lý xuống ngục, sai Thiêm sự Hình bộ Nguyễn Đình Thịnh đến hội với tào thần ở thành mà xét hỏi.

Hoàng Công Lý trước bị tội tham nhũng, tang vật đến trên 2 vạn quan tiền. Sai quan thành Gia Định đòi hỏi. Khi thành án, giao đình thần bàn xét, đáng tội chết, bèn đem giết, tịch thu gia sản đem trả lại cho binh dân.

Vụ án Ứng Hòa công Mỹ Đường được ghi:

Ứng Hoà công Mỹ Đường có tội bị miễn làm thường dân. Mỹ Đường là con trai cả của Anh duệ Hoàng thái tử. Trước có người cáo Mỹ Đường là người dâm dật, thông gian với mẹ đẻ là Tống Thị Quyên. Lê Văn Duyệt đem việc tâu kín. Vua sai bắt Thị Quyên giao cho Văn Duyệt dìm chết mà cấm Mỹ Đường không được chầu hầu. Đến nay Mỹ Đường dâng sớ nói là có bệnh, xin nộp trả sách ấn và xin miễn làm thứ nhân, về ở nhà riêng. Vua vời các thân công đại thần vào bàn, bèn y cho.

Vụ án này xảy ra vào năm Minh Mạng thứ 5, nhìn lại thì toàn quốc cũng như trong triều không có sự việc bất thường nào. Sau khi Nguyễn Văn Thành chết thì cũng không có ai chống đối vua. Ngay chính Lê Văn Duyệt cũng từng rất thân thiết với Minh Mạng. Nhưng trước đó, 1 sự kiện xảy ra:

Năm Minh Mạng thứ 4, thị vệ Trần Văn Tình từ Gia Định làm việc công về đem các sự tích Trần Nhật Vĩnh riêng làm phó ngôi mua trộm hàng hóa dâng lên. Duyệt biết tin ấy, năm sau vào chầu xin chém Trần Văn Tình nếu không trả chức Tổng trấn. Lập tức xin từ chức Tổng trấn. Như thế là yêu sách vua, tội không gì lớn bằng, và xin chém một Trần Văn Tình là muốn khóa miệng buộc lưỡi người ta lại, không dám bàn lỗi của nó.

Về nhân vật Trần Nhật Vĩnh này, 5 năm sau lại có án:

Viên bị cách là Trần Nhật Vĩnh, trước vì dâm ô, tham nhũng bị dân Gia Định tố cáo đến hơn 30 khoản. Giao cho thành thần xét rõ ràng để tâu lên. Đến nay án đệ lên bộ Hình bàn lại, xin chém ngay.

Vua bảo bầy tôi rằng: “Tội Vĩnh nặng quá pháp luật, xử chết cũng chưa đủ tội. Đáng lý giao về thành mà chém để tạ nhân dân. Nhưng vì đường xa cách trở, hoặc xảy ra việc gì, nên chém ngay ở nơi Đông thị, rồi đưa đầu đến Gia Định để bêu. Hữu ty tịch biên nhà hắn được hơn 128.000 quan. Trấn thủ Phiên An là Phạm Văn Châu, nguyên Cai bạ là Nguyễn Bá Uông, Thiêm sự quyền nhiếp Hiệp trấn là Ngô Đức Chính, đều vì liên can bị cách chức.

Thực lục không ghi lý do chính xác Lê Văn Duyệt xin từ chức cùng với Lê Chất vào đầu năm 1824 - Lý do của Lê Chất cũng tương tự, một vị quan tên Lê Duy Thanh (vốn là thầy học của Minh Mạng) bị Chất khép tội chết nhưng triều đình lại cho đi đày, Chất quyết ép đem ông ta ra xử chết mới thôi. Theo Liệt truyện ghi thì là cả 2 trọng thần ra sức ép vua. Sau này xử Trần Nhật Vĩnh, vua cũng xử ngay tại Huế chứ không đem về Gia Định.

Không rõ Minh Mạng có chém Trần Văn Tình hay không. Nhưng đầu năm 1824, Lê Văn Duyệt yêu sách đòi từ chức, cuối năm đó việc Mỹ Đường phát ra. Ngay năm sau Minh Mạng cho Lê Văn Duyệt về Gia Định lập tức.

Về sau, khi xử án Lê Văn Duyệt sau việc Lê Văn Khôi, Minh Mạng nói với quần thần:

Hoàng khảo ta Thế tổ Cao hoàng đế nghĩ nó lúc bé sai khiến trong cung, tin làm lòng bụng, nhiều lần cho mang cờ tiết búa to, không ngờ lũ này phần nhiều không phải thiên loại, ngày càng kiêu rông, dần mang lòng bất thần, tha hồ làm bậy ăn nói cuồng bội, chỉ vì lòng sợ thánh minh mà dẫu có lòng gian thì cũng không dám phát ra, mà Hoàng khảo ta năm cuối đã biết rõ. Lại nghĩ đứa nô tì ấy dù lòng mang sự trái phép, nhưng thiên hạ đã cả định, thần dân ai lại theo đứa hoạn quan ấy. Tất nó không làm gì được, ngày càng xa mà ẩn nhẫn qua đi...

Đình thần nghị án Lê Văn Duyệt:

Đến lúc đình thần nghị án, dâng lên, chỉ ra những lời nói việc làm bội nghịch đáng làm tội xử trảm 7 điều, đáng tội xử giảo 2 điều. Đáng xử tội sung quân 1 điều là bắt biền binh đóng thuyền. Duy sự biến ở Phiên An, Duyệt thực là đầu tội, xin chiếu luật mưu phản kết án lăng trì, nhưng nó đã bị Diêm vương bắt đi rồi. Nay xin thu bằng sắc bổ quan tài ra chém xác để tỏ gương răn. Những cáo sắc tổ tiên ông bà cha mẹ đều thu lấy cả. Và xem mồ mả cha ông nó có làm trái phép đều phá bỏ đi, còn các thê thiếp, con cháu gọi bằng chú bác đều phân biệt xử tội, tài sản bị tịch thu hết cả.

Án dâng lên, những người nguyên nghị trảm quyết đều đổi làm trảm giam hậu, những đứa dưới 15 tuổi tạm giam lại. Những trẻ bé không biết gì thì tha không bắt. Phát nô 13 đứa đàn bà, đều tha cả. Việc chém xác cũng không thi hành.

Vua sai bộ Hình sao lục án này để đưa cho đốc phủ các tỉnh để cho ý kiến tâu lên. Lạng Bình hộ phủ Trần Huy Phác xin những thê thiếp con cháu Duyệt đều xử trảm quyết, còn lại y đình nghị.

Quảng Yên hộ phủ Lê Dục Đức tâu xin những đứa phạm 16 tuổi trở lên đều đem giết đi, còn lại y đình nghị.

Bình Phú Tổng đốc Vũ Xuân Cẩn, Ninh Thái Tổng đốc Hoàng Văn Trạm cũng xin y đình nghị, lại nói rằng hoặc nên lấy công bù tội, châm chước thế nào ra tự ơn trời.

Vua dụ rằng: Muôn người cùng một lời, rõ ràng án này là án sát nghìn đời. Lê Văn Duyệt tội khó đếm tóc, nói đến đau lòng, bể quan tài ra mà chém xác cũng chả quá đáng. Nhưng nghĩ nó chết đã quá lâu trước, bị Diêm la làm tội, lại đã tước quan tước, còn cái xương khô trong mả cũng không thèm gia hình. Nay sai Gia Định Tổng đốc đến chỗ mả đắp, san ra làm đất bằng, dựng bia đá lên trên viết to mấy chữ "Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ" để tỏ tội danh khi đã chết và rõ phép nước vào đời sau. Các con, các cháu gọi bằng chú bác, vô luận Lê Văn Duyệt là đầu tội ác nhưng cứ chuẩn là Lê Văn Hán giao thông với giặc thì bắt tội lây, luật đã nói rõ. Nhưng chúng chỉ là cuồng vọng nhất thời đi lại với giặc, so với đứa trước sau theo giặc chống quan quân cũng có khác. Và Duyệt đã kết án cực hình để tỏ pháp nước thì xử trảm giam hậu cũng là đáng tội.

Án của vua nhẹ hơn án của quan (Có lẽ chiến tranh suốt mấy năm khiến ai cũng đã phát khùng). So với những cái án khác cùng thời gian, án này không hề nặng. '__'



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.