Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

PTTH
Trường An April 24th, 2018

Nhân kể chuyện xưa năm đó... Hồi trước mình bảo vua Khang Hy ưu ái giáo sĩ phương Tây lắm, mà các triều đình châu Á thời kỳ đầu cũng ưu ái người phương Tây lắm, vậy thì nguyên do gì quan hệ đổ vỡ? Ờ thì ta hãy quay về năm 1705.

Thật ra từ khi Marco Polo đến triều đình nhà Nguyên, quan hệ giữa Tây dương và các nước châu Á vẫn tiến triển theo chiều hướng khá là phức tạp, ví dụ như triều Minh quan hệ với Bồ Đào Nha, nhượng Ma Cao để đánh dẹp Từ Hải. =)) Nhưng chỉ từ khi Anh chiếm Ấn Độ, Tây chiếm được vài hòn đảo ngoài khơi Thái Bình Dương, mối quan hệ với châu Á mới được đặt vào tầm quan trọng - thông qua các phái đoàn giáo sĩ. Chính quyền Mạc Phủ từng nhờ Tây dương mua vũ khí mà thống nhất đất nước, Miến Điện liên kết với Bồ Đào Nha, Chân Lạp cũng từng quan hệ với Bồ Đào Nha nhằm đánh Xiêm, Xiêm thì quan hệ với Pháp, cử luôn phái đoàn đầu tiên của châu Á đến triều đình Pháp. Ở Việt Nam thì chúa Trịnh liên kết với Hà Lan đánh Nguyễn...

Nhưng các quan hệ này dần dần đổ vỡ, trước tiên là ở các nước nhỏ. Pháp quay đuôi ra đánh chiếm Xiêm, bị Xiêm đập cho 1 trận đuổi đi 2 thế kỷ sau mới được quay lại. Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đánh chiếm các đảo quốc, nhăm nhe đánh Nguyễn - khiến sử Nguyễn trở thành danh sách "1 mình chống mafia" đánh từ Hà Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha sang đến Nhật, Xiêm. Nói chung, trong thời kỳ đầu, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật chưa tới, chỉ mạnh về thuyền để lòng vòng ngoài biển, nhăm nhe thấy ở đâu sơ hở thì nhảy vào, Tây dương cũng đủ gây thù chuốc oán khắp nơi vì sunsee. =))

Nhưng Trung Quốc với vị thế to bự của mình thì chả thằng nào dám động vào, vậy là "quyền lực mềm" được triển khai. Nghe đồn 1 trong những lý do Mãn Thanh chiến thắng là nhờ súng đạn do Tây dương cung cấp (hãy nhìn đến hoàn cảnh tộc du mục này không sản xuất sáng chế được gì ráo, cho nên việc này không có nghĩa "súng nó ưu việt lắm" đâu). Khi Khang Hy lên ngôi, quan hệ này càng trở nên khăng khít khi vua liên kết với Tây dương thu tóm Đài Loan trong tay họ Trịnh, đánh Nga La Tư, chinh phục các tiểu quốc, tỉnh thành phía Bắc, vươn sang phía Tây... Nói chung, vị thế các giáo sĩ trong triều Khang Hy vô cùng lớn, đến mức vào năm 1692, Khang Hy đã ban chỉ cho phép Thiên Chúa giáo, đặt tôn giáo này ngang hàng với Khổng giáo.

Trong chiếu chỉ "Chính giáo phụng truyền" năm 1692, Khang Hy viết: "Người Tây dương rất yên tĩnh, họ không kích động rối loạn ở các tỉnh thành, không gây hại cho bất cứ ai, không phạm tội, giáo lý của họ không có gì chung với các giáo phái giả dối trong nước... Do đó, ta quyết định rằng tất cả các nhà thờ dành cho Đức Chúa trời ở bất cứ nơi nào cũng nên được bảo toàn, cho phép những người thờ phụng Đức Chúa này được vào nhà thờ tôn vinh ngài ta, thực hiện các nghi lễ cổ truyền của Kitô giáo. Vì thế, không ai được phép ngăn cản họ."

Lại nói, vào thời kỳ đầu, những giáo sĩ đến châu Á tìm cách hòa nhập với các tập tục châu Á, mặc áo giống như nhà sư và cho phép tín đồ thờ cúng, tín ngưỡng. Vào năm 1656-1659, Giáo hoàng Alexander VII cũng đã ban luật "ưu ái phong tục Trung Hoa", cho phép các giáo sĩ đến hoạt động ở châu Á hòa nhập và chấp nhận phong tục bản xứ, sử dụng các loại ngôn ngữ riêng của xứ này. Hướng dẫn năm 1659 ghi:

"Đừng hành động nóng nảy, đừng tranh cãi với bất cứ ai nhằm thay đổi nghi lễ, phong tục tập quán của họ trừ phi nó trái với tôn giáo và đạo đức. Đừng mang quốc gia của chúng ta đến với họ mà thay vào đó là mang Niềm tin, một Niềm tin không làm tổn hại phong tục, nghi lễ của bất cứ ai, do đó không gây ghét bỏ mà còn bảo vệ, giữ gìn bọn họ."

Nhưng ai rồi cũng khác. :)) Khi đã có vị trí quan trọng trong triều đình Khang Hy, tham gia vào cả quá trình đàm phán trong chiến tranh với Nga La Tư, nhận được sự ưu ái của vua cho phép tôn giáo được truyền khắp nơi, từ đó tôn giáo này không còn giới hạn trong giới cùng khổ mà chạm đến tầng lớp cao hơn, rồi va chạm với các phong tục trộn lẫn lâu đời của Trung Quốc. Các giáo sĩ ở Roma liền đề ra luật giới hạn "nghi thức Trung Hoa" bao gồm:

- Định nghĩa lại từ Thiên Chúa, không cho tiếp tục dùng chữ Thượng Đế, Trời.

- Cấm người theo đạo tham gia vào các nghi thức của Khổng giáo.

- Cấm người theo đạo sử dụng bàn thờ "dành cho các linh hồn", bao gồm cả nghi thức cúng bái tổ tiên.

Giáo hoàng Clement XI thông qua luật này vào năm 1704, và cử phái đoàn sang thông báo cho vua Khang Hy. Từ năm 1704-1715, Giáo hoàng liên tục thắt chặt, bổ sung thêm lệnh cấm này, trong đó đặc biệt cấm giáo đồ tham gia cả vào các nghi thức tế lễ xuân, thu, cúng tổ tiên - ngay cả việc xuất hiện tham gia vào lễ tế của người bên ngoài cũng không được; không được đi vào đền chùa cúng ngày mùng 1, 15 hàng tháng; không được cúng tổ tiên ngay trong nhà mình; không được tổ chức cúng lễ đám tang, đám giỗ - ngay cả tham dự lễ tang, lễ giỗ của người khác cũng không.

Vào năm 1742, Giáo hoàng Benedict XIV tung ra quả chốt là cấm bất cứ giáo sĩ nào bàn luận về lệnh cấm này.

Năm 1721, sau nhiều lần tranh cãi với việc Vatican khăng khăng bắt các giáo đồ ở TQ phải tuân thủ lệnh cấm này, thậm chí muốn vua ban lệnh cho giáo đồ phải tuân thủ, Khang Hy chịu đựng hết nổi, ban lệnh cấm truyền bá tôn giáo này trên toàn đất nước.

"Với thông cáo này, ta thấy hẳn nhiên người Tây dương là đồ nhỏ nhen. Thật sự không thể nói lý với chúng được vì chúng không thể hiểu các vấn đề lớn mà chúng ta hiểu ở TQ. Đánh giá từ tuyên bố này, ta thấy tôn giáo của chúng chẳng khác vài giáo phái nhỏ nhảm nhí của Phật giáo hay Đạo giáo. Ta chưa từng thấy một cái văn bản nào thậm vô lý đến như thế. Để tránh rắc rối hơn, từ nay trở đi, Tây dương không được phép truyền đạo ở TQ."

Năm 1724, Ung Chính lên ngôi, ban lệnh cấm hoàn toàn Thiên Chúa giáo.

Vừng, và kết quả là tôn giáo này bị cấm trên hầu như toàn lãnh thổ châu Á. Theo như các quan chức VN mô tả thì tôn giáo này "dạy con người từ bỏ cha mẹ, tổ tiên, quê hương", gây tụ tập mất trật tự an ninh xã hội. Hay như trong đầu đời Gia Long, lá bài "nghi lễ Trung Hoa" được đưa ra như phương thức đấu đá chính trị.

(*nói nhảm* Nói chung là cũng chả ông vua nào chịu nổi khi quần thần biến mất sạch trong lễ tế xuân thu, lễ nghi triều đình, thậm chí tang lễ nhà mình nó cũng không ló đầu tới, mình kể về tổ tiên anh linh thì nó quặc cho câu "ma quỷ ó". =)) )

Đến tận năm 1939, Giáo hoàng Pius XII mới nới lỏng lệnh cấm này, coi "nghi lễ Trung Hoa" là nghi thức xã hội chứ không phải tôn giáo, và người theo đạo được phép tham dự, thực hiện các "nghi lễ dân sự" này. Sau đó đến năm 1943, chính quyền Trung Quốc đương thời mới thiết lập quan hệ với Vatican.

---

Nói thêm, thật ra cùng thời kỳ với Kitô giáo còn có các giáo phái khác từ phương Tây tới, và những giáo phái này hoàn toàn không bao giờ chịu chấp nhận "nghi thức Trung Hoa" hay phong tục bản địa.

Mà nói cho cùng thì, số tôn giáo cấm thờ ngẫu tượng trên thế giới vốn cũng hơi bị nhiều.



One Response
Pika

:( chị ơi sao không thấy mấy bài đăng cũ đâu hết?

Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.