Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Màu nhuộm
Trường An August 8th, 2018

Kỹ thuật pha chế màu đã có từ Ai Cập cổ đại, phát triển từ Lưỡng Hà đến Ấn Độ với kết quả là văn hóa màu sắc rực rỡ của 2 vùng này. Từ khi nền giao thương phát triển và lịch sử diễn tiến dần dần, càng nhiều loại màu mới được tìm ra cho đến khi nền công nghiệp màu nhân tạo khai sinh.

Ban đầu màu nhuộm được làm từ thực vật, rồi sau đó là các thành phần khác như vỏ ốc, màu côn trùng, khoáng chất... Kỹ thuật dệt nhuộm cũng tịnh tiến dần dần. Nhưng có 1 điểm đáng lưu ý là màu tự nhiên chỉ có 1 sắc độ, có thể làm nó đậm lên qua nhiều lần nhuộm chứ muốn làm nhạt đi thì chỉ có cách tẩy (cho nên thật ra không có màu nhuộm trắng, chỉ có cách tẩy vải trắng). Cho nên màu sắc thời cổ đại thực sự nghiêng về sắc thái đậm và trầm, ngay cả màu nhạt cũng chỉ do... phai màu đi mà có, không bao nhiêu màu có sắc neon chói lóa như màu nhân tạo.

Mà giới quý tộc do quy định màu sắc là 1, chảnh là 2, =)) nên sử dụng tông màu cát phục đều là màu đậm, cơ bản phai màu 1 phát là bị cho "đồ nhà nghèo" ngay. Trong đó, các tông màu được coi là quý xờ tộc thường là những màu đỏ, tía, đen, vàng.

Các màu trang phục có thành phần dễ tìm và rẻ tiền nhất trong tự nhiên là màu đỏ và vàng - 2 tông màu này được sử dụng nhiều ở Ai Cập cũng như đóng vai trò lớn ở Ấn. Ở châu Á, màu xanh lam cũng là màu khá rẻ tiền do nguyên liệu dễ kiếm, nhưng màu lam chàm ở châu Âu thì 1 thời lại được coi là màu nhập khẩu giá cao. Màu có thành phần khó kiếm nhất trong tự nhiên lại là màu lục và màu đen.

Thật ra màu đen thời cổ đại là màu chàm được nhuộm đi nhuộm lại, cho thêm than đốt vỏ ốc cùng các thành phần khác vào để có màu đen sậm - Cho nên có thể thấy ở vải thổ cẩm lẫn ngay cả các trang phục cổ còn lưu lại, màu đen này nghiêng tông lạnh, có khi chụp lên hình gần giống như màu tím than sẫm - hẳn là màu đen lúc phai đi.

- Ở châu Á, màu chàm - là màu xanh lam lạnh cho đến tím đậm - là màu khá rẻ tiền, cho nên 1 thời được dùng rộng rãi trong giới bình dân, cùng với màu trắng (cái này thì chả cần màu, dệt xong mặc thôi). Sau này người dân thích nhuộm vải đen để mặc vì nhuộm nhiều lần sẽ giúp vải bền, trông cũng có vẻ sạch sẽ nghiêm trang. Nhưng màu đen này cho đến thế kỷ 14 ở châu Âu mới tìm được màu đen tốt không phai từ sồi và cây keo cao ở châu Mỹ và châu Úc. Màu đen trở thành màu thời trang ở châu Âu từ thế kỷ 18 - tương đồng với khoảng thời gian màu đen thành "màu toàn dân" ở TQ-VN. Về màu chàm thì đây được coi là 1 loại màu phổ biến nhất nhì, nhưng sau này được coi là màu "cao cấp" hơn màu nâu và màu đen 1 tí, do màu xanh được quy định cho giới sĩ phu lẫn thường phục cho tầng lớp cao - Như có thể thấy ở Huế vẫn còn lệ trong ngày lễ tiết thì nam giới mặc màu xanh lam. Trong thời Lê, màu xanh chàm lại là màu thường phục toàn dân. Thời Trần thì sứ Nguyên đến thấy toàn dân mặc tuyền màu đen "như đàn quạ", sĩ tộc thì mặc đồ trắng.

Nói chung, vì tính chất giá rẻ và mặc bền, màu lam chàm với các biến thể từ lam cho đến đen là màu có lịch sử lâu dài ở châu Á. Hiện tại vẫn còn 1 loại trang phục lam chàm cực kỳ nổi tiếng: Màu đồ jean. Vầng, nguyên bản của màu jean từ xa xưa chính là nhuộm bằng chàm.

Màu lam chàm là màu lạnh nên ở độ trung bình là màu xanh rất sáng, người xưa gọi là "thanh cát vi minh", màu lửa sáng. Ở sắc độ nhạt thì nó vẫn sáng, cho nên muốn làm màu xanh nhạt thật nhạt, người làm vải thường phải tẩy bớt màu sau khi nhuộm xong. Nhưng nói chung thì màu xanh thời cổ đại cơ bản vẫn là màu xanh tím tông lạnh.

Chàm

- Một loại màu "giá rẻ" khác nữa ở VN là màu nâu - hoặc là màu hồng (vầng ngạc nhin chưa). Củ nâu dùng nhuộm màu nâu nếu chỉ nhuộm qua 1 lượt thì là màu hồng. Cho nên màu nâu sồng thực ra là màu nâu tông hồng. Mà màu hồng từ củ ấu cũng là hồng tông nâu. Cho nên cái gọi là "màu nâu non" ngày xa xưa là màu gạch non, thực chất là màu hồng tông nâu nhạt. (Áo các cô làm điệu ngày xưa toàn "màu nâu non" ó, thực chất là các cô mặc áo hồnggggg, gia giảm thêm tí nữa thì thành màu mỡ gà). Còn màu nâu củ nâu nếu nhuộm đậm thì có thể thành nâu đỏ, phảng phất như đỏ tía luôn.

Củ nâu cũng có thể cho vào màu chàm để nhuộm đen, màu đen lúc này sẽ cho ra ít sắc tím than hơn, màu đỏ+xanh thành màu tím, dập bớt sắc xanh đi.

Màu củ ấu

- Màu vàng thật ra cũng là màu khá dễ tìm. Người VN dùng gỗ cây mít, còn các chủng người, vùng khác trên thế giới thì dùng đủ loại rễ củ từ nghệ cho tới nghệ tây để làm màu vàng. Màu vàng thuộc loại màu dễ chế trên toàn thế giới, cho nên văn minh ở đâu cũng thấy màu vàng. Nhưng đây là màu vàng thực vật nên dễ thấy là nếu nhạt thì nó nghiêng về vàng đất, đậm thì nó nghiêng về vàng nâu, vàng cam - ví dụ như màu vàng chính sắc thực ra lại là sắc cam. Muốn tạo màu vàng rực rỡ hơn thì... thêu chỉ vàng vào. Từ Ai Cập cổ đại đã có dùng bột vàng pha vào màu, phát triển thành công nghệ mạ vàng, quét vàng, sau ở châu Á làm vàng thành sợi gọi là kim tuyến xe dệt chung vào vải, cho nên trên các trang phục cung đình thấy có những đường lấp lánh.

Nhưng mà nói chung thì dưới vẻ lấp lánh của vàng mười và luật cấm mặc đồ vàng ở châu Á sau này, màu vàng không phải là loại màu phổ biến cho lắm trong toàn dân. Cung điện nào cũng 1 khối vàng dát từ cửa vào giường, từ Buckingham cho tới Cambodia, cho nên màu quý tộc thực sự lại là... màu đỏ.

- Màu đỏ, từ màu đỏ tía cho tới đỏ sậm đều từng được coi là màu hoàng tộc ở châu Âu (cũng như Đông Á). Ở châu Âu, màu đỏ tía Tyrian purple được làm từ vỏ sò biển là màu quý tộc Trung Cổ vì... nó đắt tiền. Sau này họ chuyển sang màu đỏ sậm, hay màu đỏ yên chi - màu đỏ vô cùng phổ biến ở châu Á. Màu đỏ này được chiết xuất từ con bọ yên chi, sau này ở châu Âu có cả công xưởng nuôi bọ này để nhuộm vải. Ngoài ra cũng có khá nhiều thực vật, khoáng để tạo màu đỏ. Nhưng màu đỏ yên chi nói chung đã trở thành màu biểu tượng của Đông Á cũng như 1 thời ở châu Âu. Ngoài ra châu Á còn màu đỏ khá nổi khác là đỏ chu sa - màu đỏ đất, đỏ nâu.

Từ thời Tần màu đen được dùng làm trang phục chính cho vua, thì màu đỏ được dùng cho hoàng hậu, nữ quyến, nhưng này là đỏ sáng. Sang đến thời Tống thì vua mặc màu đỏ tía, các quan phân theo cấp bậc các màu đỏ khác nhau. Thời Minh vua mặc màu vàng là chính, các trang phục khác khá đa dạng đỏ, vàng, xanh..., hoàng hậu cũng tương tự. Các màu này được phân dùng cho các dịp khác nhau. Sang đến thời Thanh, ngoài bộ cát phục đen ai cũng biết thì thật ra phụ nữ hoàng tộc còn 1 loại cát phục đỏ. Theo mô tả về trang phục phụ nữ thường dân thời Thanh "con gái ai cũng mặc màu đỏ, màu hồng".

Ở VN thì khó khảo cứu hơn, nhưng hình tượng công chúa thời Lê cho thấy công chúa mặc màu đỏ. Thời chúa Nguyễn, theo mô tả của nhân chứng "con gái mặc toàn màu đỏ màu xanh", đến khi chúa Trịnh vào ra lệnh cho "không được dùng màu linh tinh", cho thấy vào thời kỳ này không có định chế trang phục rõ ràng.

Sang đến thời Nguyễn, màu đỏ thật ra còn được dùng rộng rãi hơn trong hệ thống - quân lính Nguyễn mặc đồng phục đỏ. Còn trong cung đình thì hoàng hậu, phi tần, hoàng tử, công chúa đều có trang phục đỏ, màu đỏ có thể coi là màu tượng trưng cho trang phục công chúa luôn. Còn theo nhân chứng, cung nữ nhà Nguyễn mặc trang phục hồng. Thật ra nhà Nguyễn lấy phương Nam, quẻ Ly, Hỏa làm chủ đạo nên trọng sắc đỏ.

Trong dân gian do luật hạn chế dùng màu nên màu đỏ được dùng cho các phụ trang như yếm, thắt lưng, khăn dây...

(Như trong Harry Potter, cái nhà cưng nhất của tác giả cũng là màu đỏ tía cho nó "hoàng tộc", thiệt ra đây là 1 dữ liệu có tính lịch sử vô cùng cao).

Vải đỏ thời Hán

Đỏ yên chi

- Các màu khác như lục, tím, xám ít được coi có tính biểu tượng hơn. Như đã nói trên, màu nhuộm lục thực ra không dễ tìm trong tự nhiên, do đó được tạo bằng cách pha màu xanh với vàng. Màu tím được tạo bằng đỏ pha với xanh. Màu xám tức là màu nhuộm đen chưa đủ độ, hoặc màu vải làm từ lông dạ tự nhiên, cũng coi như là 1 màu "nhà nghèo" ở châu Âu thời Trung Cổ. Chỉ khi màu đen lên ngôi, xám mới đi theo, cơ bản cũng vì... màu nhuộm xám cũng đắt tiền (dùng đồ đắt nghĩa là giào, hiểu vại đi).

Cho nên thực ra mà nói màu sắc cổ đại nằm trong 3 tông chính: xanh lạnh, đỏ thẫm, vàng nâu. Như bộ sưu tập trang phục nhà Thanh đây giống như bộ sưu tập "các sắc độ màu xanh" hơn: http://www.sohu.com/a/131683869_526635

Bằng thị giác mà nói thì màu nổi nhất chính là xanh sắc tông lạnh này chứ hông phải mào đỏ hay vàng. Ngay cả các màu sơn cũng làm từ đá, khoáng nên có màu đất chứ không phải sắc chóe lọe đầu thế kỷ 20.

(Cho nên mà đó mà, muốn phục dựng cũng cần biết sắc độ nào, chứ đỏ tưởng là đỏ, xanh tưởng là xanh, nâu tưởng là nâu đến lúc chúng nóa oánh nhao lại hỏi tại xao. Đến ngay cả màu nâu sồng nói là "phổ biến lắm" mà toàn cho màu nâu vàng cũng...

Nói chung đừng bị mấy tấm hình trắng đen tối mù lừa đảo. =-= Nói đen với nâu, xanh mà đen tím than, xanh lam chàm, nâu đỏ tía, hồng mỡ gà thì cũng chả "tối tăm" cái giề đâu. Màu củ nâu thoang thoáng sắc Tyrian purple zô cùng hoàng tộc =)) Thiệt ra mấy màu được gọi là nâu, đỏ với tía nhiều khi dòm lẫn lộn nhau, tương tự màu vàng với màu cam, xanh lam với xanh lục).



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.