Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Lịch sử vụn vặt
Trường An February 14th, 2016

Gom góp "hàng" trên FB lại.

Phủ biên tạp lục ghi chép xứ Đàng Trong ghi, mỗi năm triều đình Nam Hà chi tiêu khoảng từ 364.400 quan tới khoảng 369.400 quan, nếu thiếu khoảng 2-3 vạn thì lấy bạc bù vào. Trong đó, tiền chi cho quân đội (cả đội trưởng lẫn quân) là 260.000 quan, tiền chi cho việc tế lễ của 2 xứ Thuận Hóa là 1.400 quan, chưa kể tiền lễ tết yến ẩm, thưởng, tôn tạo công trình.

So với tiền thu vào từ khoảng 338.100 quan tới 423.300 quan, vàng thu vào trên dưới 85 hốt, bạc tốt 24-29 hốt, bạc lá 224-228 hốt, bạc con gà khoảng 10.000 đồng. Có năm bạc tốt thu đến 251 hốt, bạc lá 223 hốt. Trong 3 năm gần đó, đúc tiền kẽm khoảng 72.396 quan.

Như vậy số tiền chi cho triều đình khoảng chừng 100.000 quan.

Mỗi hốt vàng luyện được 9 vạn lá, triều đình dùng để trang sức, có năm dùng đến 45 hốt. Giá vàng mỗi hốt 180 quan.

Trước chiến tranh, giá gạo 10 thưng (đủ cho người ăn 1 tháng) chỉ có 3 tiền, giá 1 con trâu không quá 10 quan, voi giá khoảng 2 hốt bạc. Cau 3 quan 1 tạ, tiêu 12 quan/1 tạ, các loại thảo mộc trên dưới 10 quan, tê giác 500 quan, yến sào 50 quan, vây cá 40 quan, tôm khô 6 quan, đồi mồi 180 quan, kỳ nam 120 quan/1 lạng, tơ lụa 3 quan 5 tiền/tấm.

Thuế tàu Chiết Giang, Quảng Đông là 3000 quan đến, 300 quan về, tàu Ma Cao (Hà Lan), Nhật Bản 4000 quan đến - 400 quan về, Phillipine, Xiêm La 2000-200, Indonesia 500-50, Hà Tiên 300-30.

Từ bảng giá này có thể thấy... khoảng cách của xa xỉ phẩm với nhu yếu phẩm. Gạo 1 người ăn 1 năm chỉ khoảng gần 4 quan - ngang giá 1 tấm lụa.

(Đây là giá tiền gạo của Đàng Trong "gạo rẻ như cho", "tiền như đất bạc như bùn" nên không so sánh với nơi khác).

Nhưng mà nhìn lại số quân đội của Đàng Trong khoảng chừng 2-3 vạn người, trung bình mỗi người cao nhất khoảng 12-13 quan, thấp thì mỗi người 7-8 quan. Kể ra cũng chỉ "trên mức sống trung bình".

Theo Bảo tàng lịch sử VN:

- "Bạc tốt" tức Giáp ngân: Nay gọi là Đĩnh bạc. Thỏi bạc hình chữ nhật, lưng hơi cong, mặt lõm. Kích thước dài: 12 - 12,1cm; ngang: 2,8 - 3cm; dày: 1,4 - 1,6 cm; trọng lượng từ 10 lượng, 2 li đến 10 lượng 8 phân, 9 li.

- Bạc lá tức Dung ngân: dạng thỏi, có hình cầu như “khuyên tai hình con đỉa”, trên một mặt có dấu in chìm một hình như hình lá đề - si, trong đó có một số chấm tròn nổi. Kích thước trong khoảng: 1,5cmx1,4cm; trọng lượng khoảng 39,7gr – khoảng 4 lượng, 2 phân, 5 li.

- Bạc con gà tức Kê ngân: dạng mặt tròn dẹt, mặt tiền đúc nổi hình con chim Le (dân gian thường gọi là tiền con gà), lưng tiền để trơn. Đường kính trong khoảng 1,5cm; dày từ 0,15cm đến 0,2cm. Trọng lượng khoảng 2,847gr.

- Vàng hốt tức Giáp kim: hình dáng tương tự Giáp ngân, hình hộp chữ nhật. Kích thước dài: từ 10,3cm đến 10,7cm; rộng: từ 1,65cm đến 1,8cm; dày: từ 0,5cm đến 0,7cm; trọng lượng: từ 5 lượng, 1 chỉ, 2 phân 1 li đến 5 lượng, 1 chỉ, 2 phân, 5 li.

---

*Đọc sách nửa đêm*

Embassy to the Eastern court, Cochinchina, Siam and Muscat - Edmund Robert

Đây là nhật ký hành trình của người trong đoàn thuyền Hoa Kỳ đi làm việc tại các nước trong khoảng 1832-1834. Thuyền này tên là Peacock, là thuyền chiến, đã từng ghé qua Việt Nam đặt quan hệ ngoại giao, nhưng mờ không thành công vì cái lý do... giời ơi lắm.

Đọc nhật ký hành trình này đoạn ở VN, nửa đêm cười như khìn.

Chiện xui thứ nhất, đến lúc nào hông đến, đến vào năm 1833 người ta đang oánh nhao, cho nên Sài Gòn hông vào được, Phan Rang đổ xuống cũng kẹt cứng, thuyền này túc tắc làm sao mà... mắc cạn kẹt ở Vũng Lắm, Phú Yên. Cho nên mất mấy ngày thư qua tin lại mới có quan lớn từ tỉnh xuống coi, mất mấy ngày nữa mới gọi được người từ trên xuống.

Chiện xui thứ hai, đến lúc nào không hay, vừa đến cái là... thời tiết xấu. Biển động, thuyền lắc như điên, mí ông quan VN lại bị bịnh say sóng. Chờ hết bão mới tới được thì chớ, ngồi nói chuyện trên tàu cũng hông được, gọi nhau xuống bờ... cãi nhau.

Vừng, nội dung cãi của các bác vô cùng phong phú. Từ chuyện lá thư đầu tiên dịch ra không được dùng tên An Nam mà phải là Việt Nam nhóa, vua không dùng chữ "vương" mà phải là "hoàng đế" nhá - Tới chuyện thư gửi cho ai phải viết rõ ràng ra nhóa. Sửa sơ sơ, chuyển thư của Tổng thống Mỹ đến Huế, vào tay "bộ trưởng ngoại giao" rồi, bộ trưởng gửi người nói lại là phải có bản copy lá thư cho bộ trưởng xem trước để báo lên vua, cùng những yêu cầu chính của đoàn sứ giả lần này.

Từ đây bắt đầu cuộc cãi nhao dằng dặc của... cả 2 bên ngang như cua. Anh Mỹ bảo nhất định không là không, thư Tổng thống tao gửi cho vua nhà mi chứ có gửi cho thằng bộ trưởng đâu mà đòi đọc. Anh Việt bảo đó là thông lệ xưa nay ở xứ tao, bộ trưởng phải biết mày muốn cái gì đã, chữ viết rõ ràng, kê khai đầy đủ làm bằng chứng rồi mới báo cáo lên vua được, mày chỉ nói miệng đến lúc mày đòi cái khác thì xao. Anh Mỹ khùng lên bảo Tổng thống nhà tao hông nói chuyện với kẻ phục dịch, thông lệ nhà tao hông có thế. Anh Việt bảo, nhà tao trước nay chơi với mọi thằng Tây, từ Anh đến Pháp đều thế, xao chỉ có mày khoái cãi vậy. Anh Mỹ lôi bằng chứng ông sứ Anh đến từ thời... Tây Sơn ra làm bằng là ổng gặp ngay trực tiếp "vua" (Nguyễn Nhạc) nè. Anh Việt sạm mặt, tao hông thèm nói thứ này nhóa. => Cuộc cãi vã này mất 5-6 ngày mới thỏa thuận được.

Nhận được bản copy rồi, anh Việt lại bắt sửa. Anh hỏi ngang hỏi ngửa Tổng thống là cái chức chi, ủa vậy là bầu cử lên hở, thay đổi sau 4 năm hở? Chắc bụng anh nghĩ vậy thì chức này đâu to bằng vua, các anh bảo nhao là chọn từ ngữ dịch sao cho khiêm cung nhã nhặn thoai. Anh Mỹ nghe được, chắc cũng có tật giật mình, bắt đầu sửng cồ lên: Tổng thống nhà tao hông có kém vua nào hết nhé, Tổng thống nhà tao cũng được mọi người tôn trọng, địa vị ngất trời, cũng là vua 1 cõi đó. Ngày hôm sau anh Mỹ rủ đoàn xuống bắt mấy ông quan xin lỗi, các ông nói, hở, tao có ý bất kính gì đâu. Nhưng anh Mỹ tức sẵn rồi, hằm hè kể lại suốt.

Bộ trưởng Việt OK rồi, giờ đi dịch lại lá thư đàng hoàng trình lên vua. Nhưng mà bản dịch lá thư của Tổng thống Mỹ khó xơi quá, "friendly" hông thích hợp để làm thư ngoại giao nè, God phù hộ ngài thì phải là thượng đế chớ hông phải Chúa Kitô nè. Anh Mỹ vốn đã ôm cục tức sẵn, lại thêm tính anh xưa nay (đến nay vẫn thế) coi anh là cha thiên hạ, anh làm gì kệ anh người khác đừng có xớ rớ vào, bảo thư nhà anh thì dịch cho nó sát nghĩa vào. Dịch không xong, thư không chuyển được thì anh bỏ đi, thuyền nhà anh ở khắp thế giới chớ anh không đi cầu cạnh thằng nào hết nhé. Anh Việt bẩu, là mày đến nhà tao chứ có phải tao đến nhờ mày đâu, mày đến đây đặt quan hệ là muốn giảm thuế thông thương mà. Không có mày tao vẫn chơi với thằng Anh thằng Pháp, mà cảng biển tao mở tự do, thằng nào muốn đến thì đến, mày muốn giảm thuế nên mới có việc nài chớ tao có lợi gì đâu. Anh Mỹ hất hàm bảo, Anh Pháp nó đến đây vì nó không vào vài vùng của TQ được, chớ tao cóc thèm nhờ. Anh Việt bẩu phong tục nhà tao là làm việc như thế, sao mày khó ở vậy? Anh Mỹ hằm hè, mày đến nhà tao thì tao vẫn cho mày làm việc theo ý mày muốn, nên giờ tao thích làm theo lối của tao, tao khó ở với mày đấy thì xaoooooo.

Nói chung, do điều kiện ngoại cảnh thời tiết và do cãi nhao hăng say, từ khi thuyền cập bờ đến khi đi đã mất gần 1 tháng. Sau khi khuân được lá thư đi đến Huế rồi, anh Mỹ ra hạn định, 7 ngày sau mà chưa có kết quả là tao nhổ neo đi à. Nhưng 3 ngày sau thư mới đến tay bộ trưởng. Kết quả, Đại Nam thực lục kể, vua vừa nhận được thư, cho người ra xem thì thuyền Huê Kỳ đã (giận dỗi) bốc hơi.

Vừng, câu chiện ngoại giao dở hơi nhất trong lịch sử.

---

Mà theo những ghi chép trong này, triều đình VN thời kỳ này dùng kha khá người Tây, ví dụ như 1 thủy thủ người Anh điều khiển thuyền, M.Vanier là con lai của tướng Gia Long cũng ở lại VN làm chỉ huy tàu thuyền dù cha đã về nước. Người thông ngôn thuộc Thiên Chúa giáo, giáo sĩ cũng có. Phản ứng với tàu Huê Kỳ cũng rứt là thân thiện, cho quà, cho ăn cho uống, bảo cảng nhà tui tự do muốn đến thì đến. Cãi nhao là do... khác biệt văn hóa thoai.

Mờ ghi chép này thiệt sự cho thấy các bợn Huê Kỳ... chả thay đổi gì cả.

 

---

Ngày xưa thi như thế nào?

Chiện là đầu năm lục ebook tích trữ (lung tung) trong máy ra soạn lại, thấy mấy cái đề thi Hương, thi Hội không biết tha về từ lúc nào.

Vầng, người bi giờ có cái câu cửa miệng "hủ nho hủ lậu", nhưng mờ đọc cái đề thi (năm Tự Đức trước chiến tranh) xong phải nói "móa ơi, cái đề..." =))))))

Thi trường nhất đến trường tứ, đề thi dần dần lên cao, từ hỏi chiện Tứ thư Ngũ kinh, thơ phú chiếu biểu lên... chém gió.

(Đây là đề thi của trường thi Thừa Thiên, nên thấy hỏi cả về Minh sử lẫn tung tung beng chủ đề.)

---

Thi Hương

Đệ nhất trường: Diễn giải Tứ thư Ngũ kinh, chủ đề:

- Khiên phục, cát. (Đây là lời hào của 1 quẻ trong Kinh Dịch)
- Duy hiệu học bán. (Kinh Thư, nghĩa: Công dạy dỗ là nửa cái học)
- Hoàng vương chưng tai. (Kinh Thi, ca ngợi Văn vương nhà Chu)
- Nho tồn tịch thượng chi trân dĩ đãi sính. (Kinh Lễ, nghĩa: Nhà Nho có vật quý trên chiếu để đãi người)
- Tề sư, Tống sư, Tào sư thành Hình. (Kinh Xuân Thu)
- Cố quân tử ngữ đại thiên hạ mạc năng tải yên, ngữ tiểu thiên hạ mạc năng phá yên. (Trung dung, nghĩa: Cho nên người quân tử nói lớn thì thiên hạ không ai chở nổi, nói nhỏ thì không ai phá nổi)
- Bất tiễn tích diệc bất nhập ư thất. (Luận ngữ)

Đệ tam trường: Viết chiếu, biểu theo các chủ đề:

- Thảo một bài chiếu cho học sinh các nơi về những thay đổi của bản triều.
- Viết một bài biểu về dâng sách Đại Nam Văn uyển thống biên.
- Viết một bài luận về "Quan văn không ham tiền".

Đệ tứ trường: Làm thơ phú theo các chủ đề:

- Thay Sầm Tham họa bài "Tảo triều Đại Minh cung" của quan Xá nhân Giả Chí. Theo nguyên vận: hàn, lan, quan, can, nan.
- Viết bài phú về Mã trận, dùng các vận: dữ, nhân, nhất, tâm, thành, đại, công.

Kỳ thi Hội

Đệ tứ trường: Viết các bài luận trả lời câu hỏi.

- Phép xem các hào trong Kinh Dịch cũng là điều quan trọng. Hào nhị với hào tứ cùng tác dụng nhưng khác vị trí, hào tam với hào ngũ cùng tác dụng nhưng khác vị trí. Hai điều đó các tác gia giải thích phần lớn khác nhau. Có người không kể đến vị trí cương nhu đều cho là đa dự, đa cụ, đa hung, đa công. Nhu thì nguy, cương thì thắng. Có kẻ chỉ hào ngũ, có kẻ chỉ hào tam, có kẻ cho là cả tam lẫn ngũ. Nên theo thuyết nào?

- "Kỳ tại Tổ Giáp, bất nghĩa duy vương". Các nhà Nho cho là Thái Giáp, có người bảo Tổ Giáp. Khảo sát rộng ra ai đúng ai sai, trình bày cho rõ, cần dựa vào sách vở.

- Sách Lễ ký có người cho là môn đệ Khổng Tử làm, có người nói khởi từ Hán Nho, có người lại bài bác, chưa biết ai đúng? Có thể nói thiên nào là do người nào viết không? Có người thì cho là thiên nào đó hay, thiên nào đó dở mà đòi vứt bỏ, quả thích đáng không? Lại phân thành 3 phần lưu hành đến nay, tại sao vậy?

- Thiên "Hà bỉ nùng hỉ" trong Kinh Thi, câu "Cháu của Bình vương, con của Tề hầu", có người nói Bình là Chính, con gái của Vũ vương, cháu của Văn vương gả cho Tề hầu. Có người nói chữ Văn trong Văn vương là tên thụy, Chính là tên gọi tùy theo đức hạnh. Cho nên dùng đức để Chính người khác thì gọi là Bình vương. Có người bảo Bình vương cũng giống Ninh vương, Tề hầu cũng giống Ninh hầu mà thôi. Có người nói Bình vương tức là Bình vương Nghi Cửu, Tề hầu tức là Tề Tương công. Có người bảo Bình vương chẳng phải là Bình vương dời đô sang phía Đông, thì Tề hầu chẳng phải là Tử Tề ở nước Tề. Những điều nói trên chẳng giống nhau, mà nhất là Thi cũng chưa biết là Thi của Đông Chu hay Tây Chu. Nên khảo xét rõ để tránh ngờ vực.

- Tề Hoàn công đắp thành ở Sở Khâu, đức lớn vì lo cho sự mất còn (của nước Vệ), mà các nhà Nho không cho là thế, vì sao vậy? Nếu quả không thế thì tại sao thiên "Mộc qua" trong Kinh Thi lại chép thế. Có người giải thích việc đó không chuyên riêng cho Hoàn công mà lại lấy lời trong sử nước Lỗ ra để chép, khiến giống như chư hầu đều đồng ý như vậy. Chưa biết thuyết nào là thích đáng. Huống gì Xuân Thu là sách của Phu Tử viết dựa vào sử nước Lỗ. Nếu bảo thêm một chữ, bớt một chữ để đánh giá thì Phu Tử cũng chẳng dám làm thế. Như vậy thì người luận giải và người đọc nên làm như thế nào?

- Việc học của nhà Nho lấy 2 chữ Trung, Thứ làm trọng, nhưng lời của Tử Tư và Tăng Tử về 2 chữ đó có thiên lệch, sao vậy? Tập truyện lại nói "Như thế thôi, hết sức mà chẳng nói thêm được lời nào, ngoài ra cố nhiên không có cách nào khác", tất giống như đạt đến cùng cực đạo Thánh nhân. Rồi bảo "Trái đạo không xa". Lại nói "Kẻ lấy đó mà học tập, tận lực suy xét để sáng tỏ". Thế thì Trung và Thứ chưa đạt đến Đạo hay sao? Thánh nhân cũng chẳng cần thi hành đạo Trung Thứ hay sao? Với 2 chữ Trung, Thứ này thứ tự thể và dụng ra sao? Là giống nhau ư? Là thông suốt ư? Có thể trình bày rõ không? Lại nói Trung ở Thánh nhân là "Thành", Thứ ở Thánh nhân là "Nhân". Thế thì Trung và Thành, Thứ và Nhân có ý nghĩa khác nhau không? Mà Chu Tử lại trả lời với học trò rằng "Nhân là Đạo". Chân Tây Sơn bảo "Trung Thứ đến tận nơi là Thành". Sao tương phản như thế, khiến học giả biết theo đâu cho thích hợp? Có thể xét mà chiết trung không? Tập truyện lại nói "Trúng với lòng là Trung, hợp với lòng là Thứ". Ý nghĩa đó có thể nghe được không? Với lời chú thích "Tận sức mình mà suy xét" có khác biệt không? Hãy nói cho rõ.

- Luận Ngữ nói "Vô vi mà trị chỉ có vua Thuấn", với lời của Chu Tử chú thích "Sau khi vua Thuấn tức vị dùng không quá cửu quan và thập nhị mục, thế thôi. Về sau chẳng có gì khác lạ." Để chứng minh việc "vô vi" khảo xét có thứ lớp sử sách trước khi vua Thuấn cầm quyền chắc chắn không thể được. Dẫn sơ lược sau khi vua Thuấn lên ngôi thì thấy mở mang việc học, nuôi dưỡng người già, chế đàn làm bài ca; xét về thành tích tuần thú,, lựa chọn Thi, sáng tác nhạc, khởi quân phạt Miêu, quả nhiều điều đáng nêu lên chứ không phải chỉ có việc dùng quan lại mà thôi. Như thế thì quả thật vua Thuấn có "vô vi" mà trị thiên hạ không? Huống gì vua Thuấn năm 61 tuổi mới lên ngôi, trong 48 năm mà làm được như thế, so với vua Nghiêu trị vì đến 100 năm thì việc làm xem ra cũng ngang bằng. Nếu thời gian vua Thuấn trị vì ngang với vua Nghiêu thì việc làm được tưởng sẽ không chỉ là như thế, vậy thì thuyết "vô vi" có tin được không? Lại có thể làm khuôn phép cho các vua đời sau không? Vả lại vua Nghiêu và vua Thuấn đều là đại thánh nhân, tại sao tiếng tăm "vô vi" chỉ quy cho vua Thuấn? Nên bàn kỹ để sao cho được thích đáng.

- Việc Bá Di, Thúc Tề can Võ vương chinh phạt nhà Thương, chẳng ai nói khác. Vì sao các nhà Nho còn có ý kiến lưỡng lự, chiết trung mà luận, thế nào mới thích đáng?

- Kẻ sĩ thì mỗi người có một chí hướng riêng. Kẻ thì thích ra giúp đời, người thì thích ẩn cư, sao cho hợp với chí hướng của mình mà thôi. Lấy tài trí như Khổng Minh mà nói sao không trọn được chí hướng lúc còn ở Nam Dương mà lại miễn cưỡng thực hiện việc khó thành? Há Khổng Minh lại kém bọn Phí Di và Lỗ Trọng Liên ư? Há ngượng ép vì "Hữu vi" mà làm ư? Ôi ẩn cư mà cầu được chí, hành nghĩa để đạt đạo, người xưa cầu mong như vậy, ai thích đáng hơn?

- Người xưa bảo Ngự Nhung không có thượng sách. Nhà Chu được trung sách, nhà Hán được hạ sách, Tần không kế sách. Lời bàn luận trên quả xác đáng không? Nhưng thế nào là thượng sách, mong đối đáp thật rõ ràng. Lại như đạo dùng binh thắng bại nào lường trước. Xem uy danh như Đại tư mã mà còn bị phục ở Phương Đầu, thế mà bọn trẻ lại lập được công ở sông Phì là cớ làm sao vậy?

- Ngày nay, việc chọn tuyển ngày càng mở rộng, mà nhân tài lại ngày càng hiếm, nguyên cớ làm sao? Phải thực thi đường lối như thế nào để đạt hiệu quả trong việc tìm kiếm nhân tài? Nay nhiều việc chưa thẩm sát kỹ, kẻ sĩ các ngươi làm sao để giúp được?

- Nay ở Bắc Kỳ bọn đạo tặc nổi lên, ta đã ban dụ cho bắt chém mà kẻ đầu thú khỏi bị tội, lại hậu thưởng thêm, nhưng chưa thấy công hiệu, khó biết được vì sao? Ngày xưa đời Kiến Vũ khiến bọn cướp tự sửa đổi mà giải tán, không biết hành động ra sao mà kiến hiệu như thần. Mong tường trình rõ ràng.

Thi Đình

(Thoai cái đề thi dàiiiii lắm. Túm gọn lại vậy)

Chế sách: Người xưa bảo phải quản lý tiền tài để nuôi dân, nuôi dân mới đủ quân, cai trị mới tốt. Tiền tài là vận mệnh của dân, quản lý tiền tài tốt mới nâng cao đời sống nhân dân. Nhân tài là nguyên khí quốc gia, phải biết giáo hóa, thực thi những điều trên có thứ lớp. Nói chung 3 điều tiên-dân-quân thực không thể khiếm khuyết. Mỗi đời lại có phép tắc riêng.

Việc thuế má, binh chế, học hành khoa cử khởi từ đời nào, hoàn bị từ lúc nào? Các quan làm việc này ai giỏi ai kém? Dựa theo lịch sử nước ta từ Đinh, Lê, Lý, Trần, trình bày và luận bàn để thấu rõ việc xưa áp dụng vào đời.

Luận bàn các phép thay đổi thuế khóa trong sách xưa.

So sánh cách cai trị vô vi và hữu vi. Tại sao cách cai trị không còn hiệu quả như xưa - Là do không tiếp tục theo phép xưa hay là do phép xưa đã chẳng còn lợi ích gì?

Kẻ sĩ ngày nay chỉ quen thói cầu danh, chỉ biết qua loa việc xưa, hỏi đáp hư hoa thiếu thực chất. Là do Trẫm hỏi quá gò bó hay kiêng kị quan trên mà không ai nói? Nay các tệ nạn về tiền-dân-quân ở các địa phương như thế nào, tường trình nặng nhẹ thấu ngọn ngành, sửa chữa ra sao?

Chế khoa: Viết bài luận biểu theo chủ đề:

- Viết chiếu về bản triều mở khoa thi Bác học Hoành hành (hạn trong 300 chữ).

- Viết biểu thay cho Chân Đức Tú dâng sách Bác học diễn nghĩa.

- Luận về cởi bỏ sự mê tín.

.

.

.

---

Thiệt không hiểu với đề thi Hội, thi Đình này thì chấm làm xao?

Hèn chi gần cả trăm năm mà chỉ có 1 ông Bảng nhãn, không chấm nổi Trạng nguyên.

 

---

Tiếp tục tiết mục y học cổ truyền, với Vệ sinh yếu quyết diễn ca của Hải Thượng Lãn Ông.

Chủ đề: Người xưa đã sát trùng như thế nào?

(Cắt cuống rốn cho con)

Dự phòng ngay lúc mới sinh
Trước tiên cắt rốn, gừng, hành xát dao
Vải mềm nước muối tẩm vào
Quấn tay móc miệng độc trào tiết ra
Lại dùng nước nấu Ngân hoa
Tắm ngay cho trẻ, ngoài da mát lành
Dự phòng đậu sởi phát sinh
Lá xoan, ích mẫu rửa mình cũng hay.

(Ăn ở)

Áo quần giặt giũ cho liền
Vò Găng Bồ kết, Chu biên, Bồ hòn

Thú trùng tác hại cũng thường
Há không nghĩ đến những phương thuốc phòng
Chó dại thì nó chay rông
Ăn nhầm nọc độc ngoài đồng phát điên
Thường nên nhốt lại đừng quên
Hết đường tiếp xúc nhiễm truyền được sao
Đề phòng chấy rận thế nào
Cần nên tắm gội chải đầu luôn luôn
Rận thì nên giặt áo quần
Hột na trừ chấy vài lần hết ngay
Vôi đá sát trùng xưa nay
Trừ giun, diệt đỉa ta hay thường dùng
Trục đỉa thì dùng mật ong
Nó còn dùng để trục trùng vào tai
Thuốc chuột dùng rễ Hương bài
Trừ sâu: thuốc lá, trừ ruồi: Nghề, vôi
Trừ rệp: bồ kết, hoa nồi
Hun nhà trừ muỗi, dùng Bèo, lá Xoan

(Phòng bệnh truyền nhiễm)

Thiên thời dịch lệ nguy thay
Làm sao mà trừ được bệnh này mới an
Từ xưa luống những lo toan
Thế mà chướng lệ vẫn còn xảy ra
Núi rừng rậm rạp bao la
Lá lim phân thú, trùng xà ủ men
Suốt đời khí thấp lưu liên
Đến khi nắng nóng chứng lên bệnh thành
Theo đường mũi miệng vào mình
Khí độc lam chướng hoành hành ác ghê

Liền sau nạn đói can qua
Thường có dịch lớn phát ra kéo dài
Cho rằng dịch lệ thiên thời
Thực ra uế tạp do nguời gây nên
Dưới đất xác chết lưu niên
Nắng mưa chưng nấu bốc lên hại người
Trẻ già cảm nhiệm động thời
Biết phòng, biết tránh nhiều người cũng qua
Hễ khi ôn dịch phát ra
Dự phòng uống Tỏi, bạc hà, lá thông
Nữ thanh, bục dục nên dùng
Lại hun Bồ kết, đàn hương trong nhà
Có dịch thì chớ lân la
Cần nên nút mũi khi ra ngoài đường
Dùng bông bọc tỏi, hùng hoàng
Khi thăm ngừoi bệnh lại càng không quên
Chuyện trò đối diện chớ nên
Về nhà tẩy uế mới yên trong lòng
Trong nhà người bệnh ở cùng
Chớ nên chung chạ đồ dùng phòng lây
Nhất là lao trái truyền thi
Đề phòng truyền nhiễm trường kỳ mới yên
Ngăn ngừa cha mẹ di truyền
Hao tinh lao lực bệnh nguyên khơi mào
Ở gần dễ nhiễm trùng lao
Nên dùng vôi bột rắc vào đờm phân
Ống nhỏ, nên chứa vôi, mun
Dự phòng bách bộ, uống ngăn cũng màu

Dự phòng truyền nhiễm đậu mùa
Từ xưa có phép nhưng chưa an toàn
Nên xa ngừoi bệnh thì hơn
Áo quần nên nấu, chiếu giường phải xông

(Nước uống)

Một điều trọng yếu không quên
Vấn đề nước uống phải nên thế nào?
Chớ dùng nước ruộng nước ao
Nước hộ, nước vũng, nước nào cũng dơ
Chi bằng nước giếng nước mưa
Nước sông, nước suối cũng chưa an toàn
Cần thêm ngâm nước sát trùng
Chanh châu, Quán chúng, Hùng Hoàng, Nghể râm
Phèn chua lọc nước thêm trong
Ao từ, nước bẩn cũng không nên dùng

(Công dụng của thuốc lào)

Lá tươi thì độc làm sao
Ăn vào tê dại, nôn nao mê trầm
Tốt thay trừ mọt sát trùng
Dùng vào trừ rệp trải giường hoặc xông
Rễ khô uống nó thì công
Tiêu trừ trùng tích vô cùng là hay

---

Vầng, những điều như sát trùng, khử trùng, nhiễm trùng vưn vưn đã được truyền bá bằng chữ Nôm cách đây gần 3 thế kỷ. (Vầng, HTLO đã biết lao là "nhiễm trùng lao".) Cùng 1 loạt thuốc xông thuốc đốt thuốc uống, nước muối phèn chua khử trùng.

 

---

 

Theo dòng thời sự, hôm nay ta nói đến vấn đề... y học.

Có những thứ đi lang bang nó cũng đập vào mắt, trong đó có chữ "nhiễm trùng". Nói thiệt ra, mềnh chú ý vì... mềnh cũng dùng nó (dù chỉ 2 lần trong 300 chương). Và từ cảm giác cá nhưn cho đến "chứng cứ lịch sử" (sẽ viết đoạn sau), mềnh cũng vẫn sẽ dùng nó.

Thứ nhất, thiệt thà mà nói, mềnh dùng chữ "nhiễm trùng" sau 30 giây suy nghĩ về nghĩa cái chữ này. Đây là chữ Hán Việt, và "trùng" trong chữ Hán mang nghĩa khá là rộng, chỉ những con "hình dáng không xác định" nho nhỏ rung rúc có mặt khắp mọi nơi - Ví dụ, ấu trùng, độc trùng, côn trùng... Dù đến cuối thế kỷ 19, châu Âu mới phát hiện ra vi trùng - thì từ "vi trùng" cũng để chỉ toàn bộ sinh vật bé tí hin mắt thường không nhìn thấy chứ không phải là vi khuẩn hay virus.

Chính xác là, khi bị bịnh, người ta gọi là "nhiễm khuẩn" chớ hông ai gọi "nhiễm trùng".  Nhiễm trùng chỉ được dùng trong trường hợp vết thương hở làm độc, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng tiết niệu... - trong các trường hợp này là bị nhiễm ký sinh trùng. Ngay cả trong trường hợp vết thương hở bị giòi, ghẻ, lở do không vệ sinh, đây cũng là ký sinh trùng. Mà ký sinh trùng rất "bao la bạt ngàn", từ những con không thấy được cho đến con dài mấy mét.

Đặc điểm thứ 2 của những chứng "nhiễm trùng" là thấy và cảm giác sự thay đổi sau khi có những "tiếp xúc mất vệ sinh" gây ra, kể cả nhiễm trùng máu, có thể gây ra mụn nhọt ghẻ lở.

Cùng là nhiễm vi khuẩn, tại sao những bệnh liên quan đến điều kiện vệ sinh lại được gọi là "nhiễm trùng"? Và từ nghĩa chữ "trùng" trên kia, mình đã có cảm giác đây là 1 cách gọi dân gian, 1 cách hiểu rất "trực quan" từ việc vệ sinh kém => lở lói => trong vết lở sinh giòi hoặc trong cơ thể có ký sinh trùng.

Mà tất nhiên, "cảm giác" thì hổng ăn ai, nên mị bắt đầu lục đến... sách y học cổ. Sự thật chứng minh, hội chứng "nhiễm trùng" đã được y học TQ ghi nhận từ lâu, dù nó vẫn còn rất "quắn quéo".

"Thảo mộc tân biên" chép chuyện danh y thời Minh Trần Sĩ Đạc gặp 1 người bị ho không ngừng, bảo là bị nhiễm lạnh từ trước, càng ho càng đau nhức ngực, cho đến khi ho ra máu mới ngừng. Danh y bảo đây là do gió lạnh xuyên qua phế, trong phế sinh trùng. Trùng này gặp vị chua sẽ "trốn", rồi sau đó cho thuốc chung với "rượu khử trùng". Bệnh nhân bị hành 1 đêm đau đớn chết đi sống lại, sáng ho ra 1 "con trùng" bằng ngón tay, giống con dế mèn.

"Lý trung y án" của danh y Lý Trung Tử thời Minh chép: Bệnh nhân bị ho lao vào mùa thu, danh y bảo đây là "truyền thi bệnh" (Bệnh từ 1 người nhiễm trùng sau đó chuyển sang cho người khác), trùng ăn mòn nội tạng. Cho thuốc uống, ra được mấy con trùng giống như sâu.

Ngoài ra còn chuyện chữa giun sán, ăn dị vật gì gì không kể.

Và những phương pháp dùng rượu, lửa, nước sôi... khử trùng cũng cho thấy người xưa đã nhận biết có "con gì đó không xác định" có khả năng lây lan. Hay hơn nữa, họ biết nó là sinh vật nên có thể bị diệt, nên mới gọi là "trùng".

Mấy ghi chép y khoa trên kia đã trở thành cơ sở cho... truyện kiếm hiệp. Các loại độc trùng này nọ kia mắt thường không nhìn thấy nhưng có thể sinh trưởng trong cơ thể người. "Giới giang hồ kỳ bí" của VN cũng có câu: Người Nam giỏi bùa ngãi, người Trung giỏi thư phù đối ếm, người Bắc giỏi về độc trùng. Các loại độc trùng này theo dân TQ thì giỏi nhất là vùng Vân Nam, có lẽ cũng đã lan xuống VN.

Mà thời gian cùng điều kiện hông cho phép, chưa lục được thư tịch cổ nào về trùng Vân Nam. Chỉ muốn nói rằng... "nhiễm trùng" là từ có sự tích lâu đời lắmmmmmm.

 

 



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.