1833
Đọc sử phần về Bắc Thành thiệt là chóng mặt. Hạn hán xong rồi giặc cướp, giặc cướp xong rồi lũ lụt, lũ lụt thì cho đắp đê - đắp đê xong rồi bão. Dã man con ngan.
Dò lại sử ký, hóa ra nạn đói cũng xảy ra vô cùng thường xuyên. Những năm ghi "đói to" là 982, 1042, 1156, 1208, 1268, 1290, 1291, 1292, 1301, 1310, 1320, 1333, 1337, 1343, 1344, 1354, 1358, 1379, 1405, 1408, 1409, 1447, 1467, 1487, 1490, 1492, 1512, 1517, 1557, 1559, 1572, 1577, 1585, 1586, 1589, 1594, 1595, 1596, 1608, 1629, 1630, 1634, 1679, 1681, 1694, 1695, 1702, 1703, 1712, 1713, 1724, 1728, 1740, 1741, 1753, 1757, 1758, 1768, 1774, 1776, 1777, 1778, 1786, 1788, 1790. Mà hễ đói là có cảnh "dân nằm chết gối lên nhau", "thây chết đầy đường". Những năm 1594 - chết 1/3, 1596 - chết quá nửa dân số, năm 1723 "số dân 10 phần không còn lại một". Hay lúc Lê Thánh Tông đi đánh Bồn Man (Trấn Ninh sau này), dân 9 vạn chết đói còn 2000.
Thời "thịnh trị" Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông vẫn chết đói như thường. (Khâm định tổng kết lại đời Lê Thánh Tông: 11 lần hạn hán, 6 lần thủy tai, 4 lần có nạn đói "người chết đói nhiều". - Thật ra trong 37 năm trị vì thì cũng còn ít, còn được 16 năm yên bình.)(Hèn gì "Đời vua Thái Tổ, Thái Tông" có tin hạn hán, mất mùa liên tục mà vẫn là "lúa gạo đầy đồng". Chưa chết đói là được. Năm Thuận Thiên còn được đánh dấu là "được mùa" luôn. Trong cả ngàn năm, chỉ có 21 năm có ghi "được mùa to". '__')
Mà nghĩ lại thì sao không đói được? Chỉ phụ thuộc vào mỗi ruộng đất, lúa chỉ có 2 vụ, dù có khai hoang thì thiên tai một cái là đói ngay thôi. Ruộng đất Bắc bộ có to lớn, tốt gì cho cam. Các ngành nghề khác, dù có cả mỏ vàng mỏ bạc cũng chả tới phần nông dân (vàng cũng đâu có ăn được), có đóng thuế thì cũng chỉ giàu quốc khố. Ngay ở miền Trung, buôn bán phát đạt kiểu gì mà nhổ lúa trồng bông, mất mùa một phát là đói ngay, tiền không mài ra mà ăn được. Đến năm 1337 đời Trần Minh Tông mới biết trữ thóc kho để phòng khi khẩn cấp. Nhưng tất cả đồng loạt bị thì như năm 1833, phát kho ở Bắc gần hết sạch, phải đem thóc từ Nam ra.
(Nên những truyện lịch sử quân sự hay xuyên không đều vô cùng "ảo". Xây dựng quân đội, khoa học kỹ thuật kiểu gì mà thiên tai một cái cũng tiêu đời.)
(Thời Lý ghi ít nạn đói có thể vì... không còn sử, hoặc do số người còn ít. Từ cuối thời Lê sơ trở đi, nạn đói xảy ra thường xuyên, liên tục đến chóng mặt (cũng có thể do lúc đó đã cho chép sử). Có lẽ một phần cũng do dân số tăng, ruộng đất ít. Người miền Bắc thích tập trung trong làng mạc hơn là đi xa, mà hễ đói đi xiêu tán thì thường... họp nhau ăn cướp, làm loạn =__= hoặc đi xin.
Muốn giải quyết vấn nạn này thì chỉ có thể cho đắp đê, khai khẩn đất đai, trữ lương thực, trồng hoa màu ngắn vụ kèm thêm. Khổ nỗi là... dân ếu để yên cho người ta làm. "Nắng mưa là chuyện của trời", mà chuyện của trời nghĩa là... do vua, thiên tai là tại tội của ông vua.)
Vua lại hỏi: “Dân gian trồng trọt hoa màu có những thứ gì?”. Tâu: “Khoai, đậu”. Vua hỏi: “Sao không trồng lúa hồng mạch?”. Tâu: “Sợ thứ lúa ấy không hợp với khí tiết mùa đông”. Vua nói: “Đầu mùa đông chưa rét, thứ lúa hồng mạch còn có thể cấy được. Ta thường sai cấy lúa ấy ở hậu cung. Hễ cấy từ tháng 8, thì đến nay đã chín; cấy từ tháng 9, tháng 10, thì nay đã xanh tốt. Thứ lúa ấy dễ làm, mà có thể giúp cho khỏi đói”.
=> Cơm gạo đỏ "đặc sản" của miền Bắc, cực kỳ phổ biến cho đến rất gần đây, ai có quen người trung niên ở quê thì biết
(bên cạnh món cơm độn - "một củ khoai cõng 3 hạt cơm" thời trước 75).
(Tự nhiên lại nghĩ: Trong hoàn cảnh như thế, có khi tầng lớp địa chủ lại là thành phần tích cực. '__' Để nông dân cày cấy riêng, mất mùa là mất hết, chẳng bằng tập trung về cho địa chủ phân phối lương thực. Khi đó nông dân có thể làm việc khác kèm với nông nghiệp để tích trữ tiền, khi mất mùa, địa chủ có nâng giá gạo đem bán thì vẫn có thể mua được.)
---
Trong cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi, nhận ra nghi ngờ của MM về quan binh của GĐ là có cơ sở, vì LVK đánh tới đâu là quan tướng... bỏ thành chạy hết. Toàn bộ binh lực, hỏa khí, vũ khí của GĐ tập trung ở thành Phiên An, đến mức có báo cáo "nó có 3000 thùng thuốc nổ, quân bên ngoài có... 30 thùng".
Thời kỳ đầu cuộc chiến, MM cho khôi phục tế tự cho vua Chiêm Thành, ra sức lấy lòng Bình Thuận.
MM điều hành cuộc chiến này, ờ, phải nói là có óc logic cực cao, soi lỗi - phản biện - luận tội - chỉ trích điểm yếu trong mấy tờ sớ tâu cực giỏi. Thế mới nói người dùng binh đánh trận tốt mới chỉ 1 phần thôi, tham mưu - chỉ huy mới quan trọng.
Nhưng MM vẫn bị điểm yếu to lớn - Dễ tin người, hoặc chủ quan, hoặc quá dựa vào dữ liệu mình-biết. Đã bắt được Mạc Công Du phái người đi cầu viện Xiêm rồi mà không nghĩ sẽ có người khác đi thay. Đã biết mấy năm này Xiêm khiêu khích ở Vạn Tượng rồi mà không nghĩ nó sẽ đánh vào Gia Định. Thậm chí được tin báo tàu thuyền Xiêm lảng vảng ở Hà Tiên rồi mà vẫn nghĩ "nó đi tuần phòng". Đến lúc nó phát quân đi vẫn nghĩ "chưa chắc đã thế".
Có lẽ lý do to nhất là MM - cũng như VN - quá tự tin. Như lúc MM và LVD nói với nhau "Xiêm mà đánh sang đây thì ta đánh sang Bangkok nhà nó luôn", cho rằng Xiêm chỉ quấy rối ngoài biên thôi chứ không-dám đánh. Nhưng thực tế thì quân Xiêm lại nắm rõ địa thế, địa hình Chân Lạp hơn VN, cũng rõ tình thế Gia Định lẫn VN là "nếu để mất thì khỏi đòi", sự kết nối các phần lãnh thổ trong VN rất kém.
Có thể thấy MM nóng nảy dần - Thật ra MM chưa bao giờ tỏ ra kiên nhẫn. '_' Nhưng năm này quá nhiều việc nổ ra cùng lúc bão lụt - vỡ đê - hạn hán miền Trung - Lê Văn Lương - Lê Văn Khôi - Nông Văn Vân. Nạn đói xảy ra cùng lúc với chiến tranh.
---
Thành GĐ được xây quá vững, nên toàn bộ quan binh lẫn ông vua "lắm mưu nhiều chước" như MM cũng thúc thủ vô sách trước nó. '___'
---
Điểm kỳ lạ ở đây là lại thấy xuất hiện mấy cái tên cũ trong vụ án của Nguyễn Văn Thành. Người tố cáo cha con Nguyễn Văn Thành tên Nguyễn Trương Hiệu bây giờ lại là môn khách của Bạch Xuân Nguyên. Bạch Xuân Nguyên không biết có thù oán gì với Lê Văn Duyệt mà đòi "phải đào mộ quật xương Duyệt lên mới chịu". Lê Văn Khôi đi bắt Bạch Xuân Nguyên lại bắt luôn cả Nguyễn Trương Hiệu giết cùng.
Mà con trai của Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Hàm lại ở trong quân của Lê Văn Khôi. '_' Nguyễn Văn Thành là người GĐ nên có con ở đó cũng bình thường. Có điều LVD với NVT ghét nhau như chó với mèo.
---
Những thành phần đặc biệt trong quân nổi loạn thành Gia Định:
Bọn Khôi bèn làm hịch ngụy xui giục dụ dỗ nhân dân quanh tỉnh đại lược nói: Con cháu họ Lê đã nổi dậy ở miền Bắc, hẹn chúng làm nội ứng để phục lại cơ nghiệp nhà Lê. Vả lại, Lê Văn Duyệt đã quá cố, là ân súy của chúng, không can cứu gì mà bị tội, cho nên chúng dấy quân để phục thù cho Duyệt v.v... (hịch văn là do Đặng Vĩnh Ưng và Đinh Phiên làm, lời lẽ phần nhiều bội nghịch). Những người theo đạo Gia tô ở trong tỉnh hạt, những người Thanh kiều ngụ, những người man Quang Hóa và những binh lính Thanh thuận, An thuận, Bắc thuận đào ngũ đều theo bọn Khôi.
Giặc liền cướp giữ tỉnh lỵ, dùng Lê Đắc Lực làm ngụy Trấn phủ, Đỗ Văn Dự làm ngụy Hiệp trấn đem cơ Hùng thắng ngụy (bọn kép hát của Lê Văn Duyệt) đóng giữ. (Dự vốn là họ công tính Nguyễn Hựu. Vì cớ theo giặc, cho nên đổi theo họ mẹ. Trước kia, Dự làm Hiệp trấn Hà Tiên, can án xâm phạm của công, bị tống ngục. Khôi tha cho và dùng làm ngụy Hình bộ thiếu khanh).
Lại mật dụ lũ Lê Phúc Bảo, Lê Đại Cương, Tô Trân, Ngô Bá Tuấn, Phạm Xuân Bích và Trần Văn Quán rằng: "Giặc Khôi làm loạn, phần nhiều là lũ Hồi lương, Thanh thuận và An thuận giúp nó làm ác. Vả lại, các tù phạm Bắc Kỳ, năm trước, bị phát vãng đi các địa phương Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, sau đó được tháo xiềng khóa, tha ra, dồn bổ làm lính, cấp cho trâu cày nông cụ để làm nghiệp. Lũ này phần nhiều là côn đồ quen làm tội ác. Vậy, phải nên đề phòng trước đi. Lũ ngươi nên bắt đến tập hợp lại, giam cầm nghiêm ngặt, xét xem kẻ nào mang lòng phản trắc thì cho chém ngay. Lại, trong các cơ thuộc tỉnh mình hễ có những kẻ Hồi lương, Bắc thuận, An thuận và Thanh thuận trước đây được dồn bổ làm lính cũng nên để ý đề phòng trước, chớ nên nhẹ dạ tin".
Thự Tuần phủ Biên Hòa là Vũ Quýnh, phái viên Phạm Duy Trinh và Lê Đức Tiệm tâu rằng: "Tuân theo sắc chỉ, bọn thần đã điều tra về đầu mối cuộc nổi loạn ở Phiên An, thì: Lê Văn Khôi là đầu sỏ, thứ đến Nguyễn Văn Bột, lũ Thái Công Triều, Lê Đắc Lực, Nguyễn Văn Chắm, Dương Văn Nhã đều là bè đảng, rồi sau đến lũ cam tâm theo giặc chịu chức của giặc, như: Nguyễn Hàm (con Nguyễn Văn Thành (chết) ngụy xưng là Tòng súy phủ kiêm Ngũ khuông vệ), Mạc Hầu Hy (con Mạc Công Du, ngụy xưng là Thủy quân kiêm lĩnh Ngũ dinh, trước can án chở lậu gạo bị giam ở ngục Phiên An), Vũ Công Tước (ngụy xưng thủy quân) cộng hơn 70 người. Còn người giữ tiết nghĩa cao, không chịu khuất bị giặc giết chết, duy có 2 người là Phó quản cơ cơ Phiên võ Bùi Văn Thuận và Đề lao Nguyễn Như Xuân mà thôi.
Người Thanh ở phố Lạc Dục, huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên là Lâm Đại Mạnh, Lâm Nhĩ, Trịnh Đại Nô tự xưng là Nhất ca, Nhị ca và Tam ca tụ họp đến vài trăm quân giết viên Tri huyện Nguyễn Văn Năng cùng với vợ con và môn thuộc của viên ấy đến 12 người. Người Thanh ở phố Lạc Tân là Trịnh Thần Thông và Trần Biện nguỵ xưng là Chánh phó thống binh, cùng với bọn trên kết làm bè đảng, rông rỡ cướp bóc.
Lại có người nhà Thanh theo giặc, tên chánh yếu phạm là Trần Thục Ân (tự xưng là Thiên địa hội, nhận nguỵ chức là Cai phủ. Trước đây, Ân tụ họp hơn vài trăm đồ đảng cướp bóc ở phố Hà Tiên, dân cư đều bỏ nghề nghiệp, lánh đi) lẩn trốn ở đất Hà Châu.
Suất đội vệ Cẩm y là Nguyễn Văn Nghị từ Nam Kỳ về. Vua hỏi tình hình quân và dân. Văn Nghị tâu nói: “Quan quân tới đâu, dân tình vui vẻ, cũng có người nhỏ nước mắt khóc, kể rằng vì bị giặc tàn phá, của cải không còn sót lại tí gì!”. Vua nói: “Hạt ấy người đông của lắm, phong tục xa hoa, vụt chốc phải đến như thế, thực đáng than xiết!”.
Văn Nghị lại tâu nói: “Nghe nói trước đây những người Thanh theo giặc, đi đến đâu rông rỡ tàn ngược, hiếp dâm vợ con người, giết cha anh người; trăm họ rất khổ sở!”.
Vua nói rằng: “Nếu đúng như lời ngươi nói, thì người Thanh kia hung ác quá lắm, sao lũ Nguyễn Văn Trọng lại nhận cho chúng đầu hàng ? Khi tâu lên không từng nói đến việc ấy ? Vả, chúng vẫn quen tính dữ tợn, nếu nhất khái rộng tha, thì chính là trút cái mình không yêu cho người mình yêu, còn lấy gì để yên ủi lòng dân ta được?
“Vậy, dụ truyền lũ Nguyễn Văn Trọng: nếu những sự việc đã nghe đó là hư hão cả thì thôi; nếu có, thì chuẩn cho lập tức đem lũ mới đầu hàng ấy chặt 4 ngón tay bên phải, chia phát đi an trí ở nơi biên viễn, còn tài sản của chúng cũng kiểm tra, niêm phong lại, để đợi xử án, chớ nên nhù nhờ nuôi kẻ gian ác để hại cho dân đen”.
“Lại, các quân Hồi lương, Bắc thuận, Thanh thuận, An thuận, và những hào mục Thanh - Nghệ mà Lê Văn Duyệt mang về, đều là đồ đảng liều chết của giặc từ sau khi thua chạy vào thành, có tên nào lẩn vào dân gian hay không, đã từng bắt được hay không?
“Lại lũ đi đạo Gia tô đi theo giặc thì trong đó tất có giáo trưởng người Tây chạy vào thành với giặc hoặc ở lẩn trong dân gian, tức thì tra xét bắt giải đến Kinh trừng trị.
“Lại, trong con hát phường trò của Lê Văn Duyệt, trước đây nhiều kẻ theo giặc, quấy rối cướp bóc dân gian, nay nếu trốn ở chỗ nào, nhất thiết bắt cả để trị tội."
(Trong thành còn có 1 đạo trưởng Gia tô tên Phú Hoài Nhân, được MM bổ vào ty Hành nhân. Có lẽ chính người này chỉ huy lực lượng Gia tô giáo trong thành.)
---
Tổng đốc Hà - Ninh là Nguyễn Kim Bảng tâu nói: "Hà Nội có chiếc thuyền buôn "Đại địch" của người lái buôn nhà Thanh, đi buôn không thấy trở về, vậy xin liệt vào hạng mất tích, cho miền thuế". Vua bảo Nội các rằng: "Trước giờ, nghe nói có nhiều lái buôn nhà Thanh hay đem các thuyền đã lĩnh bài bổ rồi chở trộm gạo về Quảng Đông, đổi làm hình dạng thuyền khác trở lại, chực mong miễn thuế. Đó là mánh lới, gian giảo của con buôn! Sao được lấy cớ là mất tích mà xin miền thuế? Thuyền ấy, cứ người bảo lãnh, bắt phải nộp thuế cảng hằng năm, đợi khi nó trở lại sẽ xét xử. Nguyễn Kim Bảng phải phạt lương 3 tháng và truyền cho các địa phương: Từ nay về sau, hễ có lái buôn nhà Thanh đóng thuyền, xin chịu thuế cảng, chỉ cho đi buôn ở trong nước ta thôi, không được trở về Trung Quốc hoặc đi Tân Gia Ba. Nếu có thuyền nào lén lút đi về, không trở lại, thì trách cứ ngay người bảo lãnh, mà thu thuế, lại sẽ trị tội nghiêm ngặt!".
Ngày Canh thìn, làm lễ Xuân hưởng. Hôm ấy, sấm dậy ở phía nam. Tòa Khâm thiên giám đem việc đó tâu lên và dẫn sách Quản Khuy nói: "Sấm mùa xuân dậy ở phương Nam, năm ấy có hạn hán nhỏ". Lại nói: "Mùa xuân, tháng giêng có sấm, thì dân đói!". Vua phê bảo rằng: "Đất phương Nam không được dày dặn lắm, cho nên dương khí không chứa được nhiều, dễ bốc lên. Mùa đông còn có sấm, nữa là mùa xuân? Vả lại, còn mấy ngày nữa đến tiết "Kinh chập", thì ngày hôm nay đã đến thời hậu rồi, còn lấy gì làm lạ nữa? Xưa có nói: "Trong trăm dặm, chỗ có sấm, chỗ không có sấm", huống hồ khí hậu phương Nam lại khác hẳn. Chỉ đọc sách cổ, mà không xét đoán theo khí hậu thì chẳng phải sách làm lầm các ngươi, mà chính các ngươi tự làm lầm mình! Duy khí mùa đông mà rét nhiều thì mùa hè chẳng khỏi nóng nhiều, hoặc đến tháng 5, tháng 6, có hạn hán chút ít, cũng là lẽ thường thôi. Đọc sách quý ở chỗ biết suy xét cho thấu nghĩa lý. Các ngươi kiến thức nông cạn, sao đủ nói điềm hay, điềm dở?".
Vua nhân bảo Nội các rằng: "Triều ta được nước, vốn không phải lấy của nhà Lê, nhưng nối theo chính thống, cũng nên chọn một chỗ đất để phong cho con cháu nhà Lê, tức là cái ý nhà Chu phong nước Kỷ, nước Tống.
"Lại nữa, từ Thuận Hóa trở vào Nam, xưa là nước Chiêm Thành, nay là của nước nhà. Được nước của người, há nên làm tuyệt sự thờ cúng của người hay sao ? Vậy cũng nên theo lệ, phong cho một chỗ, để việc cúng tế của nước Chiêm được tồn tại".
Lại dụ Tướng quân Nam Kỳ là Phạm Văn Thúy và Tham tán Trương Minh Giảng rằng: "Giặc Khôi gây việc, động mở mồm là nêu danh nghĩa lập lại nhà Lê. Nay tên đầu sỏ là cái mầm nhà Lê gây việc ở Bắc Kỳ đã bị giết cả. Đó rõ ràng là chứng triệu giặc Khôi sẽ bị nộp đầu. Công lớn có thể tính ngày xong được".
Tuần phủ Định Tường là Tô Trân, tiếp tục phái Phan Văn Thu, Chánh quản cơ cơ Định uy thuộc Định Tường, đốc suất binh thuyền đi cứu. Rồi dâng sớ tâu lên, có nói: "Súng ống, hỏa dược của thành Gia Định trước đều còn ở Phiên An chưa từng chia cấp. Lại nữa, Lê Văn Duyệt trước kia làm nhiều hỏa khí để dùng hỏa công dự bị cho việc biên phòng, nay bị lũ giặc chiếm lấy, dùng để phản công, cho nên biền binh không đủ sức địch lại".
"Vậy phong tước cho Nguyễn Văn Thừa làm Diên An bá, lại trao cho chức Vệ úy, hàm Tòng tam phẩm, liền được chiếu theo chức đó chi lương và vẫn làm việc công ở tỉnh Bình Thuận. Từ nay về sau, chuẩn cho con cháu được thế tập để giữ việc thờ cúng của Chiêm Thành. Nếu người nào có tài năng phẩm cách đáng dùng thì Nhà nước cũng lại liệu cất nhắc, chứ không có ý phân biệt vì cho là người ở nơi biên viễn".
Nhân lúc ấy, có án thông với giặc phát ra, nên việc ấy phải thôi.
Thổ Tri châu châu Bảo Lạc, tỉnh Tuyên Quang là Nông Văn Vân làm phản.
"Và tỉnh Phiên An từ sau khi chia đặt tỉnh chia hạt, Tổng đốc Nguyễn Văn Quế mỗi tháng ngồi công đường 2 lần, hoặc 10 ngày 1 lần, việc trong tỉnh đều do Bạch Xuân Nguyên quyền tạm chuyên làm. Việc gì cũng hà khắc, và xét nét từng ly từng tí. Từ Lãnh binh đến Suất đội, hơi có việc gì không như ý, thì mắng nhục ngay. Những ván gỗ do cơ binh ở thành đi lấy về, đều thu giữ cả. (Trước đây phát giác vụ án về ván gỗ của lũ nghịch Khôi, phàm ván gỗ do cơ binh ở thành lấy về, sức sai, thu giữ tất cả). Nhà cửa quân và dân ở trong thành đều bắt rỡ bỏ hết đi, người ta đều oán cả. Đến như nết xấu về những vụ tham ô cũng có nhiều. Và vụ án về ván gỗ, thuyền bè mà ngụy Khôi, ngụy Bột đã can phạm, đã có chỉ sai nghiêm xét, mà Nguyễn Chương Đạt không từng xiềng xích giam cấm, lại thường đêm đến thả cho về nhà. Trại quân trong thành mỗi trại có 5, 6 hoặc 10 người canh giữ, quân chính trễ tràng biếng nhác, cho nên lũ kia mới nhân lúc sơ hở nổi lên biến loạn".
Ngày Giáp thân, vua ngự điện Văn Minh, bảo thị thần rằng: "Bắc Kỳ có nạn lụt, nhân dân bị khổ trong vòng tối tăm đắm đuối, ta là cha mẹ dân, nỡ nào cứ hưởng yên vui cho đành? Vậy, bắt đầu từ ngày nay, những món ăn ngự thiện do viện Thượng thiện dâng tiến thì giảm đi một nửa. Nhất thiết ca nhạc đều bãi bỏ. Các vật châu ngọc quý báu ở trong cung cũng đều giảm bớt đi. Chim muông ở vườn thượng uyển, đều thả ra hết. Lại sắc cho nội cung: Phàm người có danh vị thì chiểu theo phẩm trật mà ăn mặc, không được xa xỉ quá. Các nữ tì không được tiếm dùng đồ gấm vóc, ăn uống nên có tiết độ, không được vượt quá mức".
Giặc bèn đặt Trấn thủ hưu trí cũ là Mạc Công Du làm ngụy Trấn phủ, bè đảng của giặc là Trần Hiệu Trung làm ngụy Tuyên phủ, em của Du là Mạc Công Tài, con của Mạc Hầu Diệu đều làm ngụy Thống lãnh để cho cùng với hơn 10 người Hồi lương, Bắc thuận chiếm giữ (khi nghịch Khôi mới làm phản, con Du là Mạc Hầu Hy theo giặc, Phạm Xuân Bích mật bắt Du và Mạc Công Tài lên tỉnh giam lại).
Lý lại được tin dò thám báo rằng: nghịch Khôi đã sai sứ sang Xiêm La, đi theo đường sông Vĩnh Tế, nhân bắt được người do Mạc Công Du sai phái là Nguyễn Văn Mân (Mân là Cửu phẩm thư lại cũ ở An Giang, là người thuộc hạ thân tín của Du, Du nhân nghịch Khôi trát sức chọn người am hiểu tiếng Xiêm đến Phiên An đợi lệnh bèn sai Mân đi) sai đem tờ mật thư, lấy nghĩa lý trách bảo Du, sai trước hết bắt chém lũ tội phạm Hồi lương, Biên lương và Bắc thuận và theo bắt thuyền và người ngụy sứ.
Dụ sai Mạc Công Tài, Mạc Hầu Diệu hội với Thành thủ úy Phú Quốc là Nguyễn Văn Sương, Suất đội Thanh Châu là Nguyễn Văn Thụy bắt được ngụy Chánh sứ là Nguyễn Thụy, Phó sứ là Nguyễn Văn Quý và 21 người tòng đảng luôn với các thư từ của ngụy, trong lũ ấy có 6 người Hồi lương, lập tức chém giết ngay tại chỗ. Còn người theo đạo Tây dương cùng ngụy Tuyên phủ ở tỉnh là Trần Hiệu Trung đều đưa hết về tỉnh An Giang, xích và giam lại.
Trước kia, đồn Ninh Biên thất thủ, Thành thủ uý Trương Phúc Nguyên từ trong chỗ giặc thoát về, nói quan quân ở đồn nhiều người bị giặc giết hại, chỉ còn sáu, bảy mươi người bị giặc bắt nấu bếp. Đảng giặc gồm có người Thanh, người Thổ, người Nùng, người Man không kém hàng vạn tên.
Vua dụ Binh bộ rằng: “Gần đây, do quân thuỷ quân bộ các đạo đại binh ở Nam Kỳ đánh dẹp giặc luôn bị thua tan vỡ, có nhiều kẻ tản đi trốn tránh, bị nhân dân bắt được giải nộp. Vả, lũ ấy trước đã cam tâm theo giặc cướp bóc dân lành, kịp khi đại binh tới nơi, lại không biết hối tội, đầu hàng ngay, thì chúng là lũ về bè với giặc, quyết khó xử tội nhẹ được. Vậy truyền dụ cho các Tướng quân, Tham tán: phàm lũ giặc trước sau bị nhân dân bắt giải, đều cho giết đi, chớ nên giam trong quân để phải canh giữ thêm cho nhọc."
Vậy, truyền chỉ cho Bùi Tăng Huy và Phạm Đình Trạc ở tỉnh Cao Bằng tức thì sai dân sở tại chỉ chỗ phần mộ cha ông tứ đại nhà Lê Văn Khôi, đào lên lấy thi hài đốt rồi đổ đi, để làm gương răn loạn thần, tặc tử nghìn đời. Vậy em và cháu của Lê Văn Khôi, con của Đặng Vĩnh Ưng, của Đinh Phiên và của Lưu Tín tất cả cộng 14 tên phạm, hiện giam ở các tỉnh đều trảm quyết (Trảm quyết: chém ngay, không cần xét xử). Rồi phái hai viên khoa, đạo: một viên đến tỉnh Quảng Nam, một viên đến tỉnh Nghệ An và Lạng Sơn, đều cho biền binh phái áp giải các phạm nhân đến chợ, chính mắt viên ấy cùng Tổng đốc và Tuần phủ trông coi hành hình. Con cả Đinh Phiên là Đinh Văn Trác bị truy đoạt bằng sắc, đục bỏ họ tên trên bia tiến sĩ. Cha Đặng Vĩnh Ưng là Đặng Văn Tuân phải đưa đến quân thứ Gia Định, sai chiêu dụ Ưng ra hàng. Nếu Ưng không chịu ra hàng thì chém đầu Tuân đi (Cha Khôi là Bế Văn Kiện vì phản loạn đã bị người chém giết, quăng xác đi ; duy mộ ông nội của Khôi, là Bế Văn Sĩ, cứ theo dân chỉ, đào đổ đi).
Vua bảo thị thần là Nguyễn Khoa Minh rằng: “Năm hình đặt ra, là để cho dân biết đường tránh, không dám phạm, giết một người mà nghìn muôn người sợ. Đấy là ý đặt ra hình phạt để mong không ai phạm vào hình phạt nữa. Gần đây, phàm lấy trộm của công, tất bị trị tội nặng, thế mà lũ ấy không sợ hãi gì, vẫn còn lấy trộm, thật rất đáng ghét!
“Ôi! chính sách mãnh liệt quá thì tàn dân, đã đành không phải là đạo trung chính, nhưng rộng rãi quá thì dân không biết sợ! Thực khó thay, đối xử với tiểu nhân!”.
Vua dụ Nội các rằng: “Trước đây quan quân trong đạo binh của Tham tán Nguyễn Xuân, đánh giết người Thanh, ta trước kia cho rằng Tướng quân và Tham tán không biết hiểu dụ họa phúc trước, khiến cho biền binh hiếu sự làm bừa để đến nỗi tàn hại nhiều mạng người, lòng ta không yên. Gần đây hiểu rõ sự trạng thì ra lũ người Thanh ấy đều là hạng dữ tợn, đáng ghét. Khi quan quân vừa đến, chúng liền họp bọn, cả thuỷ lẫn bộ, luôn mấy ngày cố chết chống cự ra mặt, thì quan quân có phải đánh giết một phen thật dữ, chắc cũng là thế bất đắc dĩ. Vậy cuối cùng quan quân ta bắt chém được hết sạch để tuyệt mầm ác, thì cũng không phải là không nên. Vậy thưởng cho Nguyễn Xuân gia quân công kỷ lục 2 thứ, những người cùng đi trận ấy, Quản vệ, Quản cơ đều được [quân công kỷ lục] một thứ, biền binh thưởng tiền 1.000 quan”.
“Ôi! Đạo làm tướng cốt lấy trí, dũng làm đầu, chứ có cần chăm lo đến nhân hậu nhu mì đâu ? Nếu kéo dài cho giặc được chậm chết, thì trăm họ không yên ở, quân lính bị nhọc nhằn, thế là bất nhân mà lại không khôn nữa!"
Bố chính Đoàn Khiêm Quang và án sát Doãn Uẩn ở tỉnh Vĩnh Long tâu nói: “Sau khi lấy lại tỉnh thành, dân trong hạt và người nhà Thanh có nhiều người tình nguyện tự xuất của nhà, để giúp lương ăn cho quân, cộng được tiền hơn 2.280 quan, gạo 490 phương, thóc 100 hộc”.
Vua nhân đó cùng với các thị thần bàn về tính chất các vị thuốc, nói: “Phàm các vị thuốc, dùng đúng thì hay, như nhân sâm, cam thảo, dùng lầm thì cũng hại người; bạch giới, bạch chỉ, khéo dùng thì cũng có công hiệu. Vậy biết trong khoảng trời đất không có vật gì bỏ đi, chỉ cốt ở người ta khéo dùng thế nào đó thôi!”.
Bình khấu Tướng quân Trần Văn Năng và Tham tán Lê Đăng Doanh tâu nói: “Dân ở hạt Gia Định và An Giang tình nguyện bỏ của nhà để giúp vào quân lương tiền năm nghìn quan, gạo một nghìn sáu trăm phương”. Vua sai truyền chỉ khen thưởng; số tiền gạo đã quyên ra ấy giao cho Tuần phủ Gia Định Hà Duy Phiên, chứa vào kho, khi nào trong quân cần dùng, sẽ đem số tiền và gạo ấy để chi cấp. Đến lúc trong nước được yên, sẽ chiểu theo số, trả lại. Lại sai bộ Hộ ghi tên, đợi sau này sẽ chước lượng khen thưởng.
Vua dụ bộ Binh rằng: “Bọn người Thanh ngụ ở Phiên An trước đều là nghèo túng không có chỗ nương tựa, sang nước ta là đất yên vui để làm ăn sinh sống đã lâu, lại không yên lành, đi theo bọn giặc, bọn quân chống lại quan quân, đến nỗi chụm đầu chịu giết, đó đều chúng tự làm ra. Còn như người Thanh ở các tỉnh, từ trước chưa hề dính líu đều được vô can, chắc rằng có thể giữ được không xảy ra việc gì; nhưng e rằng trong đó còn có một vài người còn sợ và ngờ, phải nên săn sóc bảo ban cặn kẽ."
Người đạo Gia Tô ở Nghệ An là Trần Danh Nguyên tụ họp đồ đảng để mưu tính làm việc phi pháp. Cai đội thuộc tỉnh ấy là Phạm Đình Trâm thông đồng với Nguyên, bị người ta tố cáo ra. Tổng đốc Tạ Quang Cự bí mật phái biền binh đi lùng bắt, bắt được Nguyên và Trâm cùng 14 tên đồng bọn, luôn với giấy tờ, ấn tín nguỵ.
Đình thần tâu lên vụ án Lê Văn Duyệt giấu riêng các giấy trắng đóng dấu lưu không. Họ nói: “Xét ra: Duyệt khi bị bệnh, sai điển thủ thư ký là bọn Phan Bá Nhã đem các tờ mật chiếu, mật dụ, chỉ truyền và giáo từ, đốt đi hết cả, việc ấy tỏ ra lại càng càn rỡ. Thế mà con hắn là Lê Văn Yến có lòng che giấu, tội ấy đều không trốn được”.
“Có tên Ngô Đức Nhuận là lính ở đội Gia tín, kho Gia Tín trước, giòng dây trốn ra khỏi thành có đệ trình một tờ giấy do chữ viết của Suất đội Phan Văn Trọng, trong nói: [trong thành] hiện nay ở kho chỉ còn hơn 60 vạn 4 nghìn 4 trăm 80 quan tiền, thứ bạc đĩnh 10 lạng còn hơn 1 nghìn 4 trăm 20 đĩnh, thứ bạc đĩnh 1 lạng còn hơn 2 trăm 60 đĩnh. Thóc còn 9 vạn 4 nghìn hộc, muối 8 nghìn 4 trăm phương, thuốc súng 5 vạn 2 nghìn 2 trăm cân, ống phun lửa 600 chiếc. Đảng nguỵ hiện còn hơn 2 nghìn 6 trăm 30 tên, voi 17 thớt."
“Người Xiêm vào xâm lược, tưởng chúng có ngón gì trội để đánh nước người ta, nên ta cũng lo, nhưng nay quan quân mới đến An Giang, giao phong một trận, giặc liền thua chạy, thì chúng chẳng qua cũng chỉ là quân ô hợp có gì đáng lo đâu?”.
Tả phó đô Ngự sử Phan Bá Đạt tâu rằng: “Cái đạo trị dân phải có pháp luật để trị, mà pháp luật cần phải có người tốt rồi sau mới thi hành được. Nếu dùng không được người tốt thì lập pháp để phòng gian lại trở thành cái túi tham cho kẻ gian giảo hoạt”.
Chủ tàu nước Phú Lãng Sa là Xa Di đến buôn ở tấn Đà Nẵng tỉnh Quảng Nam đem bán vàng giả. Việc phát giác. Vua bảo bộ Hộ: “Hắn là người ngoại quốc, nếu chiếu luật làm tội, thì nước hắn tất nhiên che giấu tội ác của hắn, lại bảo là ta ức hiếp lái buôn phương xa, trở mang tiếng là không tốt. Vậy nên tha cho hắn về, nhưng hạ lệnh cho ty Thương bạc tư cho quan địa phương nước hắn tra hỏi trừng trị. ấy cũng là cái ý trừng trị bằng cách chính mình không trực tiếp trừng trị”.
Hú hú, xong 3 cuối òi.
Đọc thôi mà cũng thấy mệt, làm vua thế này thì... quá khổ luôn, lại còn đi "bao sân" thiên văn thủy lợi, kỹ sư nông nghiệp, chỉ huy chiến trường... ect.
Cảm thấy đời sống văn minh nông nghiệp nó túng quẫn, tăm tối, luẩn quẩn vô cùng tận. /___\