Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Xung đột vùng miền (1)
Wednesday, December 20, 2017 Author: Trường An

Để biết thế nào là sự khác biệt của "sách 100 năm trước", xin giới thiệu 1 bài viết khoảng... 20 năm trước. :D Tất nhiên hông phải sử gia quốc tế thì auto-đúng, nhưng đọc để biết giới sử học quốc tế đã ở đâu rồi. Bài thì dài mà phải chuyển mã, chỉnh định dạng, cách đoạn mới post được, người lười chia làm nhiều đoạn ngắn.

-

Xung đột vùng miền giữa các dân tộc Việt từ thế kỷ 13 đến 19
Keith W. Taylor
Lê Quỳnh dịch

Lời giới thiệu của dịch giả: Trong một thời gian dài, đa số các học giả nước ngoài đồng ý rằng chỉ có một lịch sử Việt Nam duy nhất và một nền văn hóa Việt Nam duy nhất. Nhưng gần đây có một số thay đổi trong xu hướng nghiên cứu. Đọc ở Hà Nội năm 1998 trong Hội nghị Việt Nam học, Keith W.Taylor nhắc đến khuynh hướng nhấn mạnh vào “những vùng và địa phương hoặc các nhóm xã hội hay chính trị trong quá khứ đã bị bỏ qua hay là không được coi trọng bằng các chủ đề thống nhất của các phạm trù dân tộc” (“Việt Nam học ở Bắc Mỹ”, Nxb. Thế giới, 2002)

Trong một phỏng vấn của đài BBC năm 2003 về quá trình thay đổi tư tưởng của ông, Keith W.Taylor nói ông hồ nghi “về ý kiến phát triển lịch sử liên tục, một lịch sử thống nhất liên tục”, vốn là quan điểm được các học giả nghiên cứu về Việt Nam tán đồng trước đây.

Bài tiểu luận này in trong quyển Guerre et paix en Asie du SudEsdo Nguyễn Thế Anh & Alain Forest chủ biên. Tên tiếng Anh của bài: “Regional Conflicts Among the Việt Peoples Between the 13th and 19th Centuries” (1998) Một phiên bản khác của bài này sau đó được Keith W. Taylor bổ sung thêm và in với tựa đề “Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region”.

---

Trong thế kỷ 20, các mô tả về lịch sử và văn hóa Việt Nam đã đặt trọng tâm vào những mô hình về sự thống nhất và liên tục. Trong bài tiểu luận này, tôi sẽ khảo sát những sự tương quan có thể có giữa suy nghĩ và nơi chốn, giữa các cách làm người Việt và địa hình. Mục đích của tôi là đặt những sự hình thành tư tưởng và hành động của người Việt vào từng địa điểm cụ thể ở không gian và thời gian khi chúng xuất hiện.

Tôi sẽ nói bằng ngôn ngữ tương đối tổng quát để thảo luận những sự kiện trải dài trong nhiều thế kỷ và nhiều khu vực. Trong một số trường hợp, cái nhìn của tôi dựa trên những nghiên cứu chi tiết về các chủ đề đã được đề cập bởi tôi hay nhiều người khác. Trong các trường hợp khác, tôi nương theo trực giác, nhường cho các nghiên cứu tương lai xác nhận hoặc bác bỏ quan điểm của tôi. Tôi hướng đến một cái nhìn chặt chẽ mà có thể giúp ích cho nghiên cứu tương lai nhờ sự khơi gợi hoặc khích động; tôi không tự phụ cho rằng quan điểm của mình là dứt khoát đúng.

Tôi đã chọn thảo luận sáu cuộc xung đột liên quan năm vùng trong năm thế kỷ. Các xung đột vùng này có thể liên quan đến sự mở rộng biên giới phía Nam của các dân tộc nói tiếng Việt và sự thể hiện các quyền lợi chính trị của các vùng. Chúng cũng có thể liên quan các hình thức địa phương của tôn giáo, ý thức hệ, ngôn ngữ và văn hóa. Phương pháp của tôi là sẽ ngắn gọn duyệt lại các cuộc xung đột và bày tỏ một số bước phân tích có thể áp dụng cho các xung đột này.

Có bằng chứng về xung đột tại các địa phận được cho là nơi tổ tiên người Việt hiện đại từng cư trú từ thời xưa nhất mà văn bản còn ghi lại, dù là chuyện về các vua Hùng huyền thoại, hay các văn bản lưu giữ tại Trung Quốc, hay những sự kiện ghi trong biên niên sử của Việt Nam. Trong những năm cuối trị vì của Lê Hoàn, vào đầu thế kỷ 11, các cuộc chinh phạt của triều đình liên tục tấn công những cư dân của khu vực mà nay là các tỉnh Vĩnh Phú, Thanh Hóa và Nghệ An, tất cả tọa lạc ở bên rìa hay bên ngoài đồng bằng sông Hồng rộng lớn nơi khi đó là trung tâm quyền lực của hoàng gia. Con trai và là người nối nghiệp của Lê Hoàn, Lê (Long) Đĩnh, tiếp tục đưa quân tấn công các dân tộc ở Thanh Hóa và Nghệ An và xây một con đường xuyên qua các tỉnh miền Nam này để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các cuộc chinh phạt. Vị vua tiếp theo, Lý Công Uẩn, cũng mở chiến dịch chống các tỉnh miền Nam này, nói rằng ông không thể không tấn công người dân Nghệ An vì họ “không tôn trọng những hướng dẫn khai hóa”. Những dấu hiệu chiến tranh trong đầu thế kỷ 11, khi một chế độ triều đình địa phương đang bắt đầu hình thành, có thể được hình dung như xung đột giữa tổ tiên của những dân tộc mà trong thời hiện đại đã được phân biệt, theo ngôn ngữ và xã hội, là các chi người Kinh (vùng thấp) và người Mường (vùng cao) của các dân tộc Việt. Đó không phải là những chương riêng lẻ.

Hai cuộc xung đột đầu tiên trong sáu xung đột tôi muốn nhắc đến diễn ra giữa nơi tôi gọi là Đông Kinh, tức đồng bằng sông Hồng mà trung tâm là Hà Nội, với Thanh Nghệ, tọa lạc nơi miền Nam và bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh. Cần nhắc rằng phương ngữ tại phần phía Nam của Thanh Nghệ, tức Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh) lại gần với tiếng Mường hơn là tiếng Kinh. Ngay cả hiện nay, giữa những người làm việc trong chính phủ và giới khoa bảng ở Hà Nội, cũng có sự nhận thức về tương quan ảnh hưởng và quyền lực giữa người từ Hà Nội và các tỉnh xung quanh với người từ Thanh Nghệ (Thanh Nghệ Tĩnh hay Nghệ Tĩnh). Không phải ai cũng nhớ rằng các khu vực này từng gây chiến với nhau trong đầu thế kỷ 15 và hầu như trong suốt thế kỷ 16.

Chương xung đột đầu tiên tôi chọn để thảo luận đã gần như bị chôn sâu đằng sau khung viết sử theo hình thức kháng chiến chống ách đô hộ quân Minh trong ba thập niên đầu tiên của thế kỷ 15. Nhưng cái điều được xác quyết hời hợt như cuộc chiến “giải phóng dân tộc” lại có vẻ khác hẳn khi được xem xét kỹ.

Vào cuối thế kỷ 14 Hồ Quý Ly đã kiểm soát triều Trần và năm 1400 tự lập triều đại riêng. Trong khi nhà Trần là người thuộc đồng bằng sông Hồng, Hồ Quý Ly là người từ Thanh Nghệ, và ông xây một thủ đô mới ở Thanh Hóa. Việc ông không giành được sự trung thành của vùng Đông Kinh là một yếu tố quan trọng trong việc nhà Hồ không chống nổi cuộc xâm lược của nhà Minh năm 1406-1407, thời điểm khi Hồ Quý Ly từ bỏ phần lớn khu vực Đông Kinh và tìm cách phòng thủ bờ Nam của sông Hồng. Có nhiều bằng chứng cho thấy đa số sĩ phu ở Đông Kinh sẵn sàng chấp nhận sự cai trị của quân Minh và rằng nhiều thế gia vọng tộc ở khu vực này, đặc biệt là họ Mạc, đã trung thành phục vụ quân Minh. Năm 1407 người Minh nói hơn 1100 nhân vật có thế lực địa phương bày tỏ sự trung thành với nhà Minh và yêu cầu vùng đất của họ sát nhập vào đế quốc Trung Hoa. Tài liệu của nhà Minh ghi lại rằng hơn 9000 người địa phương sau đó đã đến thủ đô nhà Minh để được sắc phong làm quan chức cấp tỉnh. Hiệu lực của sự cai trị của nhà Minh đã không thể xảy ra nếu không có sự chấp nhận và tham gia với mức độ lớn của người địa phương.

Không khó để đọc cái gọi là “phong trào giải phóng dân tộc” của Lê Lợi như là cuộc chinh phục của Thanh Nghệ đối với Đông Kinh, với việc nhiều nhân vật Đông Kinh xem người Minh như thế lực bảo vệ chống sự quê kệch của các tỉnh phía Nam. Cái nhìn này đi ngược với cách viết sử của nhà Lê và cách viết sử dân tộc chủ nghĩa thời hiện đại, nhưng khi xét các sự kiện về sau, nó lại đáng tin hơn so với khuynh hướng thông thường giả tảng như nhiều ngàn người phục vụ quân Minh hoặc đã biến mất vào màn sương phương Bắc hoặc bỗng dưng quay lại thành người yêu nước.

Vai trò của Nguyễn Trãi, sĩ phu Đông Kinh nổi tiếng và là người về Nam để gia nhập đoàn quân Lê Lợi ở Thanh Nghệ, không phải là nhân vật tiêu biểu hay đại diện cho xu thế chung của quê ông. Các bài thơ ông viết trong thời Minh và trước lúc ông về Nam phục vụ Lê Lợi, thể hiện, như cách dùng từ của O.W. Wolters, “một người xa lạ ngay trên mảnh đất của mình”. Nhiều bài văn ông viết sau khi ông về Nam là những lá thư gửi người cùng thời phục vụ nhà Minh, thúc giục họ xoay sang phục vụ Lê Lợi. Sau này Nguyễn Trãi bị cô lập và triệt tiêu – bị cáo buộc tội giết vua và bị xử trảm năm 1442. Thảm kịch này chắc chắn có sự tác động của việc ông đã tách mình khỏi cả những người đồng hương ở Đông Kinh để phục vụ quyền lợi của Thanh Nghệ, và mặt khác, những bài thuyết lý của ông về cách cai trị và nỗ lực của ông muốn đưa thêm người Đông Kinh vào phục vụ công việc triều chính lại khiến ông bị cô lập bởi những thế lực đang lên từ Thanh Nghệ.

Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) thường được xem là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam bởi vì ông tạo lập một chính quyền trung ương kiểu Trung Hoa và đã có cuộc chinh phục Chămpa. Thế nhưng thành tựu quan trọng nhất của ông lại không thường được công nhận: đó là thành công của ông trong việc tập hợp đoàn cận thần dung hòa cả quyền lợi của Đông Kinh và Thanh Nghệ. Triều đại của ông, và âm hưởng trong sự trị vì của người con nối nghiệp, đã tạm thời dập tắt các căng thẳng nhờ việc đáp ứng các quyền lợi của các phe. Một khía cạnh trong sự đáp ứng này là việc chinh phục lãnh địa người Chàm ra tới đèo Cù Mông, ở biên giới phía Nam của nơi sau đó là tỉnh Bình Định. Nó đem lại cho phe Thanh Nghệ một khoảng không gian mới cho tham vọng của họ. Một khía cạnh khác trong sự đáp ứng quyền lợi này là các khoa thi tạo cơ hội nhập triều chính cho những người Đông Kinh có gia đình từng phục vụ người Minh. Tuy vậy thành công của vua Lê Thánh Tông phần lớn bắt nguồn từ uy tín cá nhân của ông. Nó thể hiện rõ khi chỉ hơn một thập niên sau khi ông mất, triều đình bắt đầu phân rã thành những phe nhóm diệt nhau để rồi sau đó khởi đầu cho ba thế hệ chiến tranh giữa Đông Kinh và Thanh Nghệ, tức là cuộc nội chiến Lê-Mạc của thế kỷ 16. Đây là chương xung đột thứ hai mà tôi chọn thảo luận trong bài viết này.




TS – LC&ĐV – 7
Tuesday, December 12, 2017 Author: Trường An

4. Xây dựng

Như vậy, ta có thể thấy ngay vấn đề của Tây Sơn khi lên nắm quyền quản lý nước Việt: Phải làm gì với những "mảnh vỡ" cả về địa lý, dân cư, tư tưởng, lịch sử... này? Theo lời khuyên của ông lão cả đời đọc sách trong núi Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ quyết định phương cách có thể dễ làm nhất, đồng thời là 1 phương cách nhiều nguy cơ nhất: Chia để trị. Có lẽ cần phải nói thêm, trong nhiều cách "chia để trị", ông lão đọc sách trong núi (với những loại sách bị Minh Mạng chê bôi "600 năm trước"), đã chọn 1 phương cách cổ xưa và... không hiệu quả nhất (nếu ta nhớ nhà Chu đã dùng cách này được bao nhiêu năm) thay vì những phương thức chính trị hành chính hiện đại hơn mà nhà Minh, nhà Thanh đã và đang dùng để quản lý cái nước TQ to gấp mấy chục lần. Đây có lẽ là hậu quả của 1 vấn đề thâm-căn-cố-đế khác là: vấn đề thì ai cũng thấy, nhưng giải quyết cách nào thì...

Nhưng cũng có thể, lựa chọn này xuất phát từ chính bản thân Nguyễn Huệ lẫn triều đình phát xuất từ Quy Nhơn: Không hề tin vào những "lực lượng bên ngoài" - có thể Nguyễn Huệ còn không tin được cả tướng lĩnh của mình sau vụ việc của những Nguyễn Văn Duệ, Vũ Văn Nhậm. Cho nên, Nguyễn Huệ sẵn sàng dùng mấy đứa con chỉ hơn 10 tuổi của mình làm "tiểu vương" sở quản thay vì dùng quan trấn nhậm, hạn chế quyền lực của họ 1 cách thấp nhất (nếu Nguyễn Huệ còn sống). Và triều đình Quy Nhơn, như đã nói trước, trong cả quá trình ta thấy những "lực lượng bên ngoài" liên tục xuất hiện rồi biến mất, đến cuối cùng ngoài Võ Văn Dũng thì vẫn chỉ còn là người Quy Nhơn.

Vậy là, kế thừa triều đình Lê Trịnh - triều đình Thanh Hóa nằm giữa Đông Kinh - thì nay ta có 1 triều đình Quy Nhơn nằm giữa Phú Xuân (với chiều hướng chạy lên phía Bắc), và 1 "tiểu triều" nằm giữa Đông Kinh. Vậy là, toàn bộ vấn đề của Lê Trịnh lại chạy về phía Tây Sơn, lần này còn phức tạp thêm nhiều lần.

Có 1 câu chuyện được ghi trong Hoàng Lê nhất thống chí rằng khi Nguyễn Nhạc ra Bắc, đã đụng độ làng nọ ở Nghệ An, và dù đã bảo "đây là quê cũ của tôi" thì vẫn bị tấn công. Câu chuyện này được nhắc lại trong Lê quý kỷ sự với cái kết thảm khốc hơn nhiều: Nguyễn Nhạc cho quân tàn sát cả làng. (Và 1 sử-gia-tân-thời nào đó vừa lôi chuyện này lên với ngôi đền trên núi mỗi năm cúng "đám tang Tây Sơn" và... đổ cho Gia Long làm. *cảm khái* Thiệt ra làm người cũng nên còn chút lương tâm, để con cháu thờ phụng người giết cha ông mình ở ngay đền thờ nhà họ là thất đức lắm đó.)

Nhắc lại chuyện này để có thể lý giải cho thái độ của Nguyễn Nhạc khi ra Bắc - ảo tưởng về "quê cũ" Nghệ An mà Nguyễn Huệ ôm ấp đã hoàn toàn không còn. Và rồi ta thấy triều đình Tây Sơn bắt đầu phân hóa - đại diện bằng 2 anh em Nhạc Huệ.

Ngoài họ tộc họ Bùi, Phạm là "họ ngoại" rõ rành rành đi theo Nguyễn Huệ (và Tạ Chí Đại Trường còn nhắc đến 1 số nghi vấn về họ tộc của những viên tướng khác) - nói chung, là gắn bó với Nguyễn Huệ trong 1 quan hệ thiết thân - thì những viên tướng khác đều có nguồn gốc "ngoài Quy Nhơn", từ Trần Quang Diệu cho tới Ngô Văn Sở. Còn đi theo Nguyễn Nhạc thì ta thấy họ tộc của tướng lĩnh phong phú hơn nhiều - ít nhất trong số tướng theo hàng Nguyễn sau này hay vẫn cố sống cố chết bám lấy Quy Nhơn vì nhiều lý do. Nói cách khác, đến lúc này, nếu muốn nói đến "lực lượng Quy Nhơn" hay "người Quy Nhơn" thì nên nói về Tây Sơn của Nguyễn Nhạc.

Trong bối cảnh đã nói trước kia, cái triều đình lập từ họ tộc này bị ném vào 1 "vùng đất xa lạ", và rốt cuộc đã thể hiện tất cả khía cạnh "cực đoan họ tộc" của nó. Nguyễn Huệ thà phân chia đất nước thành nhiều phần do mấy đứa con nhỏ nắm quyền còn hơn là quan tướng, rồi lại tiếp tục giao đất nước cho đứa trẻ nhỏ vắt mũi chưa sạch cháu dòng họ Bùi, họ Phạm hơn là đứa con lớn hơn. Quản việc thì ta thấy nào Phò mã, nào cháu dâu cháu rể. Khởi đầu từ Nguyễn Huệ, Tây Sơn đã lọt vào 1 vòng xoáy to lớn hơn rất nhiều: Mất lòng tin.

Khởi đầu từ Nguyễn Huệ đến Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Văn Duệ, Võ Văn Dũng, Trần Văn Kỷ,... vòng xoáy chém giết lẫn nhau trong đoàn người này ngày càng lan rộng. Bùi Đắc Tuyên không tin được bất kỳ ai, để Trần Văn Kỷ xúi bảo Võ Văn Dũng giết Bùi. Võ Văn Dũng liên tục gây hấn với cả vua quan Quang Toản, Trần Quang Diệu - trong khi, chỉ cần 1 lần giấu chiếu che chở cho Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu đã hoàn toàn lấy được lòng tin của viên tướng này để sống chết cùng nhau.

Khởi đầu từ 1 cuộc phản bội sẵn sàng đem "tội lớn nhất" đổ ngược lên đầu vua mình, quay lại giết chóc chính những người bạn, người thân của mình - Từ đó bất cứ ai trong Tây Sơn cũng bị bóng ma của sự phản bội đeo đuổi ám ảnh. Và càng vị kỷ, càng mưu toan, họ lại càng phản bội nhau, đạp lên nhau nhiều hơn, càng chứng thực sự phản bội này rõ ràng hơn. Và cuối cùng, là giết lẫn nhau chết hết - dù là dưới triều đình Tây Sơn hay chạy về phía quân Nguyễn quay ngược lại "trả thù".

Thật ra Nguyễn Huệ không phải là người giỏi về chính trị - hay nói theo quan điểm "nguồn gốc", hoàn toàn thiếu vắng căn cốt mà người làm chính trị, đặc biệt là chính trị Nho Khổng được huấn luyện. Khi thiếu vắng sự hướng dẫn của những nho sĩ "thầy dùi" biết cách mượn chính danh nào "phù Dương", nào "phù Lê" dù chả cái nào là thật nhưng cũng... chưa thấy sai chỗ nào, vừa kêu gọi được số đông vừa tạo sĩ khí cho bản thân 1 cách vô cùng "đại nghĩa" - Thì Nguyễn Huệ đem tội "giết vua" mà ai trong đội quân này cũng biết "công lớn" thuộc về Nguyễn Huệ đổ lên cho Nguyễn Nhạc, dù gọi được người trong 1 chốc nhưng người xung quanh ai cũng biết là giả dối. Khi ra Bắc "phù Lê", Nguyễn Hữu Chỉnh yêu cầu đoàn quân này kỷ luật tuyệt đối không tơ hào ai 1 đồng, thì khi về - dưới sự quản lý của Nguyễn Huệ - cũng đoàn quân này cướp bóc cưỡng bức người tiếng kêu khóc vang rền. Tiếp theo, Nguyễn Huệ đá bỏ cờ "phù Lê", cho Vũ Văn Nhậm đưa quân đuổi giết vua Lê khắp nơi - trong khi việc Lê Chiêu Thống làm rất là chính-danh: đòi lại Nghệ An bị Tây Sơn chiếm - lập Giám quốc ra sau này cũng chỉ là chữa cháy. Được Ngô Thì Nhậm hướng cho lý do đánh Thanh, chiếm lấy Bắc Hà vô cùng oanh liệt, cách kêu gọi quan tướng Đàng Ngoài, thì lại tiếp tục gây rạn vỡ vì triều đình "họ tộc" của mình.

Thuyết chính danh trong đạo lý Nho Khổng, thực tế chính là tính đạo đức và kỷ luật cần có trong 1 thể chế chính trị, nó xác lập lên lý tưởng, đường hướng cho toàn bộ con người trong đó, từ đó nó hạn chế thấp nhất sự phân rã, phản bội, lợi dụng. Người trong đó có thể phản bội, lợi dụng, lật đổ - nhưng tất cả đều không được bày-tỏ ra ngoài. Nếu không, nó sẽ đem đến sự phân rã toàn diện cho toàn bộ cơ cấu.

Và tất nhiên thì Nguyễn Huệ cũng chả được như các sử-gia-tân-thời sau này bơm vá những lý tưởng cao cả như công bằng xã hội, chủ nghĩa quốc gia dân tộc, thống nhất quốc gia... gì cả. Nhắc lại, nước VN ngày ấy, kể cả mảnh đất mà Tây Sơn khởi phát, vốn là mảnh đất có vô số tộc người, ngay trong lòng nó còn có cả các tiểu quốc nhỏ, lịch sử chia rẽ còn mới như hôm qua. Khi nhà Nguyễn thống nhất quốc gia còn phải dùng danh nghĩa "trước đây là người 1 nhà", Nguyễn Huệ vào bái kiến vua Lê còn phải dùng bài "Hoàng Lê nhất thống" - tất cả đều là sự "thống nhất dưới 1 quyền lực chính danh", còn lại thì người ta phải dùng thứ danh nghĩa nào để mà "nhất thống"? Quy Nhơn không có được cái danh nghĩa này, và nhắc lại, sự việc xảy ra với Nguyễn Nhạc ngay từ khi ra Bắc dưới danh nghĩa Tây Sơn (và nghi vấn Nguyễn Huệ đã dùng danh nghĩa chúa Nguyễn để "phù Lê" càng rõ hơn) càng làm Nguyễn Nhạc hiểu rõ điều đó hơn. Đất nước VN ngày ấy chỉ đơn giản là không hề tồn tại, cho nên dù là 1 lực lượng địa phương chưa bao giờ có ý thức quốc gia như Tây Sơn hay là lực lượng hoàng gia quý tộc như chúa Nguyễn, quan Lê Trịnh cũng chưa bao giờ nói về cái danh nghĩa đó (dù bên Nguyễn thì nhiều lần nhắc nhở về "chúng ta là người 1 nhà" với Đàng Ngoài hơn, ngay cả khi Trịnh Nguyễn đang đánh nhau). Nhiều nhà nghiên cứu ngoại quốc lẫn hải ngoại sau này cũng khẳng định, chủ nghĩa quốc gia hiện-đại chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí người VN cổ xưa.

Còn "công bằng xã hội" thì rất đáng tiếc... Khổng Tử đã nói 2000 năm trước rồi. Dù xã hội VN cổ vẫn nhiều phân hóa và bất công, nhưng đó là sự phân hóa đương nhiên của quyền lực và tiền bạc chứ không phải do 1 thứ định chế phân tầng giai cấp như trong xã hội Bà-la-môn hay Nhật Bản, thậm chí cả Tây dương. Các thủy thủ người Pháp của Gia Long nhấn mạnh rất nhiều lần về tính chất "không có giai cấp quý tộc" ở xã hội VN - thực chất là không có 1 giai cấp nào được hưởng đặc quyền đặc lợi trong luật pháp theo kiểu "1 tội mà tùy giai cấp hình phạt khác nhau". Dù trong thực tế, quyền lực và tiền bạc cũng tạo phân cấp của riêng nó, nhưng phương châm của Khổng giáo, ngay từ Khổng Tử khởi xướng, đã là công-bằng - vua có tội cũng phải xử như thứ dân. (Một lần nữa, đạo nào cũng phải tùy nơi). Sĩ nông công thương cũng chỉ là mức độ được tôn trọng trong xã hội chứ chẳng có đặc quyền đặc lợi gì khác biệt. Cho nên, mọi mâu thuẫn ở xã hội VN lúc này đều có tính cá nhân hơn là 1 đích nhắm rõ ràng kiểu "giai cấp phong kiến bóc lột", là 1 ông quan tham, 1 ông vua ngớ ngẩn hay 1 triều đình hủ bại nào đó. "Anh hùng Lương Sơn Bạc" thì cũng chỉ giăng bảng "Thế thiên hành đạo" trừ quan tham, thực thi "công lý" cho bản thân hay đòi tự do cá nhân. Còn lật đổ để "không còn vua quan" thì... Tây Sơn giết nhau chí chết để tranh ngôi, nên thôi, quên đi.

Chuyện "kẻ bình dân làm vua" thì lại 1 lần nữa phải nhắc, toàn bộ các triều đại của VN, trừ Nguyễn ra, đều khởi đầu từ các ông vua "áo vải" cả. (Và đều khởi đầu y như Tây Sơn, "thờ phật để ăn oản"). Nghĩa là, nó chẳng phải là cái gì độc đáo cuốn hút để người ta say mê ca tụng, ngược lại, với cả Đông và Tây trong thời điểm đó, 1 "nhà nước được xây dựng từ thành phần cặn bã" là thứ khá đáng khinh, không đáng tin tưởng (Hãy nhớ cho xã hội phương Tây thời kỳ ấy hầu hết là nhà nước phong kiến). Đặc trưng của xã hội VN là tính chất địa phương nhỏ lẻ, từ khởi thủy quốc gia cho đến cận đại, nên việc các thủ lĩnh địa phương hoặc người cầm đầu địa phương trở thành vua của quốc gia là việc rất bình thường.

Vậy là, một khi đã dựa vào mâu thuẫn và thù hằn cá nhân để trừ diệt đối thủ, đưa mình lên tầm cao - Trong khi không hề xây dựng được 1 lý tưởng hay danh nghĩa nào cho mình để cuốn hút cộng đồng, chỉ dựa vào chút ít "chính danh" phù Lê mà hầu hết chẳng ai tin, Tây Sơn phải làm gì với 1 nước VN gồm Đàng Trong và Đàng Ngoài phân rã như đã nói trước?

Sự phân chia của Đàng Trong và Đàng Ngoài vốn không giống nhau. Ở Đàng Ngoài, tính chất địa phương nằm ở làng xã và tộc họ. Các làng vốn là 1 số tộc họ sống chung với nhau, kết hôn lẫn với nhau, và trưởng làng chính là người có thế lực nhất trong làng - vua quan dùng họ để quản lý toàn bộ làng xã này. Ở Đàng Trong, quyền lực địa phương phần lớn lại nằm trong kinh tế - những chủ nguồn, chủ thuộc, chủ nhóm người; pha lẫn vào đó là họ tộc ở địa phương sống theo lối nông nghiệp. Như vậy, tạm có thể thấy rằng, nhu cầu ổn định của Đàng Ngoài nằm ở quan hệ với các thế lực địa phương, lợi ích về quyền lực cá nhân, họ tộc; trong khi nhu cầu của Đàng Trong là cân bằng về lợi ích kinh tế, với các tộc người thì cũng là lợi ích quyền lực, nhưng không có tính chất như Đàng Ngoài.

Chúng ta hãy quên đi thứ lý thuyết cho rằng "chỉ cần dân ấm no thì sẽ bình yên", hay "đói kém sinh loạn lạc", dù thực tế thì đói kém sinh loạn lạc thật, nhưng đó chỉ là 1 số toán cướp nhỏ lẻ vốn chẳng làm hại gì được đến ai. Nói cách khác, khi cơ cấu làng xã còn vững mạnh đủ để tạo thành "bức tường" che chở cho cái cốt lõi bên trong thì lực lượng triều đình dễ dàng phá vỡ "bọn cướp" này. Sự tình chỉ trở thành phức tạp khi những thế lực này tự tạo 1 danh nghĩa cho mình như cuộc nổi loạn của nhà sư cuối thời Trần, "Ninh Đông vương" Nguyễn Hữu Cầu hay "sao Ba Ngôi" Phan Bá Vành. Các cuộc đánh dẹp thời Nguyễn đều cho thấy sự kết hợp giữa cơ cấu làng và "cướp". Hay nói cách khác, sự mâu thuẫn quyền lực tại địa phương sẽ dẫn đến chuyện "tiếp lực" cho loạn lạc mà 1 vài kẻ đại diện khởi đầu. Với cơ cấu làng xã họ tộc chặt chẽ của Đàng Ngoài, thực tế mà nói, "dân chúng" chỉ là 1 phần có rất ít tiếng nói - Tư tưởng của họ do người trưởng tộc "tạo thành", đường hướng của họ do người trưởng dẫn dắt, và hành động của họ cũng đều nằm dưới sự lãnh đạo của "người" này - xin hãy hiểu, "người" này là 1 từ phiếm chỉ nói về khá nhiều đối tượng, từ ông trưởng làng cho đến ông trưởng họ, cho đến 1 người nào đó "có tiếng nói". Cho nên, mọi xung động khởi phát cũng đều từ "tầng lớp" này. Mâu thuẫn xảy ra với họ là mâu thuẫn thế lực, quyền lực, địa phương lực. Như đã thấy trong suốt lịch sử VN, chính là việc "triều đình bên Đông thì bên Tây nổi dậy", việc nghiêng lệch thế lực trong triều đình dẫn đến việc địa phương nổi lên.

Ở Đàng Trong, từ cuộc khủng hoảng tiền kẽm cho tới loạn Lê Văn Khôi đều có đặc trưng là sự tham gia của tầng lớp thương nhân bên cạnh các nhóm người dân tộc. Nguyên nhân của các loạn lạc này đều khởi đầu từ mâu thuẫn quyền lực ở tầng lớp quan lại "phía trên" tác động xuống quyền lợi của nhóm người "phía dưới". Như ta thấy hoạt động của nhà nước VN Cộng hòa thời kỳ đầu chính là sự tiếp nối của hoạt động ở Sài Gòn từ xưa, sự kết hợp chặt chẽ của tầng lớp chính trị gia và thương nhân. Trung Quốc cổ có câu rằng "Phú khả địch quốc, quốc tắc suy" - hoàn toàn trái ngược với quan điểm hiện đại cho rằng phải phát triển kinh tế thì nước mới giàu, nhà Minh sụp đổ trong thời kỳ thương nghiệp phát triển rực rỡ nhất, đang trở thành "nghi án" khó giải thích nổi trong giới sử gia. Thật ra, điều này cũng... rất gần với các cuộc nổi dậy của giai cấp bình dân châu Âu thời công thương nghiệp phát triển. Các nhà buôn dựa vào quan hệ với quan chức để vơ vét tài nguyên, đè nén người nghèo - trong nền kinh tế chưa phát triển dư dả để "người nghèo cũng là đủ ăn", nơi 1 nạn đói có thể giết chết hàng triệu người, việc tài sản tập trung vào tay 1 số người đem đến tác hại vô cùng lớn. Đến lượt họ, các quan chức dựa vào thương nhân để lấy tài sản tạo thế lực cho mình, lôi kéo bè phái tạo nên mạng lưới trùm ngày càng rộng. Các thế lực kinh tế này còn có thể ảnh hưởng, kết liên với các thế lực địa phương. Trong xã hội, người nắm tài sản cũng đồng thời là chủ của tầng lớp dưới, như địa chủ với nông dân, chủ nhà với nô bộc. Kết quả, khi có sự xung đột về quyền lực, nó sẽ lôi kéo toàn bộ cái khối này vào cuộc. Với xã hội quân chủ nơi chỉ có 1 quyền lực duy nhất, thế lực kinh tế do đó cũng là duy nhất, là sự lũng đoạn không thể khống chế có thể gây sụp đổ cả 1 cơ cấu - Mà các chính trị gia cổ đại phương Đông phải ứng phó với nó bằng cách thuyên chuyển quan liên tục giữa các địa phương, không cho phép bè phái hình thành.

Như vậy, Tây Sơn khéo thay đã... phá nát toàn bộ cơ cấu này. Các thế lực địa phương họ tộc Đàng Ngoài mất đi sức mạnh của nó vì đã mất người khởi xướng. Các thế lực kinh tế Đàng Trong bị phá hủy hoàn toàn theo nền kinh tế lẫn chính trị xã hội. Tuy vậy, việc phá hủy này chỉ là tạm thời, và khi có cơ hội nó lại mọc lên. Ở đây ta chỉ bàn đến việc Tây Sơn ứng phó như thế nào với thực tế của VN cuối thế kỷ 18.

- Với Đàng Ngoài, Tây Sơn giữ nguyên cơ cấu cũ, thậm chí bắt dân lưu lạc trở về nguyên quán, cho người có thế lực lớn quản làng xã. Ở tầm cấp cao hơn, Tây Sơn dùng lại người của Lê Trịnh, thậm chí có những người "bị buộc ra làm quan". Tuy nhiên, tất cả bọn họ nằm dưới sự kiểm soát của 1 ông "Sát tứ phụ nhi thị lang" Ngô Thì Nhậm mà Ngô gia văn phái dù hết sức tô vẽ tâng bốc che giấu thì họ Ngô cũng chẳng dám thừa nhận + 1 ông lão có tiếng mà không có miếng (thế lực) nào trong núi (Chú ý, trường hợp này khác với cả khi Nguyễn Phúc Ánh đi tìm Võ Trường Toản - người là thầy của hầu hết quan lại Gia Định) + vài ông quan "bị bỏ rơi" khác. Kết quả, khi quân Nguyễn ra Bắc, chính các quan Đàng Ngoài dâng tấu cho Gia Long khi đó đã trở về Huế xin "xử tội những kẻ kia cho biết xấu" - Lại cần chú ý, Gia Long đã dùng lại hầu hết quan lại Lê Trịnh + Tây Sơn, chính những người đã từng ở dưới kẻ bị họ đòi đưa ra xử kia. Như vậy, những quan lại cầm đầu này không hề "được lòng người", cũng như nói lên sự bất mãn của quan lại Đàng Ngoài với Tây Sơn. Đến giai đoạn thứ 2, Ngô Văn Sở ra thay Võ Văn Dũng, rồi Nguyễn Quang Thùy cùng các tướng đã xuất hiện trong trận Trấn Ninh quản lãnh Bắc Thành, cơ cấu lãnh đạo Bắc Thành đều đã chuyển hết sang Quy Nhơn. Điều này có thể đã dẫn đến hệ quả là toàn bộ "thế lực Lê Trịnh" đuổi theo bắt Tây Sơn ngày cuối cùng, ngay cả những bộ tộc người thiểu số ở Lạng Sơn.

Sự quản lý bằng cách phân phong, dùng quân lực áp chế chặt chẽ cũng cho thấy tính hiệu quả của nó khi "gọng kềm sắt" còn vững vàng, nhưng chỉ cần lơi lỏng là thấy ngay hậu quả. Triều Nguyễn cuối thời Lê Chất cũng đã cho thấy kết quả này, khi chỉ cần mất đi "bàn tay sắt" quản Bắc Thành, loạn lập tức bùng nổ - và cũng dưới sự quản lý của 1 ông Quy Nhơn. Sự việc này đã khiến Minh Mạng cải tổ lại toàn bộ cơ cấu hành chính, khởi nguồn từ Bắc Thành - và cơ cấu mới này chứng tỏ sự vững vàng của nó ngay cả trong loạn lạc Lê Văn Khôi, đánh dẹp tan toàn bộ các lực lượng dai dẳng hàng mấy chục năm mà Gia Long không dẹp được. Để rồi sau này đến tận cuối Pháp thuộc, VN chưa bao giờ thấy lại các cuộc nổi dậy có quy mô lớn đến vài tỉnh thành như trước. Thật ra, việc này có cốt lõi rất đơn giản: Thắt chặt quyền lực trung ương và tiêu giảm quyền lực địa phương - ngay cả trong ý thức.

Nhưng để thực hiện điều này cần đến cơ-cấu và trật-tự, thứ mà Tây Sơn chưa bao giờ có. Lực lượng này liên tục phản bội, tranh đoạt, đấu đá nhau, là nơi mà tính cá nhân bị đẩy đến mức độ cực đoan, nơi mà ai cũng chỉ e "đứa kia" có phần lớn hơn thì sẽ quay lại giết mình. Một triều đình chắp vá không biết dùng ai tin ai, chỉ có cách tự xé nhỏ mình ra để tùy thời ứng biến. Trong môi trường đó, các thế lực địa phương cũ chỉ cần chút ít thời gian và không gian đã có thể rục rịch sống dậy, được hận thù mới cũ tiếp sức, bùng phát vào bất cứ lúc nào.

- Ở (một nửa) Đàng Trong, Tây Sơn của cả Nguyễn Nhạc lẫn Nguyễn Huệ đều có vẻ không hề muốn xây dựng lại nền kinh tế. Hơn 10 năm trời nằm dưới quyền Nguyễn Nhạc, Hội An không được đặt thêm 1 viên đá. Phú Xuân dưới thời Nguyễn Huệ chỉ còn vài chục thương nhân, đến khi Gia Long trở lại mới xây cái chợ Quy Lai thị tiền thân của chợ Đông Ba gọi thương nhân "trở về". Nguyễn Huệ thậm chí xin Trung Quốc mở nơi buôn bán chứ không muốn xây dựng cảng thị ở VN. Điều này có thể phản ánh tâm lý lo ngại của Tây Sơn với chính lực lượng thương nhân này. Cho nên xung đột với thương nhân có thể bỏ qua (còn đâu mà xung đột). Ở đây vấn đề chỉ là thù oán quá sâu sắc của người Thuận Quảng và Tây Sơn, dù họ chưa bao giờ thực hiện được cuộc nổi dậy lật đổ nào thì vẫn ồ ạt theo về với những đợt tiến quân của quân Nguyễn. (Thật ra việc không thực hiện nổi cuộc nổi dậy nào cũng đã cho thấy khá nhiều rồi). - Theo nhận xét vô cùng ngắn gọn của các chứng nhân ngoại quốc - Cochinchina tan tành vì cuộc nổi dậy cuối thế kỷ 18.

Khi lừa dân Thuận Quảng hết lần này đến lần khác, Nguyễn Huệ tỏ ra chưa bao giờ để tâm thực sự đến vùng đất này để tìm cách "lấy lòng" nó. Do đó, nói về phương cách Tây Sơn quản lý Đàng Trong có hơi thừa chăng?

Chỉ là quay ngược lại đoạn khởi đầu, Tậy Sơn dùng thương nhân rồi diệt thương nhân, dùng Trịnh rồi diệt Trịnh, tôn Lê rồi diệt Lê, tôn Nhạc rồi hạ Nhạc. Một quá trình liên tiếp xảy ra để rồi đến lúc họ không thể (và không đủ can đảm) dùng bất cứ lực lượng nào trong đó, không thể tin bất cứ ai. - Từ đó, họ đưa ra những quyết định và cách thức dần dần đẩy chính mình vào tuyệt lộ, từ chuyện cá nhân cho đến chuyện quốc gia. Trong 1 đất nước tan vỡ và phân rã, cách thức này tuyệt nhiên không đem lại lợi ích nào.




TS – LC&ĐV – 6
Friday, November 24, 2017 Author: Trường An

II-3: Lực lượng

Nhân nói đến chuyện "cải cách", thì 1 vấn đề thâm-căn-cố-đế trở lại: Sự thiếu hiểu biết về kiến thức nhân-loại nói chung đã khiến sử học VN có những nhận định rất "buồn cười". Xa xa thì có Hồ Quý Ly "cải cách đột phá" khi dùng tiền giấy đã được sử dụng ở TQ 500 năm trước, gần gần thì có Nguyễn Huệ "học theo Chu Tử" là tân tiến văn minh, gần nữa thì là muôn vàn chuyện phét lác về "học hỏi Tây dương" kiểu chiếc đèn treo ngược. Thậm chí lời Khổng Tử, Chu Tử, aka các ông Tử được vài bậc danh nhân nhà ta trong lúc thuận miệng đọc lại cũng trở thành... bài thi phân tích tư tưởng chói ngời hiện đại đột phá của "danh nhân nhà ta" (thật ra đây cũng không phải lỗi của danh nhân, ai biết "đời sau" của mình nó lại... không hiểu biết bằng mình).

Cho nên trong cái nền lịch sử VN hỗn độn địa phương cá nhân nọ, đôi khi tự nhiên lại nổi lên vài "ngôi sao cải cách" chói ngời vượt qua cả không gian thời gian thế giới vũ trụ, và bị "thực tại phũ phàng" nuốt chửng. Thật ra ngoài chuyện "không hiểu thế giới" thì còn 1 vấn đề nữa là... không hiểu cả chính mình luôn. Hậu quả của tư tưởng thuộc địa đầu thế kỷ 20, ai ai cũng chắc mẩm rằng "tổ tiên nhà mình" là 1 cộng đồng gì đó vô cùng "tách rời khỏi thế giới" nhưng lại hay... đột biến gien sinh ra thiên tài, những người ở trong cái cộng đồng "hủ lậu khép kín" nhưng mang tâm tư của... anh hùng đột biến xuyên không. Nghĩa là, bất chấp mọi môi trường phát triển, mọi hoàn cảnh xung quanh, mọi kinh lịch xã hội, mọi văn hóa thế giới thế thời, "tư tưởng tân tiến tân thời" nọ lao từ đâu xuống thì... cứ hỏi ông giời.

Trong phạm vi bài này thì không đủ đất để mà nói về chuyện văn minh thế giới hay khu vực, nhưng chỉ nhắc lại 1 chuyện rằng: Trình độ thương nghiệp của Đàng Trong vô cùng phát triển, và ngay từ thế kỷ 16, các ông giáo sĩ đã khen ngợi hết lời về sự cởi mở của dân Đàng Trong. Các chúa Nguyễn cũng liên tục sử dụng giáo sĩ Tây dương để làm việc, chúa Nguyễn Phúc Chu thậm chí còn học toán và thiên văn từ các giáo sĩ. (Lại có 1 chuyện cần nói, các chúa Nguyễn cũng chẳng phải sản phẩm của đột biến gien, cùng thời gian thì bên xứ TQ, Khang Hy cũng tập hợp giáo sĩ dạy thiên văn địa lý, vua Xiêm bên nước Đại Thành có 1 ông quan Hy Lạp, cử sứ thần sang Pháp, thương nghiệp Đông-Tây bên Miến Điện đông đúc như trẩy hội... Tất cả những bài ca "bế quan tỏa cảng" lẫn hâm dở này nọ kia đều do "bọn Tây" nói phét ra đấy). Chuyện tôn giáo thì phần lớn nằm ở lý do tôn giáo hoặc do những đợt tấn công của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan vào các đảo quốc châu Á xung quanh gây chuyện - Nói chung, là do phản ứng với "thế lực gây nguy hiểm" chứ chả phải do tư tưởng gì.

Cho nên, Nguyễn Phúc Ánh sinh ra trong 1 môi trường như thế, nơi mà khi Lê Quý Đôn vào còn vớt được 1 ông Tây sống ở Phú Xuân làm nghề sửa đồng hồ, 1 ông "đi Tây về" cái gì cũng biết sửa biết làm. Sự tiếp nối "truyền thống" này được phát huy ở Gia Định, khi Nguyễn Phúc Ánh được tiếp xúc với 1 nguồn lực mới mẻ hơn: Người Pháp, 1 trong các quốc gia đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần I, vào đúng thời gian đỉnh cao của cuộc cách mạng này. Tư tưởng Nho giáo, sự kết hợp của "Tam giáo đồng quy", dù không tương hợp với các tôn giáo nhưng không đến cái mức "nhìn nhau như cừu thù" đã khiến Gia Định nói riêng, miền Nam nói chung là cái nôi cho đủ loại tôn giáo cho đến tận ngày nay. Cho nên Nguyễn Phúc Ánh 17 tuổi đã đi theo Bá Đa Lộc làm thuyền chiến 2 tầng, thu nhận vào quân mình 1 đám người chả cần biết xuất thân xuất xứ, cũng như Minh Mạng sau này có học toán, thiên văn hay viết chữ latinh cũng là chuyện vô-cùng-bình-thường khi nhìn vào môi trường phát triển này.

Nhưng vào bối cảnh VN, nơi mà tính địa phương nhỏ lẻ vẫn còn cao độ, thì 1 đàng ở Gia Định ta thấy Nguyễn Phúc Ánh nhận người Pháp, 1 đàng ở phía Bắc ta thấy Nguyễn Huệ viết chiếu rủa xả "Bọn Tây dương trắng nhợt như xác chết trôi". À thì, dù nói thật ra trước đó người VN thường chỉ tiếp xúc với người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha da ngăm tóc đen mắt đen - thì Đàng Ngoài vẫn còn người Anh, Hà Lan. Chính Tây Sơn vẫn có lúc lôi kéo 1 đoàn sứ thần Anh. Giáp điệp Nguyễn Nhạc tung vào Gia Định tung tin người Tây làm phép dọa người. Một lần nữa, ta chả biết Tây Sơn hay Nguyễn Huệ có kỳ thị gì hay không, chỉ thấy rằng họ tiếp tục nhắm tới kích động sự kỳ thị và thù hằn nằm trong 1 số người với "nhân tố lạ bên ngoài". Hay nói cách khác, sự tiếp nhận giao thương và tiếp xúc văn hóa nằm ở 1 số "thành phần tinh anh", còn số khác vẫn là lối sống và suy nghĩ cũ, có thể họ cũng sẽ tùy thời thay đổi cái nhìn - Hoặc như ông con lai J. Baron chua chát nói về tư tưởng dân Đàng Ngoài: họ ghét đi ra ngoài, kỳ thị bất cứ thứ gì ở bên ngoài (nghe có vẻ như tuổi thơ của ông ở Đông Kinh cũng không được vui vẻ cho lắm).

Mà điều này thì... có vẻ cũng đúng khi mà Nguyễn Huệ đang muốn đem quân miền Bắc đánh xuống Gia Định. Số quân Thuận Quảng có vẻ không đáng kể khi mà Nguyễn Huệ lên tiếng mắng mỏ hết "tên Chủng" này đến "tên Chủng" kia, rồi "dân Gia Định nhút nhát giờ lại nổi lên" đến "bọn chết trôi biển Bắc dạt xuống". Lời chiếu này 1 lần nữa xác lập tư tưởng của Tây Sơn: Hoàn toàn không coi Gia Định là 1 phần "của mình", và kích động mối thù hằn hay khinh ghét giữa các vùng miền, sự kỳ thị với thành phần "bên ngoài" xa lạ và hỗn tạp mà đại diện là "Gia Định" - nơi có vô cùng nhiều sắc dân "ngoại quốc" sinh sống. (Làm 1 phép so sánh, dù trong thời Nguyễn vùng Thanh Nghệ có nổi loạn liên tục thì cũng chả ông nào rống lên "đồ dân Thanh Nghệ ngang ngược giờ lại nổi lên" trong đoàn quân đi bình định).

Như đã nói trước, Tây Sơn lớn mạnh và phát triển từ những mâu thuẫn, thù hằn, kỳ thị và xung đột, họ rất giỏi trong việc khuấy động những thù hận này, lợi dụng nó để lấy phần lợi cho bản thân. Nhưng chơi dao lắm có ngày đứt tay, hay nói cách khác là Nguyễn Huệ không nhận ra rằng vị thế của mình đã ở đâu: Là hoàng đế của 1 quốc gia chứ không phải chủ tướng của 1 nhóm người địa phương. Ngày xưa Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành cũng phải kể 91 tội của vua Chiêm chứ nào phải kiểu "ta ghét ta đánh", "nó chống ta nên ta đánh". Và khi "ta" ở đây là 1 triều đình mới lập chưa có thành tựu ơn nghĩa sâu dày gì, thì thật ra không lấy làm lạ khi Nguyễn Huệ cuối cùng đành vời đến Nguyễn Nhạc để kiếm đường đi đến Gia Định. Còn dân Gia Định trước đó còn than trời than đất oán trách Nguyễn Phúc Ánh đổ cho họ 1 đống việc, 1 đống thuế thì sau đó... im lìm ngoan ngoãn hết mực.

Như vậy, quay lại với điều đang nói ban đầu, thì xét cả về môi trường, hoàn cảnh lẫn biểu hiện, Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc của Tây Sơn đều cách cái hình tượng "ngôi sao cải cách" của những sử gia tân thời hơi bị xa xôi. Là những thương nhân trên vùng núi Quy Nhơn, họ có điều kiện tiếp xúc với "bên ngoài" - nhưng chỉ hạn chế trong giới thương buôn Trung Quốc, Đài Loan (có thể cả Nhật Bản). Với người Tây và tôn giáo của họ, Tây Sơn không kỳ thị nhưng cũng không chào đón - Nguyễn Nhạc có thể kêu gọi giáo dân vào 1 thời điểm nào đó, rồi lại thu thuế họ, Nguyễn Huệ cũng dùng họ rồi lại dồn ép họ. Như các thương nhân, Tây Sơn sử dụng các "điều kiện bên ngoài" như 1 món hàng, khi cần giáo dân thì gọi giáo dân, khi cần thương buôn thì gọi thương buôn, khi cần người Đàng Ngoài thì "theo ông Chu Tử", khi đánh Quy Nhơn thì kể tội "giết vua", khi cần đánh Gia Định thì "1 bọn chết trôi"...

Vì chuyện "nhạc nào cũng nhảy" này, thật ra khó mà xem xét tư tưởng thật sự của Tây Sơn là gì. Tuy nhiên, xem xét cả quá trình - khi mà thời gian Tây Sơn và Nguyễn Phúc Ánh xây dựng lực lượng thật ra cũng tương đương với nhau: Khi mà Nguyễn Phúc Ánh ở Gia Định, sau khi Cù lao Phố bị đốt cháy, thương nghiệp bị hủy hoại, đã đưa thương nhân đến Sài Gòn để xây dựng lại từ đầu, bước đầu thu nạp được Mãn Noài cùng mua được vài thuyền Tây khác, tự chế tạo thuyền kiểu mới cho mình - Thì trong cùng thời gian, Tây Sơn đi thu được 1 bọn hải tặc TQ về "đào tạo"; Hội An bị phá, Nước Mặn không dùng được, đoàn thuyền Anh đi mất hút, Tây Sơn... cướp được tàu Bồ Đào Nha, dìm chết chủ thuyền. Thời kỳ thứ 2, Nguyễn Phúc Ánh về Gia Định lần này còn tan hoang hơn, mở khoa thi thu nhận người Gia Định làm quan, tìm mua vũ khí, xây dựng lại thương nghiệp - Thì đến năm 1792, năm Nguyễn Huệ chết, Tây Sơn mới chỉ chùng chình ý định dùng vài ông giáo sĩ thử kêu gọi thuyền đến (mà chả ông nào muốn đi), khoa thi thì đến lúc Quang Toản thua chạy mới mở; việc chính Tây Sơn làm là... đi đánh Vạn Tượng và hoạch định đánh Thanh, đánh Gia Định. Trong hơn 20 năm nằm dưới quyền quản lý của Tây Sơn, thương cảng Hội An - Đà Nẵng phồn hoa 1 thời đến tận 1798 vẫn tan hoang tiêu điều khốn khổ, chả có gì được dựng xây tái tạo. Ngay cả ở trong quyền quản lý của Tây Sơn, cảng thị Nước Mặn - Thị Nại từ đó cũng hoang phế không bao giờ phục hồi lại nổi.

Nhưng Tây Sơn quét sạch Gia Định, Phú Xuân nhờ đội thuyền bọn hải tặc TQ chỉ huy, đánh ra Đàng Ngoài nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh, vét sạch kho tàng họ Trịnh đem về Phú Xuân. Thật ra, năm xưa Trịnh đánh Mạc, dân Nghệ An chết đói chỉ còn 1/10, Đông Kinh bị đốt sạch thì... đã có làm sao? Cơ cấu địa phương được 1 điểm rất có ích cho chính quyền trung ương: Chỉ cần có 1 lực lượng đủ mạnh để "khống chế tầm gần, tấn công tầm xa" - nói cách khác là đủ để tiêu diệt "địa điểm nổi loạn" nào đó, thế là đủ. Những địa phương bất mãn rải rác dễ dàng bị khống chế trong tầm ngắm, một khi đã thu được quyền lực ở trung ương và có 1 đội quân đủ mạnh. (Ví dụ dễ dàng nhận thấy nhất là nhà Thanh ở Trung Quốc - một khi chính quyền trung ương nhà Minh tan rã, không thể kết nối nổi 1 lực lượng đủ mạnh, quân Thanh cứ thế ăn dần dù người Hán có căm ghét triều đình này đến mức nào. Sau đó, vào thời dân quốc, khi chính triều Thanh đã mất quyền khống chế với các địa phương, TQ đã trở thành "mồi ngon" của các thế lực bên ngoài như thế nào).

Nhìn cả 1 quá trình thì có thể dễ dàng nhận ra: Chẳng gì tự nhiên mà có. Môi trường của Nguyễn Phúc Ánh tạo nên vị vua của 1 chính quyền trọng thương nghiệp, thủy chiến, kết liên và mở rộng bang giao. Môi trường của Tây Sơn sinh ra anh em Nhạc Huệ giỏi việc tập hợp các băng nhóm "tứ cố vô thân", đầu cơ trục lợi và "lấy của người thành của mình" - Liên tưởng hơi xa, có thể nghĩ tới các cuộc chiến tranh của nhà nước Chiêm Thành thời xa xưa, khi không sản xuất được thì họ cướp bóc, lúc thì lập cả đoàn hải tặc trên biển, lúc thì tấn công các nước xung quanh.

Và một khi cái thế lực này nắm quyền cai trị 1 quốc gia, cũng không ngạc nhiên khi thấy các kế hoạch chiến tranh mới được hoạch định bất chấp "xứ Thanh không còn 1 bóng người". Dù đã sát nhập vào mình cái phần "hoạch định chiến lược" của các sĩ phu Nho giáo miền Bắc, biết là muốn lập quốc phải lo kinh tế, giáo dục, nhưng những lời Nguyễn Thiếp nói thì Lê Quý Đôn (cùng người đương thời) đã ca cẩm hàng mấy chục năm trước, còn đường lối thì... chưa thấy đâu. Rồi một khi chính quyền đã chìm trong tranh chấp, thì... thương cảng sát sườn quan trọng nhất vùng là Hội An Đà Nẵng vẫn tiêu điều hoang vu khốn khổ như ngày nó bị đốt, miễn nói tới các vùng khác.

Kể ra mà nói, thì các quan Gia Định mà Nguyễn Phúc Ánh thu gom được có số rất lớn là người Minh Hương, hoặc lớn lên trong môi trường công thương, dòng dõi của các thương nhân phú gia. Ngoài ra, ngay cả người Pháp đến Gia Định cũng là được Bá Đa Lộc cùng các thương nhân dùng tiền chiêu mộ đến. Còn tầng lớp "sĩ phu Đàng Ngoài" mà Nguyễn Huệ quy tập được thì chỉ có đại diện 1 ông sĩ phu lánh đời trong núi, 1 ông quan giỏi chèo khéo chống trong thị phi triều đình, những "thế gia vọng tộc" ăn lương nhà nước ngồi viết văn mà Nguyễn Hữu Chỉnh còn mỉa cho "hạng nhà Nho nói phét". Mà chẳng biết có nói phét hay không thì lớp sĩ phu này cũng bị thổi bay sạch trong xung đột sau khi Nguyễn Huệ chết.

Nói chung, hiện tại là sự thừa hưởng tiếp nối của quá khứ. Tây Sơn của Nguyễn Huệ đã thừa hưởng cái "cơ đồ" của Lê Trịnh, chính những con người, mảnh đất, thế lực, lực lượng, gia tài mà Lê Trịnh bỏ lại. Hỏi thật, một khi chúa Trịnh đã thất bại, vua Lê thua thảm thương với những con người đó, thì sự "đột biến gien" nào có thể biến họ thành bậc thiên tài trị quốc an dân? Kết quả thì họ cũng chỉ có thể quẩn quanh "về với ông Chu Tử", tranh giành đấu đá với nhau cho đến ngày tất cả chết hết. Ngay cả trong triều Nguyễn, các ông "sĩ phu" cũng bị Lê Chất 1 đòn quật bay hết sạch, kết quả chỉ ngẩng mặt nhìn trời ai oán kiểu Thanh Hiên Hồng Lĩnh than thở cho "ta có tài mà trời phụ ta" được mà thôi. Ờ...

Sự kết hợp của tầng lớp tướng lĩnh xuất thân từ rừng núi Quy Nhơn mang đầy tính tộc họ địa phương bè phái và tầng lớp quan lại Bắc Hà "sống như 600 năm trước", cộng thêm lực lượng lâu nhâu của những kẻ gió thổi chiều nào bay theo chiều ấy, thể hiện thành lời chiếu đánh Gia Định "vô cùng đặc sắc" của Nguyễn Huệ. Tất nhiên, chiếu này cũng chẳng phải Nguyễn Huệ tự viết đâu, nhưng nó là "tiếng đồng lòng" của cả 1 triều đình gửi đến cho "chúng dân toàn đất nước".

Từ "đen răng dài tóc" cho tới "bọn xác chết trôi", từ "đánh chúng không còn manh giáp" đến "bọn dân Gia Định nhút nhát lại nổi lên", thật ra là có cùng 1 bản chất.




TS – LC&ĐV – 5
Monday, November 20, 2017 Author: Trường An

II-2. Phân rã

Thật ra, khi nói Tây Sơn không đại diện cho thành phần nào, thì vẫn còn 1 thành phần: Những người chả trung thành với ai, chả phù Lê, Trịnh hay Nguyễn. Trong cuộc khủng hoảng quyền lực nhiều thế kỷ, thành phần này thật ra chiếm số lượng khá đông đảo. Họ đại diện cho sự đổ vỡ niềm tin, đổ vỡ lòng trung thành lẫn không hề có 1 "nguồn cội" nào. Ví dụ như chính anh em Tây Sơn là hậu nhân của tù binh bị chúa Nguyễn đưa đến Quy Nhơn - hỏi rằng họ theo Nguyễn hay theo Trịnh, Lê, hay thậm chí là Chiêm Thành? Hỏi họ rằng khái niệm quốc gia là gì, đạo lý là gì? Hay những viên quan dưới triều Lê Trịnh nhìn chúa Trịnh bức tử vua Lê hết lần này đến lần khác, họ coi lòng trung thành là gì?

Cái họ biết, cái họ tin, chỉ là lợi ích của bản thân - từ chúng dân hết sức bình thường cho đến quan đến tướng. Với ai đó có chí hơn một ít thì là chí khí của-mình, ước vọng của-mình. Kết quả, điều khiến họ gia nhập Tây Sơn thường chỉ nhằm 2 mục đích: 1. Đem lại quyền lợi cho mình. 2. Hy vọng sự thay đổi (để thực hiện ước vọng của mình).

Kết quả, nếu theo dõi lịch sử sẽ thấy lực lượng quân Tây Sơn liên tục biến đổi, có những người chỉ xuất hiện trong 1 thời điểm rồi "mất hút".

Ví dụ như ông giáo Hiến, người đã xây dựng hầu hết kế hoạch "làm phản" cho Tây Sơn lúc khởi đầu - Ông giáo này thật ra lại có liên hệ rất vi diệu với... cha của Nguyễn Phúc Ánh. Và "sau lúc khởi đầu", cái tên này đã hoàn toàn biến mất trong Tây Sơn.

Ví dụ như Đỗ Nhàn Trập - người thực sự tạo ra chiến bại liên tiếp cho Nguyễn Phúc Ánh ở Gia Định, đưa quân dồn đuổi Nguyễn Phúc Ánh khắp vùng biển Xiêm La. Ngay cả chiến thắng của Tây Sơn ở Rạch Gầm Xoài Mút cũng có sự góp mặt quyết định của 1 người thuộc quân Nguyễn lập mưu. Đỗ Nhàn Trập là thuộc hạ của Đỗ Thanh Nhơn, người bị Nguyễn Phúc Ánh giết chết. Và sau trận chiến Gia Định, cái tên này cũng biến mất trong lịch sử.

Và cộng thêm vào đó là những lực lượng tham gia rồi trở mặt như quân Hòa Nghĩa, quân Lương Sơn, Nguyễn Hữu Chỉnh... Tất cả bọn họ tham gia Tây Sơn vì muốn lợi dụng - sử dụng lực lượng này mưu lợi cho mình, thực hiện mưu tính của mình, hoặc vì... bị lừa. Và khi Tây Sơn không thực hiện đúng lời hứa, hoặc khi cảm thấy không còn lợi dụng được nhau, nhóm người này bỏ đi.

Khi Tây Sơn ra Bắc, họ tiếp tục thu nhận được những người được gọi là sĩ phu "thất chí" trong triều Lê Trịnh. Ngô Thì Nhậm vì việc "sát tứ phụ nhi Thị lang" bị Trịnh Khải đuổi, Võ Văn Dũng bị tống giam vì "có cảm tình với Tây Sơn", và rồi khi Tây Sơn nắm được quyền lực thì cái lớp sĩ phu phần lớn "chả biết trung thành với cái gì" trong hàng thế kỷ này gia nhập - 1 phần vì "để bảo toàn gia đình" như anh trai Nguyễn Du, 1 phần vì cơ hội thăng tiến, cơ hội thay đổi, vân vân và vân vân. Tất cả tạo thành hoạt cảnh cho câu ca "Lê triều tiến sĩ nhị thập tứ. Bát chân, bát ngụy, bát chân ngụy" nổi tiếng trong ngõ ngoài nhà.

Thật ra, tính chất "ô hợp" này không phải là điều gì đáng nói - khi nó là kết quả tất nhiên của 1 lịch sử khủng hoảng toàn diện về niềm tin và đạo đức. Khi người ta không biết tin cái gì, người ta sẽ tin vào sự thay đổi - với 1 hiện trạng gây bất mãn, kẻ dám đứng lên phản kháng ít nhiều sẽ được ủng hộ vào thời kỳ đầu.

Cái vấn đề chính ở đây - là Tây Sơn không hề xây dựng được loại danh nghĩa nào cho mình. Do đó, nhóm người tụ họp dưới trướng của Tây Sơn vẫn mang thứ bản chất mà họ có - vì-mình hơn hết thảy. Họ đi theo Tây Sơn chẳng phải vì bất cứ đạo nghĩa hay lý tưởng nào của đoàn quân - triều đình này. Và Tây Sơn càng không xây dựng được thứ quyền lực tối cao đại diện cho lòng trung thành như nhất, khái niệm 1 quốc gia thống nhất để người ta theo - khi tự xé nhỏ mình ra thành "chế độ nhà Chu", khi anh em đánh nhau phân chia đất nước. Vậy là, sự phân rã của Tây Sơn nhìn theo chiều dọc là 2 khía cạnh:

-1- Phân rã về tư tưởng: Như đã nói trước, Tây Sơn hết phù ông này đến thế lực nọ để đánh ra phát triển lên. Nhưng khi nhận tước phong của vua Lê, Tây Sơn ít nhất vẫn còn giữ được 1 danh nghĩa: Quy Nhơn. Cuộc chiến của Nhạc - Huệ đã phá vỡ danh nghĩa cuối cùng này, có nghĩa là đã đẩy đội quân của Nguyễn Huệ thành đội quân "xa lạ" trên tất cả các phần đất còn lại của VN. Sự phân rã xảy ra trong đội quân của Nhạc - Huệ, biểu hiện thành như khủng hoảng tại Gia Định, Nguyễn Văn Duệ, Vũ Văn Nhậm bị Nguyễn Huệ giết chết, là sự bắt đầu của cuộc khủng hoảng xa hơn nằm tại Quy Nhơn sẽ bùng nổ trong thời Quang Toản.

Nguyễn Huệ khi quay lại đánh Quy Nhơn cũng đã nghĩ đến việc tạo lập 1 "danh nghĩa" cho mình. Lời chiếu "Không tội gì to bằng giết vua" mà các sử gia thường đổ cho "ông thư lại trước là thuộc hạ triều Nguyễn" thực ra không đơn giản như vậy. Lời chiếu này được Nguyễn Huệ sử dụng, do đó hoàn toàn nằm trong ý muốn của Nguyễn Huệ - Đẩy tất cả "tội lỗi" tiêu diệt triều Nguyễn cho Nguyễn Nhạc. Nên nhớ, khi này Nguyễn Huệ đang cầm quân mộ từ Thuận Quảng đi đánh xuống Quy Nhơn. Cũng như Nguyễn Nhạc năm xưa, Nguyễn Huệ đang tìm cách kích động lòng thù hận của số người "phù Nguyễn" trong cuộc chiến của mình. Đồng thời, là đẩy toàn bộ trách nhiệm các hành động năm đó cho Nguyễn Nhạc - chỉ như vậy nhóm người của Nguyễn Huệ mới có thể ở lại Thuận Quảng.

Nhưng cuộc chiến ở Bắc Hà đã đưa Tây Sơn của Nguyễn Huệ đi vào 1 chiều hướng khác. Lê Chiêu Thống sử dụng Nguyễn Hữu Chỉnh diệt tàn quân Trịnh, củng cố lực lượng để đòi lại Nghệ An bị Tây Sơn chiếm giữ. Nguyễn Huệ liền cho Vũ Văn Nhậm đánh ra tiêu diệt triều đình của Lê Chiêu Thống, đuổi vua Lê chạy khắp miền Bắc - Cuộc chiến này được ghi dấu trong các ghi chép lịch sử như 1 chuỗi cuộc tàn sát, phá hoại, triệt hạ mà đội quân Vũ Văn Nhậm thực hiện trong cuộc truy lùng vua Lê, để rồi khi ra Bắc, Nguyễn Huệ phải đem Vũ Văn Nhậm làm tốt thí giết chết để xoa dịu người Đàng Ngoài. Tuy vậy, Nguyễn Huệ vẫn phải lập hoàng tử nhà Lê làm Giám quốc chứ không thể chính danh chiếm Bắc Hà. Cuộc tấn công của nhà Thanh dưới danh nghĩa Lê Chiêu Thống, ngược lại, tạo điều kiện cho Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế chính danh.

Và khi đã lên ngôi hoàng đế, đã mang danh "phù Lê", Nguyễn Huệ đã có thể vứt bỏ cái tiếng "phù Nguyễn" - cho triệt hạ toàn bộ lăng mộ nhà Nguyễn tại Phú Xuân, quên lời nói "không tội gì lớn bằng giết vua" như chưa từng tồn tại. Tư tưởng của Nguyễn Huệ lúc này rất rõ: Tiến ra phía Bắc. Thái độ của dân chúng vùng Thuận Quảng đã chẳng còn quan trọng.

Có lẽ việc hội quân ở Nghệ An đánh Thanh đã khiến Nguyễn Huệ mang hơi nhiều ảo tưởng về đất "quê cũ" này. Triệt hạ lăng mộ Nguyễn tại Phú Xuân, đổi tên Đông Đô thành Bắc Thành, tất cả các vùng "kinh đô" cũ đều bị hạ để chuẩn bị cho 1 kinh đô mới ở Nghệ An. Nhưng Bắc Hà bị đói, xứ Thanh có nơi không còn 1 bóng người. Và có lẽ, các cuộc tấn công của Vạn Tượng - trong thời gian này là đi cùng sức ép của Xiêm La - đã khiến Nguyễn Huệ hiểu ra vùng Nghệ An có khi chẳng phải là "đất lành" như đã tưởng.

Việc chuyển về Nghệ An bị hoãn, thế là Tây Sơn của Nguyễn Huệ kẹt lại tại Phú Xuân, trong vùng đất đã "lỡ" bị lừa đến 2 lần. Để đến ngày đứa trẻ chăn trâu thấy quân Tây Sơn cũng chạy về mách cho quân Nguyễn.

Chưa kể đến Thanh Nghệ là "đất nóng" của lịch sử, là nơi hoàng thân nhà Lê tụ họp nổi dậy từ suốt thời Mạc, Trịnh cho đến Nguyễn. Trong cuộc chiến của mình, Nguyễn Phúc Ánh cũng sử dụng Thanh Nghệ như cái "chìa khóa" cầm chân đội quân ở Bắc Hà, tấn công đội quân Quang Toản bại trận ở Trấn Ninh. Nghệ An cũng là nơi xuất thân của nhiều dòng họ khoa bảng Lê Trịnh chẳng kém gì vùng Kinh Bắc - ví dụ như làng của Nguyễn Du cùng anh trai của ông bị đốt giết ngay dưới thời Nguyễn Huệ.

Nhân nói đến Kinh Bắc, cần nhắc nhớ đây là quê ngoại của công chúa Ngọc Hân - sau này là cả Ngọc Bình. Và cuộc xung đột trong triều Lê Trịnh có thể rất liên quan đến vùng đất này. Đặng Thị Huệ là người Kinh Bắc, và cuộc thay đổi vị trí thái tử triều Lê mà chúa Trịnh khởi đầu, sau này Ngọc Hân bị đẩy ra làm danh nghĩa có khả năng liên quan đến mối quan hệ Kinh Bắc - Thanh Nghệ này. Chúa Trịnh không muốn có 1 ông vua Lê có họ ngoại quá mạnh, Đặng Thị Huệ cùng Quận Huy đã kiềm giữ đội quân Thanh Nghệ để bị giết, Nguyễn Huệ chắc chắn cũng không muốn lập vua Lê "cạnh tranh" vùng thang mộc của mình. Kinh Bắc là nơi rất nhiều trung thần nhà Lê sinh sống, nhưng nằm ở vị thế dễ kiểm soát hơn hẳn Thanh Nghệ. Khi Quang Toản bị đẩy ra Bắc Hà cũng đã xây dựng hành cung phụ trợ nơi đây.

Kết quả, "chiến thắng lẫy lừng" đi qua, Nguyễn Huệ phải đối mặt với 1 Bắc Hà đói kém, vùng Nghệ An rối loạn, kinh tế suy sụp và... không biết trú chân nơi đâu - Kết quả của cuộc "khủng hoảng danh nghĩa" sau quá nhiều lần mượn danh và trở mặt. Ở miền Bắc, dù sao Tây Sơn vẫn ít "nợ máu" hơn ở Thuận Quảng, tội lỗi ngày truy sát vua Lê đã được đẩy hết cho Vũ Văn Nhậm. Vậy là, để tiến ra Bắc, lá cờ "phù Lê" một lần nữa lại giương lên qua cô công chúa quê Kinh Bắc. Và người VN được cái là "lòng ái quốc" rất lớn, chỉ cần có xung đột với nước ngoài là tự nhiên hăng hái - vậy là 1 cuộc chiến mới được hoạch định, đặt dân chúng vào tình thế "không đứng cạnh nhà nước thì mất nước".

Và rồi, tư tưởng "hướng Bắc" này lại đưa đến kết quả phân rã nguy hiểm hơn: Vùng miền.


-2- Phân rã về vùng miền: Về cơ bản, quân Tây Sơn có nòng cốt là nhóm người Quy Nhơn. Tuy nhiên, trong thời Quang Toản, ta lại thấy sự "tung hoành" của 1 ông người Hải Dương: Võ Văn Dũng - đồng thời là sự biến động liên tục trong nhóm người này tại Bắc Thành. Dù thông tin về cuộc tranh chấp này khá rời rạc, vẫn có thể nhận thấy vài điều cơ bản:

Khi Nguyễn Huệ chết, có thông tin về sự tranh chấp của quan trong triều chọn lựa giữa 2 người con là Quang Thùy và Quang Toản. Trong đó, Quang Thùy chính là người quản Bắc Thành trên danh nghĩa, theo "phân phong kiểu chế độ nhà Chu". Quang Toản có họ ngoại dòng dõi Bình Định - 1 ông thái sư Bùi Đắc Tuyên nào đó mà suốt thời Nhạc Huệ chưa bao giờ nghe thấy tên. Kết quả, phe Bình Định thắng, hất Ngô Thì Nhậm vào chùa tu.

Ngô Văn Sở là thân tín của Bùi Đắc Tuyên, và lực lượng này còn đủ mạnh để "giải giáp" Quy Nhơn, bức Nguyễn Nhạc thổ huyết chết. Nhưng ở đây ta lại thấy rất ít sự phản kháng trong hàng ngũ tướng Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc, nhiều trong số đó như các vị họ Lê - Lê Trung, Lê Văn Thanh...- quay vào trong quân Ngô Văn Sở. Một lần nữa, tính địa phương được phát huy ở đây, mà... "vua" là cái gì? Quang Bảo muốn "làm phản" và bị các thuộc hạ cũ của cha mình nhấn nước chết ngay tại chỗ. Một số thuộc hạ của Quang Bảo - Nguyễn Nhạc chạy thẳng về phía chúa Nguyễn.

Khi lực lượng Quy Nhơn này đến lúc cực mạnh thì Ngô Văn Sở được cử ra làm Tổng trấn Bắc Thành "thay thế" cho Võ Văn Dũng. Võ Văn Dũng, dù là bị khích tướng hay tự nhận ra, hẳn cũng hiểu "ngày nguy hiểm" của mình đang tới, và đã quay ngược lại giết Ngô Văn Sở, Bùi Đắc Tuyên, bức dòng họ Bùi và Trần Quang Diệu về vườn. Sau đó, liên tiếp những cái chết của các viên tướng Quy Nhơn, mà đỉnh cao là Lê Trung, khiến Tây Sơn mất Quy Nhơn.

Đây có thể là cuộc chiến của văn-võ, nhưng đồng thời cũng có thể là cuộc chiến của Bắc-Nam trong triều đình Tây Sơn, hay là của các viên tướng "bên ngoài" với cái hạt nhân "Quy Nhơn" nằm trong toán người này. Tất cả đã khởi đầu ngay sau khi Nguyễn Huệ chết - Từ chối dời đô ra Nghệ An, triều đình của Bùi Đắc Tuyên đã tỏ rõ thái độ phản "hướng Bắc" của Nguyễn Huệ, ngược lại lợi dụng sơ hở của Nguyễn Nhạc để về lại đất thang mộc cũ - 1 động thái "hướng Nam". Dù vẫn cho Ngọc Hân chủ tế "Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương" lẫn lấy công chúa Ngọc Bình cho Quang Toản, hành động này chỉ để kết nối với miền Bắc - trong khi các ông trọng thần của miền Bắc đã bị "về vườn" gần hết. Ngô Thì Nhậm nếu không bị Đặng Trần Thường lôi ra đánh chết thì hẳn cũng sẽ lại "biến mất" trong lịch sử Tây Sơn như ông giáo Hiến.

Và như vậy, các "ông vua con" của các vùng "theo lối nhà Chu" này lại trở thành như vua Lê, lại là bình phong, công cụ cho các lực lượng bên trong đánh giết nhau tranh giành quyền lực, cho đến ngày hất Tây Sơn xuống hố.

Ghi chép lịch sử cho thấy "dòng chảy" hàng quân của Tây Sơn đổ về phía Nguyễn xảy ra suốt từ sau khi Nguyễn Huệ chết, cuộc thanh trừng giết chóc trong triều đình này xảy ra, thậm chí từ ngay khi anh em Nhạc Huệ đánh nhau - Không hề đợi đến lúc triều đình này suy vong. Những kẻ "không trung thành với ai" tiếp tục cuộc chọn lựa của mình. Những kẻ có cơ hội để tranh giành thì tiếp tục đấu đá nhau, kẻ nào mạnh thì thắng. Và những mâu thuẫn không được giải quyết tiếp tục đổ vỡ. Phần đông người đến với Tây Sơn không hề tìm được thứ mình muốn, và lại rơi vào vòng xoáy chém giết vì những lý do hết sức "trời ơi" đầy tính cá nhân. Nhưng nhìn sâu vào bản chất của tất cả các mâu thuẫn, phân rã này đều có 1 nguyên do lớn nhất: Khả năng quản lý đất nước của một nhóm người địa phương này rất "có vấn đề".

Đầu tiên là Nguyễn Nhạc, sau đó là Bùi Đắc Tuyên và nhóm quan tướng Quy Nhơn, tất cả đều quây vào 1 tâm điểm là Quy Nhơn, "trở về Quy Nhơn", sử dụng người Quy Nhơn, thành bại cũng Quy Nhơn... Tuy nhiên, xét trong bối cảnh của VN, điều này không hẳn là sai lầm, khi Quang Toản mặc dù đã lấy công chúa nhà Lê, dựng hành cung, đắp thành Thăng Long... thì khi chạy trốn vẫn chẳng có ai giúp đỡ, thậm chí bị truy đuổi sát sao, dân chúng phá cả cầu không cho đoàn quân này qua sông. Như đã nói trước, toàn bộ quân Tây Sơn bị bắt vì các lực lượng phù Lê Trịnh nằm trong dân, cho thấy "oán thù" này rất ít khả năng được xác lập trong đời Quang Toản mà là sự mâu thuẫn mang tính lịch sử hầu như không thể thay đổi - Mâu thuẫn này còn kéo dài trong thời Nguyễn và thậm chí thời gian rất lâu, rất lâu sau. Việc dính chặt với vùng đất thang mộc "nhà mình" là điều mà tất cả các vua, các thời đại của VN đều làm - Và lịch sử chứng minh, đây là phương cách đúng đắn trong 1 đất nước quá nặng tính địa phương như VN. Từ thời Lý, Trần, Lê, Trịnh hay thậm chí trước nữa là Tiền Lê, là Ngô Quyền, mọi toan tính sử dụng "lực lượng bên ngoài" đều dẫn đến 1 kết quả duy nhất: Mất nước (hay triều đại sẽ bị tiêu diệt).

Và khi sử dụng "lực lượng bên ngoài" làm sức nặng cân bằng với quyền lực của "thang mộc", các nhà vua đều phải chơi trò bập bênh đầy nguy hiểm, nhà Lê với số vua bị giết nhiều nhất trong lịch sử VN là minh chứng cho điều đó. Trong trường hợp của Nguyễn Huệ, dù số người Bắc Hà trong triều đình Tây Sơn đều là "lực lượng bị bỏ rơi" không tập hợp được cho mình danh phận hay quyền lực thế gia nào, thì quyết định "phân phong theo kiểu nhà Chu" cũng đã trao cho họ 1 vũ khí quá mức nguy hiểm: Lúc này, họ có thể lấy danh nghĩa của chính "ông vua con" kia để tự tạo quyền lực cho mình. Khi ấy, "lực lượng bên ngoài" không còn là bộ phận để cân bằng quyền lực với "thang mộc" mà dễ dàng phản ngược lại. Triều đình Quang Toản, mà đại diện là Bùi Đắc Tuyên, buộc phải ra tay triệt hạ ngay từ đầu, và may mắn là Nguyễn Quang Thùy cùng Võ Văn Dũng đều là người trung thành với Tây Sơn, nếu không hậu quả đã chẳng cần đến Nguyễn Phúc Ánh đánh lên. Thế nhưng, mâu thuẫn thì vẫn cứ nằm đó, và càng ngày càng đẩy Tây Sơn vào diệt vong.

Sự lựa chọn "phân phong theo chế độ nhà Chu" của Nguyễn Huệ tuy vậy có thể vẫn chỉ là 1 quyết định "khó có thể làm khác" - khi chính Nguyễn Huệ đã quay lưng với Quy Nhơn, không còn đường lùi. Dùng phương thức này để cho mỗi vùng có quyền tự trị lớn hơn, do đó sự bất mãn sẽ giảm thiểu, đồng thời lại có thể cài cắm quyền lực để kiểm soát, ổn định và thu được nguồn lợi từ các vùng - Thật ra, là hầu như cùng phương thức với cách mà các chúa Nguyễn đã dùng ngày đến miền Nam. Cũng như Nguyễn Huệ lúc này, các chúa Nguyễn cũng đã mất đi vùng thang mộc, cũng đã phải bắt đầu tất cả từ "tay trắng", tự tạo danh nghĩa cho mình bằng phương thức "liên kết tầm gần, tấn công tầm xa".

Nhưng điều làm Nguyễn Hoàng được xưng tụng "chúa Tiên" là... lúa ở Đàng Trong giá chỉ 3 tiền 1 giạ, là vùng đất Thuận Quảng cho đến ngày ấy vẫn hầu như không quan không tướng, hầu như chẳng có 1 thế lực nào cai quản ngoài đóng thuế. Còn vùng đất của Nguyễn Huệ trú chân vừa trải qua những nạn đói thảm khốc mà tất cả tội lỗi đổ lên đầu quân Tây Sơn, phía Nam thì theo chúa Nguyễn, phía Bắc ca bài Lê Trịnh. Dù có đánh đuổi quân Xiêm, quân Thanh thì... chẳng biết những quân này so với Tây Sơn độ tàn ác, phá phách của ai lớn hơn. Nguyễn Huệ lại chẳng phải là bậc "cải cách trong mơ" của những sử gia tân thời giơ cao lá cờ Bình đẳng bác ái như Napoleon để tạo lập lý tưởng chói ngời, chẳng qua đánh nhau cũng chỉ để "đen răng dài tóc", cách thức thì cũng chỉ là làm nông và... học theo ông Chu Tử cách đó chừng 6,7 trăm năm (như Minh Mạng sau này chê bai cách học cử nghiệp Đàng Ngoài).

Nói 1 cách công bằng, như Nguyễn Thiếp bảo "người giỏi làm được, người dở không làm được", thì có thể với 1 vị vua quyền biến, cách thức "chia để trị" này cũng có thể phát huy tác dụng, như Gia Long sau này cũng chia Tổng trấn các vùng - và rồi liên tục lợi dụng sự đấu đá của quần thần để tiêu diệt, chế giảm lực lượng các vùng, để đến thời Minh Mạng có thể đặt 1 cơ sở "thống nhất" tương đối. Đất nước VN lúc này vẫn đang nằm trong cái trạng thái "chả cần biết đến tiến bộ đổi thay" như hàng ngàn năm trước, vẫn là đất nước nằm trong những vụn vặt cá nhân vô luân vô lý trì trệ hỗn độn và đi theo 1 đường lối "có lý" của riêng nó. Nhưng lịch sử không có "nếu như", và Nguyễn Huệ chết, để Quang Toản lãnh hoàn toàn cái cơ đồ nát bấy ngổn ngang dang dở của cha ông, 1 triều đình "lạc lối" hoàn toàn khỏi những phương thức bình trị của lịch sử, 1 vị thế treo đầu sóng ngọn gió mà chẳng có 1 thuyền trưởng nào dẫn đường, cũng chẳng có bờ bến nào để trở về.




TS – LC&ĐV – 4
Thursday, September 21, 2017 Author: Trường An

I. Diễn biến

1. Ngư ông đắc lợi

Có 1 câu nói của Đặng Đức Siêu được nhà sử học sử dụng như 1 cách "khoe" thanh thế Tây Sơn hay về sự "bao dung" của Nguyễn Phúc Ánh là giữa lúc tình hình chiến tranh căng thẳng, Đặng Đức Siêu đã nói "Anh em Tây Sơn chỉ là kẻ áo vải nhưng cất tay kêu gọi được vạn người".

Sự tình là... quả nhiên chẳng thể nào đọc sử Việt Nam cắt đầu cắt đuôi, vì câu nối tiếp sau đó là "vì chúng gian ngoan dối trá".

Thật ra, sự "gian ngoan dối trá" này là nhận xét chung của tất cả các đối thủ dành cho Tây Sơn - bất kể là ai lãnh đạo. Khi nhìn lại toàn cảnh thì câu nói của Đặng Đức Siêu thật thần kỳ đã tóm gọn được tất cả nguyên nhân thành công lẫn thất bại của Tây Sơn.

Ban đầu khi nổi dậy chẳng rõ Tây Sơn đã giơ chiêu bài "Phù Đông cung Dương diệt Trương Phúc Loan" hay chưa, sử Nguyễn cũng im ỉm điều này vì nhiều lý do. Nhưng trong Hoài Nam khúc thì rõ ràng Tây Sơn đã khởi loạn bằng chiêu bài "Phù minh diệt ám tiếng vang". Tác giả Hoài Nam khúc lúc ấy còn chưa biết Đông cung Dương sau lọt vào tay Nguyễn Nhạc, vẫn còn hô hào "theo Đông cung", như vậy khả năng này rất lớn. Điều này cũng phù hợp với việc Định vương Nguyễn Phúc Thuần không thể ở lại Quảng Nam mà phải lập Nguyễn Phúc Dương làm Đông cung để lãnh đạo chống Tây Sơn. Như vậy, lần phù trợ thứ nhất của Tây Sơn: Phù Nguyễn.

Theo dư luận thì Nguyễn Nhạc đã đi gọi quân Trịnh vào, nhưng thật ra chẳng cần ai gọi quân Trịnh cũng đánh. Phía Nam thì Xiêm La đang đánh, khúc giữa đang loạn lạc, cơ hội tiêu diệt Đàng Trong rõ như thế cơ mà. Cho nên, trong khi quân Nguyễn sau vài trận xang bang bắt đầu thắng Tây Sơn ở Quy Nhơn, đang bao vây Quy Nhơn, quân Trịnh đánh vào, tiến thẳng từ Trấn Ninh đến Phú Xuân đang còn trong ngày tết, khiến Định vương phải cuống quýt bỏ chạy. Vậy là đội quân Nguyễn ở Thuận Quảng chẳng làm gì cũng vỡ. Dư luận thì "đổ thừa" Nguyễn Nhạc âm mưu giăng lưới, nhưng có vẻ Tây Sơn ở trong thế ngư ông may mắn hơn.

Ngày ấy, Quảng Nam đang chết đói, "trong cảng không còn 1 con gà con vịt" - cảnh tượng này còn kéo dài đến tận gần Vũng Tàu, nơi thuyền Anh đến thấy dân chúng chỉ còn có thể vớt rong biển ăn, chết đói hơn phân nửa. Cho nên trận chiến ở Quảng Nam đơn giản là Trịnh đối đầu Tây Sơn chứ "dân chúng" chỉ còn là vai phụ. Nguyễn Phúc Dương tình cờ sao lọt vào tay Nguyễn Nhạc, "được" Nguyễn Nhạc gả em gái cho, vậy là giả danh (tạm thời) biến thành chính danh, để sau này ông thư lại của Nguyễn Huệ lúc đánh Quy Nhơn hùng hồn kể "Không tội gì lớn bằng giết vua". Phù Nguyễn +2, lần này quả thật là chính danh rành rành.

Nhưng rồi Nguyễn Phúc Dương bỏ trốn, bị giết ở Gia Định. Tây Sơn thua ở Quảng Nam, nhận chức phong của Trịnh, thấy quân Hoàng Ngũ Phúc rút khỏi Quảng Nam vì dịch bệnh thì chạy lên chiếm, quân Trịnh cũng để yên. => Lần 3, theo Trịnh.

Vậy là yên ổn phía Bắc, Tây Sơn chỉ còn lo đối phó phía Nam. Nguyễn Phúc Ánh đem quân Đông Sơn về Gia Định, kết nối với Châu Văn Tiếp ở Phú Yên, có lúc đánh chiếm đến tận gần Phú Yên. Đây là khoảng thời gian Nguyễn Nhạc đi kêu gọi người Anh đến để tìm cách mua vũ khí lẫn sự hỗ trợ, đổi bằng "vài cái cảng biển". Theo ông sứ Anh quan sát khi đến Quy Nhơn lúc này thì ở đây không có cảnh tượng chết đói thê thảm như các vùng khác, trái ngược với cảnh ở Vũng Tàu "thuyền Tây Sơn đến đánh Gia Định đi qua đây đã cướp hết tất cả những gì để ăn của họ".

Ở Gia Định thì Cù lao Phố đã bị đốt cháy, Nguyễn Phúc Ánh đưa dân chúng đến sống ở Sài Gòn, có khi bị thuyền Tây Sơn bao vây khiến gạo không có mà ăn. Sử gia nào đó chắc gọi đây là phương cách "tiêu diệt sinh lực địch", còn thực tế thì chỉ khi Nguyễn Phúc Ánh tung quân lên chiếm Bình Thuận, tiến sát Phú Yên thì Gia Định mới được giải vây, dù phương cách ấy bị Nguyễn Văn Thành chê trách "Bình Thuận chiếm dễ giữ khó", phân chia quân ra để rồi không ứng phó kịp khi cần thiết.

Nhưng Gia Định thì cũng chẳng yên bao giờ. Ba Thắc mới bị chiếm 20 năm trước thấy động lại vùng lên, căng thẳng với Xiêm dằng dai ở Chân Lạp. Vậy là 2 bên cầm cự nhau để củng cố lực lượng, Nguyễn Phúc Ánh - Đỗ Thanh Nhơn thì lo đánh đông đánh tây bình định Gia Định, Tây Sơn thì lo tìm lực lượng củng cố sức mạnh của mình.

Nhưng làm ngư ông cứ kiên nhẫn buông cần thì thế nào vận may cũng tới, trong 1 Gia Định rối như canh hẹ thì đội quân của Nguyễn Phúc Ánh cũng rối như canh cá, Nguyễn Phúc Ánh giết chết Đỗ Thanh Nhơn, biến đồng đội thành đối thủ. Tây Sơn nghe tin tiến đánh, quân lực Châu Văn Tiếp đóng ở Bình Thuận không về kịp, Nguyễn Phúc Ánh chạy ra biển. Nhưng Châu Văn Tiếp với đội quân Lương Sơn xứ Phú Yên xa tít tắp sao quản được Gia Định, vậy là... tiếp tục thua. Nguyễn Phúc Ánh chạy qua Xiêm, vậy là Tây Sơn chiếm được đến Gia Định.

Cũng thật là tình cờ run rủi của tạo hóa, ở Đàng Ngoài đúng lúc này chúa Trịnh Sâm chết, 2 ông con trai tranh giành ngôi chúa với nhau, giết luôn ông Quận Huy trấn thủ Nghệ An. Trịnh rút quân ở Thuận Hóa về, Tây Sơn lên chỉ nã pháo 1 trận đã chiếm được Phú Xuân. Quân Trịnh ở Phú Xuân chuyên dỡ nhà làm củi đốt, dân ghét đánh đuổi thêm. Và rồi, 1 ông "thầy dùi" xuất hiện: Nguyễn Hữu Chỉnh.

Lo đánh ra Đàng Ngoài xa lạ không biết đường? - Đã có Nguyễn Hữu Chỉnh thống lãnh đội quân. Lo dư luận Đàng Ngoài không thuận, lực lượng Trịnh quá mạnh? - Đã có Nguyễn Hữu Chỉnh vẽ lối, cứ xài chiêu "phù Lê" của chúa Nguyễn đi. Nói chung tất cả vấn đề, xung đột của Trịnh đã nói trước được Nguyễn Hữu Chỉnh tận dụng triệt để. Trịnh Khải phải đích thân mặc giáp dẫn quân ra khỏi thành, chưa đánh được trận nào, chỉ nghe quân địch tới là quân bỏ chạy hết sạch. Nguyễn Huệ vào bái kiến vua Lê, nhận tước phong, cưới công chúa. => Lần 4, phù Lê.

Vậy là Tây Sơn "thống nhất" đất nước dưới danh nghĩa triều Lê, bằng 1 quá trình mà nói đến là các địch thủ nghiến răng trèo trẹo "đồ dối trá gian ngoan". Và rồi, con đường này để lại hậu quả khôn lường cho Tây Sơn, chưa cần đến lúc anh em đánh nhau. Đó là, diễn dịch ý của Đặng Đức Siêu: lực lượng của Tây Sơn là do "gian dối" mà có. Đó là những nhóm phù Nguyễn, phù Trịnh, phù Lê, hay chính bọn họ cũng âm mưu lợi dụng Tây Sơn như Nguyễn Hữu Chỉnh. Thậm chí với tư cách 1 lực lượng địa phương, trận đánh của anh em Nhạc Huệ cũng làm phân rã nhóm này, là sự "phản bội" cuối cùng với toàn bộ những gì Tây Sơn đã từng bắt đầu. Để rồi đến ngày tan rã, toàn bộ quan quân Tây Sơn bị bắt giết bởi chính những lực lượng này. Thậm chí cả gần nửa thế kỷ sau con trai Nguyễn Nhạc vẫn bị chính người Quy Nhơn tố cáo cho triều đình Nguyễn.

Sự "thành công" của Tây Sơn thực chất nằm ở "nội lực" của nhóm người này thì rất yếu, khi từ đầu đến cuối Tây Sơn chưa hề xây dựng được bất cứ danh nghĩa nào cho mình, thậm chí đến khi Nguyễn Huệ xưng hoàng đế mà vẫn còn phải để Ngọc Hân đứng danh nghĩa ca bài "Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương"; đến cuối cùng, Tây Sơn vẫn chỉ còn lại nhóm người Quy Nhơn sống chết. Ngược lại, toàn bộ chiến thắng của Tây Sơn nằm ở sự phân rã của chính đối thủ - Thậm chí, Tây Sơn dựa vào sự hận thù, phân rã này để "tiến lên".

Thậm chí, Tây Sơn còn chẳng tạo dựng được 1 "cơ sở" mới để người ta tin tưởng. Dưới danh nghĩa "tiêu diệt sinh lực địch", Tây Sơn hủy hoại hết sạch mọi cơ sở của "địch" - chính là toàn bộ nước VN. Ở đây, cả người viết sử lẫn Tây Sơn dưới con mắt địa phương bè phái đã coi mọi chuyện "như không phải của mình" - Một lần nữa, nhắc nhớ rằng Tây Sơn vốn chẳng hề có 1 tư-tưởng-quốc-gia như có người lầm tưởng. Họ không hề coi "những gì thuộc về địch thủ" vốn là đất của mình, dân chúng, quốc gia của mình, chỉ như thế họ mới có thể phá hoại thản nhiên đến vậy - Và cuối cùng, khi xây dựng quốc gia trên mảnh đất tan hoang đó, họ phải lãnh toàn bộ hậu quả của những gì mình làm.

"Thành quả" xây dựng của Tây Sơn có lẽ chỉ nằm ở mảnh đất Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc - đây là vùng duy nhất không phải nếm trải nạn đói nào trong suốt 30 năm chiến tranh. Còn lại, mọi nơi Tây Sơn đi đến chỉ thấy nạn đói bùng nổ, những ghi chép bên lề hay tài liệu hành chính, dân sự nào trong thời kỳ ấy đều cho thấy sự tan tác, phân rã, tuột dốc thảm hại của toàn bộ nền kinh tế. J.Barrow vào Đà Nẵng năm 1798 chỉ thấy 1 vùng đất đói nghèo thảm thương, tài liệu dân cư của Huế thời Nguyễn Huệ cho thấy thương buôn bỏ chạy hay trốn đi nhiều đến mức cả hệ thống phố chợ chỉ còn vài chục người, Đàng Ngoài kinh tế đã yếu thì sau khi thương buôn TQ, dân khai mỏ TQ bỏ chạy thì càng không phải nói.

Không phải cứ đưa ra chiếu khuyến nông là người ta hóa phép ra lúa, cũng như không phải bảo đi mời tàu buôn là người ta vào. Như đã nói trên, Tây Sơn không hề ý thức được những "tài nguyên" vốn sẽ nằm trong tay mình, và đã "tận lực" phá không cho ai đường lùi. "Tiêu diệt sinh lực địch" hay là hủy hoại tương lai của chính mình?

Thậm chí việc sử dụng mâu thuẫn và đổ vỡ trong đối thủ của Tây Sơn cũng đóng vai trò rất thụ động. Với vai trò của 1 lực lượng mới nổi lên, họ nhanh chóng được các phe phái lôi kéo vào trong mâu thuẫn của họ, vào thời điểm mà đối phương yếu nhược nhất. Và rồi, Tây Sơn ngồi chờ các bên kia đánh nhau để rồi nhảy vào cuối, trong cuộc mâu thuẫn mà hầu như chả liên quan gì đến mình.

Như vậy, Tây Sơn phát triển ra ngày càng lớn bằng cái hạt nhân mỏng manh yếu ớt. Lợi dụng các thế lực đấu đá nhau, Tây Sơn chiếm được đất và người, dùng quyền lực để sử dụng số tài nguyên thu được ấy mà lớn mạnh, đủ để quay ngược trở lại tiêu diệt kẻ đã đưa mình lên đỉnh vinh quang kia. Nhưng quyền lực ấy, một khi tan rã, thì đã ném Tây Sơn trở lại với bản-chất của mình - Là 1 trong số bè phái ở trong đất nước VN lúc ấy.

Lợi dụng danh nghĩa, khoác lên mình quá nhiều danh nghĩa, nghĩa là chẳng hề có cái danh nghĩa nào. Tây Sơn chẳng hề đại diện cho bất cứ thành phần nào của đất nước, ngoại trừ những kẻ có lợi ích chung trong nhóm. Ngay cả tiếng tăm "vì dân" đầu tiên cũng ngay lập tức bị Hoài Nam khúc mắng thẳng "Cờ xướng nghĩa ngậm hờn thằng Nhạc", và ngày càng chẳng còn trong những bước tiến bằng cách hủy hoại "đối thủ" của Tây Sơn. Thậm chí, đến cả danh nghĩa "Quy Nhơn" cũng không còn khi anh em đánh giết nhau.

Như vậy, đến khi Nguyễn Huệ ngồi lên ngôi vua, chẳng còn cách nào khác là lại giương lá cờ "Phù Lê", lại phải nhờ đến vài ông sĩ phu bị bỏ rơi ở Bắc Hà làm chỗ dựa lẫn xây dựng cơ cấu - danh nghĩa cho mình. Như vậy, 1 đất nước đã bé mà lại còn "phân phong theo chế độ nhà Chu", cho mỗi vùng biến thành 1 tiểu quốc, 1 vùng tự trị dưới danh nghĩa 1 ông vua con. Thành quả của sự lợi dụng "khủng hoảng quyền lực" cuối thế kỷ 18 ở VN của Tây Sơn là 1 cuộc khủng hoảng quyền lực khác, vỏ mới rượu cũ - thậm chí lần này là rượu độc. Một lực lượng nhờ gian trá, lừa gạt và hủy hoại mà thành công, thì đã tập hợp được quanh nó kẻ thù không hề nhỏ. Số người phân tán này, chỉ cần tìm được 1 danh nghĩa, 1 thế lực đủ để tập hợp họ lại.

Cuộc chiến quyền lực trên đất nước VN kéo dài hàng thế kỷ đã đưa đến 1 kết quả là Tây Sơn, kẻ đã sử dụng cái phương thức "mượn danh quyền lực" đến độ nhuần nhuyễn nhất - kẻ vừa là kết quả vừa là "thành phẩm" của toàn bộ cuộc khủng hoảng này. "Ngư ông đắc lợi" là cái vỏ ngoài của sự kiện, nhưng ở bên trong, hãy nhớ đến ngày mà Lê Uy Mục dựa vào lực lượng vùng Đông Bắc cướp ngôi, Mạc Đăng Dung cướp ngôi triều Lê, họ Trịnh trước chiếm quân Nguyễn sau chiếm triều Lê... Để rồi, tận cùng của sự rối loạn, đỉnh cao của sự vô luân, cực điểm của trò gian dối của lịch sử, là sự tồn tại của 1 chính quyền... chẳng hề đại diện cho bất cứ thành phần nào của đất nước.




TS – LC&ĐV – 3
Saturday, August 26, 2017 Author: Trường An

I.3. Tổng kết

Vấn đề ở VN cuối thế kỷ 18 có thể tạm tổng kết với 2 yếu tố: tính địa phương và tính quyền lực. Các yếu tố khác như ảnh hưởng nước ngoài, tôn giáo, kinh tế tạm thời bỏ qua.

Về tính địa phương, đây có lẽ là chuyện phải truy ngược lại... cả ngàn năm trước. Thời mà vua Lý phải đi đánh đông dẹp bắc, gả công chúa cho các tù trưởng miền cao để kết thân, hay thậm chí trước nữa, vào lúc là Lê Đại Hành phải đi chinh phạt "giặc Cử Long", đánh dẹp người châu Hoan nổi dậy - cũng là trận chiến đầu tiên đánh dấu cuộc thảm sát diện rộng trong chiến tranh của người Việt. Từ 1 vùng đất "ngoại biên" mà TQ thu làm thuộc địa, các nhóm người nhỏ lẻ hình thành, các thế lực nhỏ ở địa phương phát triển. Và rồi, nhân lúc vùng nội địa TQ chia 3 rối loạn, các nhóm này tập hợp nhau lại giành lấy chính quyền - Để rồi cái khối này lại tiếp tục tan vỡ thành "12 sứ quân". Đinh Bộ Lĩnh tập hợp được 1 số tổ chức để tiêu diệt số tổ chức còn lại, lập nên triều đại của mình. Và rồi nhà Tiền Lê cùng nhà Lý một đằng phải tìm cách bình định các nhóm người xung quanh, một đằng phải tìm cách liên kết họ lại. Qua hàng trăm năm, qua cả các cuộc chiến chống Tống, chống Nguyên Mông, có thể nói sự liên kết ở phía Bắc đã hơi ổn định. Nhưng ở phía Nam thì là 1 câu chuyện khác.

Trong xung động chính trị ở TQ, rất nhiều nhóm người, tộc người đã đi xuống phương Nam, và vùng Thanh Nghệ là 1 địa điểm tập trung khá đông của họ. Theo gia phả họ Trịnh, chúa Trịnh có tổ tiên là người Vân Nam, cũng như Hồ Quý Ly tự nhận tổ tiên TQ. Vùng đất này lại là nơi thường xuyên xảy ra chiến tranh với Chiêm Thành, Chân Lạp, yêu cầu nhà nước phải đặt sự giám sát nghiêm ngặt ở đây. Vậy là, những người sống ở "vùng biên giới" này, hay chỉ đơn giản là địa phương này luôn luôn xuất hiện với vai trò quan trọng trong lịch sử.

Không cần phải đợi đến thời Lê, trước đó ta đã thấy Trần Nghệ Tông dùng lực lượng thổ mục ở Thanh Hóa để quay về Thăng Long chiếm ngôi, và rồi dùng Hồ Quý Ly người Nghệ An - Những động thái có thể đã góp phần khiến các thế lực họ Trần khác quay lưng. Trong 3 lần Chiêm Thành tiến đánh Thăng Long, sự chống cự của họ Trần chỉ thấy xuất hiện ở 1 vài người. Khi cướp ngôi họ Trần, Hồ Quý Ly cũng đồng thời tỏ ý muốn thoát ly khỏi Thăng Long - 1 ý định mà hầu như các triều đại sau đều có, dù có thực sự rời khỏi hay không. Nhà Lê đổi tên Thăng Long thành Đông Kinh, để vùng thang mộc của mình thành Tây Kinh, có thể là tìm cách để cân bằng cho chính mình.

Đất nước VN mở rộng bằng hành trình Nam tiến, và trung tâm quyền lực cứ thế mà chuyển dần xuống phương Nam. Đồng thời, nó tạo ra sự nứt vỡ giữa các vùng.

Lê Thái Tổ đã chọn ấu chúa nối ngôi với sự giúp đỡ của các quyền thần nắm giữ thế lực Thanh Nghệ, và Lê Thái Tông 1 khi đụng chạm đến thế lực ấy đã phải trả giá đắt, để người con trai có họ ngoại Thanh Hóa lên nối ngôi. Lê Nghi Dân dựa vào thế lực khác cướp ngôi, bị các tướng Thanh Hóa hợp lực giết chết. Lê Thánh Tông dùng thế lực Thanh Hóa của người cha vợ Nguyễn Đức Trung để chinh phạt và củng cố quyền lực của mình, để Lê Hiến Tông hoàn toàn không có 1 người phi Thanh Hóa nào - Dẫn đến kết quả Lê Túc Tông chết sau 6 tháng, Lê Uy Mục cướp ngôi, và cuộc rối loạn dằng dai đẩy triều Lê vào diệt vong - Để 1 vị vua người Hải Dương lên ngôi.

Và rồi, người phía Nam tiếp tục phản kháng, cuộc chiến Lê - Mạc hay còn gọi là cuộc chiến Nam Bắc triều mới thể hiện rõ tính chất này. Họ Mạc thua trận, nhưng ngay cả chính sử của Trịnh vẫn phải thừa nhận "dân theo nhà Mạc" để họ Mạc còn làm vua ở phương Bắc thêm được mấy đời. Còn họ Trịnh, lập triều đình ở Đông Kinh, tiếp tục rơi vào cái bẫy của nhà Lê thuở trước.

Ở Đàng Trong, sự tình còn phức tạp hơn. Chiêm Thành là 1 quốc gia theo chế độ mandala, cho nên các tiểu quốc nhỏ có sự phân biệt với nhau. Họ Nguyễn xuống châu Ô, Lý vốn đã được 1 số dân khá nhiều qua mấy trăm năm, tiếp quản vùng đất mà Lê Thánh Tông chinh phạt bằng cuộc thảm sát mang tính diệt chủng, và rồi tìm cách chinh phạt để lấy sự ổn định cho mình. Từ lúc chúa Hiền đánh Panduranga, đưa người đến Đông Phố chỉ cách thời Tây Sơn nổi loạn chưa đến trăm năm. Ở Gia Định, ta thấy quân Long Môn do họ Trần lãnh đạo thực hiện các cuộc chinh phạt Chân Lạp, bảo vệ Gia Định với sự hỗ trợ từ Hà Tiên. Ở Bình Thuận, ta thấy phiên vương của triều đình Chiêm Thành buộc phải liên tục báo cáo sự quản lý về cho chúa Nguyễn, nằm dưới sự giám sát của dinh quân đóng tại Diên Ninh.

Quy Nhơn là phủ trực thuộc dinh Quảng Nam, và điều khá "lạ lùng" là ngoại trừ việc liên quan đến Trần Đình Ân, Quy Ninh chỉ được nhắc tới vài ba lần trong cả trăm năm - kể cả cuộc nổi loạn của Linh Vương. Cho đến tận năm 1751, khi Võ vương thực hiện cuộc cải cách hành chính, điều này mới hé lộ: Quy Nhơn có 13 thuộc - các thuộc là tập hợp các hội nhóm từ các thổ mục cho đến nhóm người đi cắt cỏ - và các thuộc này cho đến tận lúc ấy mới được đặt quan trông coi.

Nhắc đến Linh Vương, lại có thể cần lưu ý thêm 1 việc: Linh Vương đã nổi loạn ngay sau khi Nguyễn Hữu Oai - cháu ngoại thừa kế duy nhất của Trần Đình Ân - Đào Duy Từ vừa tử trận ở Phan Rang.

Như vậy, ta có thể thấy Đàng Trong chia làm 4 khu vực khá rõ ràng: Thuận Hóa nằm dưới sự quản lý trực tiếp của triều đình chúa Nguyễn, Gia Định là hỗn hợp quản lý của họ Nguyễn và nhóm người Hoa di cư, Phú Yên, Bình Thuận thuộc quản lý của họ Nguyễn và vương Chiêm Thành, Quảng Nam tới Quy Nhơn là "đặc khu kinh tế" mà Lê Quý Đôn cho biết "tất cả đồ ăn dùng của Thuận Hóa đều do Quảng Nam cung cấp" - Quảng Nam ở đây phải hiểu là dinh Quảng Nam quản lý cả 3 phủ, được nước ngoài gọi là "Quảng Nam quốc".

Và cũng giống như Thanh Nghệ, những vùng "giáp nối" bao giờ cũng là khu vực nhiều rối loạn nhất.

Cuộc cải cách hành chính của Võ vương, bắt đầu chỉ 20 năm trước khi Tây Sơn nổ ra, có thể cũng đã gây ra cùng 1 hiệu ứng cùng nguyên nhân như cuộc cải cách hành chính của Minh Mạng sau này: Nó đã can thiệp vào quyền lực của các nhóm địa phương quá mức. Sắp đặt hệ thống quan lại quản lý toàn bộ các thuộc trước đó đều là tự quản, nơi bị tác động nhiều nhất không gì khác hơn là nơi nhiều sắc dân, bộ tộc và diễn biến phức tạp nhất toàn Đàng Trong: Quy Nhơn.

Ngay cả ở Gia Định, nơi thường được cho "trung thành tuyệt đối với họ Nguyễn", ta cũng thấy sự lạnh nhạt kỳ lạ với chúa Nguyễn. Khi bị Tống Phúc Hiệp tiến đánh, Nguyễn Lữ đã đưa đội thuyền vòng xuống đánh Gia Định - và đội quân của Định vương Nguyễn Phúc Thuần thua ngay lập tức phải bỏ chạy. Chỉ khi Đỗ Thanh Nhơn đưa quân Đông Sơn đến, Tây Sơn mới lui. Khi quân Hòa Nghĩa đến, quân Đông Sơn bất mãn bỏ rơi chúa Nguyễn. Đến cả khi phù trợ Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, mâu thuẫn vẫn xảy ra đến mức Nguyễn Phúc Ánh giết chết Đỗ Thanh Nhơn, hơn nửa đạo quân Đông Sơn làm phản. Ngay cả ở Hà Tiên, phản quân cũng giết chết công nữ Ngọc Đảo.

Điều này cho thấy, nếu quân Tây Sơn thực sự không "quá quắt" với Gia Định, chưa chắc họ đã đứng bên cạnh chúa Nguyễn. Từ cuộc chiến đầu tiên khi Nguyễn Lữ đến cướp phá Cù lao Phố, người Gia Định tập hợp bên Đỗ Thanh Nhơn chỉ nhằm 1 mục đích đuổi Tây Sơn.

Như vậy, Việt Nam từ Bắc đến Nam cuối thế kỷ 18 là những khối địa phương nằm dưới sự quản lý của 2 nhà chúa, dưới danh nghĩa của nhà Lê hữu danh vô thực. Rồi đến lượt sự mập mờ về quyền lực này tạo thành hậu quả khác là những cuộc nổi loạn cả trong lẫn ngoài triều đình.

Từ cái ngày mà Mạc Đăng Dung cướp ngôi họ Lê, họ Nguyễn mượn cớ tôn phù vua Lê để dấy binh ở Thanh Nghệ, rồi họ Trịnh lại "mượn danh" trước lấy quân đội của họ Nguyễn, sau đoạt quyền vua Lê - Lịch sử Việt Nam từ đó trở đi là những cuộc tranh đoạt quyền lực không hồi kết, mà tất cả những người họ Trịnh, Nguyễn hay Lê cũng có thể đều chỉ là 1 quân cờ. Nhiều người nhìn lịch sử quá chú trọng vào tính cá nhân, nhìn vào mỗi 1 "ông này ông kia lãnh đạo" mà quên rằng tất cả bọn họ đều chỉ là sản phẩm của thời cuộc. Nói cách khác, thứ quan trọng không phải là họ, mà là những kẻ ở dưới họ.

Cho nên, trong triều đình họ Trịnh, hết vị vương tử này đến vị vương tôn kia âm mưu nổi loạn với sự giúp đỡ của các vị quan, để rồi các chúa Trịnh ôm lòng nghi ngờ cực độ đến bất cứ vị quan nào nắm giữ quá nhiều quyền lực. Kết quả, sự trọng dụng của chúa Trịnh với các hoạn quan có khả năng là vì hoạn quan không có người kế vị, do đó khả năng làm phản cũng vô cùng yếu. Trong vùng đất Đàng Ngoài, hết vị hoàng tử đến hoàng tôn kia âm mưu lật đổ chúa Trịnh, để chúa Trịnh giết hết người này đến người khác, vẫn để lọt ra vài người trốn vào núi nổi loạn. Sau khi họ Mạc đã được dẹp yên, đến lượt dân vùng ven biển nổi loạn, tin theo "điềm tiên tri" sao trăng gió mây nào đó.

Tương tự, trong vùng đất Đàng Trong, hầu như tất cả đời chúa Nguyễn đều phải đối phó với vương tộc nổi loạn, kết hợp với các cuộc tấn công của Chiêm Thành, sự rối loạn của các thương nhân, chiến tranh với Xiêm La - Chân Lạp.

Cuộc khủng hoảng về quyền lực, hay có thể coi là cuộc khủng hoảng cả về đạo đức, khi người ta tin rằng có thể lật đổ bất cứ ai, bằng bất cứ thủ đoạn nào - hay là bằng cách "mượn danh chính nghĩa", nho nhỏ thì là phù trợ mấy ông vương tôn cướp ngôi, lơn lớn thì là mượn vai vua chúa lấy nước. Trong một đất nước quá nhiều sự phân chia, quá nặng tính địa phương, tính cá nhân, bè phái, cuối cùng đã đẩy tất cả vào tử lộ.





Copyright © Trường An. All rights reserved.