Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 70: Bẫy rập
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" March 8th, 2013

“Tình ơi, đã khổ ta chưa?
Dế ngâm giọng thảm, ve đưa giọng sầu.
Duyên về đâu, nợ về đâu?
Tai nghe trống điểm trên lầu mấy hơi.
Cuốc than phận cuốc lẻ loi,
Đó lênh đênh phận, đây bồi hồi thân…”

Lần đầu tiên đến Hội An, nàng đã nghe tiếng hát ấy trên những tòa lầu. Nhật Bản Nhai ngày xưa nằm ở phía Đông, đón gió thổi từ cửa Đại vào. Nhật Bản dinh ba tầng sừng sững đã đổi chủ nhưng vẫn còn giữ dáng vẻ của kiến trúc Đông Doanh. Chùa Tùng Bản nằm ở rìa ngoài khu phố, dường như lẻ loi trong không khí của các Đường nhân đã đến tiếp quản phố thị người Nhật bỏ lại.[1] Khi thuyền đi sát bờ, dưới bóng của những lầu cao, nàng đã nghe tiếng hát văng vẳng. Không phải bằng tiếng Hán lẫn tiếng Nhật, cũng không có đàn nhạc đệm lời, người phụ nữ kia hẳn chỉ tựa cửa, chậm rãi ngâm nga.

Tiếng hát rơi xuống dòng sông dưới lầu, lẫn trong bóng trăng bàng bạc. Thị thành về đêm yên ắng, chỉ còn vài ngọn đèn treo trước cửa sáng lập lòe. Nàng ngẩng đầu nhìn, dường như có sương đang rơi, mỏng mảnh vắt ngang trời. Thuyền chậm rãi lướt qua tiếng hát, chìm trong màn sương man mác đang buông xuống cùng đêm.

Qua màn sương, nàng nhìn thấy người thiếu niên đứng cạnh kè đá bờ sông.

Dưới ánh trăng và bóng của những ngọn đèn mờ ảo, áo trắng đã ám khói vẫn sáng trong màu đêm, đôi mắt đen như huyền ngọc. Dưới ánh trăng, những chiếc lá nhỏ đẫm sương cũng dường như sáng lên lấp lánh, rơi xuống theo làn gió. Gió từ sông vẫn thổi, hất đám lá khô bay lẫn với sương cuồn cuộn như bụi mù, y trông như thể vạt trăng rơi xuống, vằng vặc tỏa sáng trong lặng yên.

Y nhìn ra đoạn sông trước mắt, con thuyền của nàng đang đi tới, với đôi mắt tĩnh lặng, một ngón tay cũng không cử động. Lại gần, nàng nhận thấy vẻ hốc hác tiều tụy trên khuôn mặt vẫn còn nét trẻ thơ. Đúng ra, y vẫn chỉ là một thiếu niên mười bốn, mười lăm tuổi. Nhưng có thể vì đường nét quá hoàn mỹ, khí chất quá trầm mặc, ánh mắt phảng phất như trăng chiếu trong nước lạnh, y trông như không thể đoán định chính xác được tuổi.

Nàng nhìn sang cha khi ông tấp thuyền vào bờ, cúi đầu chào thiếu niên. Đây chính là ‘thiếu chủ’ mà ông đã nhắc tới?

Nàng đỡ cha khập khiễng lên bờ. Cậu thiếu niên đến lúc ấy mới lại gần, nghiêng người đỡ cha nàng. Đôi mắt y nhìn lướt qua nàng, hệt như nàng cũng chỉ là những mảnh lá non rơi xuống quanh y.

Cha nàng lập cập cúi mình chào, y nghiêng người đáp lễ. Cha kéo nàng ra trước, chỉ cho y.

“Đây là con bé lão phu đã nói.” Ông đẩy nàng tiến thêm một bước, tiếng cười trầm trầm. “Từ nay nó sẽ theo hầu hạ thiếu chủ.”

“Chuyện này…” Y liếc mắt nhìn nàng, thoáng vẻ khó xử. “Ta đã bảo không cần như thế. Lần này ta xuống Đông Phố, không chắc đã được yên lành, dẫn theo tiểu thư chỉ làm khổ cho tiểu thư…”

“Nó chịu khổ một chút đã sao.” Cha nàng nghiêm khắc nói. “Từ nay nó là người của thiếu chủ, không còn là con gái lão. Thiếu chủ không cần thì cứ vứt nó đi.”

Nói rồi không để cho y lẫn nàng kịp phản ứng, cha nàng quay người đi về thuyền, gần như ngã nhào xuống sàn thuyền. Cậu bé chèo nhìn nàng phân vân, rồi cũng đưa thuyền ra sông. Mái chèo khua bóng trăng loang loáng.

“Công tử không cần bận tâm.” Là nàng cất tiếng trước tiên, giọng bình thản nhàn nhạt. Rời mắt khỏi con thuyền, nàng nhìn y, mỉm cười. “Cha tôi trước nay chỉ có một tâm nguyện phục Minh, bị thương tật mà buộc phải đến đây, lúc nào cũng coi như đời mình bỏ đi rồi. Bây giờ ông ấy chìm trong hũ rượu, e chẳng sống thêm được bao lâu, tôi cũng chỉ đến lúc bán mình tang cha. Tôi đi theo công tử xem như thỏa ý nguyện của ông. Thêm bớt một người trong đoàn thuyền cũng chẳng phải là bao, mong công tử không chê.”

“Đông Phố chỉ có cá sấu, rắn rết cùng hổ báo, không phải chỗ ở của con người.” Y nói, đôi môi mỏng khẽ động, khuôn mặt vẫn lành lạnh không một biểu cảm với điều đang nói. Nhìn lại nàng lần nữa, ánh mắt lộ chút xót thương, y lấy tay nải đang đeo đưa cho nàng. “Ta thấy ông ấy khó khăn, định đưa tặng. Nay tiểu thư cứ cầm lấy, nếu không về nhà được thì tìm nơi sống tạm.”

Nàng cau mày, nhưng vẫn đưa tay nhận.

Lúc ấy nàng chỉ là một bé gái mười ba tuổi, nhưng đã sớm thành thạo nhìn mặt người đoán ý. Đôi mắt y nhìn nàng vẫn chỉ như một chiếc lá non rơi xuống bên vai. Sự tử tế của y cũng hệt như lúc y đem số vàng bạc trong thuyền cho người đi ngang như cha nàng. Y không muốn đưa nàng theo một phần vì hiểu rõ, một phần vì e ngại phiền phức.

Việc nàng có thể làm hiện tại, là không gây phiền phức cho y.

“Bao giờ công tử trở lại hoặc có việc cần tìm, tiểu nữ sẽ ở đây đợi.” Nàng cúi người chào y, nhìn lên mặt trăng trên cao rồi nói. “Ngày mười ba mỗi tháng, tiểu nữ sẽ đến đây đợi.”

Khóe môi y khẽ động, nhưng y cũng chỉ gật đầu quay đi.

Từ đó, nàng ở lại Hội An, vào làm việc trong các tiệm, quán. Với chút ít chữ nghĩa cha đã dạy, nàng cũng tìm được một vị trí an ổn. Y lời hẹn, ngày mười ba mỗi tháng, nàng tìm tới bến sông vắng chờ đợi.

Bốn năm sau, y xuất hiện. Áo trắng nhuốm màu gió bụi, thiếu niên công tử xưa kia đã mang dáng dấp phong trần. Nhìn thấy nàng, y mỉm cười.

Nàng vẫn chỉ là một chiếc lá trong mắt y.

Y đưa cho nàng bình xương cốt của cha, nói cho nàng những gì mình đang làm. Nàng nhẹ nhàng gật đầu, bảo, Nơi dễ dàng thám thính tình hình nhất ở Quảng Nam là Tây Phong lầu.

Tây Phong lầu ở ngoài thành Hội An. Nàng trở thành cô nương hạng nhất, ngày ngày sênh ca, đêm đêm múa hát, ít có khi rời khỏi khu nhà rộng, cũng hiếm khi gặp y. Để tránh tai mắt, y dùng người liên lạc riêng với nàng. Chỉ một lần, nàng có khách mời đến dự hội hoa đăng trong thành. Trên lầu cao, nàng nhìn thấy y.

Một cô gái nhỏ bám lấy tay y, tay kia chỉ lên cái đèn trước quán. Từ phía sau nhìn lại, nàng chỉ thấy dải tóc tết buông xuống lưng, bờ vai mảnh dẻ, áo lụa đỏ như cánh hoa. Và đôi mắt y nhìn cô bé, bàn tay y đỡ cái đèn xuống cho cô, đều hết mực dịu dàng.

Sau này nàng nghe được, đó là Như Yên cô nương ở Thương Trúc trang. Thông minh phong nhã, xuất thân cao quý, yêu kiều khả ái, được nâng niu như hòn ngọc trên tay. Dù sự thật nàng ta không giống như lời đồn đãi, thì cũng đường đường là thiên kim tiểu thư chói sáng như ánh dương, rực rỡ như hoa vừa nở.

Đêm ấy, nàng ở trên lầu cao, nhìn đến ngẩn ngơ dòng người nườm nượp dưới đèn.

Áo lục phiêu diêu, tiếng ca bay bổng, tiếng cười đáng giá ngàn vàng, lạc trên lầu cao gió lạnh.

Thanh xuân đi qua, phù hoa tan mất, lặn lội trăm dặm trường đời, vẫn như chiếc lá giữa dòng trôi.

Thiếu niên như bạch ngọc, như ánh trăng ngày ấy, cùng nàng đổi thay.

Có lần, Lâm Phi ghen tuông gặng hỏi tình cảm giữa nàng và y. Có sao? Nàng chỉ cười, với vẻ ngoài đạm mạc vô tâm thường trực. Câu trả lời chẳng phải không có mấy phần sự thực. Qua tháng năm dài, rốt cuộc nàng cũng không biết rõ tình cảm dành cho y là gì. Có thể, y là chủ nhân mà người cha một đời phẫn hận của nàng theo đuổi, áp đặt thành phận sự của nàng. Có thể, y là người đã đem cho nàng cả gia tài để nàng không phải chịu khổ cùng y. Có thể, y là người nàng đã chờ đợi suốt bốn năm ròng mà không để lại dù chỉ một lời hứa. Có thể, y là người vẫn còn nhớ tới nàng sau chừng ấy thời gian, dù chỉ xem nàng như một thuộc hạ tình cờ thu nhận được. Với nàng, y không có thương tiếc, cũng chẳng dịu dàng, không cần thiết phải quan tâm. Y không đối xử với nàng theo cách mà y bày ra trước kẻ khác, mà là sự lạnh lùng thực sự của y. Không phải mãi tận sau này nàng mới biết – nàng vẫn luôn luôn rõ – cái cách y nhìn toàn thể, thế giới và con người, như quan sát một bàn cờ với vị trí cùng ích lợi. Ngay cả cô gái nhỏ kia, Như Yên cô nương của Thương Trúc trang, cũng chỉ là như thế.

Nhưng rồi y đổi thay. Và đôi lúc, nàng cũng hoang mang.

Đôi lúc, như khi ngẩng đầu nhìn trăng soi trên nước, tán lá xạc xào lay động trong sương, đi dưới bóng những lầu cao để nghe tiếng hát văng vẳng thoáng qua, nàng lại nghĩ về đêm đó. Hoặc đêm của bốn năm sau đó. Y đứng dưới tán cây mà mỗi chiếc lá non đều sáng lên lấp lánh, như thể một mảnh trăng rơi xuống thế gian.

Chờ đợi y là một thói quen. Tuân lời y là một thói quen. Đi theo y là một thói quen. Đến mức nàng cũng không biết cuộc đời sẽ ra sao nếu không làm như thế.

Dừng lại đi, Lâm Phi nhiều lần van cầu, đổi lại chỉ là cái lắc đầu cùng nụ cười lãnh đạm của nàng. Chủ nhân cần tôi, nàng nói. Điều này hoàn toàn là sự thật. Giữa thế gian này, y chỉ còn lại một mình nàng. Không phải là người bạn đầy mâu thuẫn, phân vân cùng rắc rối nọ; càng không phải là thiếu nữ rực rỡ như hoa ngày nào. Tất cả bọn họ đã bỏ rơi y, để y rơi vào bóng tối, trong cơn ác mộng không có điểm kết thúc.

Điều này có lẽ Lâm Phi không hiểu, ngay chính y có lẽ cũng không hiểu. Nhưng nàng hiểu rõ, rơi xuống bóng tối một mình sẽ cô đơn xiết bao.

Cuộc đời đã hủy hoại thiếu niên trong sáng như ánh trăng thưở ấy đến không còn hình dạng. Nàng ở bên y trong cơn sốt chập chờn mê tỉnh, ngẩn người nhìn vết sẹo đã phá hỏng sắc diện y, khuôn mặt y nhăn nhó, méo mó trong đau đớn. Nàng không biết cách nào để xoa dịu y trong những giấc mơ, chỉ có thể thì thầm hát. Những bài dân ca mà y luôn thích thú sưu tầm, những ca từ diễm lệ mà nàng đã học được nơi tửu quán, và bài ca ngày xa xưa vọng xuống từ đầu bến cảng.

“Cuốc than phận cuốc lẻ loi. Đó lênh đênh phận, đây bồi hồi thân…”

Trong bóng tối, nàng nghe tiếng nhạc. Tiếng sáo vọng qua giấc mơ, len vào trí óc nàng, khiến nàng tỉnh lại. Chớp mắt vài lần trong bóng tối, nàng nhận ra trời đã vào đêm. Qua những kẽ hở, ánh lửa lập lòe hắt vào phòng. Nàng thử cử động, phát hiện mình đã bị trói vào giường, miệng cũng bị một dải băng bịt kín. Không thể động cựa, nàng mở mắt nhìn lên trần nhà, nghe rõ âm điệu của tiếng sáo đang thổi ngoài xa.

Tiếng sáo vẳng tới như thể cách xa cả một quãng sông dài, nhưng âm điệu du dương trầm bổng cho thấy khí lực người thổi dồi dào mạnh mẽ. Những điệu hát của xứ sở phương Nam gần giống nhau, đã gợi nhắc cho nàng về bài ca thưở trước. Thổi một âm điệu của Nam Hà, kẻ này chắc hẳn không phải là người nơi đây.

Nhưng toán lính canh ngoài cửa cũng đang lao xao. Nàng nghe tiếng đá vàogỗ, một kẻ buông lời chửi tục, cáu gắt mà nói đổng.

“Vẫn chưa lùng bắt được à?”

“Tìm cả khu rừng chẳng thấy, cứ đến hướng ấy là lại nghe tiếng sáo thổi ở hướng khác.” Một kẻ khác đáp lời, chợt hạ giọng run run. “Nghe nói những vùng đất này có âm binh. Ngô Lãng kia nghe bảo rằng có phép thần thông…”

“Có phép thần thông thì đã không bị đuổi chạy đến đây!” Kẻ đang gắt gỏng kia thô lỗ ngắt lời. “Mà có ma đi nữa thì làm gì được nhau? Chúng có giỏi thì cứ bay lượn mà thổi sáo hết đêm, ông đây đếch sợ!”

“Đừng nói to, tướng quân nghe thấy sẽ phạt đấy.” Một giọng thứ ba chen vào. “Ngươi không sợ ma quỷ chứ người khác bị ngươi dọa chết rồi.”

“Ma gì mà ma!” Kẻ kia lại chửi, tuy vẫn biết hạ giọng xuống. “Chúng chỉ cho ta cả đêm không ngủ mà căng người ra canh chừng. Chúng cũng chả tới sớm được như vậy đâu, chỉ giỏi bày trò!”

Đám lính kia vẫn cãi nhau. Bên trong, Tư Tư khe khẽ thở ra.

Có vẻ nàng chỉ ngất đi nửa ngày. Quả thật y sẽ không thể tìm tới sớm như thế. Nhưng nếu vậy thì kẻ đang thổi sáo điệu Nam Hà ngoài kia hẳn lại là người duy nhất nàng có thể nghĩ tới lúc này.

Hắn vẫn còn ở đây, và theo bản tính nàng đã sớm rõ, chẳng hề định bỏ rơi nàng trong nguy hiểm. Nhưng Phố Châm đã bị vây chiếm, hắn không thể xâm nhập vào, lại thổi sáo ngoài xa để làm gì?

Nàng còn đang nghĩ, tiếng sáo ngoài kia lại đột ngột đổi hướng. Lần này tiếng sáo vang rõ đến độ như người thổi chỉ đứng ở đầu ngõ. Nghe tiếng sáo, người trong làng dậy tiếng xôn xao cùng một lúc. Không đợi chủ tướng ra lệnh, người canh gác ở hướng tiếng sáo vọng đã rút đao kiếm chạy ra lùng tìm.

Nhưng rồi tiếng sáo lại chuyển hướng, cứ bốn năm lần như thế, rồi tiếng sáo mới đột ngột dừng. Nàng đã nghe tiếng gà gáy canh tư. Lính đi lùng bắt trở về tay không, người sau một đêm ồn ào đã mệt rũ. Tên lính canh trước phòng nàng làu bàu chửi mắng nốt mấy câu trước khi đổi gác. Tư Tư chờ đợi, nhưng chẳng còn điều gì bất thường xảy ra. Thân thể bị trói cứng đơ đến đau nhức, nàng mệt mỏi nhắm mắt. Khi nàng tỉnh lại, trời đã sáng.

Trong ánh sáng, nàng nhận ra căn phòng giam nàng là một ngôi nhà trong làng. Hẳn quân Nam Hà đã khống chế được làng liền cho đóng quân tại đây thay vì ở Phố Châm vốn quá dễ bị tấn công. Tư Tư cau mày, cố nhớ lại hoàn cảnh trước khi nàng bất tỉnh. Lúc ấy, hình như quân Nam Hà mới chỉ vừa nổ súng, nàng muốn đi tìm Chế Vinh, bảo anh ta theo đường hầm mà trốn, chẳng rõ vì sao nàng lại ngất đi.

Bây giờ nàng lại bị giam giữ như thế này – hẳn chẳng phải là lối thường của quân Nam Hà với phụ nữ trong vùng địch? Hẳn đã có kẻ khai nàng ra, nhưng đã thế thì việc gì phải vừa trói vừa bắt nàng im lặng?

Cánh cửa lớn đột ngột bị đẩy ra, một tên lính Nam Hà bước vào, trên tay là nước cùng đồ ăn sáng. Lại giường, gã cởi dây trói lẫn vải bịt miệng cho nàng, vẫn giữ lại dây xích trên chân.

“Đồ ăn của cô đây.” Gã nói. Tiếng nói bất chợt khiến nàng giật mình ngẩng đầu.

Dưới cái khăn lớn buộc che gần hết trán, có tua rủ xuống mặt mà đàn ông phương Nam hay đội, đôi mắt hắn lấp lánh nắng chiếu vào, tựa như cười. Hắn vỗ vỗ vai nàng, ra hiệu cho nàng im lặng.

“Ăn đi lấy sức.” Hắn nói. Tư Tư mím môi, nhẹ gật đầu.

Nàng cầm cái bánh lên ăn, tay kia viết lên tay hắn ‘Ta biết đường ra ngoài’.

“Ngoan ngoãn ở đây chịu khổ một lúc, chờ đồng bọn của cô đến đã.” Hắn vẫn dùng giọng bỡn cợt mà cười nói. “Hôm qua vừa bắt được một mẻ, vẫn còn chưa phân loại xong.”

Người bị bắt – ý là những người Chiêm Thành trong làng, có cả Chế Vinh? Nhưng điều này thì liên quan gì đến hắn?

Đáp lại ánh mắt thắc mắc của Tư Tư, hắn chỉ nhún vai. Đợi nàng ăn xong, hắn trói nàng lại như cũ tuy có nhẹ tay hơn, rồi rời khỏi phòng.

Bên ngoài, người vẫn qua lại đông đúc, sắp đến lúc đổi gác mới, hắn liền nghĩ đến cách để lẩn đi. Đêm qua, hắn đã dựa vào tiếng sáo mà phân tán quân canh của Nam Hà, vào được làng này. Chiếm Phố Châm, quân Nam Hà thả những thuyền buôn xác nhận được thân phận đi, còn lại bao nhiêu đem vào làng giam giữ, dựa vào thành lũy của làng mà lập một vòng vây mới. Dựa vào địa thế của những vách đá và bằng các mảnh sắt, gỗ, hắn tự tạo ra một hệ thống nhạc khí hơi, dùng kỹ thuật biến âm tạo thành ảo giác âm thanh thay đổi. Lính canh nhao nhác chạy quanh trong ‘trận thế’ hắn tạo thành, hắn theo kẽ hở mà lẩn vào trong lũy làng. Đợi đến lúc lính đổi phiên gác, hắn liền chạy vào gia nhập. Nhóm lính này vốn đông, lại vừa mới được chiêu binh thêm, vẫn còn chưa biết hết mặt nhau, thậm chí cũng chưa có đồng phục, hắn đã quan sát trước mà mặc trang phục của đàn ông phương Nam. Chỉ nghe ngóng đội trưởng phân canh gác một lúc, hắn đã biết nơi giam giữ tù phạm ở đâu, liền đi theo họ. Nơi nguy hiểm nhất cũng là nơi an toàn nhất, hắn cứ thế mà nghênh ngang đi lại giữa toán quân Nam Hà như quen thuộc từ lâu.

Người ta chỉ nghi ngờ kẻ lén lút trốn nấp chứ ai để mắt đến kẻ đi đứng đĩnh đạc đường hoàng?

Nhưng đưa được Tư Tư ra lại là chuyện khác, hắn thầm nghĩ, liếc mắt về căn nhà giam giữ nàng, cũng đã nhận ra sự bất thường. Toán lính khác đến đổi phiên gác, hắn rời đi, rồi chạy về phía nhà xí ra vẻ bị đau bụng mà dứt khỏi toán người. Thấy toán lính khác đi qua, hắn bám theo họ, đến gian nhà chính giữa làng. Khu nhà to nhất này thường là nơi ở của trưởng làng, lúc này hẳn đã bị quân Nam Hà trưng dụng. Những gian nhà, kho hầm khác đông đúc người, hẳn cũng có không ít tù binh bị giam bên trong.

Đến gần khu nhà chính, hắn đi chậm lại, tụt về phía sau, đến đứng cạnh toán lính canh gác bên ngoài. Không phải hắn không tò mò kẻ đang ở trong ấy, nhưng cẩn tắc vô áy náy, nếu kẻ ấy là thuộc hạ của Như Yên thì nguy hiểm vô cùng.

Thấy hắn đến bên cạnh, vươn vai ưỡn ngực cầm giáo canh phòng, toán lính kia cũng không hỏi thêm. Lính canh ngoài gian chính vốn không được phép nói chuyện, hắn liền dỏng tai nghe ngóng động tĩnh bên trong. Hàng rào này cách nhà trong một khoảng sân rộng, chỉ có đôi ba người qua lại. Một viên đội trưởng từ bên ngoài chạy vào, cúi chào người trong sân.

“Chưa thấy thuyền tới.” Gã nói, hẳn là một câu hơi vô tích sự, khi nghe tiếng người thở hắt ra. Nếu thuyền phá qua phòng tuyến La Nha mà tới hẳn ai cũng nghe thấy, không cần phải báo, hắn nghĩ thầm. Nhưng câu nói sau đó lại khiến hắn ngạc nhiên. “Bọn hải tặc này có đáng tin chút nào không?”

“Việc gì đến ngươi?” Người kia nhỏ giọng gắt. Hắn nghe thanh âm có phần quen thuộc, hơi nhíu mày, ghé mắt nhìn qua hàng rào cây duối. Người nọ đứng quay lưng về phía hắn, áo đoạn đen tuyền quả nhiên quen mắt.

“Hổ Tướng quân nói, trừ khi Trấn thủ đích thân lệnh, chứ không tin tưởng mà dẫn quân theo bọn hải tặc.” Viên đội trưởng kia cũng hạ giọng.

“Chúng đến rồi cho Nguyễn Thắng Hổ muốn đánh sao thì đánh, đừng thua để bị rơi đầu là được.” Người kia vẫn hơi cáu kỉnh nói trước khi quay vào nhà trong. “Chúa công không còn kiên nhẫn với bất cứ trận thua nào nữa đâu.”

Viên đội trưởng biết thân biết phận im lặng, lại lui ra ngoài chờ đợi kẻ nào đó. Hắn kéo cái khăn đội đầu to tướng xuống thấp hơn, dù biết bọn họ cũng sẽ chẳng thể nhận ra hắn trong bộ dạng này, sau chừng ấy năm không gặp.

Nguyễn Thắng Hổ? Quả là cái tên nghe quen tai, hẳn là họ hàng của Cai cơ Nguyễn Thắng Long đánh Chân Lạp dạo nào. Lại là một dòng họ dũng tướng chẳng kém gì Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Kính, có lẽ quyền hành thực tế trong quân chẳng kém Trấn thủ Bình Khang là bao.

Bọn hải tặc mà bọn họ chờ đợi – cùng với tình trạng Tư Tư bị giam giữ bên kia – đột nhiên khiến hắn sáng tỏ nhiều điều.

Hẳn nhiên, Tư Tư đã bị theo dõi, bởi chẳng phải ai khác mà chính là kẻ nàng tưởng đã nắm được trong tay, cho rằng gã sẽ không bao giờ làm hại nàng.

Lâm Phi có thể không làm hại nàng, nhưng không có nghĩa là cả những kẻ xung quanh nàng.

Khi Ngô Lãng đem quân Chiêm Thành nổi dậy, hắn nghe nói trong quân của y có cả một nhóm hải tặc đã giúp y đánh bại quân cứu viện từ Mô Xoài. Nếu nhóm người ấy bao gồm Lâm Phi, lần này gã đem thuyền tới Phố Châm hẳn chẳng phải chỉ chờ Nam Hà ban thưởng.

Sau khi Như Yên gửi Lâm Phi xuống Quy Ninh cho Linh lão đầu, gã đã trở thành thuộc hạ nằm trong nhóm sơn tặc bí mật của lão gia này. Bao nhiêu năm nay, nhóm thuộc hạ bí mật ấy hẳn nắm vai trò quan trọng nhất trong việc liên hệ giữa các nhóm phản loạn của Linh lão từ miền xuôi đến miền ngược. Không cần Tư Tư phải cho biết, Lâm Phi chắc cũng đã nắm được không ít bí mật. Đủ để đưa quân Nam Hà đánh lên Thượng Dã.

Như thủ đoạn mà họ đánh hạ Mỹ Tho ngày nào. Điệu hổ ly sơn, tìm lý do để y rời khỏi Thượng Dã, và nổi lửa triệt hạ cả hai đầu đào thoát.

 

 

Chú thích:

[1] Dáng vẻ của Hội An trước 1777 rất khác với bây giờ. Khu phố Nhật còn gọi là Nhật Bản Nhai được mô tả trong “Người Nhật thời kỳ thuyền Châu Ấn” của Ongura Sadao là: “Phố Nhật kéo dài tới ba ô đường ở cả 2 bên đường, cạnh bờ sông. So với phố người Đường , thì phố Nhật gồm cả những ngôi nhà hai tầng, có cấu trúc cầu kỳ hơn, các ngôi nhà làm sát nhau. Trong đó có ngôi nhà ba tầng làm rất cầu kỳ. Ở những ngôi nhà nhìn ra đường thường có mái hiên để chống nóng. Không chỗ nào là không giống dáng dấp của những căn nhà của dòng họ Chaya ở Owari.”

Sau khi người Nhật rời khỏi Hội An, người Tàu đã tiếp quản phố Nhật. Cuộc nổi dậy của Tây Sơn phá hủy hoàn toàn Hội An mà khi Ch.Chapman đến vào năm 1778 mô tả “nhà cửa gạch ngói san sát cùng con đường lát đá, ngày xưa là nơi đô hội, nay chỉ còn thấy một sự đổ nát. Nhà cửa nay chỉ còn một ít tường bao quanh. Đằng sau những bức tường đó ngày xưa là lầu quỳnh gác ngọc của các chủ nhân mà nay họ phải ẩn nấp trong các lều trại phen tre lợp cỏ cho đỡ nắng mưa.”, J.Barrow đến vào năm 1795 cũng chỉ thấy “những xóm làng đổ nát đến phải thất vọng, xóm làng to nhất chỉ còn sót lại trăm ngôi nhà tranh tre”.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.