Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Nhà Lê
Trường An January 25th, 2015

Nhìn qua nhìn lại thì có thể tóm tắt nhà Lê bằng một câu tràn đầy tinh thần "bi hùng": Quá trình mâu thuẫn của 2 miền. Đây là nguyên nhân hệ quả của mọi thứ, thành cũng vì nó mà bại cũng vì nó, mà cuộc chiến Nam Bắc triều chỉ là hệ quả của nó (Sử ghi Nam Bắc triều là cuộc chiến Lê Mạc, hông phải như nhiều người tưởng lầm là Trịnh Nguyễn đâu. Chỉ nội cái tên cũng cho thấy kha khá tính chất của nó).

Lê Thái Tông chết bởi vì sao? Diệt Lê Ngân, Lê Sát, phục chức cho Trịnh Khắc Phục, Trịnh Khả - đây cũng là 2 phe phái của Thanh Hóa, và hậu quả của nó có thể thấy ở đời Lê Nhân Tông. Nhất là dùng Nguyễn Trãi - người "phương Bắc". Sự "cô lập" của Nguyễn Trãi trong triều đình Lê sơ có thể chẳng phải vì là lương thần giữa đám gian thần gì ráo (nếu là gian thần thì Lê Sát, Lê Ngân đã chẳng được minh oan, mà cái ngôi Lê Thái Tông ngồi vững cũng chỉ vì bọn họ), mà chỉ là mâu thuẫn giữa một ông quan "người Bắc" với một triều đình "người Nam". Mà khi cần hạ bệ quyền lực của Lê Sát, Lê Thái Tông "dụ dỗ" Lê Ngân rồi lại phế Lê Ngân. Rồi ta thấy một Thái phi họ Phạm theo Lê Lợi từ lâu, nghĩa là có căn cơ quan hệ với Thanh Hóa, bày mưu phế lập. Rồi ta thấy thái giám trong cung khuyên răn Nguyễn Trãi gì đó mà bị giết theo. Sự trừ diệt của Lê Thái Tông không chỉ đụng chạm đến Lê Sát, Lê Ngân mà là toàn bộ lực lượng quân sự địa phương làm chỗ dựa cho triều đình nhà Lê. Điều này sẽ thấy rõ trong quá trình lập Lê Thánh Tông, và ngày càng rõ trong quá trình suy vọng.

Triều đình nhà Lê, nói theo cách "hơi xa", là 1 triều đình "quân phiệt" - quyền lực tập trung trong tay các tướng. Lê Nghi Dân, Lê Uy Mục chết theo cùng một dạng - dựa vào các lực lượng "phương Bắc" để cướp ngôi, lấy "phương Bắc" làm chỗ dựa chống lực lượng "phương Nam", nhưng cuối cùng đều không đủ sức. Ngay cả Lê Chiêu Tông cũng thế - dựa vào Mạc Đăng Dung "phương Bắc" và bị cướp ngôi luôn.

Mà thật ra, ngoại trừ Lê Túc Tông chết quá sớm, tất cả các ông vua có họ ngoại không liên quan đến Thanh Hóa hay không dựa vào Thanh Hóa đều bị trừ diệt hết sạch.

Nên "mầm họa" có thể chẳng phải từ chuyện xây cất của Lê Tương Dực - chẳng qua người ta cần cách lý giải "truyền thống" thì mà rằng là vua ăn chơi để dân gian đói kém nên nảy mầm họa. Thề, đời Lê Thánh Tông cũng đói đầy ra, xây cất cũng đầy ra, người viết Cương mục còn móc mỉa LTT "mới dòng trước sử ghi đói to, dòng sau vua phát hành tập thơ ca ngợi dân gian được mùa".

Mà "mầm họa" có thể bắt nguồn từ trong chính đời Lê Thánh Tông, hay xa hơn nữa là Lê Thái Tông. Để chống lại sự thao túng của quyền thần, vua bắt đầu lập nên lực lượng quan lại mới qua con đường khoa cử, tiến cử... Kết quả là... các phi tần của Lê Hiến Tông không có ai xuất thân từ Thanh Hóa, và Lê Túc Tông nối ngôi dưới sự phò tá của các viên quan "người Bắc" chỉ được 6 tháng, Lê Uy Mục bị trừ diệt, đưa Lê Tương Dực "xuất thân Thanh Hóa" lên ngôi. Mẹ của Lê Tương Dực, là cháu của Trịnh Khắc Phục.

Mạc Đăng Dung "len lỏi" vào triều Lê trong đời Lê Uy Mục. Và khi các triều thần Thanh Hóa mâu thuẫn đánh nhau, Mạc Đăng Dung một đằng câu kết, một đằng trừ khử, Chiêu Tông lại đi trừ diệt người "phương Nam" hỗ trợ mình, cuối cùng bị Mạc bắt về giết chết.

Cũng phải nói, lực lượng của Trần Cảo mạnh như vậy là do lời tiên đoán về một "vị vua sinh ở phía Đông". Và sử Lê Trịnh dù gọi Mạc là ngụy triều vẫn phải thừa nhận người phía Bắc ủng hộ Mạc đến cùng, Mạc chạy đến đâu người dân theo đến đấy. Nhà Lê dù đến lúc này đã được 100 năm nhưng có vẻ vẫn chưa "thấm sâu lan rộng" khiến dân chúng phương Bắc tôn thờ gì hết, chỉ chực hất đi lập ông vua họ khác. So sánh với những vua mạt Lý, mạt Trần khiến quyền thần trăm phương ngàn kế trừ khử êm thấm vì sợ quần chúng nổi loạn, các vua Lê hễ cục cựa là bị giết chả thèm nể mặt ai, cũng chả ai hành động ngoài các ông Thanh Hóa - đưa số vua bị giết trong triều Lê nhiều nhất lịch sử. '_'

Cho nên, ngay cả Lê Trịnh cũng chỉ là một kết quả nhãn tiền.



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.