Dân tộc tính là gì?
Danh từ "dân tộc tính" dường như chỉ xuất hiện từ năm 1945 và được bàn cãi từ đó về sau, kèm theo danh từ "cá tính dân tộc", "văn hóa dân tộc"?
Nếu chúng tôi không lầm thì trước kia các nhà văn hóa vẫn thắc mắc, tìm hiểu dân tộc tính Việt Nam nhưng họ dùng danh từ hơi khắc, thí dụ như:
- Quốc học, quốc hồn, quốc túy.
- Bốn ngàn năm văn hiến.
Danh từ "tinh thần dân tộc" được nhắc nhở đến, khi bàn về dân tộc tính. "Tinh thần" là ngụ ý tinh thần tranh đấu chống ngoại xâm: chiêu hồn nước, khóc quốc hồn.
Chính trị và văn hóa lại dính liền với nhau như trường hợp phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, do các nho sĩ đề xướng hồi đầu thế kỷ.
Nhiều người tạm định nghĩa dân tộc tính là tính chất đặc biệt của dân tộc. Dân tộc ta có gì khác, trong thói ăn nết ở, trong cách thức xây dựng nhà cửa, trong nếp suy tư? Để giải đáp, họ cho rằng dân Việt bắt chước giỏi, có óc châm biếm hài hước, cần cù siêng năng, mang cái tâm trạng hơi buồn buồn. Nhiều nhà khảo cổ Tây phương nghiên cứu kỹ lưỡng để xem người Việt có gì đặc sắc so với người Ai Cập, người Tàu, người Ấn Độ căn cứ vào di tích, vào những gì mà ngày nay còn chụp ảnh được, đào xới được, đọc được. Triêt lý Việt Nam gần như không có gì rõ rệt (tổng hợp Tam giáo), muốn nghiên cứu thì nên qua Trung Hoa, Ấn Độ, nhìn Hy Mã Lạp Sơn, Tây Tạng hoặc rừng núi tỉnh Sơn Đông, dòng sông Hoàng Hà. Những bản kinh kệ xưa nhứt là ở miền Ấn Độ, cái sọ ông Bàn Cổ ở mãi tận miền Bắc Trung Hoa. Người Việt mô phỏng vụng về mọi triết học, mọi hình thức văn hóa, mọi kỹ thuật. Người Tây Phương với tình cảm lãng mạn, với lòng yêu mến thiên nhiên đã hăm hở xuống thuyền để vượt đại dương, tìm chân trời mới, tìm thảo mộc, tìm văn hóa xa lạ, xa lạ đối với họ. Nhà thám hiểm và thương gia đi trước, vào thế kỷ thứ 18, những đội binh viễn chinh theo sau. Đến vùng đất mới miền gió mùa, họ tập tành làm văn sĩ, làm nhà khảo cổ, nghiên cứu về văn học, nhân chủng. Bao nhiêu đề tài hiện ra, cứ viết, cứ sưu tầm, vẽ tranh sơ sài là gây được dư luận, trở thành ngón bút "ăn khách", giúp cho đồng bào chánh quốc mua vui một vài trống canh. Người Tây phương bắt đầu làm quen với nhiều địa danh, nhiều thiên đường mới: những điệu vũ Bali (Nam Dương), cách uống trà Nhựt, những đền đài Đế Thiên Đế Thích, tiếng nói của đá Kim Tự Tháp, những đồ gốm Càn Long, hoặc đồ đồng thời "Trụ mê Đắt Kỷ", kho tàng vua chúa Mễ Tây Cơ, Nam Mỹ Châu. Những người giàu thiện chí, giào lòng nhơn đạo nằm nhà ở Tây Phương dạo ấy như dửng dưng, sống êm ấm, có vài phản ứng xót thương không đáng kể đối với thế giới nhược tiểu. Chuyện xa ở Đông Á thì đã đành. Đến như chuyên buôn người ở Phi Châu, dường như họ không thấy lương tâm cắn rứt cho lắm.
Và trong cái thế giới thiên nhiên với muôn hồng nghìn tía ấy, dưới mắt người Tây Phương, rõ ràng người Việt Nam chẳng có gì đáng kể, về hình thức. Người Nhựt, người Tàu, người Ấn Độ, người thiểu số Cao Nguyên, bộ lạc ăn lông ở lỗ ngoài hải đảo Thái Bình Dương đáng chú ý hơn. Ở dải đất Đông Dương này thì quyền ưu tiên dành cho Đế Thiên Đế Thích, nghệ thuật Chiêm Thành, hoặc cánh đồng rải rác những cái chum bằng đá ở Lào. Việt Nam thuộc vào hàng thứ yếu, tuy trụ sở hành chánh toàn xứ Đông Pháp được đặt tại Hà Nội và trụ sở thứ nhì ở Sài Gòn.
Thực dân theo dõi sanh hoạt người Thượng ở Cao Nguyên Trung phần, có lẽ vì chính trị, chiến lược hơn, dưới mặt họ số người Thượng này chỉ là người thổ dân ở hải đảo Nam Dương, không gì là độc nhứt vô nhị. Đến như người thiểu số Mán, Mèo, Thái ở vùng Cao Bằng cũng thế, chỉ là những nhánh nhóc của nhóm người từ rừng núi Vân Nam. Trong việc sưu tầm văn hóa, người Pháp đã tặng cho người Việt vài lời khen an ủi: sọ người ở Hòa Bình, trống đồng Thanh Hóa, lăng tẩm Huế, tượng nhà sư Minh Hạnh. Trước khi rút lui, người Pháp phát giác thêm những di tích ở đồng bằng Hậu Giang về nước Phù Nam, tại thương cảng Ốc Eo (núi Ba Thê - An Giang).
Thật là nghèo nàn, dưới mắt họ: vài tập tục lai căn, hoàn toàn vay mượn từ Trung Hoa, Ấn Độ với ngày Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, tục lệ quan hôn tang lễ, bùa phép.
Khi tổng kết văn hóa Đông Á, người Tây phương nói rất ít về Việt Nam hoặc không nói tới. Cuộc Nam tiến của dân Việt chỉ là hiện tượng chung. Thái Lan, Tàu, Miến Điện đều có cuộc Nam tiến để tìm đất sống. Đôi khi, người ta tóm tắt trong vài hàng khoảng thời gian từ đời Hùng Vương đến đầu nhà Nguyễn, để nói vài dòng về giai đoạn tiếp xúc với Tây Phương.
...
Một luận điệu mới: nói đến lịch sử, nói đến văn hóa cổ truyền là lỗi thời, là chưa thấy hoàn cảnh hậu bán thế kỷ Hai Mươi của nền văn minh phồn thịnh, tràn ngập sản phẩm để tiêu thụ, hưởng thụ. Khảo cứu truyền thống văn hóa là chuyện lẩm cẩm. Lẩm cẩm vì nó không đem lại tiền bạc. Học sinh giỏi Việt văn, giỏi về sử địa chưa chắc thi đậu. Muốn thi đậu, người ta chỉ cần lo luyện thi Toán-Lý-Hóa. Khảo cứu văn hóa chỉ cần thiết và không lẩm cẩm khi bài vở được dịch ra ngoại ngữ, xem là tài liệu cần thiết cho người ngoại quốc "tìm hiểu" nước Việt Nam.
Nói đến văn hóa, lịch sử Việt Nam lúc nầy là "đâm hơi" làm rầy giấc chiêm bao của nhiều người. Chạy gạo không đủ thời giờ, hơi đâu làm chuyện văn hóa, trừ phi nghe chuyện văn hóa, nghe một cách êm ái, muồi mẫn, qua tân nhạc vọng cổ - lúc nằm trong tiện nghi vật chất để tìm tiện nghi tinh thần! Thời chiến, nên nói một cái gì mới ngoài cái văn hiến bốn ngàn năm với cây nêu ngày Tết, cái khăn đóng áo dài và những bộ sử bị mọt mối gặm nhấm. Ngoài Truyện Kiều và Lục Vân Tiên. Ngoài thuyết Tam giáo đồng nguyên. Các cụ ngày xưa đã làm cho nước nầy mất cũng vì quá tin vào bốn ngàn năm văn hiến. Thời ấy, người Việt Nam có đầy đủ dân tộc tính, không bị lai căn, đầy đủ văn hóa cổ truyền với ông đạo sĩ luyện phép trường sinh, với người nông phu đi cày mồ hôi thánh thót như mưa, với ông vua bài ngoại, xem người Tây phương như "quỷ trắng", với nông thôn tự trị.
Cách mạng năm 1945. Hay lắm, toàn dân biết rồi. Bây giờ là khác, từ năm 1954 đến nay, giai đoạn sau đã kéo dài hơn 10 năm và để cho có vẻ trầm hùng, nên cộng với giai đoạn trước để gọi là trên 20 năm tang tóc. Nhưng giai đoạn 1954 đến nay khác hơn giai đoạn trước. Người ta bước vào thời kỳ liên lục địa để cùng hưởng thụ một thứ văn minh sung túc, với vô tuyến truyền hình, bếp điện, xe gắn máy, thuốc xịt muỗi, với thân thể đàn bà, với thần tượng mới. Coi chừng bị thời cuộc đào thảo đó! Chúng ta nên đi tiên phong, nói đúng hơn là theo đường lối tiền phong của văn nghệ... Pháp. Sưu tầm sử liệu, tìm hiểu dân tộc tính là thiện chí nhưng nên dành công việc đó cho chuyên viên UNESCO, cho Asia Foundation, họ có tiền, có chuyên viên, có phương pháp khoa học. Cả nhân loại đang chạy theo nền văn minh mới, hòa đồng. Phải xóa bỏ ranh giới thì mới hiểu nhau vì dân tộc này dính vào dân tộc khác, từ hồi tiền sử. Không nước nhỏ nào không thiếu nợ, không lãnh viện trợ mà tiến được. Đèn néon chiếu sáng khắp nơi. Đang trù liệu kế hoạch đề phòng nhân loại đang lâm vào nạn nhân mãn. Viễn ảnh của bịnh ung thư. Nên chú tâm vào vấn đề phân tâm học vì từ hồi nằm trong bào thai, ai cũng mang mặc cảm, ai cũng yếu thần kinh. Nếu muốn nghiên cứu trở về quá khứ thì nên xoay qua ngành xem tử vi, bói bài cào, cứ phối hợp tử vi các nước trên thế giới với ngành "tử vi dân tộc". Ngôn ngữ con người đã thay đổi, mẹo luật văn phạm xưa hết thích hợp rồi. Bây giờ là tín hiệu, là biểu tượng mới. Thời gian đã ngưng đọng. Quá khứ bị cắt đứt, tương lai thì lờ mờ. Âm thịnh dương suy, gần ngày tận thế vì thế chiến thứ ba có thể bùng nổ trong ngày mai, hoặc lát nữa. Cái lương tâm lẩm cẩm không ích gì hết. Cù lần. Gàn. Không thực tế. Không chịu chơi. Con người là con cua, con sên. Quan niệm về giai cấp đã lỗi thời. Xã hội bây giờ đi đến điều hòa giai cấp, thí dụ như ở các nước có nền kỹ nghệ mạnh. Chánh trị là ngành chuyên môn dành cho người đã tốt nghiệp về chánh trị học. Thỉnh thoảng, nếu thấy hơn buồn, hơi bất mãn thì nên kêu lên "Ôi quê hương đau thương thành chai đá!". Và nguyện cầu Thượng đế. Và kêu réo Mẹ Việt Nam. Chữ nghĩa muốn khỏi bị đào thải thì nên chứa đựng nội dung mới. Muốn diễn tả tâm tư thế hệ thì nên theo thứ văn phạm mới. Cô độc quá. Cô độc là sang trọng. Nếu cảm thấy cô độc thì bạn đã chạy theo kịp trào lưu thế giới trong cuộc chuyển mình vĩ đại của thế kỷ này qua thế kỷ sắp tới.
Cô độc là bịnh của tương lai nhân loại. Nhưng ngày qua ngày, cô độc trở thành bịnh của quá khứ, như kiểu áo, như kiểu xe hơi bị phế thải sau khi ra lò. Giữa năm 1967 nên mua tấm lịch 1968 cho sớm, mặc đầu đến đầu năm 1968 thì tấm lịch đã đóng bụi. Giờ đây các dân tộc trên thế giới đều mang một bịnh như nhau. Đừng tranh tị với các cường quốc rồi chửi rủa họ. Vì họ cũng đang bi đát, con người họ đang phá sản về tinh thần, chới cới trong "cái hố thẳm của tư tưởng". Nếu mình thành thật với mình, mình cũng đi tới một kết luận như họ. Con người gặp nhau, với nụ cười xã giao. Như hai con cá lội trong bồn, với miếng kiếng ngăn đôi. Bây giờ, buồn nôn là vừa. Trước sau gì người Việt cũng buồn nôn, luật trời tránh sao cho khỏi. Và tại sao ta không kêu lên tên các triết gia Âu Châu, gọi lên hình ảnh xác thịt của các hoa hậu Âu châu, từ bây giờ, kẻo trễ. Vì so với các nước trên thế giới, chúng ta đã trễ nải, dùng vô tuyến truyền hình, dùng nồi điện, máy giặt quần áo, dùng bồn tắm cũng trễ nải.
Một số triết gia Tây phương thú nhận từ lâu rằng trên thế gian nầy không phải chỉ có một nền văn minh duy nhứt của Tây phương. Nền văn minh nầy đang "xế tà" sau khi mọc lên rồi đứng bóng ngay giữa bầu trời. Nghĩa là cái khuôn vàng thước ngọc Tây phương đã lỗi thời, không phát huy những giá trị của con người, luôn cả con người Tây phương. Sự may mắn của Tây phương, hiện nay là sống trong cảnh thanh bình, không bị ngoại xâm, không có nội loạn (nội loạn võ trang). Họ có đủ thời giờ phân tích, tìm tòi, cãi vả, đem sợi tóc chẻ làm tư để hiểu tại sao họ suy đồi, hoặc họ suy đồi tức là đang tiến lên theo một kiểu khác. Cuộc cãi vả ấy không làm cho họ mất nước vì các dân tộc nhược tiểu làm sao đủ sức đem binh đến đánh họ, tại nhà họ?
Ở Việt Nam thì khác, Việt Nam đang chịu đựng chiến tranh và đang nhập cảng triết học, nhập cảng nếp sống Tây phương ngay lúc chiến tranh. Người trí thức Việt Nam đôi khi thấy mình cần vạch một lối đi dân tộc, khác với Tây phương nhưng vạch với kỹ thuật Tây phương.
Làm sao cho ra?
Nếu vạch không ra thì dễ quá, cứ mời chuyên viên văn hóa Tây phương đến giúp, ta học hỏi thêm với họ, làm chuyên viên cho họ! Mãi đến nay, nhiều học giả Việt Nam vẫn nghiên cứu với tinh thần khoa học Tây phương, biên soạn, sưu tầm tài liệu dường như với mục đích trả bài, làm một thí sinh của đại học đường Tây phương, soạn luận văn để mà giựt lấy bằng cấp đem về giúp Tổ quốc. Người Việt Nam nói chung, những người đang chịu khổ, đang suy nghĩ về đất nước nhìn số học giả nói trên với thái độ kính nhi viễn chi. Số học giả này đã hiểu thân phận của họ, đã thấy phản ứng của số học sinh mà họ đang dạy tại nhà trường; phản ứng về lối dạy, về phương pháp nghiên cứu sai lệch, xa thực tế.
Họ không làm được chuyện gì mới. Vì làm sao làm được trong khi các nhà khảo cứu tiền bối - người Pháp đa số - đã được ưu thế khi quan sát, ghi chép về hình thức văn hóa, văn minh Việt Nam trước họ, hồi đầu thế kỷ 20 khi mà những nét, những hình thức của văn minh Việt Nam chưa bị tàn phá, đập nát thành mảnh vụn. Bây giờ chỉ là chép sách cũ, của Tây. Cô độc, thất nghiệp về tinh thần, những học giả "kinh nhi viễn chi" này ắt đã nhiều phen cau mày, buồn buồn, ngáp dài bên chồng sách khi nghe văng vẳng tiếng súng, đêm thâu. Cái cau mày của một hành khách ngồi trên xe đò. Người hành khách không lái xe nhưng đem lại lợi tức cho ông chủ xe. Chủ xe không đích thân lái xe nhưng ông ta mướn tài xế. Và người tài xế đã vô tình, hoặc cố ý vì lý do kỹ thuật là lái vào sát lề để cán dẹp một người đi bộ. Người đi bộ nằm dưới bánh xe, trên bánh xe là cái thùng xe và trên thùng xe là lớp nệm, trên đó có sức nặng của người hành khách gọi là vô tội trong vụ cán xe này. Và người hành khách sạch sẽ ấy sẽ cố gắng giữa thái độ bình thản, tự phong là nhân chứng, vì bình thản là thái độ chân chính của nhà khoa học. Để cho tình cảm riêng tư chen vào hư cuộc khảo cứu, cuộc quan sát. Nên nói thêm rằng nhà nghiên cứu khoa học nhân căn của chúng ta cố ý quên rằng mình đang ngồi trên xe. Ông ta phóng mắt tìm những nét độc đáo... trong dân tộc, theo phương pháp mà các vị hiền tiền ở Tây phương đã dạy, với tinh thần nhân bản - làm như ở Á Đông, ở Việt Nam chúng ta không biết tình đồng bào, tình nhân loại và chúng ta cần nhập cảng thứ đạo đức ấy từ Tây phương mà dùng. Người lữ hành trên chiếc xe thấy mình là kẻ sống không gặp thời. Phải chi họ được sống trong cái thuở thanh bình hồi đầu thế kỷ, khi các tháp Chàm, các lăng tẩm Huế, các bộ sử in trên giấy bản còn trinh nguyên chưa được cặp mắt xanh của người hùng Tây phương ghé đến. Thuở ấy, một viên chánh tham biện chủ tỉnh đến đình chùa gặp ông đại hương cả, viếng một bô lão (đang lãnh chức cai tổng, một chức vụ tượng trưng) là tha hồ sưu tầm sốt dẻo bao nhiêu sử liệu gần như nguyên chất, đáng tin cậy vào bậc nhứt, nói chi đến các người Pháp được tu nghiệp để qua thuộc địa nghiên cứu về văn hóa, nhân chủng. Họ trở thành thánh sống đáng cho tổ quốc ghi ơn (tổ quốc Việt Nam)!
Người học giả Việt Nam ngày nay tìm mãi, với phương pháp Tây phương, mà không thấy cái gì mới mẻ hơn về mặt văn hoá. Họ tự an ủi rằng người Pháp đi trước đã đớp những món ngon rồi, giờ đây là cạn tàu ráo máng, hoặc là hoàn cảnh chiến tranh không cho phép họ đi thung thăng tận miền quê, hoặc là thiếu phương tiện, thiếu tiền trợ cấp. Sử liệu Việt Nam có lẽ phong phú nhứt hồi đời nhà Nguyễn, từ khi Nguyễn Ánh gặp Bá Đa Lộc. Giai đoạn ấy được người Pháp chiếm quyền ưu tiên ăn nói, sưu tầm tài liệu ở Việt Nam, đối chiếu với tàu liệu ở bộ Thuộc địa chánh quốc. Nhưng người Pháp đã nói hết chưa? Ở miền Nam, chúng ta đã nói lên, đã tổng kết "theo phương pháp khoa học", những cuộc tranh đấu chống thực dân Pháp suốt trăm năm đô hộ hay chưa? Hay là đợi người Pháp tổng kết giùm qua các tài liệu ở "chánh quốc". Người Pháp giúp ta những gì về văn hóa? Cái nhân văn, nhân chủng... của họ đã đem lợi ích gì? Muốn sử dụng đúng bất cứ một phương pháp nào để nghiên cứu văn hóa, sử học thì điều kiện căn bản vẫn là lòng tự tin, lòng tự trong. Nói mạnh hơn, là tự hào. Người Việt Nam có quyền tự hào. Tại sao chúng ta không đả phá cái thứ khoa học lấy Tây phương làm chuẩn để phê phán các dân tộc hải ngoại, ngoài phạm vi Âu châu như Phi, Úc, Mỹ châu (trước khi có di dân)? Chúng ta nên đứng vào vị trí một người VIệt Nam để viết những quyển lịch sử về nước Anh, nước Pháp, nước Mỹ cho đồng bào ta đọc. Chúng ta sẽ giải thích cho đồng bào ta biết tại sao thực dân Pháp tìm thuộc địa vào cái lúc mà thi sĩ, văn sĩ của họ theo xu hướng lãng mạn, yêu cây cỏ, yêu nhân loại, yêu tự do bình đẳng.
Văn hóa Việt Nam không bị người Tàu trước kia và người Pháp sau này tiêu diệt vì nó có thật, có sức mạnh. Nhưng nó bị mất mát, nói cụ thể là bị đập ra từng mảnh rời rạc, nếu quan sát từng mảnh thì mất ý nghĩa hoặc ý nghĩa bị xuyên tạc như người xem con voi mà chỉ thấy cái đuôi giống như cái chổi, lỗ tai giống như cây quạt. Tại sao ta không sưu tầm, ráp nối, tìm hiểu thực chất mảnh vụn đó? Thời quân Tàu cai trị còn lưu lại những chuyện cổ tích, những giai thoại - những mảnh vụn quý báu, đáng tin cậy. Người Pháp đập văn hóa nước ta ra từng mảnh vụn, những gì của ta còn lại đều là giai thoại sai niên biểu, là cổ tích, mê tín không xài được. Không là tài liệu đáng tin cậy - chỉ là nhảm nhí, trà dư tửu hậu, chuyện khôi hài. Dường như người Pháp - theo phương pháp của họ - đã gọi đó là anecdote. Anecdote của đám dân quê, của Cống Quỳnh, đượm thần quyền, ma quái.
Phải chăng chuyện cũ thì đã bị khai thác triệt để rồi, còn gì mà nói?
Thật ra, người Pháp che giấu tất cả. Một số "học giả" học trường Tây lại muốn đi xa hơn, ngược về quá khứ xa xưa, càng xa càng tốt để dễ bề làm việc, được yên ổn tâm thần, đồng thời lại được hy vọng nổi danh khắp thế giới hơn là nói chuyện thời dân tộc ta bị trị. Đào xới gặp một cái hũ, một cục đá vẫn là dễ chịu cho lương tâm hơn là đào xới một bộ xương người, nhưng nếu là xương người thì nên tìm bộ xương nào đã nằm trong lòng đất trước thời nhà Nguyễn. Vài "học giả" Tây phương đi phiêu lưu qua thuộc địa tìm danh lợi - tìm dễ dàng hơn ở chánh quốc - đã dùng phương pháp khách quan, nhân bản của họ để ca ngợi vài tên phản quốc bổn xứ, có công đánh Nam dẹp Bắc hoặc ru ngủ dân tộc. Chúng ta chưa đính chánh hẳn hoi. Đào xới một bộ xương cọp chết vẫn là dễ dàng và sang trọng hơn là đối diện với một con cọp sống. Nào ai cấm cản các nhà khảo cứu đi sâu vào phong trào Cần Vương, Duy Tân, cách mạng kháng Pháp nữa đâu? Viết lại đời hoạt động của ông Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh hoặc ông Đồ Chiểu là việc khá thực tế, cấp bách, viết với quan niệm mới, với lòng tự tin lòng yêu nước. Chúng ta còn nhiều sử liệu vì nhiều vị nầy ở miền Nam. Người Pháp đã nói về ông Đồ Chiểu, qua Lục Vân Tien, xem đó là tác phẩm lớn. Họ cố ý bỏ quên những bài bát cú, những bài văn tế của ông Đồ Chiểu. Người Việt Nam nên đặt lại vấn đề: Lục Vân Tiên được sáng tác khi người Pháp chưa đến, miền Nam chưa mất. Những bài văn tế của ông Đồ Chiểu mới thật sự là tác phẩm lớn, là nỗi lòng của ông và của dân tộc.
Giờ đây, người ngoại quốc đang hướng về dân tộc ta. Nhưng nhà khảo cứu ở nước ta thì hướng về ngoại quốc, muốn xuất ngoại để trình luận án hoặc tìm thêm tài liệu về Việt Nam. Trường hợp Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu được các nhà khảo cứu nhân văn ở Việt Nam nhận xét như thế nào, qua cái lăng kính "nhân bản Tây phương"? Họ quan tâm đến không? Họ có ý thức sưu tầm tài liệu để khảo sát đúng phương pháp của "Tây phương" hay không? Hay đó chỉ là huyền thoại, là chuyện tình cảm lẩm cẩm, là "anecdote"? Hỡi ơi! Những người nhân bản không dám đối diện với tấm gương nhân bản nóng rực như lửa mà mát rượi như gió trên đồng lúa. Họ không dám thú nhận sự bất lực của một phương pháp không thích nghi, hẹp hòi, phiến diện, chỉ tạm có giá trị đối với Tây phương khi các dân tộc chậm tiến chưa được lên tiếng. Khi mới xâm chiếm nước ta, vài sĩ quan Pháp trong quân đội viễn chinh đã nói thẳng mà không sợ phản tuyên truyền, không sợ mất chức vì giới quân đội họ lúc ấy khá mạnh nhờ khí giới. Họ nắm chắc sức thắng thế (Ch. Gossenlin, Réveillère). Họ nhìn nhận rằng Phan Đình Phùng giàu khí khái, rằng dân chúng vùng Gò Công có người hùng đúng nghĩa như người Hy Lạp thời cổ. Những sử liệu như trên đáng được gìn giữ, gạn lọc và chúng ta háo hức chờ đợi một công trình "giải độc" về sử học. Công trình nầy phải do người Việt Nam làm lấy vì "ai yêu nước Việt hơn người Việt"... Nếu cần viện trợ kỹ thuật thì chúng ta thiết tha yêu cầu người Pháp, người Nhựt, người Anh, người Mỹ... giúp chúng ta những tài liệu liên quan đến lịch sử Việt Nam mà họ đang giữ. Hoặc nhờ họ giảo nghiệm những bộ xương, những đồ gốm, đồ đồng. Với các nước nhược tiểu ở Đông Nam Á, ta cần liên lạc để trao đổi tài liệu và phương pháp. Một quyển sử được biên khảo với tinh thần nói trên ắt sẽ làm hài lòng toàn dân, được chào đón niềm nở.
Người nghiên cứu không còn cô độc nữa. Họ sẽ tranh luận thẳng thắn với nhau, với tinh thần xây dựng, hứng thú. Và người dân dốt nát sẽ muốn gần nguời khảo cứu hơn.
...
Đám sương mù dường như đang che sự vật. Nhiều người đang ở Sài Gòn mà không hiểu Sài Gòn. Sài Gòn muôn mặt, người ta nói như thế. Muôn mặt là thế nào? Chỉ là muôn ngàn giai thoại dễ tin và khó tin chung quanh một sự việc hay nhiều sự việc. Người ngoại quốc nào xem qua quyển "Sài Gòn năm xưa" của ông Vương Hồng Sển ắt phải bực dọc vì quyển ấy không xây dựng theo phương pháp Tây phương. Ngoài phần khảo cứu, tác giả cho xen vào bao nhiêu là giai thoại, chính tác giả gọi đó là tập "biên khảo thường đàm". Đã là giai thoại thì phải truyền khẩu, đã truyền khẩu thì dễ thêm thắt, trong vòng hai tháng một đôi năm thì câu chuyện lý thú bi ai đã thay đổi từ chi tiết đến nội dung, sai lạc niên biểu (trong văn học ta, có nhiều tác phẩm như Công dư tiệp ký, Tang thương ngẫu lục, Kiến văn tiểu lục thuộc vào loại này, thấy thích là ghi chép).
Nhưng trong nhiều trường hợp, các giai thoại thường đàm lại chứa đựng sự thật, là sử liệu biến chất nhưng còn cái lỏi tốt. Nó che giấu, bảo tồn những điều mà nhà cầm quyền phong kiến hay thực dân giấu giếm, không dám cho phổ biến trên sách vở, báo chí. Một thứ bia miệng lắm khi bền chắc hơn bia đá. Dân ở nước nghèo nàn như nước ta thời vua quan, thời bị thực dân đô hộ thích dùng giai thoại để giải khuây, an ủi, un đúc tinh thần lẫn nhau, nếu không là tranh đấu. Ra báo, in sách thì tốn tiền mua sắm phương tiện, lại cần tự do, người viết cũng như người đọc đều phải biết chữ. Đêm khuya rảnh việc, lúc ăn tiệc, lúc thăm viếng nhau thì còn gì hơn là, tặng cho nhau vài giai thoại ít ai biết. Người dốt dùng giai thoại để trao đổi với người dốt. Công chức, địa chủ thời Pháp thuộc, hoặc quan cai trị Pháp đều có những giai thoại riêng của từng lớp họ. Giới bình dân ở thành thị, ở thôn quê, từng xóm, từng tỉnh lại có giai thoại riêng. Và nhiều giai thoại được phổ biến qua mọi từng lớp. Lời nói là phương tiện ít tốn kém, ít nguy hiểm hơn văn tự. Đã nói lén, đã phổ biến một mẩu chuyện "bất hợp pháp" thì người ta sẽ tùy đối tượng mà trình bày, thêm hoặc bớt chi tiết, giữ gương mặt nghiêm trang hay cười xòa như kẻ vì kém học thức nên nói bậy "xin bà con miễn chấp, tha thứ cho". Đã đến lúc chúng ta sưu tầm những giai thoại để làm giàu cho kho tàng văn hóa nước nhà. Nước ta chịu nhiều năm dưới ách Trung Hoa và thực dân Pháp nên giàu về giai thoại. Tha hồ mà tìm kim cương trong tảng đá cứng, nếu dám đập bể tảng đá. Tha hồ mà luyện vàng nếu ngọn lửa cháy nóng đúng độ. Cứ đọc "Sài Gòn năm xưa" để hiểu về nết ăn thói ở dưới thời đàng cựu:
Đông đảo thay phường Mỹ hội
Sum nghiêm bấy làng Tân khai
Ngói liễn đuôi lân, phố thương khách tòa ngang dãy dọc
Hiên sè cánh én, nhà quan dân hàng vắn hàng dài
Gái nha nhuốc tay vòng tay niểng
Trai xênh xang chơn hớn chơn hài...
Khung cảnh ấy thay đổi. Tây qua chiếm Sài Gòn, lại nảy sanh nhiều bọn hầu cận, dọn bàn, mấy thầy thông ngôn ký lục, bọn ba-nhe, ban-bù, xách giỏ cho bà đầm đi chợ. Một số nhân vật bổn xứ ra mắt và họ vào lịch sử với những "giai thoại" về nghệ thuật lập công với Tây của tổng đốc Lộc, phương pháp mị dân "hiền lành" của tổng đốc Phương và sự giữ gìn tiết tháo của Trương Vĩnh Ký, Paulus Của. Lại còn giai thoại về nhứt Sĩ, nhì Phương, của tam Xường, tứ Định, những nhân vật Hoa kiều làm giàu hồi Tây mới qua. Ngoài ra còn giai thoại về đại ca Tư Mắt, về hoàng đế Phan Xích Long, về vua cờ bạc Sáu Ngọ. Những nhà khảo cứu Pháp đã nghĩ gì về những giai thoại đó? Họ sẽ chê bai rằng người Việt Nam không biết tranh thương với Hoa kiều, nặng óc mê tín, đàng điềm cờ bạc và nếu không trừng trị gắt gao thì trở thành du côn Bồn Kèn? Đành rằng người Pháp đã đồng lõa với những "tệ đoan" ấy - tất cả đều là tệ đoan, từ sòng bạc đến cuộc phiến loạn - nhưng cuộc khai hóa nào mà không gây nên xáo trộn, xương máu? Đó là rác rến của dòng sông cuồn cuộn chảy, kẻ nào vạch lá tìm sâu thì không thấy sự thật khách quan hùng biện là công trình bảo vệ văn hóa mà người Pháp ra tay gánh vác giùm cho người bổn xứ, gánh vác với tinh thần bất lợi; nhiều khảo cứu Pháp đã làm việc như một tu sĩ, như nhà "hiền triết". Giai thoại là tài liệu lăng nhăng "bên lề đường" người đứng đắn không quan tâm đến thứ tài liệu cỏ rác đó. Mặc cho người Pháp đánh trống lảng đưa giới trí thực Việt Nam vào thời tiền sử với trống đồng, lưỡi tầm sét và tượng Phật gãy tay, người địa phương làm sao quên được những chuyện có thật mà nhân chứng hoặc nạn nhân còn sống đó, mà con cháu đang ôm hận thù. Cuộc nổi loạn của ông Quản Hớn ở Mười Tám Thôn Vườn Trầu há chẳng biểu dương hào khí của người Miền Đông! Nhưng ai chép lại, ai bổ cứu những giai thoại đó? Người địa phương cứ bàn tán, nhắc nhở cho nhau từ hàng năm mươi năm. Đó chưa phải là bằng cớ chứng minh họ nói láo, nói xấu nhà nước thuộc địa hoặc họ mang nặng đầu óc vị chủng, bài ngoại mù quáng.
...
Thưc tế đã chứng minh: người Việt biết phản ứng khéo léo, từ ngày xưa cũng như các dân tộc ở Á Châu, Phi Châu biết phản ứng khi gặp gỡ những văn hóa lạ, khác với văn hóa sở tại. Sự phản ứng này đã bộc lộ những điều hay, điều dở của người Việt. Về sự gặp gỡ của nền văn hóa bổn xứ với nền văn hóa từ bên ngoài, các nhà xã hội học Âu-Mỹ đã cố gắng nghiên cứu đặt ra một ngành đặc biệt là họ coi là Acculturation. Ngành nầy đặt ra quá trễ từ sau đệ nhị thế chiến. Khi gặp luồng văn hóa ngoại quốc xâm nhập thì nền văn hóa dân tộc phải phản ứng, sự phản ứng có thể là sáng tạo, nếu nền văn hóa địa phương đủ sức mạnh mẽ để tiêu hóa, tiếp nhận. Ngược lại thì xảy ra nhiều thảm kịch. Văn hóa dân tộc bị đập ra từng mảnh vụn vô nghĩa, từng miếng thịt rời rạc mất sức sống, đồng thời sanh ra một số người vong bản, sống vất vưởng không còn năng lực để bám vào "lòng đất mẹ" hầu tái tạo, khôi phục lại giá trị cũ làm căn bản cho nếp sống mới. Thế là văn hóa dân tộc bị tiêu diệt.
...
Thời kỳ hoàng kim của những nhà khảo cứu Pháp là khoảng sau năm 1900.
Họ khảo cứu và bảo tồn văn hóa Việt Nam một cách lạnh lùng, "khoa học", cố tình làm tai ngơ mắt điếc trước phong trào tranh đấu mở mang văn hóa, đòi tân học do các sĩ phu đề xướng.
Họ làm chuyện nầy trong khi sĩ phu và dân Việt đòi chuyện kia - hai chuyện đều là "văn hóa". Họ nghiên cứu văn hóa Việt để kềm hãm người Việt, để cho người Việt mang mặc cảm tự ti, ngỡ mình là dân tộc oai hùng, có nhiều nét đẹp thời xưa nhưng đã lỗi thời, nên an phận ôm giấc mộng vàng son thời xưa mà chờ vận hội mới do người Pháp chỉ dạy. Các sĩ phu Việt Nam thì muốn tự cường, hiểu văn hóa với nghĩa linh động, xem văn hóa là một tiềm lực.
...
"Văn chương bát cổ" bị công kích chỉ vì thiếu nội dung, vì nội dung xa thực tế đau thương của dân tộc. Các ông Phan Sào Nam, Trần Quý Cáp vẫn dùng hình thức liễn đối, thơ bát cú, văn tế, phú. Ông Trần Quí Cáp người hăng hái cổ xúy tân học, khi ra tới trường chém, "đao đã ghé cổ, còn thung dung xin với quan giám trảm cho đặt án đốt hương, áo mão nghiêm trang bái tạ quốc dân ngũ bái rồi khẳng khái tựu hình, sắc mặt in như khi nhóm trò giảng sách". Sĩ phu miền Trung đã kháng Pháp, tiên đoán thực tế, từ hồi đầu thế kỷ 20. Văn hóa, đối với các vị nầy là vận mạng dân tộc. Người thích văn chương thuần túy sẽ bực mình vì các vị nầy làm thơ nực mùi chánh trị. Các vị chống thực dân Pháp với một tư thế, một sự kiên nhẫn, gan lì khá độc đáo. Sưu tầm những tài liệu cuộc tranh đấu nầy, tổng kết lại là việc cần thiết. Chúng ta có phương tiện gần đầy đủ ở miền Nam, việc làm nầy rất hữu ích tuy không làm chấn động giới "khảo cổ quốc tế" như trường hợp tìm ra một ngôi mả xưa, một pho tượng hồi thế kỷ thứ III, một cái sọ người!
Gẫm lại sọ người, cái lưỡi tầm sét, ngôi mả xưa chỉ gây xúc động cho người Việt và nhân loại khi nào nó là một bộ phận tiêu biểu cho sự tiến bộ, cho niềm hy vọng, nỗi đau thương, khi từ cánh tay gãy bằng đá, từ cái sọ mục nát phát ra nhiều hào quang, tưởng chừng như trong cái sọ ấy có óc và cánh tay nọ có máu nóng đang chảy. Nó dính dáng đến đại thể, dính dáng mật thiết - nói nôm na là nó có duyên. Mỗi pho tượng chỉ gợi cảm khi nó có duyên, giải đáp một vấn đề. Người có duyên phải biết đòi hỏi, đặt vấn đề đúng lúc, vấn đề ấy không phải của riêng mình là của chung dân tộc. Ở lăng ông Thoại Ngọc Hầu bên chân núi Sam gần kinh Vĩnh Tế (Châu Đốc), còn có câu đối hai bên mộ bia: "Văn chương hoán tinh đẩu... " Thoại Ngọc Hầu chỉ ưa xem hát bội, không để lại cho hậu thế bài thơ nào. Ông lo trấn giữ bờ cõi, di dân lập ấp, tổ chức đào nhưng con kinh chiến lược đúng nơi đúng lúc. Ông làm chánh trị, làm quân sự, làm kinh tế. Vùng biên thùy Hậu Giang trở thành một nơi "sơn thủy hữu tình thiên lý ngoại", với bao nhiêu sinh lực. Ông Thoại Ngọc Hầu là tiêu biểu của văn chương.
...
Ngay lúc đọc sách báo, người thành thị chợt nhớ chút gì, đó là lương tâm, đó là cái dại của cái khôn, đó là sự thất bại, sự rạn nứt của tiện nghi. Người ta có thể tỉnh rượu trong lúc say. Và nào đợi gì lúc canh tàn mới thức giấc? Tình đồng loại đòi những giải đáp làm ray rứt lương tâm. Ray rứt năm phút rồi dứt hay là khi hết ray rứt cơn đau ấy vẫn tiếp tục hoành hành, người ta chỉ tạm quên ray rứt vì ngửi mùi hoa hồng, hoa sói? Cơn ray rứt ấy là một phản ứng tâm lý cấp thời, có thể trị được hoặc chuyển nó qua hướng khác như trường hợp những hài nhi không bú vú mẹ, lớn lên thì cứ cho uống sữa tươi, ăn kẹo và cho nhìn những bộ ngực hỏa diệm sơn để giải phóng mặc cảm. Hoặc cơn ray rứt đó là đáy biển, bị sóng cồn che lấp. Hoặc là mạch nước suối dạt dào của bốn ngàn năm văn hiến, bị che lấp, trên mặt đất chỉ còn lơ thơ vài cụm cỏ vàng úa. Người ta bèn trị cái bịnh ray rứt đó bằng cách nghe đọc truyện Kiều, ăn cá lóc nướng truôi, ngâm thơ tiền chiến, xem hát bội, ăn sầu riêng Lái Thiêu, bưởi Biên Hòa, chơi đồ sành sứ, đi câu cá, ráp những chiếc máy bay nhỏ, trồng kiểng, thổi sáo, hoặc mặc áo dài, đội khăn đóng, ăn thịt chó, uống rượu, hát tâm ca, du ca. Những món ăn "dân tộc", các sản phẩm địa phương ấy trở thành những mảnh vụn vá víu, thiếu sinh lực, bị chặt đứt khỏi gốc, trở thành những "vật". Đem cây cột nhà, cây chổi, con đỉa ráp lại, người ta khó tạo thành con voi, dẫu là bóng hình mờ nhạt.
Cái tiện nghi vật chất và tinh thần của Tây phương mời mỗi người vào một phòng kín đáo, trong đó không khí được điều hòa, ấm lạnh tùy thích. Khổ thay cái gian phòng "điều hòa" của người Việt không được kín cho lắm. Nó vừa kín vừa hở, cửa đóng, tâm tư khép kín nhưng nó giống như căn nhà của người Mán và thi sĩ Tản Đà đã mô tả với tiếng "lợn kêu eng éc bên ngoài cửa phên", "song thưa gió lọt bốn bên lạnh lùng".
Tấn bi kịch nói trên đang diễn ra ở con người thành thị. Nói rằng toàn thể người thành thị đều mắc bịnh "bi đát" đó thì không đúng. Ngược lại, nói rằng tòan thể người ở thôn quê đều không ham tiện nghi cá nhân thì lại càng không đúng.
Một ký giả phân tích rằng con người Việt Nam gồm ba con người khác nhau cộng lại: một thằng bồi, một người nghèo đói, một người kiêu hùng, khinh tất cả Tây Tàu. Tùy từng người mà tỷ lệ bồi, kiêu hùng, nghèo... được thêm bớt. Xem qua thì đúng nhưng nếu đã quá bồi thì trở thành nô lệ, kiêu hùng chỉ còn là cái vỏ trống rỗng. Nếu kiêu hùng đến mức nào đó thì người ta không bao giờ chịu làm bồi. Và hèn hạ đâu phải là một hình thức thấp của kiêu hùng. Hai tiếng nghèo đói được nhắc nhở luôn luôn, đã nhàm rồi. Nhiều người xuất thân nghèo đói đã trở thành tàn nhẫn để trả thù xã hội, họ nói chuyện nghèo đói rất giỏi, rất hùng biện nhưng họ đứng về phe gian thương, họ dám nhơn danh những con Rồng cháu Tiên nghèo đói để nói huyên hoang, khi cần.
...
Văn hóa là mãnh lực tinh thần, đã là mãnh lực thì tuôn chảy thao thao, biến hóa huyền ảo. Ôm ấp khư khư một giai đoạn, một hình thức tức là mang tội u mê mà liệt sĩ Trần Quí Cáp đã nguyền rủa khi đề cập đến bọn quan lại Nam Triều ích kỷ, "độc lạc mỗi ngày ca võ mãi".
U mê có lẽ là đồng nghĩa với vong thân. Cái u mê của người giả vờ quên thế sự, của bọn Tống Nho khư khư ôm chồng sách vở cũ, ôm những biểu tượng mơ hồ để mà tạ mãn.
Cái u mê của người thêu dệt những thành tích của mình hồi mấy năm về trước, hồi kháng Pháp rồi cho rằng ta đây là vô địch về yêu nước. Cũng như cái u mê (đã qua rồi) của người chạy theo thời trang, chạy nợ để mua cho bằng được chiếc xe gắn máy Nhựt, ban đêm cứ lau chùi chiếc xe rồi vặn đèn lên cho sáng nhà, đem chiếc xe để trên cái đi-văng mà ngắm nghía.
Người Việt Có Dân Tộc Tính Không
Tháng 11 năm 1967
Sơn Nam