Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

TS – LC&ĐV – 3
Trường An August 26th, 2017

I.3. Tổng kết

Vấn đề ở VN cuối thế kỷ 18 có thể tạm tổng kết với 2 yếu tố: tính địa phương và tính quyền lực. Các yếu tố khác như ảnh hưởng nước ngoài, tôn giáo, kinh tế tạm thời bỏ qua.

Về tính địa phương, đây có lẽ là chuyện phải truy ngược lại... cả ngàn năm trước. Thời mà vua Lý phải đi đánh đông dẹp bắc, gả công chúa cho các tù trưởng miền cao để kết thân, hay thậm chí trước nữa, vào lúc là Lê Đại Hành phải đi chinh phạt "giặc Cử Long", đánh dẹp người châu Hoan nổi dậy - cũng là trận chiến đầu tiên đánh dấu cuộc thảm sát diện rộng trong chiến tranh của người Việt. Từ 1 vùng đất "ngoại biên" mà TQ thu làm thuộc địa, các nhóm người nhỏ lẻ hình thành, các thế lực nhỏ ở địa phương phát triển. Và rồi, nhân lúc vùng nội địa TQ chia 3 rối loạn, các nhóm này tập hợp nhau lại giành lấy chính quyền - Để rồi cái khối này lại tiếp tục tan vỡ thành "12 sứ quân". Đinh Bộ Lĩnh tập hợp được 1 số tổ chức để tiêu diệt số tổ chức còn lại, lập nên triều đại của mình. Và rồi nhà Tiền Lê cùng nhà Lý một đằng phải tìm cách bình định các nhóm người xung quanh, một đằng phải tìm cách liên kết họ lại. Qua hàng trăm năm, qua cả các cuộc chiến chống Tống, chống Nguyên Mông, có thể nói sự liên kết ở phía Bắc đã hơi ổn định. Nhưng ở phía Nam thì là 1 câu chuyện khác.

Trong xung động chính trị ở TQ, rất nhiều nhóm người, tộc người đã đi xuống phương Nam, và vùng Thanh Nghệ là 1 địa điểm tập trung khá đông của họ. Theo gia phả họ Trịnh, chúa Trịnh có tổ tiên là người Vân Nam, cũng như Hồ Quý Ly tự nhận tổ tiên TQ. Vùng đất này lại là nơi thường xuyên xảy ra chiến tranh với Chiêm Thành, Chân Lạp, yêu cầu nhà nước phải đặt sự giám sát nghiêm ngặt ở đây. Vậy là, những người sống ở "vùng biên giới" này, hay chỉ đơn giản là địa phương này luôn luôn xuất hiện với vai trò quan trọng trong lịch sử.

Không cần phải đợi đến thời Lê, trước đó ta đã thấy Trần Nghệ Tông dùng lực lượng thổ mục ở Thanh Hóa để quay về Thăng Long chiếm ngôi, và rồi dùng Hồ Quý Ly người Nghệ An - Những động thái có thể đã góp phần khiến các thế lực họ Trần khác quay lưng. Trong 3 lần Chiêm Thành tiến đánh Thăng Long, sự chống cự của họ Trần chỉ thấy xuất hiện ở 1 vài người. Khi cướp ngôi họ Trần, Hồ Quý Ly cũng đồng thời tỏ ý muốn thoát ly khỏi Thăng Long - 1 ý định mà hầu như các triều đại sau đều có, dù có thực sự rời khỏi hay không. Nhà Lê đổi tên Thăng Long thành Đông Kinh, để vùng thang mộc của mình thành Tây Kinh, có thể là tìm cách để cân bằng cho chính mình.

Đất nước VN mở rộng bằng hành trình Nam tiến, và trung tâm quyền lực cứ thế mà chuyển dần xuống phương Nam. Đồng thời, nó tạo ra sự nứt vỡ giữa các vùng.

Lê Thái Tổ đã chọn ấu chúa nối ngôi với sự giúp đỡ của các quyền thần nắm giữ thế lực Thanh Nghệ, và Lê Thái Tông 1 khi đụng chạm đến thế lực ấy đã phải trả giá đắt, để người con trai có họ ngoại Thanh Hóa lên nối ngôi. Lê Nghi Dân dựa vào thế lực khác cướp ngôi, bị các tướng Thanh Hóa hợp lực giết chết. Lê Thánh Tông dùng thế lực Thanh Hóa của người cha vợ Nguyễn Đức Trung để chinh phạt và củng cố quyền lực của mình, để Lê Hiến Tông hoàn toàn không có 1 người phi Thanh Hóa nào - Dẫn đến kết quả Lê Túc Tông chết sau 6 tháng, Lê Uy Mục cướp ngôi, và cuộc rối loạn dằng dai đẩy triều Lê vào diệt vong - Để 1 vị vua người Hải Dương lên ngôi.

Và rồi, người phía Nam tiếp tục phản kháng, cuộc chiến Lê - Mạc hay còn gọi là cuộc chiến Nam Bắc triều mới thể hiện rõ tính chất này. Họ Mạc thua trận, nhưng ngay cả chính sử của Trịnh vẫn phải thừa nhận "dân theo nhà Mạc" để họ Mạc còn làm vua ở phương Bắc thêm được mấy đời. Còn họ Trịnh, lập triều đình ở Đông Kinh, tiếp tục rơi vào cái bẫy của nhà Lê thuở trước.

Ở Đàng Trong, sự tình còn phức tạp hơn. Chiêm Thành là 1 quốc gia theo chế độ mandala, cho nên các tiểu quốc nhỏ có sự phân biệt với nhau. Họ Nguyễn xuống châu Ô, Lý vốn đã được 1 số dân khá nhiều qua mấy trăm năm, tiếp quản vùng đất mà Lê Thánh Tông chinh phạt bằng cuộc thảm sát mang tính diệt chủng, và rồi tìm cách chinh phạt để lấy sự ổn định cho mình. Từ lúc chúa Hiền đánh Panduranga, đưa người đến Đông Phố chỉ cách thời Tây Sơn nổi loạn chưa đến trăm năm. Ở Gia Định, ta thấy quân Long Môn do họ Trần lãnh đạo thực hiện các cuộc chinh phạt Chân Lạp, bảo vệ Gia Định với sự hỗ trợ từ Hà Tiên. Ở Bình Thuận, ta thấy phiên vương của triều đình Chiêm Thành buộc phải liên tục báo cáo sự quản lý về cho chúa Nguyễn, nằm dưới sự giám sát của dinh quân đóng tại Diên Ninh.

Quy Nhơn là phủ trực thuộc dinh Quảng Nam, và điều khá "lạ lùng" là ngoại trừ việc liên quan đến Trần Đình Ân, Quy Ninh chỉ được nhắc tới vài ba lần trong cả trăm năm - kể cả cuộc nổi loạn của Linh Vương. Cho đến tận năm 1751, khi Võ vương thực hiện cuộc cải cách hành chính, điều này mới hé lộ: Quy Nhơn có 13 thuộc - các thuộc là tập hợp các hội nhóm từ các thổ mục cho đến nhóm người đi cắt cỏ - và các thuộc này cho đến tận lúc ấy mới được đặt quan trông coi.

Nhắc đến Linh Vương, lại có thể cần lưu ý thêm 1 việc: Linh Vương đã nổi loạn ngay sau khi Nguyễn Hữu Oai - cháu ngoại thừa kế duy nhất của Trần Đình Ân - Đào Duy Từ vừa tử trận ở Phan Rang.

Như vậy, ta có thể thấy Đàng Trong chia làm 4 khu vực khá rõ ràng: Thuận Hóa nằm dưới sự quản lý trực tiếp của triều đình chúa Nguyễn, Gia Định là hỗn hợp quản lý của họ Nguyễn và nhóm người Hoa di cư, Phú Yên, Bình Thuận thuộc quản lý của họ Nguyễn và vương Chiêm Thành, Quảng Nam tới Quy Nhơn là "đặc khu kinh tế" mà Lê Quý Đôn cho biết "tất cả đồ ăn dùng của Thuận Hóa đều do Quảng Nam cung cấp" - Quảng Nam ở đây phải hiểu là dinh Quảng Nam quản lý cả 3 phủ, được nước ngoài gọi là "Quảng Nam quốc".

Và cũng giống như Thanh Nghệ, những vùng "giáp nối" bao giờ cũng là khu vực nhiều rối loạn nhất.

Cuộc cải cách hành chính của Võ vương, bắt đầu chỉ 20 năm trước khi Tây Sơn nổ ra, có thể cũng đã gây ra cùng 1 hiệu ứng cùng nguyên nhân như cuộc cải cách hành chính của Minh Mạng sau này: Nó đã can thiệp vào quyền lực của các nhóm địa phương quá mức. Sắp đặt hệ thống quan lại quản lý toàn bộ các thuộc trước đó đều là tự quản, nơi bị tác động nhiều nhất không gì khác hơn là nơi nhiều sắc dân, bộ tộc và diễn biến phức tạp nhất toàn Đàng Trong: Quy Nhơn.

Ngay cả ở Gia Định, nơi thường được cho "trung thành tuyệt đối với họ Nguyễn", ta cũng thấy sự lạnh nhạt kỳ lạ với chúa Nguyễn. Khi bị Tống Phúc Hiệp tiến đánh, Nguyễn Lữ đã đưa đội thuyền vòng xuống đánh Gia Định - và đội quân của Định vương Nguyễn Phúc Thuần thua ngay lập tức phải bỏ chạy. Chỉ khi Đỗ Thanh Nhơn đưa quân Đông Sơn đến, Tây Sơn mới lui. Khi quân Hòa Nghĩa đến, quân Đông Sơn bất mãn bỏ rơi chúa Nguyễn. Đến cả khi phù trợ Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, mâu thuẫn vẫn xảy ra đến mức Nguyễn Phúc Ánh giết chết Đỗ Thanh Nhơn, hơn nửa đạo quân Đông Sơn làm phản. Ngay cả ở Hà Tiên, phản quân cũng giết chết công nữ Ngọc Đảo.

Điều này cho thấy, nếu quân Tây Sơn thực sự không "quá quắt" với Gia Định, chưa chắc họ đã đứng bên cạnh chúa Nguyễn. Từ cuộc chiến đầu tiên khi Nguyễn Lữ đến cướp phá Cù lao Phố, người Gia Định tập hợp bên Đỗ Thanh Nhơn chỉ nhằm 1 mục đích đuổi Tây Sơn.

Như vậy, Việt Nam từ Bắc đến Nam cuối thế kỷ 18 là những khối địa phương nằm dưới sự quản lý của 2 nhà chúa, dưới danh nghĩa của nhà Lê hữu danh vô thực. Rồi đến lượt sự mập mờ về quyền lực này tạo thành hậu quả khác là những cuộc nổi loạn cả trong lẫn ngoài triều đình.

Từ cái ngày mà Mạc Đăng Dung cướp ngôi họ Lê, họ Nguyễn mượn cớ tôn phù vua Lê để dấy binh ở Thanh Nghệ, rồi họ Trịnh lại "mượn danh" trước lấy quân đội của họ Nguyễn, sau đoạt quyền vua Lê - Lịch sử Việt Nam từ đó trở đi là những cuộc tranh đoạt quyền lực không hồi kết, mà tất cả những người họ Trịnh, Nguyễn hay Lê cũng có thể đều chỉ là 1 quân cờ. Nhiều người nhìn lịch sử quá chú trọng vào tính cá nhân, nhìn vào mỗi 1 "ông này ông kia lãnh đạo" mà quên rằng tất cả bọn họ đều chỉ là sản phẩm của thời cuộc. Nói cách khác, thứ quan trọng không phải là họ, mà là những kẻ ở dưới họ.

Cho nên, trong triều đình họ Trịnh, hết vị vương tử này đến vị vương tôn kia âm mưu nổi loạn với sự giúp đỡ của các vị quan, để rồi các chúa Trịnh ôm lòng nghi ngờ cực độ đến bất cứ vị quan nào nắm giữ quá nhiều quyền lực. Kết quả, sự trọng dụng của chúa Trịnh với các hoạn quan có khả năng là vì hoạn quan không có người kế vị, do đó khả năng làm phản cũng vô cùng yếu. Trong vùng đất Đàng Ngoài, hết vị hoàng tử đến hoàng tôn kia âm mưu lật đổ chúa Trịnh, để chúa Trịnh giết hết người này đến người khác, vẫn để lọt ra vài người trốn vào núi nổi loạn. Sau khi họ Mạc đã được dẹp yên, đến lượt dân vùng ven biển nổi loạn, tin theo "điềm tiên tri" sao trăng gió mây nào đó.

Tương tự, trong vùng đất Đàng Trong, hầu như tất cả đời chúa Nguyễn đều phải đối phó với vương tộc nổi loạn, kết hợp với các cuộc tấn công của Chiêm Thành, sự rối loạn của các thương nhân, chiến tranh với Xiêm La - Chân Lạp.

Cuộc khủng hoảng về quyền lực, hay có thể coi là cuộc khủng hoảng cả về đạo đức, khi người ta tin rằng có thể lật đổ bất cứ ai, bằng bất cứ thủ đoạn nào - hay là bằng cách "mượn danh chính nghĩa", nho nhỏ thì là phù trợ mấy ông vương tôn cướp ngôi, lơn lớn thì là mượn vai vua chúa lấy nước. Trong một đất nước quá nhiều sự phân chia, quá nặng tính địa phương, tính cá nhân, bè phái, cuối cùng đã đẩy tất cả vào tử lộ.



One Response
Châu Thành

Hay quá, từ hồi đi học tới giờ mới đọc được những nhận định sâu sắc và sáng rõ như vầy, sử sách quá mờ ảo

Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.