Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Chép vụn 2
Trường An February 24th, 2014

1824

Vua chăm mọi việc, phàm sớ tâu bốn phương dâng lên, đều phê bảo hằng ngày rất nhiều. Lê Văn Duyệt và Lê Chất thường nói như thế thì khó nhọc quá. Từ đấy có việc gì thuộc sáu bộ thì giao cho bộ ấy làm phiếu dự kiến.

Vũ Xuân Cẩn đi phát chẩn ở Nghệ An về phục mệnh, tâu rằng: “Dân Nghệ An có nhiều người bất cố liêm sỉ, có người nhà giàu đã chẳng giúp đỡ ai, lại còn mặc áo rách ra tranh lĩnh chẩn với dân đói. Ngày thôi phát có chỉ cho mỗi người 1 quan tiền 6 bát gạo, trẻ con thì cho một nửa. Thần xét người nào mạnh khoẻ thì cho ít, trẻ con mà gầy xanh thì cho nhiều, xin chịu tội vi chế”. Vua bảo rằng: “Nếu có lợi cho dân thì tự ý làm cũng được, có tội gì?”. Nhân hỏi: “Trộm cướp như thế nào?” Đáp rằng: “Giặc chỉ có còn dư đảng thôi, gần đây vì mất mùa, không cướp bóc vào đâu được nên đã tan dần hết; cũng có đứa giả làm lương dân lẩn vào trường phát chẩn, thần cũng lượng biết, nhưng nghĩ rằng triều đình có lo gì không có kế sách dẹp yên trộm cướp, chẳng nên nhân việc phát chẩn mà chộp bắt khiến dân sợ hãi”. Vua nói: “Phải. Dân sở dĩ trộm cướp là vì đói rét thúc bách đó thôi. Nếu sau khi phát chẩn mà tự biết hối lỗi, bỏ thói gian ngoan, làm người thuần hậu, thì cũng là con của trẫm thôi, trẫm sao nỡ giết. Nhưng nếu hễ đói thì đến cho ta nuôi, no lại hại dân ta, một mai bắt được đã có phép thường. Há lại lấy lỗi đã qua mà lấp đường đổi mới sao!”.

Tiết Vạn thọ. Vua nghĩ các địa phương nhiều nơi hạn hán, ngày hôm ấy các lệ thường ca nhạc cùng đốt pháo bông, múa đèn hoa, đều bãi cả.

Vua ra triều, đưa cái kèn của người Hồ mà hỏi Trịnh Hoài Đức rằng: “Thứ này là nhạc khí của Trung Quốc, sao dân đạo Cam Lộ cũng có ?” Hoài Đức tâu rằng: “Nhà Tần bạo ngược, quan coi nhạc bỏ đi bốn phương, đấy cũng là một điều chứng nghiệm vậy”.

Vua nói: “Âm nhạc là để di dưỡng tính tình. Âm nhạc của nhà nước vốn không có chính thanh, trẫm rất không thích nghe. Nay muốn sửa đổi, chỉ là chưa được người mà thôi. Nên đem kèn này giao cho đội Bả lệnh, hoặc có người biết thổi chăng”.

Khi sứ về, vua cho lên điện hỏi rằng: “Nước Xiêm cùng với nước Diến Điện có thù đời đời, nay Diến Điện bị nước Hồng Mao đánh, người Xiêm có hả lòng không”?. Đáp rằng: “Có”. Vua cười nói rằng: “Nước Xiêm có nước Diến Điện, cũng như nhà có phên giậu, nếu Hồng Mao đánh mà lấy được, thì thế tất rồi đến nước Xiêm. Người mưu việc nước Xiêm nên lo chứ chẳng nên vui”. Ban cho nhiều rồi khiến về.

Chưởng cơ Nguyễn Văn Chấn và Nguyễn Văn Thắng((2) Nguyễn Văn Chấn là Vannier, chúa tàu Phi Phụng, Thắng là Chaigneau, chúa tàu Phi Long.2), dâng sớ xin về nước. Vua bảo bầy tôi rằng: “Bọn Chấn là người Phú Lãng Sa, năm trước về với ta, có công đánh giặc, cho nên đức Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta cho làm đến chức ấy, bổng lộc theo phẩm cấp, lại còn cho hậu thêm. Trẫm từ nối ngôi đến nay, đãi họ cũng không bạc, sao họ lại xin về ?”. Sai đình thần hỏi, hai người đều nói rằng chịu ơn dầy của triều đình đã lâu, chỉ vì già yếu nên muốn quay đầu về núi mà thôi”. Vua cho rằng đi làm quan xa nhớ quê hương là thường tình của người ta, bèn cho về. Cho phẩm phục và 6.000 quan.

Trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Soạn tâu rằng: “Từ trước đến nay nhân dân bắt nộp trộm cướp tổn phí rất nhiều, hoặc có người cáo giác cho nên người ta sợ không dám nói đến tên kẻ cướp ; biền binh đi bắt lại hay dung ẩn. Xin phàm kẻ cướp cùng người oa trữ bắt được thì chém ngay, như thế trộm cướp phải tắt mà dân được yên”. Sớ dâng vào. Vua dụ mắng rằng: “Trẫm từ khi lâm chính đến nay, những việc đau khổ của nhân dân chẳng việc gì không để ý. Những người mang trách nhiệm địa phương nên theo giòng mà tuyên truyền đức hoá, khiến dân yên nghiệp làm ăn mà dứt hết gai ác, đó mới là thượng sách để dẹp cướp yên dân. Huống chi dân Nghệ An mấy năm đói kém liền, dẫu có mấy lần tha giảm thuế má ơn trạch còn chưa xuống hết, quan lại địa phương chẳng chịu tìm cách chăm nuôi, để dân đến cùng khổ mà làm trộm cướp, thế thì các lối thả hùm báo trong cũi ra là ở ai vậy ? Vả các tệ ngươi nói đó đều là tự mình dung túng sách nhiễu, cùng là xử đoán không minh, bổ biền bất lực, sao lại không biết nhận lỗi mà còn tâu nhảm như thế. Như bảo hễ bắt được chém ngay, chẳng cần tra hỏi, thì chẳng phải là giết người như nhặt cỏ hay sao? Phàm vương giả trị dân đem lòng thương người để làm chính sách thương người, điều đáng quý là làm sao trừ tàn ác, bỏ giết người hoá gian ngoan thành lương thiện. Bọn trộm cướp kia cũng đều là con đỏ của triều đình, đến như kẻ quen ác cố phạm không thể dạy được thì mới bất đắc dĩ phải giết thôi. Nay lại chẳng hỏi là cố ý hay lỡ lầm, thủ phạm hay tòng phạm, mà nhất khái thi hành pháp luật nghiêm dữ thì trẫm chẳng hiểu ngươi dụng tâm ra thế nào vậy. Mạng người rất là trọng, cái quyền sống chết Trấn thần sao được tự chuyên. Nay tạm khoan thứ, phàm những mối tệ từ trước nên nghĩ dứt bỏ hết, mới khỏi phụ cái ý đặt quan vì dân của trẫm”.

Dựng lầu “Nhật nhật tân” (ở phía đông điện Cao Minh trung chính), gần “Quân tử hiên” (ở phía đông lầu).

Người xã An Lỗ phủ Thừa Thiên là Nguyễn Xuân Chấn đón xa giá dâng thư, xin đem quân đánh lấy đất Lưỡng Quảng, phần nhiều là nói ngông cuồng. Vua liền sai đốt thư đi, nghĩ Chấn đã già, không nỡ làm tội, giao cho phủ Thừa Thiên đóng gông 1 tháng rồi tha. Nhân dụ rằng: “Từ nay nếu còn bày tâu ngông cuồng nữa thì sẽ lấy luật trị tội, không tha nữa, để răn thói khinh bạc”.

Sai bọn Cai cơ Hồ Văn Khuê chia ngồi các thuyền hiệu Bình dương, Định dương, Bình ba, An ba, đi việc công ở Hạ Châu và Giang Lưu Ba(Hạ Châu: tức Tân Gia Ba. Giang Lưu ba: tức Giacácta).

1825

Bộ Hộ có việc tư giấy cho dinh Quảng Nam, trong tờ tư có mấy chữ “Nội giám phụng truyền”. Vua nghe tin, vời Tham tri Lương Tiến Tường mắng rằng: “Phàm nội giám truyền báo việc gì, phải nên tâu lại, đợi chỉ thi hành, nay lại nói “Nội giám phụng truyền” là sao vậy? Vả nó chỉ giữ cửa và truyền lệnh thôi, không được dự đến chính sự, nếu cứ nghe miệng nó truyền ra mà làm, chẳng hoá ra chính sự ở hoạn quan hay sao?”. Tường dập đầu tạ tội.

Thả cung nữ ra. Vua thấy đại hạn lấy làm lo, bảo Thượng bảo khanh Hoàng Quýnh rằng: “Hai ba năm nay đại hạn luôn, trẫm nghĩ chưa rõ vì cớ gì. Hay vì con gái bị giam hãm trong cung nhiều, nên khí âm uất tắc mà đến thế chăng? Nay đàn bà con gái trong cung cũng không nhiều lắm, song tạm lựa cho ra 100 người, may ra tai biến bớt chăng ?”.

Vua vời Binh bộ dụ bảo về việc binh ở Bình Hoà, chỉ bảo phương lược, sai làm phiếu nghĩ, qua ngày hôm ấy chưa thấy dâng phiếu. Cho hỏi mấy lần, bộ thần đều chưa vào chầu. Vua giận nói rằng: “Bộ Binh là nơi khu cơ trọng yếu mà lười biếng như thế, há chẳng đến nhỡ việc ư”. Liền sai đi bắt Tham tri Nguyễn Khoa Minh trói ở Tả vệ, hôm sau mới tha.

Trong Kinh kỳ mưa. Vua ngự ở điện, muốn hỏi rõ công việc làm ruộng, cho vời Kinh doãn là Bùi Tăng Huy, nhưng lâu không đến. Vua nói rằng: “Chiều hôm qua Nguyễn Khoa Minh không chầu, lập tức xuống chỉ nghiêm phạt, hắn đã trông thấy, chưa qua một ngày mà đã biếng nhờn như thế, bụng nó để đâu? Nếu kẻ khác trông thấy bắt chước thì còn lấy gì để răn bảo quan lại?”. Sai bộ Lại và Nội các tuyên chỉ cật hỏi. Huy bị phạt.

Ngày Quý sửu xuất quân. Trước một ngày, lệ có lính túc vệ trực đêm canh giữ ở ngoài cửa Tả Túc, Hữu túc, quân Thị trung không một người nào đến cả. Vua nghe nói, sai đánh Phó vệ uý Trần Văn Lộc 80 trượng. Thống chế Lưỡng dực là Tôn Thất Bính và Trần Văn Cường đều giáng một cấp.

Bèn theo đường thuỷ tiến đến cửa biển Đà Nẵng. ở đấy có thuyền Tây dương đến buôn bán, nghe tin thuyền ngự đến, bắn 21 phát súng mừng, đấy là lễ mừng vua theo tục nước ấy. Sai mang bò rượu thưởng cho.

Dựng lầu Tàng thư (ở phường Doanh Phong trong Kinh thành, lầu làm hai tầng, tầng trên 7 gian 2 chái, tầng dưới 11 gian, chung quanh đều xây lan can, bốn bên lầu xây hồ vuông gọi là hồ Học Hải, mé tây hồ có cầu. Các sổ sách năm trước của sáu bộ đều chứa ở trên lầu), sai Thự thống chế Đoàn Đức Luận trông nom biền binh các bảo và các sai Ban trực và Hùng cự 1.000 người để xây dựng.

Có người học trò Quảng Trị là Nguyễn Thiên Điều, kỳ đệ nhất khoa ấy thấy đầu bài khó, đứng đầu xướng xuất, học trò ở vi tả nổi dậy làm ầm lên, muốn nhổ vi đi ra; ba vi giáp ất và hữu cũng náo động. Quan binh đàn áp mới yên. Việc tâu lên. Vua cả giận, dụ rằng: “Nhà nước vẫn sẵn lòng đãi học trò. Nay gặp thịnh điển kén chọn nhân tài, bọn nó đáng phải tự ganh nhau giùi mài để giãi bày sở học của mình, sao lại có kẻ tối tăm hung ác lẫn lộn vào trong đó, buông tuồng càn bậy như thế ? Nếu không xét trị thì sao thay đổi được thói kiêu bạc ấy ?”. Hạ lệnh cho đường quan lục bộ bắt cả học trò ở vi tả họp lại để xét hỏi. Lại truyền dụ bảo rằng: “Việc làm náo động trường vi, tội ở kẻ thủ xướng, trẫm quyết không vì một hai người ngu tối mà giận lây sang người vô tội đâu. Bọn ngươi nên nói ra người thủ xướng, thì sớm định tội được, khỏi lỡ kỳ thi. Nếu cứ một mực đun đẩy hàm hồ không bao giờ xong thì sẽ bắt giam để xét đến cùng, bấy giờ ma quỷ cũng không trốn thoát, mà thân danh bọn ngươi không thể còn tính đến nữa, về sau có hối cũng không kịp. Nên suy nghĩ mà tự lựa lấy chớ bảo là trẫm không thương”. Rồi Thiên Điều thú tội, xử giảo giam hậu, ngoài ra đều tha. Rồi giảm tội cho Thiên Điều, phát đi làm lính ở cơ Định man.

Tha giảm thuế cảng cho lái buôn gạo nước ngoài. Nhiều thuyền buôn các xứ Đại Đồng, Chân Côn nước Xiêm và xứ Hạ Châu chở gạo đến bán ở Hà Tiên. Vua nghe tin, chuẩn định rằng từ nay thuyền buôn nước ngoài có chở gạo đến bán thì lượng tha giảm thuế cảng, theo số gạo nhiều ít làm thứ bậc. (Chở gạo từ 8 phần trở lên, được miễn cả thuế ; từ 5 phần trở lên được miễn 7 phần thuế, từ 3 phần trở lên được miễn 5 phần thuế).

Tha lệ nộp da nai cho thuyền buôn Gia Định đi buôn ở Nam Vang.

Cảng Hà Tiên trước không có ngạch thuế, thuyền buôn đều tụ họp ở đấy để tránh thuế.

Diên Khánh công Tấn vì việc riêng bắt giam dân phủ Thừa Thiên và sai dịch thuộc phủ, phủ thần đem việc tâu lên. Vua vời Tấn đến, tha thiết quở trách, lại khóc mà dụ rằng: “Dân là gốc nước, dân không yêu mến thì ngươi có thể hưởng giàu sang này được mãi không? Ngươi đã không cùng chia lo với ta lại làm thêm lo cho ta thì lòng ngươi có yên không?”. Bèn sai bắt trưởng sử là Hồ Văn Tùng đánh 100 trượng và cách chức sung làm lính phủ. Chưa được bao lâu, Tấn lại sai thuộc binh đi Bình Định bắt con hát bắt càn cả dân thường. Việc phát giác. Vua dụ bầy tôi rằng: “Diên Khánh công trước đã tự ý làm bậy, bị người tham hặc tâu lên, trẫm đã gọi đến nghiêm mắng; nay còn dám lấy việc nhỏ mọn về ban hát mà làm giấy sai phái đi bắt người ở ngoài làm bùa hộ thân, khinh thường pháp luật. Từ trước đến nay những con em và cháu trẫm, trẫm vẫn trước mặt khuyên răn, bầy tôi cũng đều tai nghe mắt thấy. Ngờ đâu cố tật của Diên Khánh công khó chừa, cứ quen tính nóng nảy làm càn, dẫu trẫm nhiều lần dạy bảo mà vẫn không thể khiến làm điều phải được, nghĩ tới khiến người hổ thẹn toát mồ hôi. Không thể không một phen trừng trị để đổi hẳn tà tâm”. Bèn sai áp giải ngay tên thuộc binh là Nguyễn Văn Pháp đến chỗ phạm tội, chém đầu cho mọi người biết; 4 người đi theo thì phát đi sung quân ở đồn bảo dọc biên giới Quảng Ngãi. Phạt thân công Tấn 1 năm bổng.

Ngày Mậu ngọ, miễn chầu, bầy tôi dâng tờ thỉnh an. Vua phê bảo: “Nay trẫm đã thấy tám chín phần khoẻ mạnh, chỉ hiềm dương kém sợ lạnh, khí hư dễ cảm thôi. Vả lại một tuần nay chỉ thấy có đàn bà và hoạn quan, khiến trong lòng lại càng buồn bực khó chịu. Ngày mồng 7 cũng có thể triệu các khanh đến để yên lòng các khanh và để thần trí trẫm thư thái một chút”.

Bảo tức: giữ cho dân yên để sinh sản nhiều. Chính sách bảo tức có 6 điều: 1) Yêu trẻ. 2) Nuôi người già. 3) Nâng đỡ kẻ cùng khổ. 4) Thương người nghèo. 5) Rộng rãi đối với người có tật. 6) Giữ cho người giàu được yên.


=> Đúng là ếu đứa nào nó sợ, từ thằng lính cho đến ông quan. =__= Nhìn kỷ luật thời Gia Long mới rét, hơi tí là chặt chém, còn đây toàn giáng cấp với phạt.



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.