Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

TS – LC&ĐV – 1
Trường An August 20th, 2017

Ngay cả con voi thì sờ cái đuôi nó cũng có thể kết luận "con voi có hình cái chổi". Lịch sử tất nhiên hổng có hình cái chổi, nên làm bài ghi chép tổng hợp để có gì còn...

Bài viết này hoàn toàn không có ý vị yêu ghét thương hờn gì hết, đơn giản là bài tổng hợp kiến thức tổng quát. Mấy chữ viết tắt trên kia có thể đọc là "Tây Sơn - Lên cao và đổ vỡ". :))

---

I. Bối cảnh

1. Đàng Trong

Cuộc nổi dậy của Tây Sơn bắt nguồn từ Quy Nhơn - sau này là Bình Định, nhưng đây chẳng phải là cuộc nổi dậy đầu tiên và duy nhất ở địa điểm này. Truy ngược thời gian, năm 1695 đời chúa Minh đã có cuộc nổi dậy mà sử ghi chép:

"Người lái buôn ở Quảng Ngãi tên là Linh (không rõ họ) tụ đảng hơn 100 người, tự xưng là Linh Vương, tạo chiến thuyền, đúc binh khí, cùng người Quy Ninh là Quảng Phú (không rõ họ) hợp đảng, ra vào núi rừng, hoành hành cướp bóc, quan địa phương không dẹp được, nhân dân sợ hãi chạy báo lên. Chúa sai dinh Quảng Nam hợp với hai phủ Quảng Ngãi, Quy Ninh đem quân đi đánh."

Dù chỉ vài dòng trong sử, nhưng rõ ràng quy mô của cuộc nổi dậy này không nhỏ, khi phải tập hợp quân binh 3 phủ đi đánh mới bình định được. Quảng Phú trốn đến Phú Yên, bị bắt. Và rồi chỉ vài năm sau, vào năm 1708, lại có 1 vụ mưu phản tại vùng này:

"Nội hữu phò mã Tống Phước Thiệu (con Nội tả chưởng dinh Tống Phước Trí) mưu phản, bị miễn làm dân thường. Trước là Thiệu cùng Cai đội Nguyễn Cửu Khâm (con Nguyễn Cửu ứng) ngầm mưu làm bậy. Nhân khi Câu kê Hòa Đức lãnh quân đi đánh giặc, Thiệu ngầm sai thuộc hạ là bọn Trịnh Nghệ, Tường Vân (đều không rõ họ) vào Quảng Nam, thầm kết những tay hào kiệt, mưu đồ trước lấy Bình Khang, sau lấy Phú Yên, rồi trở về lấy Quảng Nam, cướp quân Hòa Đức, thẳng tới Chính dinh, phóng lửa nổi loạn. Tôn Thất Thận cũng dự mưu ấy, đến khi mưu tiết lộ thì đem việc cáo phát ra."

Một điểm đáng lưu ý khác của các vụ nổi loạn trong đời chúa Nguyễn là sự tham gia của các tôn thất. Như trên kia nói rõ mưu đồ "thầm kết những tay hào kiệt" - nói cách khác là thủ lĩnh của những nhóm, hội, đoàn đủ sức để làm được các điều trên. Nhớ lại cuộc nổi loạn của tôn thất từ thời chúa Thượng cho đến chúa Hiền, dù không nói rõ, cũng là 1 điều tương tự: Cuốn sổ "Đồng tâm hướng thuận" mà chúa Thượng phải cho võ sĩ đến Quảng Nam, âm thầm giết tất cả người có tên trong sổ, chúa Hiền phải cho đốt để lấy danh, chắc chắn đã có những cái tên mà ngay cả nhà chúa cũng không đường đường chính chính hạ thủ được.

Nên nhớ Đàng Trong là nơi mà 1 anh "chủ buôn ngựa" như Châu Văn Tiếp cũng có thể nắm giữ cả 1 đội quân có thể đương đầu với Tây Sơn, có quan hệ với nhóm người Thượng đủ để Nguyễn Long cầm quân chặn đường Thượng đạo hàng chục năm dài. Và Châu Văn Tiếp chỉ là 1 thương buôn bình thường trong hệ thống thương buôn trải khắp vùng đất này.

Điều này cho thấy các cuộc nổi loạn tranh giành ngôi chúa trong họ Nguyễn đã không còn dừng ở những đấu đá cá nhân và lực lượng quân đội riêng biệt họ có thể tập hợp mà đã lan ra tới những lực lượng khác ở vùng đất này. Đến lượt họ, các lực lượng kia cũng tìm cách câu kết, nương nhờ danh thế của các ông họ Nguyễn Phúc để mưu cầu việc riêng của mình.

Mà trong vùng đất Đàng Trong, ta có gì? Ngoại trừ lực lượng người Việt tập trung chủ yếu ở Thuận Hóa, một ít ở Quảng Nam, từ Quảng Ngãi đổ xuống đã là vùng đất của đủ tộc người. Chiêm Thành là 1 quốc gia đa dân tộc, là nhà nước có kết cấu kiểu mandala tập trung các tiểu quốc nhỏ lẻ của nhiều dân tộc khác nhau.

Chúa Nguyễn tìm mọi cách để đưa ảnh hưởng của người Việt xuống, tập trung ở 2 "đầu mối": Quy Nhơn và Gia Định. 2 cuộc di dân lớn nhất được ghi trong sử sách là lúc chúa Hiền đưa 2 vạn tù binh bắt được ở Nghệ An xuống Quy Nhơn, và năm 1698, sau khi "kinh lý" Gia Định, chúa Minh đưa dân ở Quảng Bình, Quảng Trị đến Gia Định. 2 địa điểm này về sau quả nhiên là "điểm nóng" của chiến tranh. Hay nói cách khác, lực lượng đủ để có thể kết nối thành hệ thống để thực hiện cuộc chiến tranh này chỉ có người Việt. Các lực lượng dân tộc khác chỉ là thành phần giúp đỡ hỗ trợ, có thể dễ dàng bị tiêu diệt, bắt quy phục, thay đổi...

Nhưng dù vậy, không thể coi thường sức mạnh của lực lượng "ô hợp" này nếu có khả năng kết nối họ lại. Những cuộc nổi dậy của các lực lượng này trong thời chúa Nguyễn vẫn thường xảy ra luôn, lúc thì là vua Chiêm Thành, lúc thì là người dân tộc (như trong "Chuyện chàng Lía"), và đặc biệt là thương nhân người Hoa.

Quy Nhơn là kinh đô cũ của Chiêm Thành, nơi có thương phố cổ ngàn năm tuổi Nước Mặn. Chiêm Thành có trình độ thương nghiệp rất cao, được tiếp nối vào đời chúa Nguyễn với hệ thống thương phố, nguồn, chợ đan cài khắp từ vùng núi cho đến đồng bằng. Và từ đời chúa Nguyễn đã sớm có những tin tức bất ổn về hải tặc tập hợp quanh vùng này. Lập nghiệp trên vùng đất khô cằn, họ Nguyễn dùng thương nghiệp để tạo dựng sức mạnh cho vương triều, kể cả giữ cho dân chúng no ấm - Như vụ việc đời chúa Thượng, dân chúng Quảng Nam nhổ lúa trồng dâu, chỉ cần Chân Lạp không bán gạo lên là nạn đói to xảy ra. Thương buôn - ở đây là lực lượng kinh thương người Hoa - đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong toàn bộ đời sống Đàng Trong.

Và như đã nói trên, liên tục, liên tục những cuộc nổi loạn dính dáng tới các lực lượng này xảy ra. Từ các tôn thất âm mưu chiếm đất đánh lên đến nổi loạn riêng lẻ như Linh Vương. Cho đến khi Tây Sơn nổi lên, họ cũng sử dụng lực lượng then chốt nhất: từ bọn hải tặc người Hoa Tập Đình, Lý Tài cho đến những ông thương buôn như Huyền Khê (không liên quan gì đến hòa thượng Huyền Khê đâu).

Trong thời kỳ đầu của Tây Sơn, chỉ thấy Tập Đình và Lý Tài xông trận. Đến khi Tập Đình, Lý Tài bị quân Trịnh đánh tan ở Quảng Nam, Tây Sơn phải vội vã cầu hòa nhận chức phong của Trịnh, cho thấy lực lượng Hòa Nghĩa quân này quan trọng như thế nào.

Nhân nói đến trận chiến ở Quảng Nam, lại cần nhắc đến 1 việc mà mọi người đều bỏ qua: Hội An bị san thành bình địa do trận chiến của quân Hòa Nghĩa và lực lượng người Hoa ở Hội An.

Theo sử sách ghi, chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy đến Quảng Nam, nhưng ở đây đang bị nạn đói, nhắm không ở được nên giao nhiệm vụ lại cho Đông cung Nguyễn Phúc Dương. Nguyễn Phúc Dương đã chiêu tập lực lượng ở Hội An để chống cự quân Tây Sơn, dẫn đến kết quả Hội An bị hủy hoại hoàn toàn.

Và đội quân Hòa Nghĩa này, khi đến Gia Định, lại xung đột với quân Đông Sơn, là đội quân tập hợp để bảo vệ chúa Nguyễn, trong số này hẳn không ít người ở Cù lao Phố, nơi đã bị Tây Sơn đốt cháy.

Như vậy, đạo quân Hòa Nghĩa mà Tây Sơn khuyến dụ được lúc đầu vốn là 1 lực lượng hoàn toàn đối kháng với người Hoa sống lâu đời ở Đàng Trong. Nhìn thân phận hải tặc của Tập Đình và Lý Tài có thể hiểu nhóm người này chính là nhóm hải tặc hình thành từ nửa cuối đời Càn Long, sống nhờ vào cướp bóc và lấy vùng ven biển Việt Nam để ẩn náu, có thể đánh cướp thuyền thương mại nội địa lẫn buôn lậu cạnh tranh - Như vấn nạn hải tặc Trung Quốc mà triều Nguyễn phải đối phó suốt sau này.

Đến đây lại nổi lên 1 vấn đề thắc mắc điều mà nhiều người tin: Nạn tiền kẽm đã đẩy các thương nhân tạo phản? Nhưng tại sao chỉ có thương nhân ở vùng Quy Nhơn tạo phản, trong khi thương nhân ở các vùng khác vẫn theo chúa Nguyễn, đến nỗi để các trung tâm thương mại Đàng Trong bị hủy hoại hoàn toàn?

Có lẽ ta phải hiểu ngược lại việc này: Khủng hoảng tiền kẽm làm chính sức mạnh của triều Nguyễn lung lay chứ không phải làm bên tạo phản mạnh hơn. Cuộc khủng hoảng này đi cùng với cuộc chiến ở Chân Lạp - Hà Tiên năm 1771-1774, kéo dài đến cả khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi chúa phải cử phò mã Nguyễn Hữu Thụy đến Chân Lạp đàm phán với người sau này là vua Rama I, Mạc Thiên Tứ phải dời đến ở Trấn Giang. Quân Nguyễn rõ ràng đã dùng toàn lực ở phía Nam, tập trung những đại tướng như Tống Phúc Hiệp, Nguyễn Cửu Đàm - và khi Tây Sơn nổi lên, chỉ có quân của Tống Phúc Hiệp từ Gia Định kéo lên mới đe dọa được.

Như đã nói, triều Nguyễn lấy sức mạnh từ thương mại. Khi nền thương mại này lung lay, dù vẫn có thể kêu gọi 1 số người ủng hộ, nhưng quân Nguyễn chẳng còn đủ sức để làm gì, và các lực lượng ủng hộ 1 là ngãng ra, 2 cũng không còn đủ sức lực. Trong khi đó, mảnh đất Thuận Quảng của họ Nguyễn chỉ cần đứt gãy nguồn cung ứng hàng hóa là nạn đói khủng khiếp xảy ra.

Ta hãy nhớ đến mưu kế của ông đại sứ Anh vào thế kỷ 19: Muốn đánh VN, cứ cắt đứt đường liên lạc, cung ứng giữa các vùng Nam Trung Bắc.

Nhưng đặt câu hỏi "Tại sao lại là thương nhân ở Quy Nhơn?" thì cũng có thể đã soi sáng được 1 việc: Đây là 1 vùng đất rất "đặc thù". Phố Nước Mặn là khu thương phố cổ hơn hẳn Hội An, Thanh Hà lẫn Gia Định. Và các mối kết nối trong khu vực này cũng mang tính đặc thù cao. Đi lên vùng núi thì là đất của các dân tộc vốn thuộc Chiêm Thành cũ, đi xuống thì là di dân có tổ tiên là tù binh của chúa Nguyễn, xuống phương Nam thì là đất của Chiêm Thành, lên phía Bắc là vùng Quảng Ngãi mà đến tận thời Pháp thuộc còn liên tục có tin báo về "bọn giặc mọi".

Thời kỳ đầu, lực lượng Tây Sơn có gì: Hòa Nghĩa quân của Tập Đình, Lý Tài, quân của nữ chúa Thạch Thành chiếm Phú Yên, quân của Chiêm Thành góp sức. Nhìn lên phía Bắc, Nguyễn Phúc Dương tập hợp lực lượng chống lại - đến tận khi Nguyễn Phúc Ánh đánh đến được Quảng Ngãi thì cũng thu được một đống người đi theo ủng hộ. Nhìn xuống phía Nam, thì Châu Văn Tiếp cũng là nghe theo lời "phù Đông cung" đấy chứ có phải vì Tây Sơn đâu.

Như vậy, có lẽ K.W. Taylor đã đúng khi cho rằng Tây Sơn là 1 "lực lượng địa phương", và cuộc nội chiến này mang tính địa phương rất rõ. Tính địa phương quá rõ rệt trong vùng đất đầy xáo trộn của họ Nguyễn.

Và điều để tạo thành chiến thắng của Tây Sơn ở Đàng Trong không có gì khác ngoài sự suy sụp của triều đình chúa Nguyễn. Thời chúa Võ vương, Nguyễn Cư Trinh đã dâng bản điều trần về các điểm yếu trong hệ thống quản lý khắp Đàng Trong, nhưng Võ vương chỉ xem qua mà không trả lời. Thật ra chẳng có ông vua nào "thấy họa trước mắt mà để im", chẳng qua có những thứ nói dễ hơn làm, và làm không được. Trong đó, điều cốt yếu nhất nằm ở hệ thống hành chính Đàng Trong.

Triều đình chúa Nguyễn là triều đình quân sự, phát xuất từ 1 nhóm người bảo trợ chúa Nguyễn Hoàng xuống phía Nam. Từ Quy Nhơn trở đi, họ nhờ cậy vào thế lực của các đại phú gia lâu đời ở ngay vùng đất ấy như Trần Đình Ân - cha vợ của Đào Duy Từ - ở Quy Nhơn, hay Trần Thượng Xuyên ở Gia Định, thậm chí cả các phiên vương như Kế Bà Tử của Chiêm Thành. Với các lực lượng chống đối, họ Nguyễn đưa quân tiêu diệt và cắm lực lượng của mình vào - như vị phò mã họ Mạc tên Nguyễn Phúc Vinh ở Phú Yên. Để quản lý hệ thống ấy, họ Nguyễn nhất thiết phải dựa vào các lực lượng quân sự, các họ tộc lâu đời như Nguyễn Cửu, Trương Phúc, Tống Phúc... Và các vị quan này lại không hưởng bổng lộc triều đình mà thu tiền ở các nguồn được ban làm bổng lộc.

Như vậy, việc "tận thu" xảy ra trong thời Trương Phúc Loan, hay thậm chí trước đó là thời Võ vương mà Nguyễn Cư Trinh khuyến cáo, xảy ra hoàn toàn không thể khống chế được - hoặc chỉ có thể khống chế tạm thời bằng quyền lực nhà chúa với các quần thần. Tương tự như vậy là quyền lực của quân đội. Sự im lặng của Võ vương cũng chỉ vì thế mà thôi.

Ngay cả trong triều đình này, việc triệt hạ nhau cũng để lại hậu quả lâu dài. Dễ thấy nhất chính là việc con của Trần Thượng Xuyên là Trần Đại Định bị Trương Phúc Vĩnh vu cáo mà chết trong tù, vợ của Trần Đại Định là con gái họ Mạc đưa con trai về Hà Tiên. Như vậy, quân Nguyễn chiếm được quyền quản lý Gia Định từ tay quân Long Môn của họ Trần. Nhưng khi Chân Lạp cùng Xiêm La hợp sức tiến đánh năm 1771, đội quân này căng hết sức ứng phó, để rồi... mất luôn Phú Yên, Bình Thuận. Mạc Thiên Tứ chết, cả lực lượng Hà Tiên, Gia Định đều không còn dùng được, để rồi Đỗ Thanh Nhơn phải tự tập hợp lực lượng lại từ đầu. Và chỉ đến khi... Gia Định bị hủy hoại không còn gì, Võ Tánh mới có thể tập hợp được hầu như tất cả sức mạnh của vùng này lại để phản kháng.

Như vậy, sức mạnh đỉnh cao và trượt xuống hố sâu của triều đình chúa Nguyễn là 1 quá trình, Trương Phúc Loan là người có nhiệm vụ... đào hố. Khi quyền lực khống chế tối cao không còn, các lực lượng trong triều đình được mặc sức sát phạt nhau, vơ vét về cho bản thân, tạo nên bất mãn lan rộng trong dân chúng lẫn binh sĩ, ngay cả người trong triều. Kết quả, 1 đứa bé 13 tuổi được cử làm thống soái đi đánh Tây Sơn (không thua cũng uổng), tướng giữ lũy Trấn Ninh thì chả lo chống Trịnh mà lo ép chúa giao Trương Phúc Loan ra giết.

Các chúa Nguyễn có vẻ đã nhận ra điều này, khi quá trình tập trung quyền lực được thực hiện liên tục từ thời chúa Minh cho đến Võ vương, nhưng điều họ Nguyễn thiếu là chính danh. Minh vương cầu phong với Khang Hy nhưng bị từ chối, Võ vương tự xưng quốc vương nhưng vẫn là thần tử của nhà Lê. Vậy là "Quảng Nam quốc" cứ thế ở trong tình trạng hỗn độn sáng tối, mập mờ quyền lực, không thể tạo lập nổi cho mình 1 hệ thống quản lý, luật lệ, hành chính vững vàng hơn. Và các lực lượng khác, kể cả trong chính triều đình hay tại địa phương, cứ thế mà nổi lên lặn xuống như sóng triều. Trong khi đó, các cuộc chiến lớn nhỏ vẫn không ngừng diễn ra, đẩy thế lực của các dòng họ tướng quân này lên cao hơn. Người ta chỉ có thể "cải cách" khi đạt được sự yên ổn nhất định, chứ có ai điên đâu mà cải cách khi đang rối như canh hẹ.

Tây Sơn đã có được tất cả khủng hoảng của triều Nguyễn: kinh tế, chính trị, quân sự, mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn địa phương, mâu thuẫn của triều đình - trong thời điểm mà triều đình này suy sụp nhất. Lực lượng thương nhân ở Quy Nhơn kết hợp cùng người được gọi là "giáo Hiến" tự tạo cho mình 1 danh nghĩa phù trợ tông thất, kết hợp với các nhóm dân tộc như hình mẫu các cuộc nổi loạn trong hàng trăm năm đời chúa Nguyễn. Vả lại, sức mạnh "giúp đỡ" Tây Sơn lớn nhất là quân Trịnh cùng với Nguyễn Phúc Dương. Quân Trịnh tiêu diệt đội quân cùng triều đình chúa Nguyễn tại Thuận Hóa. Nguyễn Phúc Dương "cản đường" Tống Phúc Hiệp từ Gia Định đánh lên, giúp Tây Sơn yên ổn được trong thời gian khủng hoảng mất quân Hòa Nghĩa. Và như đã nói, cuộc chiến với Xiêm La và sự sát phạt nhau ở Gia Định đã làm vùng đất này yếu đi như thế nào.

Vậy là, an ổn được ở Quy Nhơn, thấy quân Trịnh đánh xuống Quảng Nam, Tây Sơn cầu hòa nhận tước phong của Trịnh để đi đánh Nguyễn. Bị Tống Phúc Hiệp đánh từ Gia Định lên, giết nữ chúa Bà Hỏa, chiếm lại Phú Yên, Tây Sơn đưa Nguyễn Phúc Dương ra làm bình phong khiến Tống Phúc Hiệp dừng lại (ban đêm ra đánh lén). Hai nhóm Đông Sơn với Hòa Nghĩa đánh nhau ở Gia Định, tạo đà cho họ Nguyễn bị giết hết. Nạn đói ở Quảng Nam gây bệnh dịch khiến quân Trịnh phải lui, Tây Sơn chiếm Quảng Nam. Họ Trịnh giành ngôi với nhau ở Đông Kinh mà rút quân ở Thuận Hóa về, Tây Sơn lên chiếm Thuận Hóa "vườn không nhà trống".

Tất cả "vấn đề" trong hàng trăm năm của triều đình họ Nguyễn đã hiển lộ, kết hợp lại thành 1 khối nổ tung trong thời gian ấy: Các cuộc nổi loạn của thương nhân, tông thất, dân tộc, chiến tranh ngoài biên ải, sức ép của quân Trịnh, kinh tế bị cắt đứt, đấu đá trong triều đình. Và lúc này, triều Nguyễn hoàn toàn không còn chút sức mạnh nào để giải quyết như đã từng.



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.