Xung đột vùng miền giữa các dân tộc Việt từ thế kỷ 13 đến 19 - Keith W. Taylor
"Vào cuối thế kỷ 14 Hồ Quý Ly đã kiểm soát triều Trần và năm 1400 tự lập triều đại riêng. Trong khi nhà Trần là người thuộc đồng bằng sông Hồng, Hồ Quý Ly là người từ Thanh Nghệ, và ông xây một thủ đô mới ở Thanh Hóa. Việc ông không giành được sự trung thành của vùng Ðông Kinh là một yếu tố quan trọng trong việc nhà Hồ không chống nổi cuộc xâm lược của nhà Minh năm 1406-1407, thời điểm khi Hồ Quý Ly từ bỏ phần lớn khu vực Ðông Kinh và tìm cách phòng thủ bờ Nam của sông Hồng. Có nhiều bằng chứng cho thấy đa số sĩ phu ở Ðông Kinh sẵn sàng chấp nhận sự cai trị của quân Minh và rằng nhiều thế gia vọng tộc ở khu vực này, đặc biệt là họ Mạc, đã trung thành phục vụ quân Minh. Năm 1407 người Minh nói hơn 1100 nhân vật có thế lực địa phương bày tỏ sự trung thành với nhà Minh và yêu cầu vùng đất của họ sát nhập vào đế quốc Trung Hoa. Tài liệu của nhà Minh ghi lại rằng hơn 9000 người địa phương sau đó đã đến thủ đô nhà Minh để được sắc phong làm quan chức cấp tỉnh. Hiệu lực của sự cai trị của nhà Minh đã không thể xảy ra nếu không có sự chấp nhận và tham gia với mức độ lớn của người địa phương.
Không khó để đọc cái gọi là “phong trào giải phóng dân tộc” của Lê Lợi như là cuộc chinh phục của Thanh Nghệ đối với Ðông Kinh, với việc nhiều nhân vật Ðông Kinh xem người Minh như thế lực bảo vệ chống sự quê kệch của các tỉnh phía Nam. Cái nhìn này đi ngược với cách viết sử của nhà Lê và cách viết sử dân tộc chủ nghĩa thời hiện đại, nhưng khi xét các sự kiện về sau, nó lại đáng tin hơn so với khuynh hướng thông thường giả tảng như nhiều ngàn người phục vụ quân Minh hoặc đã biến mất vào màn sương phương Bắc hoặc bỗng dưng quay lại thành người yêu nước.
Vai trò của Nguyễn Trãi, sĩ phu Ðông Kinh nổi tiếng và là người về Nam để gia nhập đoàn quân Lê Lợi ở Thanh Nghệ, không phải là nhân vật tiêu biểu hay đại diện cho xu thế chung của quê ông. Các bài thơ ông viết trong thời Minh và trước lúc ông về Nam phục vụ Lê Lợi, thể hiện, như cách dùng từ của O.W. Wolters, “một người xa lạ ngay trên mảnh đất của mình”...
... Một tính chất quan trọng khác của Bình Ðịnh là vị trí của nó như một bến cuối của tuyến đường được đi lại nhiều dọc cao nguyên đến thung lũng Mêkông, băng qua An Khê, Plây Ku, và đến sông Mêkông ở Stung Treng ở nơi mà hiện nay là phía Bắc Campuchia, nơi nó nối kết với mạng lưới giao thương tỏa ra từ Ayudhaya/ Bangkok. Thương mại di chuyển dọc tuyến đường này, nối Bình Ðịnh với những mối quan tâm buôn bán của người Xiêm. Các dân tộc vùng cao và người Việt tham gia vào hoạt động thương mại này, nhưng các cộng đồng người Hoa ở Ayudhaya/ Bangkok và Qui Nhơn cung cấp vốn và những mối quan hệ để kích hoạt giao thương. Qui Nhơn trở thành trung tâm thương mại quan trọng tại đầu mối của một cảng biển lý tưởng, con đường phía tây qua núi, con đường phía Bắc đến Thuận Quảng, và con đường phía Nam đến đồng bằng sông Mêkông.
... Chừng nào một sức mạnh quân sự tự nguyện và chuỗi dài thắng trận còn là bí quyết giúp có quyền lực chính trị, người của Bình Ðịnh có thể chiếm ưu thế. Nhưng khi đối diện với một đối thủ đã thua trận liên tục nhưng luôn đứng dậy, một đối thủ có tầm nhìn chiến dịch lâu dài chứ không chỉ một trận đánh, một đối thủ xem thành công không phải nhờ giao tranh mà là kết quả của tổ chức, rèn luyện, huy động tài nguyên, chuẩn bị, hoạch định và chờ đợi, chờ đợi, chờ đợi, thiên tài Tây Sơn, đứng trước một đối thủ như thế, bỗng chỉ trở thành một sự gan dạ cấp tỉnh. Và đối thủ này xuất hiện từ đâu? Từ Nam Bộ.
... Không giống như thiên nhiên mang tính chất như vườn, chịu ở dưới nỗ lực của con người như trong thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhiều nhà thơ xứ Bắc, không giống sự ca tụng niềm vui con người giữa thiên nhiên hoang sơ trong thơ Ðào Duy Từ ở Ðàng Trong, Mạc Thiên Tích xem thiên nhiên như một tác nhân động vừa khơi hứng vừa hạn chế nỗ lực con người. Dòng thứ nhất ở trên cho thấy các thói quen văn chương chắc chắn thay đổi khi chuyển vào Nam Bộ; không cần phải xin lỗi cho tính không chính thống. Dòng thứ hai ngụ ý những kế hoạch thống nhất của người có tham vọng làm vua thường xuyên bị ngăn trở và buộc phải thay đổi ở Nam Bộ; không cần phải xin lỗi cho sự đa dạng. Trong hai dòng cuối, có thể đọc như một ẩn dụ cho Nam Bộ, một nơi có những khí sắc riêng, một nơi mà những lựa chọn chỉ dành cho những ai “tự do theo gió”, dấu hiệu của việc đi theo khát vọng cá nhân, và xem những khả năng “trên chót vót thượng từng”. Tôi đã dừng lại ở thơ của Mạc Thiên Tích bởi vì Nguyễn Ánh có thể đã là người Việt Nam đầu tiên “theo gió” ở Nam Bộ và nhìn về phía Bắc từ “chót vót” của Nam Bộ.
... Tôi ngờ rằng, trong các thế kỷ được đề cập ở tiểu luận này, ý niệm hòa bình có nghĩa là tồn tại bên trong quỹ đạo của một lãnh tụ có khả năng thực thi sự độc quyền vũ lực. Sống trong hòa bình có nghĩa là sống dưới sự bảo vệ của một người có quyền uy. Những cố gắng mở rộng quỹ đạo hòa bình ấy để bao gộp toàn bộ các dân tộc nói tiếng Việt tất yếu dẫn đến chiến tranh khi những quỹ đạo này chen lấn nhau. Vì thế trong khi chiến tranh xảy ra ở vùng biên, hòa bình lại được củng cố ở trung tâm. Khái niệm đương đại của chúng ta về “hòa bình” liên quan đến những ý niệm về nhà nước hiện đại và tính chất bắt buộc tuân theo hành vi thống nhất mà nhà nước đòi hỏi. Nhưng trong thời gian trước khi có các nhà nước hiện đại, khi sự lãnh đạo chính trị được thực hiện bởi các lãnh tụ và các nhóm đối với các vùng lân cận tùy thuộc sự thay đổi của tính cách và quan hệ con người, thì “hòa bình” không phải là thành tựu của sự thống nhất pháp luật mà là tập hợp các tình huống gần như luôn luôn bao hàm cả chiến tranh.
... Việc xây dựng một “lịch sử chung” nằm trong địa hạt thần thoại."
---
Lần trước đọc đã mơ hồ nghĩ K.W.Taylor không rành sử thời Nguyễn, mà đúng thật. :))))) Nên ông nhầm 1 cái hố hơi to là hầu hết xung đột ở miền Bắc với triều đình thời Nguyễn nằm ở... Thanh Nghệ chứ (rất ít) quanh Đông Kinh.
Âu cũng do nếu người nghiên cứu quá "lậm" giả thuyết của chính mình mà không uyển chuyển thì lọt hố như chơi.
Mà đọc bài này xao chỉ chú ý đến cách Taylor... bình luận văn học. :v Còn thì là việc... ai cũng thấy mà hông hiểu xao hông ai thèm công nhựn.
---
Cho nên thiệt ra cái đống rối nùi ở phần cuối Nhật mộ là mềnh (cố gắng) nói đến vị trí then chốt của vùng Quy Ninh - Phú Yên - Phan Rang đó. TT^TT Chả lẽ mềnh phải trích dẫn mấy bài viết lịch sử song song để "dễ hiểu" hơn? TT^TT Đơn cử như này:
"Trong thế kỷ 18, những nhà cai trị ở Thuận Quảng ngày càng quan tâm đến Bình Ðịnh, xem nó như một điểm nối uy quyền của họ với vùng biên giới phía xa. Một nghiên cứu gần đây đã phân tích buổi khởi nghiệp của phong trào Tây Sơn (Tây Sơn nằm ở lưu vực sông giữa Qui Nhơn và An Khê) những năm 1770, xem đó là một sự phản ứng vùng trước những yêu sách của các nhà cai trị Thuận Quảng áp đặt lên vùng này."