Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Tam đại danh tác – Review
Trường An July 30th, 2016

Thiệt ra mình vẫn đánh giá khá cao Tứ đại danh tác làm lại vào khoảng 2009-2011, vì dù có điểm xấu tốt thế nào, 4 bộ phim vẫn cố gắng trình bày, phát triển, đi sâu vào nhiều khía cạnh khác của tác phẩm - Những điều mà trong phong trào "văn hóa cách mạng" hay nói cách khác là cái nhìn phiến diện của 1 thời đại đã không chịu nhìn nhận. 4 bộ đều không "đơn thuần, dễ xem" theo kiểu thiện-ác, trên-dưới, đúng-sai như cách dàn dựng, cách hiểu cũ. Và dù đều có mặt "thị trường", 4 bộ đều thể hiện sự bứt phá, dám nghĩ dám thử - mà thật ra thì đây là điều quan trọng nhất với tác phẩm nghệ thuật.

Với 4 bộ này, thật ra thì mới có thể thể hiện Tứ đại danh tác là tứ đại danh tác với tầng tầng ý nghĩa, với nhiều mặt đa diện đa chiều làm nên giá trị của chúng - Chứ không phải 4 câu chuyện được lặp đi lặp lại đến ngán từ phim này đến phim khác.

Và với Tây du ký 2011, nó có những cải biên (chả phải cái nào cũng hay, nhiều cái rất xàm xí :v ), nhưng bộ phim này phải nói là gần-với-tinh-thần-nguyên-tác hơn bộ 1986.

Tất nhiên, cái gọi là "tinh thần nguyên tác" thì cũng vô cùng lắm, ví dụ như nguyên tác rất đơn-thuần 1 chiều về quan hệ người-yêu. Đây là kiểu quan hệ 1 sống 2 chết, không đập chết nó thì cũng gô cổ nó lại, cô công chúa loài người trơ mắt nhìn Trư Bát Giới quật chết tươi 2 đứa trẻ nhỏ con của mình với yêu quái. Nhưng mà, ngay cả khi xét trên tinh thần nguyên tác đó, thì mới sáng rõ được quan hệ của nhóm người đi thỉnh kinh - Chính xác hơn là quan hệ của Đường Tăng và nhóm đồ đệ.

Bộ phin 1986 đã tạo cho người xem cái ấn tượng "Đường Tăng ngu ngốc" bằng cách... tâng Tôn Ngộ Không cao đến 9 tầng mây. Trong đó, phim đã loại bỏ tất cả sự dã man, tàn bạo, vô nhân tính của 1 Tôn-Ngộ-Không-yêu-quái.

Tôn Ngộ Không là kẻ có thể cầm gậy của mình lên đập chết tất cả những gì cản đường, kể cả người, yêu, thần, phật, thậm chí là ân nhân hay anh em. Náo loạn thiên đình chả phải vì "tiến bộ, phản kháng" gì sất - Nó đồng nhất tính chất với các yêu quái khác, be bé thì chiếm núi, lớn thì chiếm thành, còn yếu thì tìm cách nương tựa quyền lực để đi lên, mạnh rồi thì quay ra tìm cách đánh cả chủ cũ. Giai đoạn đầu, sự dã man của Tôn Ngộ Không không rõ ràng, vì đối tượng là thần là phật đủ mạnh để không bị giết. Nhưng khi tiếp xúc với con người, Tôn Ngộ Không vẫn sẵn sàng 1 gậy đập chết tươi kẻ khác. 3 lần Đường Tăng đuổi Tôn Ngộ Không đều vì 1 tội: Giết người.

Nói Đường Tăng "ngu ngốc", thì đúng ra phải nói Tôn Ngộ Không không hề đáng-tin. Cái kẻ giơ gậy đập chết người rồi cười khành khạch, mình mắng thì nó quay lưng bỏ đi, phải lấy vòng Kim cô để kềm nó, nó biết chuyện suýt nữa quay sang đập mình chít luôn - Phải hâm tỉ độ mới tin được nó. :v :v Theo dõi diễn tiến câu chuyện tuần tự, thì con khỉ này trước khoe áo đốt chùa, sau ăn trộm phá cây, chỉ cần nó muốn thì nó làm bất kể đúng sai tốt xấu, hậu quả nó gây ra còn to gấp chục ông Đường Tăng cộng lại. :v Cho nên, thực sự trong 3 lần đuổi, thì 2 lần... chả oan tí nào. Lần đánh Bạch Cốt Tinh chỉ thể hiện rõ 1 điểm: Đường Tăng không tin Tôn Ngộ Không.

Từ đó, có thể nhìn ra quan hệ của Đường Tăng với các đồ đệ. 4 kẻ kia đều là yêu quái, 1 tên thì từng cầm gậy muốn giết mình, 1 tên thì tham lam vị kỷ chỉ biết mình trên hết, 1 tên thì coi như chân chất đó nhưng cũng đầy tiền sử giết người cướp của, 1 tên thì theo mình vì "công việc" thôi chứ cái gì. Trong nguyên tác, tính chất của yêu quái càng dã man bao nhiêu, thì tính chất của 4 tên đồ đệ này cũng chả kém cạnh. Đường Tăng danh là sư phụ, thực chất phải là người giáo hóa, kềm giữ, điều khiển được 4 kẻ này, dù chỉ ít nhất là cho "chúng nó" không gây tai họa khắp nơi. :v

Nhưng trong thế giới mạnh được yếu thua, mưu mô thủ đoạn, dối trá lừa lọc, tầng tầng thiện ác đan xen nhau, nơi chỉ lấy bạo chống bạo, lấy gian ngoan đối chọi gian ngoan, nơi mà các yêu quái cả "thiện" và "ác", cả thần và yêu chỉ có lấy sức mạnh chế phục nhau, kẻ thắng là kẻ đúng, thì đạo lý có ý nghĩa gì?

Vầng, thật ra trong thế gian này, đạo lý của Phật có ý nghĩa gì?

Tiểu thừa cho rằng chỉ cứu được mình, không cứu được đời. Đường Tăng mới phải cất công đi lấy kinh Đại thừa về để cứu đời. Nhưng trên đường đi, đến mình có khi còn không cứu được.

Hãy nhớ tại sao câu chuyện này bắt đầu, là Đường Thái Tông mơ xuống địa phủ, chứng kiến cảnh thương tâm của sinh linh, sự khổ đau hậu quả từ cái mù quáng của loài người - Cái giá mà con người phải trả vì tội lỗi của mình trên dương thế. Từ đó, vua mới lập đàn cầu, mới có Phật xuống báo lấy kinh.

Cho nên, thật ra, nếu bảo Đường Tăng là ngu ngốc khờ dại, thì tất cả đạo lý đều ngu ngốc khờ dại thôi mà.

---

Phim đã phát triển tinh thần Đường Tăng thêm 1 bậc mới: Dù đúng dù sai, dù là người hay yêu, nếu cứu được thì ta cứu.

Tinh thần nhà Phật là "Hạ đầu đao lập địa thành Phật", nên các yêu quái không cần phải bị giết để "trả giá" hay "bồi thường" hay "trừng phạt" gì cả. Chúng là yêu quái, chúng sống đúng như cách chúng nên sống. Con người tàn hại sinh linh khác có kể là tội lỗi, cớ sao lại trách yêu quái?

Ngay cả sự tàn ác mông muội cũng có thể tha thứ. Sinh vật chẳng là gì ngoài 1 xác thân chịu muôn vàn tác động, từ chính cái thể chất tạo ra mình, cái "tâm" tưởng là của mình đến thế giới xung quanh. Chúng sinh bình đẳng, không phân tốt xấu, có bao nhiêu người nói, nghĩ mà làm được?

Sự từ bi của Phật, cũng như Chúa cùng các vị thần, chính là Tha thứ. Tha thứ vì con người là con người, sinh linh là sinh linh.

Người thường nghĩ rằng từ bi là cứu người tốt. Thật ra, từ bi là dành cho tất cả chúng sinh. Nếu đã nghĩ đến tốt xấu thiệt lợi thì chẳng còn là từ bi nữa.

---

Tân Thủy hử 2010

Có lẽ Thủy hử mới là tác phẩm gây "bối rối" nhiều nhất cho người đọc trong ngoài TQ. Người ta không biết -nên- đứng ở đâu để nhận xét nhóm người được gọi là "anh hùng Lương Sơn Bạc" này. Bảo là có chính nghĩa thì các anh cũng đi giết người cướp của, lấy thịt người hấp bánh bao như ai. Bảo là phản kháng "áp bức phong kiến" thì các cuộc chiến của các anh hết 3/4 là lý do cá nhân hơi bị nham nhảm. Ngay cả dùng khái niệm "liên tài" của người phương Đông thì ngoài 1 số tài năng, còn 1 số chỉ là phường trộm gà trộm chó. Bảo là "có đạo đức" thì cũng có những kẻ lấy chém giết làm vui, ti bỉ dâm tiện. Ngoài một số người vô tội thật sự như Lâm Xung thì cũng có kẻ giết người thành thần chả oan tí nào. Thậm chí, ngay cả người được coi là bậc hảo hán như Võ Tòng cũng từng giết cả gia đình già trẻ lớn bé nhà Tưởng Môn Thần vì mâu thuẫn cá nhân với mỗi Tưởng. Thậm chí, những người như Lư Tuấn Nghĩa, Hổ Tam Nương là nạn nhân hoàn toàn và thật sự cho tham vọng của nhóm Lương Sơn này, mới là bị "bức thượng Lương Sơn". Thậm chí, có 1 nhóm hơi hơi đông còn chả muốn lên Lương Sơn, họ là tù binh bị Lương Sơn bắt, không đi đâu được nên đành phải "nhắm mắt đưa chân".

Ngay cả trong Hậu Thủy hử (mà có nguồn tương truyền là nguyên bộ Thủy hử gốc bị tách ra), khi nhóm Lương Sơn đi đánh nhóm Phương Lạp các loại, kể lể về nguồn gốc các nhóm này thì nghĩ... có khác gì nhau đâu.

Và từ cái câu hỏi "Có khác gì nhau" đó, cũng tự nhiên bật lên câu trả lời cho "linh hồn" của Thủy hử cũng như Lương Sơn: Tống Giang.

Trước là Kim Thánh Thán, sau là abc xyz nào đấy, Tống Giang trở thành "mục tiêu chĩa mũi dùi" công kích. Kim Thánh Thán dưới góc nhìn của 1 nhà Nho tiêu chuẩn, trước thì dùng thuyết âm mưu "phiên dịch" mọi hành động của Tống Giang thành gian hùng, sau thì "diễn giải" mọi chi tiết thần ma quỷ quái trong 1 tác phẩm văn học nhiều yếu tố dân gian thành... Tống Giang bịa ra hết đó, xạo sự hết đó. :v (Vầng, dưới mắt nhà Nho tiêu chuẩn như này, không có thần ma quỷ quái gì hết nhóe, toàn là người bịa ra hết đấy nhóe).

Cách phân tích kiểu ấy của Kim Thánh Thán ảnh hưởng đến hàng trăm năm sau, và càng "trầm trọng" hơn vào lúc mà người ta cần "chống phong kiến". Lý tưởng trung nghĩa của Tống Giang, con đường Tống Giang hướng Lương Sơn đi theo để bị diệt vong toàn bộ, đã biến Tống Giang thành tội đồ. Thậm chí trong các phim cũ, Tống Giang mang dáng dấp phần nhiều tiểu nhân, là 1 ông chổng mông rạp người quỳ lạy ngai rồng trống.

Đồng thời, để nâng các "anh hùng" còn lại, phin cần cắt bớt cắt hết các phân đoạn máu me, các hành vi tàn ác vô luân, bất nghĩa bất túc của các anh.

Nhưng mà, Thủy hử không phải là tiểu thuyết anh hùng (ít nhất là định nghĩa "anh hùng" Tây phương). Người TQ vừa xếp Thủy hử vào Tứ đại danh tác vừa khuyên "Trẻ không đọc Thủy hử". Vì có lẽ, người trẻ máu nóng dễ bị say mê theo những lối phản kháng bất tuân, mơ mộng về cái nhóm người "chiếm núi làm vua", kéo cờ thiên đạo - Mà hoàn toàn không nhận ra cái bản chất của nó. Người trẻ thấy Võ Tòng chứ không thấy Lý Quỳ, thấy Lâm Xung chứ không thấy Lư Tuấn Nghĩa, thấy Lỗ Trí Thâm chứ không thấy Vương Anh...

Thậm chí, người trẻ không thấy "linh hồn" của Lương Sơn là Tống Giang.

Lương Sơn ban đầu là 1 toán cướp nhỏ, mà khi Giáo đầu Lâm Xung gia nhập còn bị bắt phải đi chặn người cướp của, chặt đầu người về làm lễ mới cho gia nhập. Nhóm Tiều Cái lên mới chỉ thay đổi được người đứng đầu chứ chả có gì. Chỉ đến khi Tống Giang tới, danh tiếng của một Cập Thời Vũ Tống Công Minh mới trở thành sức hút, trước lôi kéo các nhóm nhỏ rải rác về, sau mở rộng dần dần, thu nhận cả các tướng hàng binh triều đình. Lương Sơn trước Tống Giang chỉ là 1 toán cướp, Lương Sơn sau Tống Giang mới được cấp cho chính nghĩa, niềm tin. Và nói không ngoa, cái nhóm ô hợp đó chỉ xoay quanh 1 người duy nhất: Tống Giang.

Mình từng nói chớ, dù Tống Giang trong truyện được mô tả là đen đen xấu xấu lùn lùn, nhưng ông chỉ nhìn vào đã thấy 1 chữ "Hãm" thì làm thế quái nào mà thành "Cập Thời Vũ Tống Công Minh" được? :v

Và chính cái lý tưởng mà Tống Giang đem đến cho Lương Sơn, mới khiến Lương Sơn trở nên khác biệt, mới khiến người ta gọi thành "anh hùng" - Tống Giang mới thu hút được những con người tinh hoa nhất. Lâm Xung nào muốn bị ép đi làm cướp, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm nào muốn đi cướp của giết người, bậc anh hùng như Dương Chí nào muốn chôn vùi nơi bến nước... Những kẻ chân chất như Lý Quỳ thì tin theo Tống Giang không cần 1 điều kiện nào, những hàng tướng thì hy vọng Tống Giang sẽ cho họ 1 cuộc đời mới. Những con người ấy theo Tống Giang vì tin tưởng vào 1 Cập Thời Vũ đến khi người ta cần, "cứu sống" lại cuộc đời họ, cho họ 1 lý do khác để sống hơn là chỉ đi làm kẻ cướp.

Người trẻ nào có thể hiểu cảm xúc của Lâm Xung sau khi bị "bức thượng Lương Sơn" lại tiếp tục bị bức cầm đao ra sau núi chực người qua đường cướp của?

Lương Sơn là 1 nhóm ô hợp, cái cao đẹp lẫn với cái thấp hèn, sự cao quý phải ở chung với dã man. Chỉ khi được 1 "chính nghĩa" dẫn dắt, họ mới có thể dung hòa cùng nhau, trở nên lớn mạnh.

Và kết cuộc của họ là bi kịch hay hợp lý, họ là những anh hùng xông pha vì lý tưởng, sống chết không màng - hay là vì 1 "đứa ngu" đưa tất cả chết hết? :v Nếu muốn đánh giá kết cuộc, xin nhìn lại đoạn mở đầu.

Lại có người nói, Tống Giang sao không đưa Lương Sơn chiếm Biện Kinh, tự lập làm vua mà lại khiến mọi người bị hại vào tay gian thần? Xin nhìn lại mấy cuộc "khởi nghĩa nông dân" suốt lịch sử TQ, ngoại trừ phá nát bét nát hết, không khiến đất nước chia 5 xẻ 7 loạn lạc triền miên thì cũng chỉ khiến đất nước lọt luôn vào tay ngoại bang. Trên đời hông có chiện cổ tích dễ ăn vại đâu. Nhất là tình hình trong thời Tống Huy Tông, ngoài thì quân Kim đánh tới, trong nước thì các nhóm phản loạn nổi lên, chỉ 1 cái loạn Phương Lạp đã hàng chục vạn người bị giết. Chỉ có Lý Quỳ mới nghĩ là nhảy tót vào ngồi ngôi vua Tống dễ dàng, chứ 1 viên quan có ăn có học, có trí có suy nghĩ như Tống Giang đâu có bị ảo.

---

Review Tân Hồng lâu mộng 2010

(Thật ra hồi lâu trước đây đã viết rồi nhưng mất sạch, giờ mới hết lười để viết lại.)

Khi nói về HLM, có thể nói về điều gì đầu tiên?

"Ngẫm trong dã sử xưa nay, biết bao chuyện dân chê vua quan, hoặc là nói xấu vợ con người ta, đầy rẫy những gian dâm hung ác, kể sao cho xiết; lại còn những ngòi bút chỉ viết về chuyện gió trăng dâm dục xấu xa, di hại trong văn mặc, làm hư hỏng cả con em người ta. Đến những sách nói về giai nhân tài tử, thì nghìn bộ đều thì một khuôn sáo, đầy rẫy những Phan An, Tử Kiến, Tây Tử, Văn Quân, đã thế rút cục vẫn không khỏi sa vào phù phiếm. Người làm sách chẳng qua muốn viết vài bài thơ tình của mình, nên đã cố ý đặt ra một đôi trai gái, rồi xen một thằng tiểu nhân vào quấy rối, ví như vai hề trong tấn tuồng. Lại có những bọn tòi đòi, mở miệng là chi hồ giả dã, hết đạo lý đến văn chương, cho nên nếu xem từ đầu đến cuối thì toàn là những việc mâu thuẫn nhau chẳng có gì là hợp tình hợp lý hết. Sao bằng mấy người con gái này mà nửa quảng đời tôi đã trông thấy, nghe thấy, tuy không dám ví với những người trong các sách thuở xưa, nhưng xem đầu đuôi câu chuyện, cũng có thể đỡ buồn. Lại có mấy bài thơ nhảm nhí, cũng có thể làm cho người đọc cười bật cơm ra và nhân vui uống thêm mấy chén rượu. Còn như những cảnh hợp tan vui buồn, thịnh suy và những cảnh ngộ thay đổi, từ đầu đến cuối đều theo sát sự thực không thêm bớt tô vẽ chút nào, không vì chiều lòng người đọc mà xuyên tạc sự thực. Hiện giờ người nghèo thì ngày lo cơm áo; kẻ giàu lại nảy lòng tham khôn cùng, rỗi một chút là họ nghĩ ngay đến dâm dục, sắc đẹp, giàu sang, sầu não, còn hơi nào đọc sách nữa. Vì vậy cuốn truyện của tôi cũng không muốn được đời khen ngợi và mọi người thích đọc. Chỉ mong khi tỉnh rượn, lúc tàn canh, hoặc khi họ muốn trốn đời, tìm đường tiêu khiển, họ đem truyện tôi ra xem, có lẽ tôi sẽ giúp họ đừng đeo đuổi những việc hão huyền cho tốn tuổi thọ, như thế tức là tránh được miệng thế khen chê, khỏi phải chạy vạy đây đó. Hơn nữa nó cũng khiến người đời đổi tầm con mắt, chứ không như những quyển sách này những lời sáo ngữ cũ rích gán ghép bừa bãi, nói toàn chuyện vụt gặp vụt tan, đầy rẫy nào là những tài nhân, thục nữ, nào là Tử Kiến, Văn Quân, Hồng Nương, Tiểu Ngọc..."

Vầng, nói theo kiểu của mình thì "toàn thằng đời sau bịa ra đấy", còn phỏng theo lời hòn đá này thì những "ý nghĩa văn học", "ý nghĩa nhân văn" vân vân mà người đời sau gán cho HLM toàn... bốc phét cả. :v Cái gì mà "chỉ cần 1 đôi trai gái rồi thêm tiểu nhân vào quấy rối", cái gì mà "mượn truyện chê vua trách quan", nào là "hình mẫu lý tưởng"... ngay chương đầu tiên đã phủ định hết sạch.

Như vậy, nói về "sự thực" trong HLM, ta có gì?

HLM cũng chẳng phải là "sự thực" hay "hiện thực" kiểu mắt thấy tai nghe phàm trần có sao viết vậy. Truyện là 1 câu chuyện lọc qua tầng tầng biện pháp nghệ thuật, sự pha trộn của tâm linh, tâm lý, biểu tượng văn học vào 1 "hiện thực" của Giả phủ. Cho nên, muốn thực sự hiểu được những thứ nghĩa-trên-mặt-chữ đơn thuần nhất thì cũng phải hiểu... toàn bộ nghệ thuật được dùng cái đã.

HLM được khen "chữ chữ như châu ngọc", không phải chỉ là vì viết hay - Mà theo đúng như nghệ thuật thơ văn cổ (cũng được thể hiện ngay trong truyện) thì... mỗi chữ "gánh" phía sau nó toàn bộ tính biểu tượng văn học của ngàn năm văn hóa Trung Hoa. :v Theo đó, lá chuối không phải chỉ là lá chuối, trúc không hẳn là trúc mà hoa cũng không phải là hoa.

Ví dụ, câu thơ tả Tiết Bảo Thoa: "Sơn trung cao sĩ tinh oánh tuyết", nghĩa đen thì chỉ là tả "cao sĩ trong núi sáng trong màu tuyết" (Và bản dịch tiếng Việt trong cảm thức bias lệch lạc đã phang thành "Trơ trơ người tuyết trên cao" vô cùng WTH). Nhưng nhìn lại toàn bộ những "dữ liệu" về Tiết Bảo Thoa, đặc biệt là khu nhà nàng ở, cỏ đỗ hành trồng trong vườn, thì tất cả đều là hình ảnh "người trong núi" của Khuất Nguyên:

"Dường như có người trên góc núi
Khoác cỏ thơm, lưng thắt dây tơ
Mắt ngóng nhìn, cười mỉm như mơ
Dáng thiết tha, dịu dàng, xinh đẹp
... Gió đông táp, mưa rơi nặng hạt
Ngóng đợi chàng, quên cả chuyện về
Hồng nhan tàn, tươi lại được sao?
... Người trong núi khác nào cỏ thơm
Ăn bóng tùng, uống nước suối trong
Lòng nhớ chàng, một mình lặng lẽ."

Tương tự như vậy là hầu như toàn bộ nhân vật "quan trọng", và Đại Quan viên đã được lọc qua 1 "màn sương biểu tượng" để trở thành 1 khu vườn "địa đàng" của nghệ thuật - Một cái đẹp ước lệ rất truyền thống TQ, cái đẹp "biểu tượng" của kịch nghệ.

Và trên "sân khấu" ấy, nơi mỗi nhân vật được khắc cốt dựng hình, "sự thật" lại tiếp tục được lọc qua những hành động biểu tượng - lần này thuộc về... triết học TQ.

Dùng câu chuyện thần tiên để lý giải chữ "duyên", dùng ước muốn để lý giải chữ "phận", dùng tình để lý giải chữ "nghiệp", rồi dùng khổ để giải chữ "ngộ". Con người trong triết học phương Đông là gì? Chỉ là sinh vật vô minh kết tinh từ "khí" của trời đất, lấy xác thân từ kẻ sinh thành, và cả cuộc đời bị chi phối bởi những thứ không phải là mình. Thứ nằm trong tâm là tính, hiển lộ ra là tình, nhưng thứ tình đã lộ ra thì chẳng còn là tình nữa. Cho nên, 1 xã hội con người là trường biểu hiện của vô minh, của dục vọng và chi phối lẫn nhau, tương tác qua lại trong những "duyên", "phận", "nghiệp" vừa có tính nhân quả vừa do chính bản thân tạo thành kiểu "thanh khí tương đồng".

Cao Ngạc khi viết tiếp Tào Tuyết Cần đã hầu như nắm được ngọn nguồn triết lý này. Nhân vật Giả Bảo Ngọc cả đời loanh quanh luẩn quẩn chỉ vì 1 chữ "si". Nói anh ta yêu Đại Ngọc, yêu Bảo Thoa hay Tương Vân hay ai đi chăng nữa, thật ra anh ta yêu nhất là chính mình, cái hy vọng "điên cuồng ngốc nghếch" là mọi người cứ ở bên anh ta, đừng đi đâu cả. Tình khi phát ra đã chẳng còn là tình, như BN đã ở bên BT để quên ĐN, lại "dùng" con Năm để thay thế hình bóng Tình Văn. Đó mới thực tế là chữ "tình" của con người trong cả 1 đời, không phải là cái tình lý tưởng ước lệ của tiểu thuyết. Chỉ đến khi BN đối mặt với cái Không tàn nhẫn vô tình của hiện-thực, khi tất cả đã tan vỡ từ hiện thực cho đến mộng tưởng, anh ta mới nhận ra được chính mình.

Để đối phó với Hư vô, người phương Đông có 2 con đường: một là hành động - để danh lại trong trời đất hay là để trả ơn sinh thành, dùng quy luật của hư vô để sống hết mình tuyệt đối; hai là không hành động. (Và 2 phe này chởi nhao thường xuyên :v ) Nhưng dù chọn hướng nào thì cốt lõi nó cũng không thay đổi. Rất thường gặp trong HLM là những câu như "hồi nhỏ anh cũng gàn dở y như nó" - đặc biệt là khi so sánh Giả Chính - Bảo Ngọc. Hay câu nói của BN "Các cô lấy chồng rồi chẳng còn là châu ngọc, về già chỉ còn là mắt cá chết". Xin lỗi ai muốn xem đây là câu thể hiện "tinh thần giai cấp" đê, các bà già trong phủ Giả chỉ có số ít là "có quyền", còn thì đầu bếp, phục dịch, hầu hạ vô số - cái số người mà chỉ chạy vào trong nhà đã bị cô hầu "cao cấp" Tình Văn chửi cho không kịp vuốt mặt ấy chắc "có quyền" hơn các cô.

Tương tự như vậy là chuyện "phản ánh giai cấp" nào đó mà đời sau bịa ra. Vầng, các cô cậu "tân tiến, tự do, tình cảm" ngồi cười nhạo Lưu lão lão chán chê rồi quay lưng về, chê bả hôi, quê mùa, thô kệch. Còn "đại diện giai cấp bóc lột tàn ác" mới là người đem tiền đem bạc, đem cả quần áo đồ dùng cho bà ấy. Cô suốt ngày chỉ biết ngắm trăng than thân, cậu suốt đời chỉ biết theo đuôi váy phụ nữ thì hẳn là "giai cấp tiến bộ"? Ờ đừng lôi mấy câu chê người mắng chữ ra làm chi, vì... thời ấy nó vậy đó, từ chuyện chê văn bát cổ cho tới dân đi học đi thi - Ông nào cậu nào cũng nói đến mức nhàm tai nhàm mắt luôn, chứ chả phải "độc đáo mới lạ" gì đâu. =-=

Mà đây cũng là 1 đặc trưng của văn học TQ cổ: Ranh giới thiện - ác không rõ ràng, và sự phức tạp của tâm lý con người. Như đã nói trước trong mấy bản review 2 cuốn kia, nhân vật trong văn học TQ có sự phức tạp về tâm lý ở mức độ cao khó lường - trong khi văn lại rất ít miêu tả tâm lý. Điều này khác với văn học cổ trung đại phương Tây, nơi mà nhân vật chính còn được gọi là hero-heroine. Tống Giang không phải là anh chàng lương thiện ngây ngô, Tôn Ngộ Không cũng chỉ là yêu quái lăm le vứt ông già còn chưa biết là người hay yêu xuống núi vì bị bắt cõng chứ chả phải anh khỉ lương thiện biết phải trái gì sất. Trong văn học phương Tây, nhân vật phải đấu tranh với dục vọng, dục vọng đưa đến toàn chuyện xấu xa - nhân vật của phương Đông hành động, tương tác bằng tất cả tính cách tốt xấu của mình, và họ hiểu rằng "dục vọng" không phải là thứ chớp sáng nháy qua đời.

Từ nhận thức Hình nhi thượng đạo lý của trời, người phương Đông xây dựng Hình nhi hạ đạo lý của người - Nhưng rồi giữa cái thượng - hạ này đứt gãy, để "đạo lý của người" thành thứ gông cùm con người. Ví dụ: trời có âm dương - người có vợ chồng => thành cái luật dựng vợ gả chồng siêu vặn vẹo, nghĩ quy luật thì "có lý đó", nhưng vẫn thấy nó sai sai ở đâu. Như "môn đăng hộ đối" thực sự là tốt đó, nhưng còn tim gan phèo phổi tôi thì sao? Cái mâu thuẫn giữa trời và người này thể hiện trong tình duyên của GBN.

Thật ra, cái "kim ngọc lương duyên" từ đâu mà có? Chẳng phải là từ chính ước muốn của Thần Anh ngày mê phú quý mà xuống trần? Còn "mộc thạch lương duyên" thì chỉ là cái tình của hòn đá - Ngày Thần Anh xuống trần, nó mới được đưa đến để đầu thai cùng. Thực sự, có 2 "Giả Bảo Ngọc" cùng tồn tại. Cái gọi là "số trời" chẳng qua do chính người dẫn đường, cuộc sống bên BT mới chính là cuộc đời Thần Anh lựa chọn, nên cuộc đời ấy không "chứa chấp" được hòn đá sơ tâm kia, nó buộc phải biến mất. HLM nhắc đi nhắc lại "anh ngày xưa" như lời khẳng định cho 1 tiến trình hầu như không thể đổi thay biến chuyển con người. Thứ xuất hiện trong trời đất phải hoạt động theo quy luật của trời đất - thể hiện thành quy luật của xã hội con người. Nhưng nói quy luật của con người quá hẹp hay ý thức cá nhân của con người quá rộng, để 2 thứ không thể dung hợp được nhau? Hay thực chất, tất cả chỉ là những biểu hiện của vô minh trong cõi trần ai này?



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.