Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Chép vụn 3
Trường An February 24th, 2014

1826

Tham tri Hộ bộ lĩnh Hộ tào Bắc Thành là Nguyễn Công Tiệp dâng mật sớ rằng: Nhân có sao chổi, ngu dân ở thành hạt bị những kẻ điên cuồng giảo quyệt mê hoặc xui giục, họp nhau làm giặc, xin sớm trừ đi.

“Trẫm từ khi lên ngôi đến giờ, chỉ lo còn một người dân đói rét, mỗi khi gặp tai thương đều để lòng vỗ về, năm nay được mùa mà giặc cướp lại nhiều, rất đáng than thở."

=> Được mùa cũng cướp, mất mùa cũng cướp. =o=

Năm này có sự kiện Phan Bá Vành. Vầng, năm nào tháng nào cũng thấy triều đình phát chẩn, mà được mùa một cái là họp nhau làm loạn. Đúng như Minh Mạng nói khi trước "chỉ ăn rồi làm loạn" (sau này bác nghĩ lại chắc cũng thấy mình tốt quá phí công '__')

Cơ mà, bọn Phan Bá Vành là dân cướp biển chứ "nông dân" cái mợ gì. =0= Toàn thấy cử thủy quân ra đánh. (Trích: Vua nghe tin ấy, dụ quan Bắc Thành rằng : “Giặc chỉ quấy rối ở đường thuỷ không dám lên bộ. Nên theo đường thuỷ mà đánh dẹp mới chóng thành công.") Chưa kể còn tụ họp với cướp biển bên Thanh. (Ờ mà đến Lê Văn Khôi còn là "nông dân" được thì hông nên hy vọng quá vào sử VN. Đọc bài viết về Phan Bá Vành nửa đêm bò ra cười, đọc cùng 1 cuốn sử mà phục trình độ hoang tưởng - xuyên tạc của người viết quá. =0= Vui nhất là xếp Nguyễn Hữu Cầu cùng thời với Phan Bá Vành. =)) Đúng là lừa "dân ngu (sử)".)

"Nhờ" Phan Bá Vành dạy là "Mất mùa chúng làm loạn, được mùa chúng càng làm loạn to hơn. Mất mùa chỉ có cướp bé, được mùa thì làm loạn to", hoặc do đã thấy mình bị-khinh quá mức rồi, Minh Mạng bắt đầu thay đổi to lớn từ đây. /_\

Từ đây, bắt đầu thấy thái độ của Minh Mạng thay đổi, ra tay chém đinh chặt sắt:



Bình Định có Vũ Văn Nguyên là con của nguyên án phủ Hoài Đức Vũ Văn Phượng, trước vì mắc tội giao cho Phượng quản thúc. Phượng chết, Nguyên lẩn trốn vào ấp An Tây, cùng với con Thái sư nguỵ Tây Bùi Đắc Tuyên là Đắc Khuông và Đắc Trị chơi với nhau, ngày ngày tập võ nghệ. Vua nghe biết, nói rằng: “Bọn ấy là đồ vô lại, nếu để yên không hỏi tội thì ngày khác lại như nguỵ Tây, khi ấy còn hỏi tội được nữa sao?”. Sai trấn thần bắt, đều xử tội chết.

Lại có Hồ Công Quang là Tú tài ở Quảng Bình dâng nói 13 điều, đều là cuồng bậy, như điều thứ nhất nói Nguyễn Hữu Thận là thế thần có thể làm được sư phó, không nên để ở nơi biên giới xa. Vua sai đường quan lục bộ hỗ tòng xét bàn. Đều xin chiếu theo luật “dâng thư nói đức chính của đại thần” mà xử tội trảm giam hậu, duy có Tả Tham tri Lễ bộ là Nguyễn Đăng Tuân tâu: “Khi xưa Đoàn Chí Xung dâng thư xin nhường ngôi cho thái tử, bầy tôi là nhà Đường đều tâu nên giết mà Văn hoàng lại tha”. Vua nói: “Văn hoàng là vua hiếu danh không đủ bắt chước; bốn trăm tù tội chết mà còn tha cả, huống chi một mình Chí Xung. Vả lại a phụ đại thần, thói ấy không thể để lớn dần được. Khi xưa lại dân nhà Hán dâng thư ca tụng công đức của Vương Mãng đến hơn 40 vạn mà nhà Hán vì đó mà suy, đấy đủ làm điều răn rõ ràng. Tội Công Quang không thể tha được”. Bèn y theo lời bàn của các quan.

Vua thấy sang năm gặp tiết Lục tuần đại khánh của Hoàng thái hậu, gọi đường quan lục bộ bảo rằng: “Lễ mừng không gì hơn việc giảm thuế tha tù. Như các việc ban ơn cho thần dân, gia ơn cho học trò, thưởng cấp cho quân sĩ, đều là việc hay cách ngoại, dẫu có tốn đến hàng nghìn vạn trẫm cũng không tiếc; duy có việc tha tù trẫm không thích làm, vì tha kẻ có tội thì hại cho dân lành, có khác gì nuôi cỏ để làm hại lúa, các khanh nên thể tất ý của trẫm, hết lòng bàn bạc, việc gì nên làm thì liệt thành điều khoản tâu lên”.

Điện Bàn công Phổ đặt bậy quan chức và đúc ấn tín riêng, việc phát giác, Phổ vào cung xin chịu tội. Vua sai phạt bổng thân công 3 năm, rút hết thuộc binh, không cho theo ban triều hạ.

An Khánh công Quang cho tôi tớ trong phủ đi mua rẻ hàng ở chợ, bị phạt bổng 1 năm.

Vua xem lời tâu, cả giận nói rằng: “Thai là kẻ bề tôi chăm vơ vét, trẫm muốn xử cực hình để khuyên răn những kẻ sâu mọt, nay bàn xử trượng và cách, còn hiềm là nhẹ; bọn Khiêm Quang như muốn thân oan cho người, sao không hết sức công bằng xét rõ những án bọn Nguyễn Tử Bộc và Trương Văn Tùng mà để đến nỗi người bình dân phải nuốt nước mắt?”.

Lính vệ Cẩm y có kẻ ăn trộm bị lính tuần bắt được. Vua nói rằng: "Cẩm y là quân Túc vệ, trẫm đãi rất hậu, mà còn dám trộm cắp như thế, chẳng những là phụ ơn nuôi nấng mà còn không coi pháp luật vào đâu, nên theo quân luật mà xử”. Bèn sai chém ở chợ Đông. Quản quan là Chưởng cơ là Nguyễn Văn Quyền phải giáng 1 cấp.

Người làm việc ở kho kinh là Trần Công Trung đòi ăn tiền làm khó dễ, việc phát giác. Vua giao cho bộ Hình tra xét. án xong, vua nói: “Vụ án Đặng Văn Khuê năm Minh Mệnh thứ 3 đã theo luật nghiêm trị, thế mà bọn Trung còn dám công nhiên làm bậy, không kiêng sợ gì; tuy tang vật không quá 10 lạng, nhưng luật quý ở chỗ làm cho lòng người sợ hãi, nếu nhu nhơ để sống một mạng ấy thì e sau này những kẻ khinh nhờn pháp luật sẽ nhiều ra, không thể giết hết được”. Bèn sai chém Trung ở chợ Đông. Tòng phạm thì phát đi sung quân; giám lâm, chủ thủ đều bị giáng cách.

Vua dụ bộ Hình rằng: “Người xưa lập pháp, làm tội để khỏi tội. Như vụ án Đặng Văn Khuê, Trần Công Trung, dẫu có quá nghiêm, nhưng cũng là theo ý của người xưa. Nên truyền dụ cho các thành dinh trấn đều biết".

Lại dụ bộ Binh rằng: “Trương Phúc Đặng từ khi được trẫm uỷ cho thống quản biền binh Bắc Thành đến nay không biết chỉnh sức việc quân, chợt gặp việc bắt giặc thì xếp đặt lúng túng, chẳng có kế gì hay, cho nên các tướng biền đến đâu cũng chẳng nên công, vì thế nhen thành giặc lớn. Vậy Trương Phúc Đặng thì giáng 4 cấp điệu, lại lột cả mũ áo lập tức cuốn gói, không cho lính theo hầu, về Kinh đợi chỉ. Nguyễn Hữu Thận là quan to giữ một phương, không biết tính toán công việc thì giáng 2 cấp lưu. Nguyễn Đăng Huyên thì cách lưu, vẫn cho coi quân để ra sức đánh giặc chuộc tội”.

Đến lúc tờ tâu dâng lên, vua xuống dụ rằng: “Đăng Huyên trước là một viên bị cách, lúc trẫm ở tiềm để đã bỏ lỗi mà dùng, chẳng mấy năm, thăng đến Chưởng cơ, nhà nước phá cách dùng người đối với nó không phải là không hậu. Đáng lẽ phải cảm phát thiên lương, thề lòng ra sức. Thế mà địa phương gặp loạn, Bắc Thành đã giao cho đại đội thuỷ lực lại không xét kỹ cơ nghi, sai Ngô Văn Thành tiến đánh mà mình lại rụt lùi không cứu, đến nỗi hỏng việc, lại còn vẽ vời lấy bại làm công. Tự trẫm xem ra đã rõ như xem lửa cháy. Trước còn nghĩ hỏng buổi sáng mong đến buổi chiều cho nên cho đeo tội ra sức lập công. Nay lại chẳng mưu tính được gì, còn mong gì nữa. Vậy cách chức Nguyễn Đăng Huyên và giao xét nghĩ”. Án thành, Nguyễn Văn Tòng và Nguyễn Văn Tuyển đều trảm quyết; Nguyễn Đăng Huyên, Nguyễn Văn Đản và Nguyễn Quang Quảng đều trảm giam hậu.



Và bắt đầu bộc lộ thái độ "Thân Tây" rõ rệt:

Đóng 11 chiếc thuyền lớn bọc đồng năm cột buồm. Thưởng cho giám tu là thự Thống chế Nguyễn Tài Năng và từ Suất đội chuyên biện trở lên được gia cấp kỷ lục và sa đoạn; lính và thợ thì thưởng tiền 1.000 quan.

Sai Vũ Khố đóng thuỷ sương xa, bắt chước kiểu xe của Tây dương. Dụ rằng: “Vương giả lấy điều hay của thiên hạ làm điều hay của mình; xe ấy dẫu là người ngoại Di chế ra, nhưng khéo lạ có thể dùng được, bắt chước mà làm cũng không hại gì; nếu bảo là không cần học của họ thì là thô lậu thôi.”.

Khi sứ Xiêm tới Kinh, vào yết kiến. Vua thung dung hỏi: “Nghe tin nước Hồng Mao gây sự với nước Diến Điện, nước ngươi muốn ai thắng?”. Sứ thưa: “Nước Hồng Mao nhiều cơ mưu dối trá, nước tôi muốn cho Diến Điện thắng”. Vua nói: “Cứ như trẫm xem, chi bằng hai nước cầm cự nhau, nước ngươi có thể do đó tự mưu cho mình được; nếu một nước thắng thì nước ngươi có thể giữ được vô sự không?”.

Vua mở địa đồ, trỏ bảo bầy tôi rằng: “Trẫm nghe nước Xiêm La cùng nước Hồng Mao có hiềm khích, chợt có dùng binh thì Hà Tiên là chỗ hai nước xung đột nhau, ta nên tính toán ra sao để phòng việc không ngờ. Huống hồ nước Xiêm với nước ta là láng giềng giao hiếu, nếu có cấp nạn thì có nên cứu hay không? Thực là khó xử”.

Chủ thuyền người Phú Lãng Sa là Cốt Tu Mi đến buôn ở Đà Nẵng, đem những hoá hạng của Chưởng cơ Nguyễn Văn Chấn gửi dâng lên, có nhiều cái gãy vỡ mà giá cao quá, Hữu ty xin trả lại. Vua nói: “Chấn là tôi tớ nay nghỉ việc về nước mà còn nghĩ ơn nuôi nấng mấy chục năm của triều đình, nay cách xa muôn dặm dâng lòng thành, hiền lao vẫn như thuở trước. Còn cái vật vài nghìn vàng nhỏ nhặt kia thì sao đủ khinh trọng?”. Bèn sai cất hết vào kho mà trả tiền cho theo giá (7.680 lạng bạc). Lại giảm cho thuyền ấy 5 phần 10 số thuế cảng. Khi chủ thuyền trở về, lại lấy phẩm vật ở Nội thảng gửi cho Chấn và Thắng và sắc dụ hỏi thăm.

Cấp cho Khâm thiên giám hai thước phong vũ và hàn thử. (Thước phong vũ chuyên xem mưa gió thuận nghịch, lớn nhỏ, xét nghiệm ghi chép hằng ngày, thuỷ ngân nấu với thuốc đựng ở trong ống pha lê ở độ nào, phân nào...)

Vua nói: “Xưa nay đều nói rằng trời tròn đất vuông. Phàm đất vuông thì hẳn không theo trời mà chuyển vận được, cho nên sách Hỗn thiên nghi nói rằng trời hình như quả trứng, trời bao ngoài đất, thì đủ biết đất tròn. Nhưng lời nói đời xưa đã thành, không nên bày ra thuyết lạ nữa”.

(Hình như có người đã đọc sách thiên văn của Tây, lỡ lời nên đành chữa "thuyết lạ" =)) )



Gia Định có bệnh dịch lớn, quân dân chết hơn 18.000 người, thành thần tâu lên. Từ Bình Thuận ra Bắc đến Quảng Bình cũng có báo nạn dịch.

Thái Bình công Mỹ Thuỳ mất. Công là con Anh duệ Hoàng thái tử. Khi vua mới được tin công mắc chứng hoắc loạn cấp tính, tức thì sai đại thần đem ngự y tới thăm, đến nơi thì công đã chết rồi. Vua thương khóc, bãi triều 3 ngày, cho thuỵ là Mẫn Khác, sai Tống Phước Lương và Tôn Thất Dịch trông coi việc tang, phát của kho cấp cho. Ngày táng, lại bãi triều 1 ngày, xa giá đến nhà, vua thân rót rượu cúng.

Vua bảo Duy rằng: “Người ta nói “Kẻ sĩ không may mới làm Hình quan”, tin theo lời ấy thì bộ Hình có thể không phải đặt, mà bề tôi cứ chọn việc mà làm cũng là trung ư? Đó là lời nói vô căn cứ thôi. Tự trẫm xem thì nhà giam tù là nhà làm phúc đó. Làm hình quan nếu biết giữ lòng công bằng khoan thứ, người có oan uổng mà tỏ được lẽ oan, thì phúc cứu sống người còn hơn xa sự xây dựng bảy cấp phù đồ. Gần đây hình quan phần nhiều mắc lỗi, tội nghiệp ấy là tự mình làm, còn đổ cho ai? Ngươi ở bộ Hộ đã được tiếng là mẫn cán, trẫm biết đã lâu, nay ở pháp ty nên vì trẫm chia lo, chớ thấy người trước bị tội mà mang lòng thắc mắc nhé”.

Mô hình chợ ngày trước:

Mở chợ Nam Thọ (Chợ ở phường Phúc Tuy, chung quanh làm 100 gian quán, ở trong các quán có 4 dãy nhà, mỗi dãy 14 gian, ở giữa dựng đình Lạc Hội).

Sự tích điện Voi Ré:

Sai dẫn con voi ngự đến sân điện cho ăn. Vua bảo thị thần rằng: “Giống vật này rất lành. Người xưa chỉ nói sức chó, ngựa, chưa từng nói đến voi, ý giả người xưa, chưa nuôi voi nên không biết tính nó thuần”. Lại ngoảnh lại bảo Phan Huy Thực rằng: “Tiên triều ta có một con voi đực tên là Tế. Khi quân Trịnh vào lấn, sai tướng cưỡi nó đi cự chiến. Quan quân nhiều người chết, voi lội qua sông Gianh về đến bờ nam, lấy vòi thăm biết là không có tướng mục, lại qua sông xông vào trận, tìm thấy được tướng mục đem về. Voi rống lên một tiếng rồi ngã lăn xuống đất. Đến nay còn thờ. Đó đều là bằng chứng rõ ràng về tính tốt của giống voi”.



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.