Những bài thơ này được ghi trên đồ sứ men lam do Gia Long ký kiểu ở Trung Quốc vào năm Canh Ngọ (1810).
Bài 1: Tô kiểu "nhất thi nhất họa". Một mặt vẽ cảnh rừng núi trùng điệp, hùng vĩ. Quanh lối mòn có vài tiều phu gánh củi trở về, kèm bài thơ đề vịnh:
"Nguồn tham, đò dục suốt chăng mang,
Bao nã đem mình ẩn núi Thương
Lưng vận búa trăng, chơi đủng đỉnh,
Chân chầy ngàn tuyết, bước xênh xang.
Tấc tài dài vắn, tay thu thập,
Một gánh giang sơn, sức đảm đang.
Dù nhẫn mai ngơi vào thạch thất,
Đành đành bắt chước thói chàng Vương."
Quý hạ vọng hậu, đề ở Thúy Liên đường
(Viết ở Thúy Liên đường, sau ngày rằm tháng 6)
Chú thích:
- Núi Thương: Nơi ẩn của bốn cao sĩ (Tứ hạo) dưới thời Tần. Sau Hán Cao tổ có cho sứ đến mời về triều nhưng từ chối.
- Thạch thất: Sau khi diệt Tần, Hán Cao tổ Lưu Bang cho xây một tòa nhà bằng đá, trong đó có ghi lời thề: Con cháu các công thần đời đời được nối nghiệp làm chư hầu của nhà hán.
- Chàng Vương: Tức Vương Duy, tự Ma Cật. Một thi bá đời Đường, làm quan tới chức Thượng thư. Ông vẽ rất đẹp, được đời tôn làm tổ sư của Nam Tông họa phái. Hâm mộ đạo Phật, về già ăn chay tu thiền.
Bài 2: Cùng kiểu thức với tô trên. Vẽ cảnh sông hồ bát ngát, trời nước mênh mông. Ngoài xa có vài ba chiếc thuyền chài lênh đênh. Trên bờ là một xóm chài, ven núi non chất ngất. Thơ đề vịnh:
"Xanh xanh chiếc lá nổi dòng La,
Khơi lộng năm hồ mặc thích ta.
Ngợi khúc Thương Lang, vang nhịp bảy,
Ra tay thủ đoạn tóm giềng ba.
Sông đào mảng tưởng nguồn cơn thẳm,
Ngày bạc nào hay tuổi tác già.
Chớ sợ trầm lôi, vui chí Thuấn,
Ngao du bốn biển lấy làm nhà."
Quý hạ vọng hậu, đề ở Thúy Liên đường
(Viết ở Thúy Liên đường, sau ngày rằm tháng 6)
Chú thích:
- Thương Lang: Được ghi vào điển tích với câu nổi tiếng trong sách Mạnh Tử, bài Nhụ tử ca: "Nước Thương Lang trong chừ, khá đem giặt mũ ta. Nước Thương Lang đục chừ, khá đem rửa chân ta."
- Ngày bạc: Tức bạch nhật, từ dùng để chỉ thời gian. Ví dụ: "Lân la ngày bạc qua hồi xuân xanh" - Phan Trần.
- Bài thơ bị mất 2 chữ đầu câu 8, do người dịch thêm vào chữ "ngao du".
Bài 3:
"Lân la chiếu đất liền màn trời
Thong thả rừng đào mặc thích chơi
Ghẹo nguyệt nghêu ngao ba chặp địch
Nhúng sương chỉ vẫy một tay roi
Xang ca Ninh Thích khoan khoan dắng
Tưởng trận Điền Đan khích khích cười
Dò hỏi chúng chàng nào bói thử
Thưa rằng chúa Hán có tin bài."
Quý hạ vọng hậu, đề ở Thúy Liên đường
(Viết ở Thúy Liên đường, sau ngày rằm tháng 6)
Chú thích:
Ninh Thích ▼
Mở đầu bài thơ diễn tả cuộc sống tự do, thú vị của người chăn trâu. Tuy nhiên hai câu 5, 6 tác giả nhắc đến hai nhân vật nổi tiếng trong sử sách xưa, có liên quan tới trâu.
* “Xang ca Ninh Thích khoan khoan dắng” (Ninh Thích cất tiếng ca chậm rãi, réo rắt).
Ninh Thích, người nước Vệ thời Xuân Thu, học vấn uyên bác, có tài kinh bang tế thế. Lúc còn nghèo hèn, ông chăn trâu ở Dao Sơn để chờ thời cơ. Một hôm gặp lúc Tề Hoàn Công kéo đại binh đi đánh nước Tống, Ninh Thích gõ vào sừng trâu cất cao giọng ca:
Kìa sông Thương Lang đá trắng lởm chởm
Có con cá chép dài một thước hơn
Nghiêu Thuấn thái bình đã không được gặp
Áo cộc che thân độ đến ngang lưng
Ta cho trâu ăn từ tối đến đêm
Đêm tối mờ mờ, bao giờ thấy sáng! (2)
Vua Tề nghe được, giận dữ sai lính đi bắt dẫn đến hỏi:
- Người là thằng chăn trâu sao dám chê bai việc nước?
Ninh Thích đáp:
- Tâu chúa công, kẻ hèn này đâu dám cười chê chuyện chính trị đương thời.
Tề Công nói:
- Ngày nay đất nước thái bình, ổn định, phát triển tốt đẹp. Nhân dân vui vẻ, cây cỏ tốt tươi, dẫu đời Nghiêu Thuấn cũng không hơn được. Vậy sao ngươi dám ca “Nghiêu Thuấn thái bình đã không được gặp... Đêm tối mờ mờ bao giờ thấy sáng!”. Thế chả phải gièm chê, nói xấu vua chúa đương thời là gì?
Ninh Thích đáp.
- Tôi nghe nói đời Nghiêu Thuấn mưa hòa gió thuận, nhân dân yên vui sinh sống. Nay tôi thấy giềng mối rối loạn, đạo đức suy đồi. Nghiêu Thuấn trừ kẻ hung ác, tham tàn làm hại dân. Nên không tuyên truyền mà dân tin tưởng, không dọa nạt mà dân tuân phục. Nay chúa công quanh năm tính việc chinh chiến hao người tốn của mà bảo “nhân dân vui vẻ, cây cỏ tốt tươi”, thì tôi thật không hiểu được!
Vua Tề nổi lôi đình, quát lớn:
- Thằng dân đen nói càn rỡ, bậy bạ. Đem chém đầu răn chúng, trị tội khi quân ngay.
Ninh Thích bị lính trói tay dẫn đi, mặt không biến sắc, nhìn lên trời cười mà nói to: “Xưa vua Kiệt giết Long Bàng, vua Trụ giết Tỷ Can, nay ta cùng hai người đó hợp thành bộ ba rồi”.
Ngay lúc đó, có quan Đại phu Thấp Bằng đứng ra can gián vua Tề:
- Người này không khiếp sợ uy vũ, xem thường việc sống chết, chỉ mong nói thẳng ý mình. Như thế không phải là kẻ chăn trâu tầm thường, xin chúa công đừng vội giết bậc hiền tài mà hỏng việc nước.
May thay Tề Hoàn Công tỉnh ngộ, truyền mở trói tha ngay Ninh Thích, nghe theo lời tiến cử của Tể tướng Quản Trọng phong Ninh Thích làm Đại phu.
Nước Tề nhờ tài trị nước, an dân của hai người này mà nhanh chóng hùng mạnh nắm quyền lãnh đạo chư hầu.
Điền Đan ▼
* “Tưởng trận Điền Đan khích khích cười” (Nghĩ lại trận trâu lửa của Điền Đan mà cười thích thú). Điền Đan người đất Lâm Truy nước Tề thời Chiến Quốc. Vua Yên cử Nhạc Nghị làm đại tướng dẫn quân vây thành Tức Mạc, nước Tề. Điền Đan được cử làm tướng chống giặc. Ông cho tập trung 1.000 con trâu của dân trong thành, ấy vải nhuộm màu sắc lòe loẹt, may thành áo mặc cho trâu, dùng gươm đao buộc vào sừng, lấy cỏ lau khô tẩm dầu bó vào đuôi.
Chọn quân sĩ mạnh khỏe, cảm tử bắt vẽ mặt mày hung tợn, trang phục kỳ dị chờ sẵn. Đến đêm khuya mở cửa thành, châm lửa đốt đuôi trâu. Đàn trâu rống lên đâm đầu xông thẳng vào trại quân Yên, đằng sau có quân cảm tử hò hét, cắm cổ chạy theo. Trong thành dân chúng già trẻ khua chiêng, đánh trống vang trời trợ chiến.
Quân Yên ngái ngủ, thất kinh hồn vía chạy tán loạn bị trâu húc chết, quân Tề tha hồ chém giết, chủ tướng là Kỵ Kiếp cũng bị Điền Đan chém đầu. Thừa thắng, quân Tề tổng phản công khôi phục 70 thành đã mất, nước Yên đại bại. Đó là trận trâu lửa (Hỏa ngưu trận) nổi tiếng trong lịch sử chiến tranh thời cổ ở Trung Quốc.
Thơ được ghi trên đồ sứ ký kiểu ngự dụng, hẳn đây là bộ "ngư, tiều, canh, mục". Tài liệu được Trần Đình Sơn (đồng thời là nhà sưu tập cổ vật) viết trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 139 vào năm 1994 và cung cấp cho Doanh nhân Sài Gòn vào Tết 2009 bài về trâu.
(Nhiều người nghi những bài thơ này của Đặng Đức Siêu, Nguyễn Văn Thành hay Nguyễn Phúc Thăng. Nhưng nếu những bài này làm vào sau tháng 6 năm 1810, thì tháng 1 năm đó, mẹ Nguyễn Văn Thành vừa mất, ông đã về quê chịu tang đến năm sau mới lên Kinh; Đặng Đức Siêu qua đời vào tháng 2 cùng năm. Không hiểu vì lý do gì (ngoại trừ cố sống cố chết không muốn Gia Long biết làm thơ ( )) mà những bài này được gán cho Nguyễn Phúc Thăng - người còn nhỏ hơn Gia Long mấy tháng tuổi và theo cuộc sống của ông ấy thì khó mà có cái khẩu khí này? Nhìn ngược nhìn xuôi không còn ai, vậy thì cứ coi đây là thơ của Gia Long đi. Dù sao, việc đem thơ của mình đi ký kiểu đồ sứ vốn là truyền thống đã có từ thời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu.)
Đã bấm nút Like rùi mà vẫn phải vào cảm ơn bạn Ast 1 cái vì đã sưu tầm được 3 bài thơ hay quá, mình cực thích những giai điệu phảng phất khẩu khí ngạo nghễ ung dung như thế này. Tặng hoa cho bạn Ast nhé, hoa nè
Công nhận nhé, mấy người muốn-dìm-hàng không muốn đây là thơ GL vì chúng hay quá. '__' Viết về ngư tiều canh mục thì cũng nhan nhản cả rồi, nhưng viết về tiều phu đi chặt cây gánh củi mà thành "Tấc tài dài vắn, tay thu thập, Một gánh giang sơn, sức đảm đang."; người đánh cá mà thành "ngợi khúc Thương Lang, vang nhịp bảy"... độc đáo mà ngạo khí ngất trời thế này, trong thời ấy có được bao nhiêu người? Thơ văn Đặng Đức Siêu giàu cảm xúc mà hơi rườm rà cầu kỳ, Nguyễn Văn Thành thì hơi khuôn phép, văn thơ của mấy người Bắc Hà này nọ kia thì than mây khóc gió là hay, có ngông cũng chẳng có lực, có chí mà không có khí. Nghĩ mãi không ra còn ai khác có thể làm mấy bài thơ này (p/s: thơ sặc mùi Bảo Bình ).
Tớ đi tìm lại bài về mũ mão kia, lại không tìm thấy mà vớ được cái cuốntạp chí xưa lắc, đúng là có duyên.