* Thưa ông, Nguyễn Khải là nhà văn của thời sự, của tâm lý nhân vật, ông đã tạo dựng nhiều loại nhân vật của nhiều thời khắc. Nếu bây giờ còn sức khỏe để viết, ông sẽ chọn loại nhân vật nào của hôm nay?
- Tôi thích những người quyền lực về tinh thần, chiến đấu đầy bi kịch cho dân chủ và tiến bộ xã hội. Loại người có thế giới tinh thần mạnh mẽ, muốn thay đổi, không muốn sống như cũ nữa. Ở trạng thái này, con người sẽ phong phú. Tôi thích viết những cái chênh vênh lạc thời. Con người của hôm nay đa dạng lắm. "Xuân tóc đỏ” hiện đại cũng nhiều lắm. Sợ nhất là cái giả dối. Nếu viết về loại người "Xuân tóc đỏ” phải có tài, phải thổi lửa "tiêu hóa" được tài liệu. Lửa chưa đủ sức thiêu cháy tài liệu, cứ để lổn nhổn là bất tài.
Có những anh vai mỏng gánh trách nhiệm quá lớn, không biết sợ, cứ thấy ổn cả. Hạ cánh an toàn là câu mất dạy. Phải nhớ Khang Hy: "Việc vừa xong thì họa cũng vừa xong".
* Tuyển tập Nguyễn Khải ra rồi, dạng hồi ký đời văn cũng co Thượng đế thì cười, tổng kết bút pháp thì có Trôi theo tự nhiên. Ông có nghĩ cuốn sách tiếp theo sẽ là gì không ạ?
- Tôi có viết một vài tùy bút chính trị. Còn vừa lóe ra một đề tài rất thích. Tôi định viết, tôi rất thèm được sống một mình. Không lúc nào con người được sống một mình. Từ hàng xóm, con cái, mọi việc đều có tập thể nhảy bổ vào. Thế giới tinh thần chỉ có tập thể, không có trách nhiệm cá nhân. Thời đổi mới này người ta kêu cô đơn, nhưng tôi cũng thèm sống một mình. Tầm quan trọng của cá nhân. Một xã hội thấy được sức mạnh cá nhân, con người phải có quyền tự do quyết định số phận mình - quyền tự chủ. Nhưng mà chưa viết thì bí mật hộ nhé.
* Ông nói rằng mình viết thường là tìm mẫu người quen thuộc với vùng nghĩ, vùng cảm của mình, và phải đi mới tìm được. Ông thích đi đâu sắp tới?
- Đúng rồi, tạng của tôi ngồi một chỗ không viết được. Đi là nó đụng vào, tóe ra. Khoa học nghệ thuật, nghề sáng tạo không có cách gì bảo thủ được. Văn tôi bây giờ không còn tả cảnh. Nếu còn sức, tôi sẽ đi tìm loại nhân vật làm chính trị, có quyền lực, tính tình phóng khoáng, chủ động, vượt lên cho tương lai. Làm quan, làm chính trị mà tử tế đàng hoàng, có đầu óc, nhân vật sẽ nói được nhiều lắm. Chắc chắn phải mất một năm đi tìm. Cũng cao tuổi, yếu, nói thôi mấy lần rồi. Nhưng nếu khỏe, đi vớ đi vẩn thì lại viết.
Nếu như bây giờ đi một vệt Phú Thọ, Nam Định hoặc quanh Hà Nội có thể viết được tập truyện ngắn. Tôi thích vùng Vĩnh Yên, Phúc Yên. Mong một, hai tháng nữa khỏe, ra Hà Nội một chuyến lại được viết. Nhưng sống lâu thời này đầu óc phải mới tinh, tràn ngập sự thay đổi. Rung động đời sống nhỏ nhất phải đến với anh. Cuộc sống thay đổi hằng ngày, phải xem để thay đổi.
* Vùng đồng bằng Bắc bộ là quê hương văn học của ông, nhưng hầu hết các tác phẩm lớn của ông lại được viết ở Sài Gòn. Mảnh đất phương Nam có ý nghĩa như thế nào?
- Nói ví von thế này: miền Bắc cho tôi độc lập, miền Nam cho tôi dân chủ, tự do. Nó bật ra đa thanh. Những cú hích quan trọng tìm ra vỉa sống mới. Ngậm ngùi, hi vọng, tự do là từ trong này mà ra.
Sau giải phóng, tôi gặp các nhân vật lạ khác với nhân vật quen thuộc của tôi trước đây: giám đốc, bí thư, chủ nhiệm hợp tác xã... Nhân vật mới ở miền Nam là các linh mục tốt nghiệp ở nước ngoài, là các trí thức có cách suy nghĩ riêng, là nhiều bà con họ hàng, là nhiều số phận thay đổi. Có người gặp nói cả tuần không hết chuyện. Họ rộng mở, phức tạp, phù hợp với một thời kỳ lịch sử - xã hội hiện đại.
Tôi yêu vùng quê đồng bằng Bắc bộ, nhưng viết các vấn đề có ý nghĩa triết học, tư tưởng phải là thế giới tập trung chính trị, văn hóa, là ở đô thị. Muốn viết sâu, đậm, không thể không "lôi" về Hà Nội. Một nửa sự nghiệp của tôi là ở trong Nam này cũng vậy. Tôi muốn đi vào giới trí thức, vì trí thức biết buồn cái buồn của người khác. Nhân vật của thành phố lớn là con người của trí thức.
* Nếu tự tóm tắt chân dung nhà văn Nguyễn Khải, thì thế nào ạ?
- Về nhà văn tôi tổng kết: tuổi và thời thế là quan trọng. Có những kiểu nhà văn tài năng bẩm sinh, bộc lộ rất trẻ, chưa sống lâu đã có tác phẩm lớn như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Thạch Lam. Sau này có Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật. Vàng Anh bẩm sinh "há miệng" thành văn. Những tác phẩm đầu tay của Đỗ Chu đọc thấy sợ, văn chương ấy lúc 17, 18 tuổi. Trạm quân bưu, Thung lũng Cò, Ráng đỏ, cái nào cũng hay. Tư thế nhà văn trăn trở cùng đất nước. Nguyễn Ngọc Tư có trăn trở của người dân...
Còn có kiểu nhà văn phải sống lâu, sống nhiều, được gặp thời thế đặc biệt. Tôi ở loại này. Không u mê, tự thay đổi, mới có cống hiến. Văn chương nhiều cái huyền bí, không biết lúc nào hay, lúc nào không. Còn đời riêng cá nhân tôi chả có gì đáng viết. Tôi ghét sự lê la, có tí rượu, tí bột lăn tôm là uống rượu, tôi ghê lắm. Văn nghệ sĩ ăn nói tục tằn, hống hách kiểu lãnh tụ đại ca, trưởng nhóm, hoặc khệnh khạng làm giai thoại, tôi cũng không thích. Tôi thích tính thoải mái của Lê Đạt, thích nhất cái thật của Kim Lân.
Tôi cô độc bẩm sinh. Nếu không có cách mạng, chắc tôi là tu sĩ. Một lần tôi đến tìm ông cha tìm hiểu về Vatican 2 để viết sách tôn giáo. Trong lúc chờ, tôi ra mua thuốc lá. Người bán thuốc nhìn tôi hỏi: "Cha mua loại nào? Con biếu cha bao diêm". Chắc mặt tôi giống linh mục.
Đời tôi chỉ yêu viết lách. Sống nhạt, dễ thỏa hiệp, bao dung nhưng quyết liệt khi viết. Tôi nghĩ nhà văn phải sống khó chịu nhất, không thỏa mãn, luôn cảm thấy muốn cao hơn, xa hơn. Phải là người tìm tòi ngược thời. Thời nào với mình cũng là chật, mới là tốt.
(Tuoitre online)