Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Không gian cho Trí thức
Trường An January 28th, 2008

Blog nhà báo Huy Đức


Nhà văn Nguyên Ngọc, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, cùng với tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa đã nói hay hơn thế này trong một cuộc tọa đàm do Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức hồi trước Tết. Tuy nhiên, Osin cho rằng những thông tin đã đựơc(tự) kiểm duyệt sau đây cũng đủ để chúng ta suy nghĩ đôi chút về vai trò của trí thức trong giai đoạn này.

Năm 2007

Rất nhiều chuyển động trong năm 2007, hứa hẹn, sẽ “kết trái”. Có những chuyển động bắt đầu từ chính quyền: giải thưởng Nhà nước được trao cho Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm; cho phép xuất bản tập tiểu luận được viết bằng tiếng Pháp của cụ Phạm Quỳnh. Sự “tái sinh” của Phạm Quỳnh, một nhân vật mà cả con người và tác phẩm đều phải “biến mất” trong suốt hơn 60 năm qua, chẳng phải là việc dễ dàng. Sự tôn vinh các nhà văn thuộc phong trào “Nhân Văn Giai Phẩm” cũng là một quyết định vẫn nên được coi là dũng cảm.

Có những chuyển động bắt đầu từ dân chúng, đặc biệt là những công dân trẻ tuổi. Họ đã thể hiện vai trò của thế hệ mình một cách bản lĩnh và trí tuệ trước các vấn đề thời cuộc. Không có gì phải ngạc nhiên về điều đó. Việt Nam đã đứng bên cạnh cộng đồng quốc tế, đã tiếp cận với những chuẩn mực văn minh và, từng bước, không thể không ứng xử theo những gì mà Thế giới đang có.

Người dân bày tỏ trách nhiệm vì “Nhà nước, dù quyền uy đến mấy, cũng không thể thay thế được tiếng nói của một dân tộc”, tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa viết. Nhắc lại Trần Dần, Lê Đạt, Phạm Quỳnh…, nghĩ về sự “phân tuyến” mà thấy thấm hơn cả “tem phiếu”. Sự bao cấp và độc quyền các chuẩn mực, các giá trị văn hóa, tinh thần, không chỉ khiến cho nhiều nhân vật và tác phẩm phải chịu một số phận như vậy, mà còn tác động tới dân trí, một cách lâu dài.

Sự Im Lặng Của Trí Thức

Trí thức luôn là lực lượng được chờ đợi trước những thời điểm quan trọng. Kinh tế đang tiệm cận với những chuẩn mực của thị trường. Cấu trúc xã hội cũng muôn phần thay đổi. Các lực lượng khác của xã hội, bằng mọi cách, đã thể hiện mình. Trong khi, theo nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, “trí thức thì im lặng”. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng quan sát và có cùng nhận xét, nhưng vấn đề theo ông, bởi vì: “Chúng ta có một số nhà trí thức có tư cách nhưng không có một tầng lớp trí thức”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng lý do để Việt Nam chưa có được một “tầng lớp trí thức” là vì “tập tính dân tộc”. Mặt khác, theo ông Quốc, “không có tư hữu, không có tầng lớp sở hữu chủ làm sao có được một tầng lớp trí thức đúng nghĩa”.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói, trong lịch sử, Việt Nam chỉ có các nhà nho chứ chưa có các trí thức. Ông Nguyên dẫn nghiên cứu của giáo sư Trần Đình Hượu: Từ nhà nho truyền thống, đến thế kỷ 18-19, khi các đô thị như “kinh Kỳ, phố Hiến” xuất hiện, ta có những “nhà nho tài tử”; khi Pháp vào, ta có những “nhà nho cần vương”; đến thời du nhập tư tưởng phương Tây, ta có những “nhà nho cải cách” như Phan Chu Trinh, rồi “nhà nho cách mạng” như cụ Hồ.

Nhà nho bao giờ cũng đi trước nhưng với tính cách của “kẻ sĩ” chứ không phải trí thức. Trí thức (mà ta đang gọi hiện nay) chỉ có nhân cách với lõi là “kẻ sĩ” chứ tư cách trí thức với nghĩa có thái độ dấn thân, dám bảo vệ chính kiến thì rất yếu. Chính vì vậy, mà theo nhà sử học Dương Trung Quốc, có những bậc “đại trượng phu”, trước thời cuộc, khi dân chúng chờ đợi họ lên tiếng cho Dân tộc thì họ chỉ có thể “giữ lấy lề” cho chính mình.

Nhưng chất “kẻ sỹ” ấy cũng đã nhiều phần mai một. Ông Dương Trung Quốc bày tỏ sự thất vọng khi chứng kiến, trong một cuộc tiếp xúc giữa một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng với trí thức, một vị “trưởng thượng” đã đứng lên để hỏi: “Vì sao có ngày doanh nhân mà không có ngày trí thức?” Một trí thức khác thì khiếu nại: “Tôi vừa về hưu là hộ chiếu đỏ bị thu lại ngay”. Rồi, một vị Chủ tịch hội than phiền: “Chúng tôi đã quy định, ai chống Điều 4 không ở trong Hội này thể mà hội chúng tôi cũng không được Đảng quan tâm gì cả”. Tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa nói: “Không thể cứ có bằng cấp là trở thành trí thức”. Không thể có trí thức khi khát khao của những người có bằng cấp là chức tước, là bổng lộc thay vì tự do.

Giải Tỏa Quá Khứ

Khát khao tự do chính là yếu tố quyết định để Việt Nam có một thế hệ trí thức- nhà nho tham gia kháng chiến. Chính vì thế mà theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Cách mạng có một thế hệ vàng như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Phan Khôi… Nhưng phải nhìn lại lịch sử thì mới hiểu vì sao những thế hệ vàng như vậy đã không trở lại.

Nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá cao việc trao giải cho các nhà văn thuộc phong trào “Nhân Văn Giai Phẩm”. Theo ông, phải biết, chỉ cách đây chưa tới 30 năm, nhà thơ Hoàng Hưng đã từng phải chịu “3 năm cải tạo” vì “tàng trữ” tập thơ Kinh Bắc của Hoàng Cầm, mới thấy ý nghĩa to lớn của việc tập thơ này có tên trong danh sách tác phẩm được giải thưởng Nhà nước.

Nhà sử học Dương Trung Quốc hỏi: “Tại sao nó (việc trao giải) không diễn ra sớm hơn, có phải phải đợi cho đến khi nhà Tố Hữu mất?” Mặc dù, nhiều tác phẩm của Tố Hữu là đối tượng phê phán của nhóm nhân văn giai phẩm, theo ông Quốc, bản thân Tố Hữu khi sinh thời cũng nói rằng mình không biết hết về vụ này. Ông Quốc cho rằng lịch sử Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc còn kinh khủng hơn ta nhiều nhưng họ đã “giải tỏa quá khứ” một cách khôn ngoan, bằng cách cho nói thoải mái về thời kỳ đó. Trong khi, theo ông Quốc: “Ta có khuynh hướng coi lịch sử là sọt rác để phi tang quá khứ”. Và chính vì thế mà xã hội vẫn đang lưu cữu rất nhiều ẩn ức.

Phát hiện ra nhóm “Nhân Văn”, theo ông Nguyên Ngọc, được bắt đầu từ Quân đội. Ông Nguyên Ngọc nhớ, một vị tướng, người phát hiện và đích thân phân tích cho ông về “mức độ nguy hiểm” của nhóm này. Ông Nguyên Ngọc tiếc rằng lúc đó những người như ông, đã nghe bằng sự nồng nhiệt cách mạng chứ không giữ đựơc thái độ và tư cách độc lập cần thiết của những người trí thức.

Một Không Gian

Nhưng, trí thức khó có thể giữ được thái độ độc lập khi không có một không gian đủ rộng để họ bày tỏ chính kiến. “Không gian” đó gần như đã bị triệt tiêu khi, theo ông Nguyên Ngọc, văn nghệ, học thuật đã bị phân tuyến “hoặc đúng, hoặc sai; hoặc ta, hoặc địch” và diễn đàn chỉ có chỗ cho những người nhiệt tình, a dua chứ không còn chỗ cho những người tỉnh táo tranh biện và muốn đóng góp một cách thực sự có ích cho Cách mạng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đó là “tình trạng chung của các nước dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Nhà văn Nguyên Ngọc đồng ý với nhận xét đó, ông nói: “Những tác phẩm lớn nhất của người Nga thời kỳ Liên Xô đều do các nhà văn Nga hải ngoại hoặc nhà văn Nga ở ngoài Hội Nhà văn viết”. Tuy nhiên, sự khác nhau giữa cách mạng Nga và cách mạng Việt Nam, theo ông Nguyên Ngọc là, “sau cách mạng, toàn bộ trí thức Nga đi sạch còn ở ta hầu hết trí thức đều đi theo kháng chiến.

Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên nói: “Mối quan hệ giữa văn nghệ và lãnh đạo thời kỳ đầu đã được mô tả như thời ‘Nghêu- Thuấn”. Tổng Bí thư Trường Chinh đã từng tranh luận suốt ba ngày với họa sỹ Tô Ngọc Vân về quan điểm “quần chúng hóa sinh hoạt”, “kháng chiến hóa văn nghệ”. Cho dù phần thắng cuối cùng không thuộc về ông Tô Ngọc Vân, nhưng dù sao thì thời đó, dân chủ vẫn còn tồn tại.

Theo nhà văn Nguyên Ngọc, “trí thức bắt đầu bị hạ nhục liên tục” trong các đợt “chỉnh huấn” sau khi các cố vấn Trung Quốc xuất hiện ở Việt Nam (từ năm 1950, một năm sau khi Đảng Cộng sản nắm quyền ở Trung Quốc), đỉnh cao là thời kỳ “Nhân Văn Giai Phẩm”. Ông Ngọc nói: “Vợ tôi cho đến giờ vẫn còn giận nhiều người, nhưng tôi thì tôi hiểu họ. Có những người “đánh” chỉ để tự vệ cho mình, có những người muốn tránh đấu tố bạn bè, đồng nghiệp thì đành phải cáo ốm vô nằm viện. Ngay như Nguyễn Tuân, vốn tự coi là người ngang ngạnh nhất cũng phải than, ‘Tao sống được tới giờ này là nhờ biết sợ’. Muốn làm kẻ sỹ lúc đó cũng khó. Nguyễn Huy Tưởng đã phải viết rằng, nhiều khi rất muốn từ chức nhưng từ chức thì vợ con biết lấy gì mà ăn”.

Nhưng, nếu so sánh với Nga thì theo ông Nguyên Ngọc: “Số phận các trí thức Nga còn bị đối xử tàn khốc hơn nhiều, nhưng có lẽ nhờ đứng trên một nền tảng văn hóa lớn và một nền độc lập lâu dài mà trí thức Liên Xô, thay vì chỉ là những “trí thức thuộc địa” như ta, vẫn có nhiều nhân vật đáng kính trọng. Nếu như có khá nhiều trí thức của ta chỉ là ‘cương trực vặt’ thì trí thức Liên Xô vẫn có những người như Bulgakov, thà xin Stalin “ban” cho một chân kéo màn ở nhà hát để kiếm sống nhưng tác phẩm thì không khuất phục. Hàng ngày Bulgakov vẫn lặng lẽ viết, cho dù phải 40 năm sau, tác phẩm của ông mới được công bố”.

Nhưng, không chỉ là số phận cụ thể của những con người. Trong một thời gian dài, những sản phẩm cổ động, tuyên truyền đã bị “định chuẩn” là nghệ thuật. Mặc dù, ông Dương Trung Quốc lưu ý, phải đặt tất cả những điều đó trong bối cảnh lịch sử đương thời. Nhưng, ông Nguyên Ngọc vẫn cho rằng, vụ “Nhân Văn Giai Phẩm” cùng với chiến dịch đấu tố trong hệ thống đại học mà đối tượng là những nhà trí thức lớn như Trương Tửu, Trần Đức Thảo… khiến cho những người như Hoàng Tụy mà cũng bị đấu tới 130 cuộc, hàng loạt những trí thức tên tuổi phải cởi áo giáo sư, đã để lại những hậu quả về mặt dân trí lâu dài và không thể nào khắc phục. Nhà văn Nguyên Ngọc nói: “Lúc đó chúng ta đã từng có một nền giáo dục đại học đàng hoàng. Những trí thức khá nhất của chúng ta đều là học trò của những người thầy bị đấu tố đó”.

Hình Thành “Tầng Lớp”

Hầu hết những trí thức Việt Nam tham gia kháng chiến đều vì “độc lập dân tộc”. Tuy nhiên, theo ông Nguyên Ngọc, khát vọng lớn nhất của trí thức là tự do. Đó là lý do vì sao khi hòa bình lập lại thì nhu cầu dân chủ và tự do xuất hiện. Trong tình huống ấy, theo nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, nếu không có một không gian tự do đủ để tiếp cận với sự thật thì không thể nào tạo ra và tồn tại một tầng lớp trí thức thực sự.

Tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa nói, tri thức Việt Nam đang được lưu giữ một phần ở trong nước và một phần tản mạn khắp nơi ở hải ngoại. Tuy nhiên, theo tiến sỹ, gom lượm tri thức đã khó, từ giới có học, có bằng cấp, tạo thành một lớp trí thức có năng lực khám phá, có đầu óc phản biện, có dũng khí đứng vững như cây thông lại càng khó hơn. Theo ông, khi Nho giáo suy tàn, nền Tây học chưa ổn định, ảnh hưởng của nền tư duy Xô Viết còn nặng nề, khó mà hình thành một “tầng lớp trí thức Việt Nam” có bản lĩnh và có khả năng phân tích phản biện.

Không thể thay đổi lịch sử nhưng vẫn có thể học từ lịch sử. Nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá cao việc trao giải thưởng Nhà nước cho những nhà văn trong phong trào “Nhân Văn”. Tuy nhiên ông cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để hóa giải quá khứ. Mở ra một thời kỳ hoàn toàn mới cho Việt Nam. Không chỉ là số phận của một số văn nghệ sỹ, trí thức mà còn vì sự ngẩng cao đầu của một dân tộc.

Với những tiến bộ công nghệ hiện nay, theo nhà văn Nguyên Ngọc, “càng siết thì sẽ càng rạn nứt”. Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên cho rằng cần phải có “một nền chính trị tham dự thay vì tuân phục” thì mới nâng cao dân trí được. Bao cấp, đặc biệt là bao cấp về chính trị, nhiều khi sẽ dẫn đến sự trói tay cả một dân tộc. Không chỉ hình thành một tầng lớp trí thức dủ mạnh và có tư cách, theo tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa, “Giữ quốc gia thời nay không thể chỉ duy nhất trông cậy vào nhà nước, (phải có) một xã hội dân sự phát triển như trăm nghìn thành lũy mới mong gìn giữ được những gì đã thuộc về người Việt Nam”

Huy Đức- Mỹ Lệ lược thuật



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.