Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

BB
Trường An March 2nd, 2014

Đọc về chiến tranh quá buồn ngủ nên tổng kết những công trình nhà Nguyễn xây cho Bắc Thành (kẻo quên mất).

- Cung điện - Thành quách: Gia Long cho xây lại thành Thăng Long đã bị sập gần hết thời Lê. Thời Lê Trịnh, chúa Trịnh chỉ tập trung xây phủ chúa, thành TL bị tàn phá qua chiến tranh Lê Mạc thì không được trùng tu - Cuối Lê sơ, Trần Cảo đã phóng hỏa đốt cháy hoàn toàn cung thành rồi, nên những gì còn lại chỉ là do Mạc - Trịnh xây dựng. Khi đến đón sứ ở Thăng Long, Gia Long phải tiếp tục xây thêm điện đài ở sau điện Kính Thiên, vì không còn nơi ở.

Vài năm sau, quan ở Thăng Long tiếp tục đưa đơn xin trùng tu điện Kính Thiên vì "đã mục nát hết". Sự xây dựng bên trong thành có lẽ được đẩy mạnh trong thời Lê Chất - nên đến 1835, Minh Mạng xử tội Lê Chất có thêm tội xây cất trái phép quá nhiều điện đài trong thành, cho hạ bớt.

(Nghĩ cung điện Huế kia cứ vài chục năm là lại phải trùng tu vì xuống cấp, cái điện cả trăm năm thì còn cái quái gì mà đòi dỡ? =__= Hâm mới đi đem gỗ mục về, cái gì lấy được thì Thanh với Tây Sơn tha cho đấy? Nguyễn Huệ khuân hết đồ của phủ chúa Trịnh về chứ cái cung thành có quái gì đâu mà lấy?)

Đến 1832, Minh Mạng cho đắp thành trì trong 10 phủ huyện.

- Kinh tế: Theo những báo cáo trong Thực lục, thương buôn ở Bắc Thành đi 2 lối: Đường biển từ Nam Định đến Hà Nội. Nam Định thay thế cho vai trò cửa ngõ của Phố Hiến ngày trước, trong khi thương nhân người Hoa chuyển dần về 2 địa phương này, tập trung ở Hàng Buồm HN và Nam Định (đến đầu thế kỷ XX còn ghi nhận rất nhiều làng xóm người Hoa ở Nam Định). Triều đình cũng cho lập sở thu thuế ở 2 nơi này.

Đường bộ thì có Lạng Sơn - Nhưng theo báo cáo vào thời Nguyễn, đường bộ từ Sơn Nam lên Lạng Sơn chỉ có 1 đường mòn rất nhỏ, xen lẫn với đường của dân trong núi. Sự vận chuyển giao thương đường bộ giữa Bắc Thành và Trung Quốc có lẽ chưa bao giờ phát đạt trước thời Nguyễn. Tỉnh lỵ Lạng Sơn vốn chỉ có vai trò giao lưu buôn bán với các thị trấn vùng cao và thu thuế khai thác mỏ. Sau này, Minh Mạng mới cho mở rộng đường thẳng từ Hà Nội lên Lạng Sơn. Khi vùng biển Bắc bộ bị cướp biển nhà Thanh và Tây xâm chiếm, đường lưu thông buôn bán còn lại ở Bắc bộ là con đường này - trước khi nó bị Thái Bình Thiên quốc chặn nốt.

- Nông nghiệp: Theo báo cáo, hệ thống đê ở Bắc được xây dựng vào thời Trần, được củng cố thêm vào thời Lê, nhưng vốn chỉ có tác dụng ngăn nước tự phát. Và đến thời Nguyễn, ngay sau 1802, đê điều đồng loạt... vỡ. Dù đã được Gia Long cho tu bổ lại, hệ thống này đến đời Minh Mạng vẫn là mối đe dọa. Do hệ thống đê này làm thay đổi dòng chảy của nước mà hoàn toàn không có quy luật nào, sức nước trở nên hung hiểm hơn, tình trạng ngập lụt xảy ra liên tục. Triều đình phải cho người đi thăm dò, đo đạc từng dòng chảy của nước để lập kế hoạch xây lại toàn bộ hệ thống đê. Cho đến ngày nay, toàn hộ đê điều ở Bắc bộ vẫn là hệ thống đã được triều Nguyễn điều nghiên xây dựng.

Một khuôn mặt xuất sắc trong triều Nguyễn là Nguyễn Công Trứ đã mở đầu cho công cuộc khai khẩn đất đai ở những vùng đất ven biển, từ Nam Định, Hải Dương đến Quảng Ninh.

Năm 1837, Nguyễn Công Trứ một lần nữa đề xuất đào khai một đoạn sông Đuống làm giảm sức nước. Đến thời Tự Đức, sông Đuống được đào mở rộng thêm, làm đường phân lũ cho sông Hồng. (Dự tính sông Đuống làm giảm được 20-30% sức lũ của sông Hồng chảy qua Sơn Tây.)

(Công trình xây đê này được khởi động vào 1830-1832, vốn lớn đến mức phải chia nhỏ ra để làm từng phần. Cùng với hệ thống thành trì, pháo đài được xây lúc ấy, có lẽ quân dân phải "lao dịch" không ít. Nhưng đến cuối 1832, đầu 1833, trời... bão, gây ngập úng phần trong đê. Có lẽ đây là một phần nguyên nhân thúc đẩy hàng loạt cuộc nổi loạn vào 1833.

Vì hiện tượng ngập úng này, có nhiều ý kiến trong triều Nguyễn là nên phá bỏ đê. Vì hệ thống đê được khởi động từ thời Lý Trần vốn mang tính cục bộ của các điền trang nhằm bảo vệ đất đai riêng của mình, lâu dần thành lệ - Nếu phá bỏ đê, có thể để nước tràn vào rồi tự rút như đất miền Nam (nên ở miền Nam chỉ thấy hệ thống sông đào là nhiều). Nhưng sau khi điều nghiên, thấy những vùng đất thấp rút nước rất chậm, ngập rất lâu, hệ thống đê được quyết định giữ lại. (Cũng có lẽ do các vua Nguyễn cũng ớn sự manh động của dân Bắc, các con sông đào miền Nam đều huy động từ vài ngàn đến cả vạn người làm cực quên chết, chỉ đến thời Pháp thì Pháp mới nắm đầu dân Bắc đi đào được thôi.))

- Khai thác mỏ: Ngoài những mỏ vàng bạc, diêm tiêu, đồng... đã được khai thác, năm 1840, Minh Mạng cho chỉ dụ dân ở Đông Triều đào mỏ than. Hiện nay, Minh Mạng được coi là ông tổ của ngành than VN.



Thành quách, đê điều, giao thông, thủy lợi, khai thác, kể cả đền miếu chùa chiền, Minh Mạng xây trong 10 năm còn nhiều hơn cả ngàn năm.

(Mà chiẹp, đọc sử thời Minh Mạng mới thấy các ông quan văn có chút tác dụng, có kiến thức trị thủy, canh nông, đến quan văn cũng bị lôi đi chiến đấu, tham mưu cố vấn chiến trường, vận tải chứ không phải đi cãi nhau chi hồ giả dã, xem Khổng Minh hay Khổng Tử hay khổng tước giỏi hơn hay xem chữ ai đẹp hơn. Cao Bá Quát làm gì đủ khả năng so sánh với Nguyễn Công Trứ?)

---

Nhân chuyện đê điều thì xem lại "Vỡ đê" của Vũ Trọng Phụng. Vầng, đắp đê cho mình mà dân thì trốn, quan thì tham, lại thì ác, trí thức thì chỉ giỏi cái mồm "dân chủ", cuối cùng đê vỡ cuốn cái véo đi hết. Đã hiểu. :))

"-Đời bây giờ, người ta chỉ cần chiều đời để bán báo, bán sách cho chạy chứ người ta kể gì đến liêm sỉ và lương tâm! Vả lại, cũng không nên trách họ, vì trong cái số hoạt đầu, tựu trung cũng có một đôi kẻ thành thực, tin rằng phải hoàn toàn theo mới, phải âu hóa cả trăm phần trăm thì mới là tiến bộ, văn minh. Cái thành thực của bọn ấy vẫn là đáng khen, tuy cái ngu của chúng thì chỉ đáng thương hại.

- Nhẩy đầm, đánh cá ngựa, ăn ngon, mặc đẹp, dùng những hàng mỏng để may những bộ y phục phô ra những đùi với ngực, như thế, chỉ có như thế, mà đã cho là văn minh, tiến bộ rồi?

-Đối với kẻ ngu thì những cái hình thức thế thôi là đủ rồi chứ còn gì nữa!

Minh xo vai, thở dài:

- Chết chết! Nếu vậy thì cũng buồn cho “trí thức” và cho “ngôn luận” thật.

- Tôi thì tôi chẳng buồn gì cả vì tôi cho những điều ấy là không thể tránh được. Anh muốn gì? Muốn dân tộc vô đạo, vô học, bán khai, không lý tưởng nào thờ, lại mấy nghìn năm nô lệ như dân mình, tất nhiên... tất nhiên cái tinh hoa đất nước của dân tộc ấy chỉ có thể đào tạo ra được những bậc trí thức nô lệ. Thật thế, tinh thần nô lệ là một thứ... quốc bảo cổ truyền, và sẽ mãi mãi di truyền. Xưa kia nô lệ Tàu, thì theo Tàu là văn minh. Bây giờ nô lệ Tây thì âu hóa kia mới là văn minh. Tôi tin rằng nếu người da đen ở bãi sa mạc Sahara mà có đến chiếm nước ta thì cái bọn trí thức ấy tất nhiên cũng sẽ hô hào đạp đổ tất cả những cái “cũ” để mà theo “mới”, nghĩa là... Phi hóa thì mới lại là văn minh! Trách gì cái óc nô lệ!"

---

Trong "Vỡ đê" của Vũ Trọng Phụng có một câu của dân quê cực kỳ hay: "Chúng tôi chỉ cầu vỡ đường vỡ xá để nhà nước miễn thuế, chứ có ruộng đất hoa màu nào để mất mà sợ?" - Họ chỉ biết "không phải của-mình thì không cần có trách nhiệm", không hề tính là khi đê vỡ, hoa màu mất thì giá lúa tăng, sẽ đói, mà lụt thì cũng chẳng còn gì để làm kiếm cơm. Khi địa chủ vì lụt mà bỏ làng đi mất thì nông dân chỉ có đói càng thêm đói. Nông dân vừa sống phụ thuộc vào địa chủ vừa ganh tị, tính gần chứ không tính xa. Chỉ cái gì của-mình thì họ mới coi trọng. (Thật ra cái tính cách này có trong mọi thành phần.)



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.