Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

TS – LC&ĐV – 4
Trường An September 21st, 2017

I. Diễn biến

1. Ngư ông đắc lợi

Có 1 câu nói của Đặng Đức Siêu được nhà sử học sử dụng như 1 cách "khoe" thanh thế Tây Sơn hay về sự "bao dung" của Nguyễn Phúc Ánh là giữa lúc tình hình chiến tranh căng thẳng, Đặng Đức Siêu đã nói "Anh em Tây Sơn chỉ là kẻ áo vải nhưng cất tay kêu gọi được vạn người".

Sự tình là... quả nhiên chẳng thể nào đọc sử Việt Nam cắt đầu cắt đuôi, vì câu nối tiếp sau đó là "vì chúng gian ngoan dối trá".

Thật ra, sự "gian ngoan dối trá" này là nhận xét chung của tất cả các đối thủ dành cho Tây Sơn - bất kể là ai lãnh đạo. Khi nhìn lại toàn cảnh thì câu nói của Đặng Đức Siêu thật thần kỳ đã tóm gọn được tất cả nguyên nhân thành công lẫn thất bại của Tây Sơn.

Ban đầu khi nổi dậy chẳng rõ Tây Sơn đã giơ chiêu bài "Phù Đông cung Dương diệt Trương Phúc Loan" hay chưa, sử Nguyễn cũng im ỉm điều này vì nhiều lý do. Nhưng trong Hoài Nam khúc thì rõ ràng Tây Sơn đã khởi loạn bằng chiêu bài "Phù minh diệt ám tiếng vang". Tác giả Hoài Nam khúc lúc ấy còn chưa biết Đông cung Dương sau lọt vào tay Nguyễn Nhạc, vẫn còn hô hào "theo Đông cung", như vậy khả năng này rất lớn. Điều này cũng phù hợp với việc Định vương Nguyễn Phúc Thuần không thể ở lại Quảng Nam mà phải lập Nguyễn Phúc Dương làm Đông cung để lãnh đạo chống Tây Sơn. Như vậy, lần phù trợ thứ nhất của Tây Sơn: Phù Nguyễn.

Theo dư luận thì Nguyễn Nhạc đã đi gọi quân Trịnh vào, nhưng thật ra chẳng cần ai gọi quân Trịnh cũng đánh. Phía Nam thì Xiêm La đang đánh, khúc giữa đang loạn lạc, cơ hội tiêu diệt Đàng Trong rõ như thế cơ mà. Cho nên, trong khi quân Nguyễn sau vài trận xang bang bắt đầu thắng Tây Sơn ở Quy Nhơn, đang bao vây Quy Nhơn, quân Trịnh đánh vào, tiến thẳng từ Trấn Ninh đến Phú Xuân đang còn trong ngày tết, khiến Định vương phải cuống quýt bỏ chạy. Vậy là đội quân Nguyễn ở Thuận Quảng chẳng làm gì cũng vỡ. Dư luận thì "đổ thừa" Nguyễn Nhạc âm mưu giăng lưới, nhưng có vẻ Tây Sơn ở trong thế ngư ông may mắn hơn.

Ngày ấy, Quảng Nam đang chết đói, "trong cảng không còn 1 con gà con vịt" - cảnh tượng này còn kéo dài đến tận gần Vũng Tàu, nơi thuyền Anh đến thấy dân chúng chỉ còn có thể vớt rong biển ăn, chết đói hơn phân nửa. Cho nên trận chiến ở Quảng Nam đơn giản là Trịnh đối đầu Tây Sơn chứ "dân chúng" chỉ còn là vai phụ. Nguyễn Phúc Dương tình cờ sao lọt vào tay Nguyễn Nhạc, "được" Nguyễn Nhạc gả em gái cho, vậy là giả danh (tạm thời) biến thành chính danh, để sau này ông thư lại của Nguyễn Huệ lúc đánh Quy Nhơn hùng hồn kể "Không tội gì lớn bằng giết vua". Phù Nguyễn +2, lần này quả thật là chính danh rành rành.

Nhưng rồi Nguyễn Phúc Dương bỏ trốn, bị giết ở Gia Định. Tây Sơn thua ở Quảng Nam, nhận chức phong của Trịnh, thấy quân Hoàng Ngũ Phúc rút khỏi Quảng Nam vì dịch bệnh thì chạy lên chiếm, quân Trịnh cũng để yên. => Lần 3, theo Trịnh.

Vậy là yên ổn phía Bắc, Tây Sơn chỉ còn lo đối phó phía Nam. Nguyễn Phúc Ánh đem quân Đông Sơn về Gia Định, kết nối với Châu Văn Tiếp ở Phú Yên, có lúc đánh chiếm đến tận gần Phú Yên. Đây là khoảng thời gian Nguyễn Nhạc đi kêu gọi người Anh đến để tìm cách mua vũ khí lẫn sự hỗ trợ, đổi bằng "vài cái cảng biển". Theo ông sứ Anh quan sát khi đến Quy Nhơn lúc này thì ở đây không có cảnh tượng chết đói thê thảm như các vùng khác, trái ngược với cảnh ở Vũng Tàu "thuyền Tây Sơn đến đánh Gia Định đi qua đây đã cướp hết tất cả những gì để ăn của họ".

Ở Gia Định thì Cù lao Phố đã bị đốt cháy, Nguyễn Phúc Ánh đưa dân chúng đến sống ở Sài Gòn, có khi bị thuyền Tây Sơn bao vây khiến gạo không có mà ăn. Sử gia nào đó chắc gọi đây là phương cách "tiêu diệt sinh lực địch", còn thực tế thì chỉ khi Nguyễn Phúc Ánh tung quân lên chiếm Bình Thuận, tiến sát Phú Yên thì Gia Định mới được giải vây, dù phương cách ấy bị Nguyễn Văn Thành chê trách "Bình Thuận chiếm dễ giữ khó", phân chia quân ra để rồi không ứng phó kịp khi cần thiết.

Nhưng Gia Định thì cũng chẳng yên bao giờ. Ba Thắc mới bị chiếm 20 năm trước thấy động lại vùng lên, căng thẳng với Xiêm dằng dai ở Chân Lạp. Vậy là 2 bên cầm cự nhau để củng cố lực lượng, Nguyễn Phúc Ánh - Đỗ Thanh Nhơn thì lo đánh đông đánh tây bình định Gia Định, Tây Sơn thì lo tìm lực lượng củng cố sức mạnh của mình.

Nhưng làm ngư ông cứ kiên nhẫn buông cần thì thế nào vận may cũng tới, trong 1 Gia Định rối như canh hẹ thì đội quân của Nguyễn Phúc Ánh cũng rối như canh cá, Nguyễn Phúc Ánh giết chết Đỗ Thanh Nhơn, biến đồng đội thành đối thủ. Tây Sơn nghe tin tiến đánh, quân lực Châu Văn Tiếp đóng ở Bình Thuận không về kịp, Nguyễn Phúc Ánh chạy ra biển. Nhưng Châu Văn Tiếp với đội quân Lương Sơn xứ Phú Yên xa tít tắp sao quản được Gia Định, vậy là... tiếp tục thua. Nguyễn Phúc Ánh chạy qua Xiêm, vậy là Tây Sơn chiếm được đến Gia Định.

Cũng thật là tình cờ run rủi của tạo hóa, ở Đàng Ngoài đúng lúc này chúa Trịnh Sâm chết, 2 ông con trai tranh giành ngôi chúa với nhau, giết luôn ông Quận Huy trấn thủ Nghệ An. Trịnh rút quân ở Thuận Hóa về, Tây Sơn lên chỉ nã pháo 1 trận đã chiếm được Phú Xuân. Quân Trịnh ở Phú Xuân chuyên dỡ nhà làm củi đốt, dân ghét đánh đuổi thêm. Và rồi, 1 ông "thầy dùi" xuất hiện: Nguyễn Hữu Chỉnh.

Lo đánh ra Đàng Ngoài xa lạ không biết đường? - Đã có Nguyễn Hữu Chỉnh thống lãnh đội quân. Lo dư luận Đàng Ngoài không thuận, lực lượng Trịnh quá mạnh? - Đã có Nguyễn Hữu Chỉnh vẽ lối, cứ xài chiêu "phù Lê" của chúa Nguyễn đi. Nói chung tất cả vấn đề, xung đột của Trịnh đã nói trước được Nguyễn Hữu Chỉnh tận dụng triệt để. Trịnh Khải phải đích thân mặc giáp dẫn quân ra khỏi thành, chưa đánh được trận nào, chỉ nghe quân địch tới là quân bỏ chạy hết sạch. Nguyễn Huệ vào bái kiến vua Lê, nhận tước phong, cưới công chúa. => Lần 4, phù Lê.

Vậy là Tây Sơn "thống nhất" đất nước dưới danh nghĩa triều Lê, bằng 1 quá trình mà nói đến là các địch thủ nghiến răng trèo trẹo "đồ dối trá gian ngoan". Và rồi, con đường này để lại hậu quả khôn lường cho Tây Sơn, chưa cần đến lúc anh em đánh nhau. Đó là, diễn dịch ý của Đặng Đức Siêu: lực lượng của Tây Sơn là do "gian dối" mà có. Đó là những nhóm phù Nguyễn, phù Trịnh, phù Lê, hay chính bọn họ cũng âm mưu lợi dụng Tây Sơn như Nguyễn Hữu Chỉnh. Thậm chí với tư cách 1 lực lượng địa phương, trận đánh của anh em Nhạc Huệ cũng làm phân rã nhóm này, là sự "phản bội" cuối cùng với toàn bộ những gì Tây Sơn đã từng bắt đầu. Để rồi đến ngày tan rã, toàn bộ quan quân Tây Sơn bị bắt giết bởi chính những lực lượng này. Thậm chí cả gần nửa thế kỷ sau con trai Nguyễn Nhạc vẫn bị chính người Quy Nhơn tố cáo cho triều đình Nguyễn.

Sự "thành công" của Tây Sơn thực chất nằm ở "nội lực" của nhóm người này thì rất yếu, khi từ đầu đến cuối Tây Sơn chưa hề xây dựng được bất cứ danh nghĩa nào cho mình, thậm chí đến khi Nguyễn Huệ xưng hoàng đế mà vẫn còn phải để Ngọc Hân đứng danh nghĩa ca bài "Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương"; đến cuối cùng, Tây Sơn vẫn chỉ còn lại nhóm người Quy Nhơn sống chết. Ngược lại, toàn bộ chiến thắng của Tây Sơn nằm ở sự phân rã của chính đối thủ - Thậm chí, Tây Sơn dựa vào sự hận thù, phân rã này để "tiến lên".

Thậm chí, Tây Sơn còn chẳng tạo dựng được 1 "cơ sở" mới để người ta tin tưởng. Dưới danh nghĩa "tiêu diệt sinh lực địch", Tây Sơn hủy hoại hết sạch mọi cơ sở của "địch" - chính là toàn bộ nước VN. Ở đây, cả người viết sử lẫn Tây Sơn dưới con mắt địa phương bè phái đã coi mọi chuyện "như không phải của mình" - Một lần nữa, nhắc nhớ rằng Tây Sơn vốn chẳng hề có 1 tư-tưởng-quốc-gia như có người lầm tưởng. Họ không hề coi "những gì thuộc về địch thủ" vốn là đất của mình, dân chúng, quốc gia của mình, chỉ như thế họ mới có thể phá hoại thản nhiên đến vậy - Và cuối cùng, khi xây dựng quốc gia trên mảnh đất tan hoang đó, họ phải lãnh toàn bộ hậu quả của những gì mình làm.

"Thành quả" xây dựng của Tây Sơn có lẽ chỉ nằm ở mảnh đất Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc - đây là vùng duy nhất không phải nếm trải nạn đói nào trong suốt 30 năm chiến tranh. Còn lại, mọi nơi Tây Sơn đi đến chỉ thấy nạn đói bùng nổ, những ghi chép bên lề hay tài liệu hành chính, dân sự nào trong thời kỳ ấy đều cho thấy sự tan tác, phân rã, tuột dốc thảm hại của toàn bộ nền kinh tế. J.Barrow vào Đà Nẵng năm 1798 chỉ thấy 1 vùng đất đói nghèo thảm thương, tài liệu dân cư của Huế thời Nguyễn Huệ cho thấy thương buôn bỏ chạy hay trốn đi nhiều đến mức cả hệ thống phố chợ chỉ còn vài chục người, Đàng Ngoài kinh tế đã yếu thì sau khi thương buôn TQ, dân khai mỏ TQ bỏ chạy thì càng không phải nói.

Không phải cứ đưa ra chiếu khuyến nông là người ta hóa phép ra lúa, cũng như không phải bảo đi mời tàu buôn là người ta vào. Như đã nói trên, Tây Sơn không hề ý thức được những "tài nguyên" vốn sẽ nằm trong tay mình, và đã "tận lực" phá không cho ai đường lùi. "Tiêu diệt sinh lực địch" hay là hủy hoại tương lai của chính mình?

Thậm chí việc sử dụng mâu thuẫn và đổ vỡ trong đối thủ của Tây Sơn cũng đóng vai trò rất thụ động. Với vai trò của 1 lực lượng mới nổi lên, họ nhanh chóng được các phe phái lôi kéo vào trong mâu thuẫn của họ, vào thời điểm mà đối phương yếu nhược nhất. Và rồi, Tây Sơn ngồi chờ các bên kia đánh nhau để rồi nhảy vào cuối, trong cuộc mâu thuẫn mà hầu như chả liên quan gì đến mình.

Như vậy, Tây Sơn phát triển ra ngày càng lớn bằng cái hạt nhân mỏng manh yếu ớt. Lợi dụng các thế lực đấu đá nhau, Tây Sơn chiếm được đất và người, dùng quyền lực để sử dụng số tài nguyên thu được ấy mà lớn mạnh, đủ để quay ngược trở lại tiêu diệt kẻ đã đưa mình lên đỉnh vinh quang kia. Nhưng quyền lực ấy, một khi tan rã, thì đã ném Tây Sơn trở lại với bản-chất của mình - Là 1 trong số bè phái ở trong đất nước VN lúc ấy.

Lợi dụng danh nghĩa, khoác lên mình quá nhiều danh nghĩa, nghĩa là chẳng hề có cái danh nghĩa nào. Tây Sơn chẳng hề đại diện cho bất cứ thành phần nào của đất nước, ngoại trừ những kẻ có lợi ích chung trong nhóm. Ngay cả tiếng tăm "vì dân" đầu tiên cũng ngay lập tức bị Hoài Nam khúc mắng thẳng "Cờ xướng nghĩa ngậm hờn thằng Nhạc", và ngày càng chẳng còn trong những bước tiến bằng cách hủy hoại "đối thủ" của Tây Sơn. Thậm chí, đến cả danh nghĩa "Quy Nhơn" cũng không còn khi anh em đánh giết nhau.

Như vậy, đến khi Nguyễn Huệ ngồi lên ngôi vua, chẳng còn cách nào khác là lại giương lá cờ "Phù Lê", lại phải nhờ đến vài ông sĩ phu bị bỏ rơi ở Bắc Hà làm chỗ dựa lẫn xây dựng cơ cấu - danh nghĩa cho mình. Như vậy, 1 đất nước đã bé mà lại còn "phân phong theo chế độ nhà Chu", cho mỗi vùng biến thành 1 tiểu quốc, 1 vùng tự trị dưới danh nghĩa 1 ông vua con. Thành quả của sự lợi dụng "khủng hoảng quyền lực" cuối thế kỷ 18 ở VN của Tây Sơn là 1 cuộc khủng hoảng quyền lực khác, vỏ mới rượu cũ - thậm chí lần này là rượu độc. Một lực lượng nhờ gian trá, lừa gạt và hủy hoại mà thành công, thì đã tập hợp được quanh nó kẻ thù không hề nhỏ. Số người phân tán này, chỉ cần tìm được 1 danh nghĩa, 1 thế lực đủ để tập hợp họ lại.

Cuộc chiến quyền lực trên đất nước VN kéo dài hàng thế kỷ đã đưa đến 1 kết quả là Tây Sơn, kẻ đã sử dụng cái phương thức "mượn danh quyền lực" đến độ nhuần nhuyễn nhất - kẻ vừa là kết quả vừa là "thành phẩm" của toàn bộ cuộc khủng hoảng này. "Ngư ông đắc lợi" là cái vỏ ngoài của sự kiện, nhưng ở bên trong, hãy nhớ đến ngày mà Lê Uy Mục dựa vào lực lượng vùng Đông Bắc cướp ngôi, Mạc Đăng Dung cướp ngôi triều Lê, họ Trịnh trước chiếm quân Nguyễn sau chiếm triều Lê... Để rồi, tận cùng của sự rối loạn, đỉnh cao của sự vô luân, cực điểm của trò gian dối của lịch sử, là sự tồn tại của 1 chính quyền... chẳng hề đại diện cho bất cứ thành phần nào của đất nước.



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.