Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Họ Nguyễn
Trường An October 17th, 2015

Lịch sử Việt Nam có 1 "cái bóng".

Cái bóng này có lẽ không mấy ai nhận ra, nhưng hầu như bất cứ sự kiện nào trong lịch sử hàng ngàn năm cũng có mặt: Họ Nguyễn - hay chính xác hơn là họ Nguyễn Phúc sau này.

Tổ tiên họ Nguyễn Phúc là Nguyễn Bặc, bạn chăn trâu của Đinh Bộ Lĩnh. 3 người Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc kết nghĩa anh em, cùng nhau "đánh lấy thiên hạ". => Triều Đinh thành lập, có công lớn của Nguyễn Bặc.

Sau Lê Hoàn cướp ngôi họ Đinh, giết Nguyễn Bặc. Con trai Nguyễn Bặc là Nguyễn Đê chạy về Thanh Hóa, sau lại ra Kinh Bắc học, kết bạn với Lý Công Uẩn. Sự biến diệt nhà Tiền Lê, Lý Công Uẩn lên làm vua cũng do Nguyễn Đê và Đào Cam Mộc phụ trợ. => Triều Lý thành lập.

Lý Thái Tổ mất, các hoàng tử tranh ngôi. Con Nguyễn Đê là Nguyễn Quang Lợi cùng Lê Phụng Hiểu dẹp loạn, được phong lên đến chức Thái úy.

Dưới triều Lý Anh Tông, Đỗ Anh Vũ chuyên quyền, 3 người họ Nguyễn làm quan lớn đều bị giết. Đời sau, Nguyễn Nộn làm ẩn sĩ lại bị vua Lý túm được, nhưng được Trần Tự Khánh xin thả làm tướng đánh dẹp loạn. Nguyễn Nộn nhân thế lấy cả vùng Bắc Giang, nhà Trần cướp được ngôi nhà Lý nhưng không đánh dẹp được, buộc phải phong vương, gả con gái cho Nguyễn Nộn. Sau Nguyễn Nộn bệnh chết, con trai của Nguyễn Nộn về hàng phục nhà Trần, tất cả đều làm quan lớn, có người từng là Thái phó của Trần Nhân Tông.

Sau nhà Trần suy yếu, họ Nguyễn vì vậy cũng bị diệt theo. Cháu chắt của Nguyễn Nộn là Nguyễn Công Luật, Nguyễn Minh Du mưu giết Hồ Quý Ly không thành, bị truy sát. Nguyễn Biện con của Nguyễn Minh Du trốn về Thanh Hóa, chiêu tập dân miền núi làm chủ cả vùng.

Nhà Hồ bị Minh diệt, con cháu họ Trần là Giản Định, Trùng Quang tập hợp lực lượng chống Minh, Nguyễn Biện cung cấp lương thực, cai quản cả 12 trang sơn động. Chắt của Nguyễn Biện là Nguyễn Công Duẩn cùng các anh em lại đi theo Lê Lợi, nuôi đoàn quân này ròng rã hơn 10 năm. => Nhà Lê thành lập, lại có mặt họ Nguyễn.

Sau Lê Thánh Tông do Nguyễn Đức Trung, con Nguyễn Công Duẩn, lập lên ngôi. Sau đó, mọi biến động trong triều Lê đều có mặt họ Nguyễn. Sau đó, cả nửa nước VN cũng do họ Nguyễn thu về. Sau đó, họ Nguyễn làm vua.

Trong lĩnh vực văn hóa, người khai sinh ra chữ Nôm là Hàn Thuyên (tên thật là Nguyễn Thuyên) là con cháu của Nguyễn Phúc Lịch, con Nguyễn Đê, cháu Nguyễn Bặc.

.

.

.

Họ Nguyễn đứng sau (hay tham dự) mọi khúc quanh lịch sử, biến cố lịch sử, tiến trình lịch sử VN. Các triều đại đổi họ thay tên, thì "cái bóng" đích thực vẫn luôn luôn ở đó.

Đáng xợ. Quá đáng xợ.

(Các thế thứ đều được ghi trong gia phả Nguyễn Phước tộc.)

---

Vai trò của Nguyễn Đê trong việc lập Lý Công Uẩn

Bài trước có nhắc đến Nguyễn Đê, mà trong Đại Việt sử ký chỉ ghi vắn tắt vai trò của Nguyễn Đê như sau: "Đến khi Ngọa Triều băng, vua nối còn bé, Công Uẩn cùng với Hữu điện tiền chỉ huy sứ là Nguyễn Đê mỗi người được đem 500 quân tùy long vào làm túc vệ."

Sau đó không nhắc đến Nguyễn Đê, nhưng Lý Thái Tông lên ngôi lập tức phong Nguyễn Quang Lợi, con Nguyễn Đê, làm Thái úy - chức quan võ lớn nhất trong triều đình. Điều này cho thấy trước đó Nguyễn Đê cũng đã thăng chức không nhỏ. Nguyễn Phước tộc thế phả ghi, Nguyễn Đê là thân cận của vua Lý, giữ chức Đô hiệu kiểm, chánh nhị phẩm.

(Trong khi nếu ta nhớ rằng "chủ mưu" của vụ "lấy ngôi" được ghi trong sử sách là Đào Cam Mộc chỉ được lấy công chúa, phong tước hầu, không còn "vai trò" gì trong lịch sử triều Lý).

Như vậy, ngài Hữu điện tiền chỉ huy sứ Nguyễn Đê - ngang hàng với Tả điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn - chính là 1 nửa mảnh ghép của cuộc chiếm ngôi "êm đềm" nhất lịch sử. 2 người giữ quân thân vệ bảo vệ kinh thành, nhà vua đồng loạt trở cờ, tất nhiên là cung điện cũng giống nhà hoang.

Lý Công Uẩn thì thôi không nói, còn Nguyễn Đê được ghi nhận lại là con Nguyễn Bặc. Mà Nguyễn Bặc chết dưới tay Lê Hoàn. Đành rằng Lê Long Đĩnh nhìn người cũng "có vấn đề" (như việc trọng dụng Lý Công Uẩn), cho phép kẻ có thù giết cha cầm giáo canh dưới gối mình có phải là... điên ngoại hạng hông?

Nhìn lại Nguyễn Phước tộc thế phả ghi chép về Nguyễn Đê: Khi Nguyễn Bặc bị giết, vợ ông đem 2 con trai chạy về Thanh Hóa. Sau đó, Nguyễn Đê cùng em trai lại trở về Kinh Bắc, "giao du với nhiều hào kiệt và là bạn thân của Lý Công Uẩn" (Kinh Bắc chính là quê Lý Công Uẩn). Tất nhiên, Nguyễn Đê không thể nào dán nhãn "con trai Nguyễn Bặc" lượn lờ ở ngay Kinh Bắc, rồi vào làm quan ngay trong triều Tiền Lê. Ở Thanh Hóa, Nguyễn Đê có thể đã tìm được cách giả trang thân thế nào đó (dù sao xứ ấy thời đó còn hoang vu hỗn loạn, có ai mà kiểm được).

Có thể, chính nhờ Lý Công Uẩn, Nguyễn Đê đã tiến vào triều Lê. Hoặc cũng có thể Nguyễn Đê đã tìm được cách nào đó tiếp cận Lê Long Đĩnh, trở thành cánh tay mặt (Hữu thân vệ) của Lê Long Đĩnh. Dù sao, "kịch hay" của Nguyễn Đê với Lý Công Uẩn vẫn ở đằng sau.

Xưa nay (hay gần đây) mấy nhà nghiên cứu cho rằng mấy lời sấm truyền về Lý Công Uẩn toàn do Lý Công Uẩn và Sư Vạn Hạnh vẽ ra. Nhưng như vậy thì quá "lạy ông tôi ở bụi này". Lê Long Đĩnh tìm giết người họ Lý nhưng chưa bao giờ nghi ngờ Lý Công Uẩn ắt có lý do. Mà Lê Long Đĩnh có thể ác chớ hông bị ngu. Như vậy, phải có 1 bàn tay nào đó ở bên ngoài sắp xếp những việc này mà không hề "dính líu" gì đến Lý Công Uẩn.

Và trong thời điểm quyết định, người "thuyết phục" Lý Công Uẩn là Đào Cam Mộc - là người Thanh Hóa. Cũng như Lê Phụng Hiểu phù tá Lý Thái Tông (dưới trướng Nguyễn Quang Lợi) cũng là người Thanh Hóa. Bên kia, vị Hữu thân vệ dường chỉ chờ ngài Tả thân vệ gật đầu là toàn quân lính buông vũ khí.

Một câu hỏi được đặt ra: Lý Công Uẩn chủ động trong việc chiếm ngôi này bao nhiêu phần trăm? Nếu thực sự có chủ đích chiếm ngôi, hai bên tả hữu thân vệ lại là "người quen" cả, liệu có cần Đào Cam Mộc gợi ý? (Nếu như sử gia không dùng Đào Cam Mộc làm bình phong đỡ đạn). Hay một nhóm người nào đó thực sự muốn đưa Lý Công Uẩn lên ngôi và "người có lòng, ta có ý" thôi mà.

Nhìn lại, năm 979 Nguyễn Bặc bị giết. Năm 1005, Lê Hoàn mất, các con bắt đầu tranh ngôi vua. Lê Long Đĩnh giết tất cả anh em, làm vua được 3 năm. Không rõ Nguyễn Đê đã ở bên Lê Long Đĩnh từ lúc nào, nhưng quá trình con cái Lê Hoàn rơi rụng hết thì chắc chẳng thiếu phần đâu.

Đứng sau Lê Long Đĩnh diệt hết con cháu nhà Lê, lại dùng Lý Công Uẩn lấy nốt thiên hạ của nhà Lê, nếu tất cả là một tấn kịch mà nhân vật Nguyễn Đê dựng lên từ ngày rời Thanh Hóa đến Kinh Bắc, quả là màn trả thù "dựng tóc gáy" nhất lịch sử.

Cái com trước của mềnh: "Mờ cái tên Nguyễn Đê cũng thiệt là kỳ lạ. Nó là chữ Đê này 低, nghĩa là thấp kém, hèn kém. Ai lại đi đặt tên con mình kiểu đó, nhất là ông đại tướng triều Đinh? Chắc đây là cái tên đặt sau này, đủ thấy quá trình ẩn nhẫn, nằm gai nếm mật của Nguyễn Đê cũng không phải loại thường đâu."



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.