Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hướng dẫn du lịch lăng tẩm Huế
Trường An April 1st, 2018

(Bài post lại cho bạn Lan)

Thiệt ra hệ thống lăng tẩm Huế hầu hết tập trung trên 1 trục chính. Cứ đi đến đàn Nam Giao, vòng qua đường Minh Mạng, đi qua lăng Gia Long rồi vòng ngược ra sau khu lăng đến cầu mới xây (chưa có tên) trở về phía lăng Minh Mạng bên kia bờ Hữu ngạn, vòng qua đường quốc lộ trở về Kim Long (phía chùa Thiên Mụ bờ Bắc) là đi qua hết lăng cả vua lẫn chúa, hoàng hậu rồi đó. Vì lăng vua dễ tìm, ở đây chỉ ghi lăng chúa (không theo thứ tự nào cả, lăng nào đến trước ghi trước).

- Lăng Trường Hưng (chúa Nguyễn Phúc Tần): Đây là lăng mình đến đầu tiên, nằm bên đường quốc lộ (nay là đường Kim Phụng) (PS2: Tất nhiên là do mình đi ngược nên mới rút kinh nghiệm ra đóa :v ). Lăng này không có đường vào, chỉ có thể dừng xe gần 1 cơ sở quán xá to to gần đó rồi vượt rừng đi vào, phải qua 1 khoảng ruộng - mà thiệt ra trước đây là hồ bán nguyệt có ở trước bất cứ lăng nào. Vì hệ thống lăng này có các hồ dựa vào mạch nước tự nhiên lẫn kênh đào liên thông với nhau (nên nhà nghiên cứu Pháp trước đây bẩu cứ đi theo dòng nước mà tìm lăng) nên nước không bao giờ cạn, nên... bị dân trưng dụng làm ruộng =__=. Ruộng xen giữa rừng coi như là 1 "nét đặc sắc" ở Huế đi vậy. Lăng này còn được gọi là lăng Chín chậu, hỏi tên chúa lẫn tên lăng người trong vùng không biết chứ lăng Chín chậu chắc biết đó. Vì trước lăng để 9 cái vạc (Cửu đỉnh), giờ chỉ còn 8.

- Lăng Trường Diễn (chúa Nguyễn Phúc Nguyên): Từ chỗ đầu đường để xe ở lăng Trường Hưng có 1 con đường mòn be bé chạy vào rừng, dọc theo con đường này là đến lăng Vĩnh Cơ (vợ chúa Tiên), từ lăng này lấy làm tâm điểm để tìm lăng Trường Diễn (hãy dùng GPS định vị chứ hông có đường lẫn phương hướng nào hết). Cũng có thể vừa đi dọc đường mòn vừa tìm lăng rồi... tìm xem có đường nào vào đó không (chưa thử chưa biết :v ). Vì trước lăng thường có hồ, ruộng, khe, sông nên đi mặt trước có vượt qua được không thì... hên xui, kinh nghiệm này sẽ càng rõ hơn khi vào lăng Trường Phong.

- Lăng Trường Thanh (chúa Nguyễn Phúc Chu): Lăng này đã nằm trong quần thể lăng Gia Long, lại có bảng chỉ dẫn, nằm gần đường lớn, được con cháu tu bổ tôn tạo hoành tráng nên dễ tìm lắm. Đi qua cầu phao, bon bon chạy về hướng lăng Gia Long, dọc đường có bảng chỉ vào à.

- Lăng Trường Mậu (chúa Nguyễn Phúc Thái): Lăng ở gần lăng Trường Thanh nhưng không có đường vào. Đi qua lăng Trường Thanh đến 1 con đường rẽ phải rồi đi qua 1 cánh đồng trống, đi vào 1 khoảng đất đầy trúc, có 1 con đường mòn be bé chỉ đủ cho 1 người đi bộ dẫn vào lăng. Lăng ở đây (đáng ngạc nhiên) là quần thể còn khá chỉnh chu dù không ai chăm sóc, ít nhất là hồ sen vẫn còn nở hoa như trăm năm đã thế, chưa bị trưng dụng làm ruộng :P , đất trong lăng bị chủ đất canh tác nhưng nếu con cháu làm nốt việc tráng ximăng nền lăng lại thì chắc không sao. Lăng này cũng có 1 "truyền thuyết" lạ kỳ về việc đêm bọn trộm mộ mò tới đào, có "ông già áo đỏ" tới báo cho chủ khu đất (bây giờ) chạy tới ngăn cản. Nghe bảo lăng cũng chưa từng bị đào trộm.

- Lăng Trường Phong (chúa Nguyễn Phúc Thụ): Lăng này nằm giữa rừng, sau mấy khe suối lớn (mà mình đã rất duyên đi vào đúng mùa lũ nước lên :v ). Từ lăng Gia Long chạy qua điện Gia Thành, đi thêm nữa về bên trái đến 1 con suối nhỏ. Vượt qua suối đến 1 con đường mòn, vào rừng, đường rẽ làm đôi, đi theo đường bên phải vượt qua khe nước lớn (may mà có cầu sắt) rồi đến khe suối thứ 3, có con đường bé tí teo bên phải, men theo bờ suối đến 1 cái cầu gỗ (gọi cho oai chứ chỉ là 1 mảnh gỗ bắc sang. Nếu có ai đi thì kiến nghị thử xem nó còn đi được không trước khi qua.) Qua cầu là đến lăng rồi đó. Lăng này thang lên đã vỡ hết, cần... leo lên, khỏi tìm thang mất công.

- Lăng Trường Cơ (chúa Nguyễn Hoàng): Cũng rất dễ tìm, dọc theo con đường lên lăng Gia Long nhưng chạy về phía phải là thấy bảng, nằm ngay bên đường luôn.

- Lăng Trường Thiệu (chúa Nguyễn Phúc Thuần): Đối diện lăng Trường Cơ, qua 1 cánh đồng (tất nhiên, đó là hồ sen cũ).

- Lăng Trường Thái (chúa Nguyễn Phúc Khoát): Nằm trên lăng Trường Cơ 1 tí là 1 con đường mòn bên tay phải, đường bùn đất rất bé dẫn vào ruộng nên phải để ý mới thấy. Đi hết đường này là đến đường lớn nằm phía sau khu lăng. Băng ngang qua đường lớn chạy vào rừng, lúc này thì chả còn đường nữa vòng ra... cái ruộng (aka hồ sen), đi qua ruộng là vào đến lăng. Đến đây vẫn chưa hết tiết mục vui, thang sập đường sập rồi nên chúc bạn... leo vui vẻ. Nghe đồn có người tự tử ở đây rồi "hiện hồn" về báo mộng cho cha mẹ đến lấy xác nên người trong vùng đến cắm nhang cúng tế nhiều lắm. :v

- Lăng Trường Diên (chúa Nguyễn Phúc Lan): Từ lăng Trường Thái trở về đường lớn, đi qua cầu mới xây chạy về hướng lăng Minh Mạng, đầu cầu rẽ trái đến 1 "con hẻm" lát đá nhỏ xíu, đó chính là lối vào lăng. Lăng này nằm trong khu dân cư nên cảnh quan (hồ) không còn gì, lăng cũng xuống cấp khá lớn, phía sau lăng là cái vực chừng 5,6m dẫn vào trảng cây to to.

Thiệt ra nếu đi theo đúng trục đã nói thì lịch trình có thể là: Đàn Nam Giao - lăng Tự Đức - lăng Thiệu Trị (cùng lăng Từ Dụ, lăng Hồ Thị Hoa xung quanh đó) - lăng Cơ Thánh (cha Gia Long) - lăng Khải Định - lăng Trường Thanh - lăng Trường Mậu - lăng Gia Long (cùng quần thể lăng Thiên Thọ) - lăng Trường Phong - lăng Trường Cơ - lăng Trường Thiệu - lăng Trường Thái - lăng Trường Diên - lăng Minh Mạng - lăng Trường Hưng - lăng Trường Diễn.

(Còn 1 lăng Dục Đức (thờ dòng dõi vua Dục Đức - Thành Thái) nhưng nó nằm lạc quẻ bên Phủ Cam).



One Response
Lan

Thankx ban Ast nhieu nhe :xxx

Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.