Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Tục ăn thịt người
Trường An May 28th, 2012

Không thể nào không liên kết phồn thực với tục ăn thịt người (cannibalism) khi đã biết đến hình thức hiến tế người sống. Tục ăn thịt người còn để lại nhiều chứng cớ, từ những dấu vết phải đoán định trên xương cốt người cổ thời Hoà Bình Bắc Sơn hay Đồng Đậu đến những dấu vết trong thời kì lịch sử với những giải thích che chắn hay biện minh của người viết sử dân tộc.

Việc Đỗ Thích bị băm xác đem chia cho dân chúng, "chẳng ai không tranh lấy mà nhai nuốt", được Ngô Sĩ Liên (có thể chỉ là kẻ tán đồng giữ lại lời sử cũ) gợi ý về một lòng trung quân ái quốc của dân chúng Hoa Lư đương thời. Nhưng thật ra với người thời nay, đó là chỉ dấu về sự chia xẻ một thiên ân nơi ngôi sao sa còn sót lại trong thân xác con người bạo hành thất bại là Đỗ Thích thôi. Còn bao nhiêu người khác tiếp theo mà ta không được biết, bị ăn thịt trong các cuộc xung đột, tranh chấp quyền hành, để thu nạp, chuyển tiếp sự can đảm, sức mạnh của đối thủ về kẻ thụ hưởng?

Gần giữa thế kỉ XX, học giả Hoàng Xuân Hãn phổ biến một trường hợp ăn thịt người khuất lấp sau tính chất nghiên cứu vô hại nên ít ra cũng được coi là tự nhiên, và đáng lẽ chỉ là thoảng qua như các chi tiết lịch sử khác. (7)Thế rồi nhân phong trào kháng chiến dân tộc dâng cao, tác giả đưa vào chương trình giáo dục, các bài văn thơ trên trở thành hiện tượng văn học đem lại ảnh hưởng lâu dài hơn. (8) Đó là trường hợp Nguyễn Biểu đi sứ (1413) cho Trần Trùng Quang, được Trương Phụ dọn "Cỗ đầu người" và được ghi nhận rằng ông sứ thần này thản nhiên khoét mắt ăn và cũng thản nhiên "cười mà nói: Đã mấy lúc mà người Nam được ăn đầu người Bắc." Chứng cớ vững chắc hơn vì có mấy bài văn thơ kèm theo truyện tích mà ông Hoàng Xuân Hãn cố bênh vực tính cách xác thực của chúng. Điều này không hẳn là không có ảnh hưởng đến sự quả quyết phù hợp với tính chất phụ hoạ, bợ đỡ thời thế, đẩy hết sự xấu xa về phía kẻ thù của nhà-thơ-tranh-đấu-triết-lí-chính-trị Chế Lan Viên, khi ông viết rằng Lễ bế mạc của trường Đồng Đế (Nha Trang) có diễn ra cảnh sì sụp húp cháo đầu người nấu trong chảo lớn, để giúp cho sĩ quan nguỵ hăng hái ra trận, phục vụ đế quốc tận tình hơn! Thật ra cái "tội" là nằm ở chỗ văn thơ xưa của ta còn lại quá ít (hay vốn không nhiều?) nên người ta cứ phải vớt vát, đưa đẩy. Nhiệt tình làm ông Hoàng Xuân Hãn chê tác giả Nghĩa sĩ truyện "không chép những điều ngoài chuyện chính [không chép văn thơ, chuyện thêm thắt]... cũng là một điều đáng phàn nàn cho ta." Ông quên lời ông đã cho rằng những điều chép ra kia thật đáng tin vì tác giả vốn là cháu ngoại nhân vật chính. Ông không chú ý rằng Hoàng Trừng chép chuyện ông ngoại móc mắt, không ăn/nhai mà phải hoà với giấm nuốt cho trôi mau, nghĩa là "làm gan" với chuyện ngược thường này, chứng tỏ hành động thật đầy tính người văn minh. Chi tiết huênh hoang "ăn đầu người Bắc" là của Nghĩa vương kí không được xác định thời đại chứ không phải của Nghĩa sĩ truyện.

Lấy lập luận của khoa học gia bàn chuyện nước lên nước xuống ở một địa phương hồi sáu trăm năm trước, thuyết phục được người thì có vẻ cũng dễ thuyết phục về chuyện ông Nguyễn Biểu đi sứ có người theo và kẻ tuỳ tùng tất nhớ bài thơ đó! Căn cứ thành công của lập luận là người tuỳ tùng kia có một trái tim, một khối óc bằng sắt thép mà không lộ ra trước đối thủ, và một may mắn khó xảy ra khác là còn ôm được đầu về! Điều này thì lại không tuỳ thuộc ở ông học giả. Chỉ có điều nếu ta bình tĩnh sắp xếp theo tiến triển của văn thức thì có thể ghép những bài văn thơ kia vào thời Lê Trung hưng, lại cũng thế kỉ XVII, XVIII gì đó. Nhưng vấn đề của chúng ta ở đây không phải là chuyện văn chương mà là có một chứng tích về chuyện ăn thịt người, dù là cưỡng ép, thế mà đã gợi ra sự ham muốn dằn nén cứ nằng nặc đòi trỗi dậy: "Thề phanh thây uống máu quân thù" (Văn Cao - Tiến quân ca).

Từ nhân chứng lịch sử đến truyện tích - nhân chứng tập thể, người ta thấy cô bé Lọ Lem dễ thương suốt đời của thế giới, qua Việt Nam trở thành cô Tấm tội nghiệp lúc còn khốn khổ, đến khi thành công cũng tàn nhẫn như ai, đã lừa em Cám tắm nước sôi cho trắng da, lại còn làm mắm xác em gửi cho bà dì ghẻ ăn! Nhưng đây lại là những trường hợp lệch xa tính chất ăn thịt người có ý nghĩa tôn giáo. Cái tâm thức đòi cướp lấy, đòi chia xẻ cái thần khí của người khác, diễn ra trong cuộc sống hàng ngày khiến người ngoại quốc phải ngạc nhiên: "Trong khoảng 10 ngày, ngày nào cũng có người bị chém ở phía tây chỗ Du (Thuấn Thuỷ) cư ngụ. Người nào trước hết cũng bị chặt đầu, sau đó lấy xương thịt làm mắm..." (9) Những tay chọc trời khuấy nước, loạn thần tặc tử, hay tầm thường hơn, đám đầu trộm đuôi cướp, cũng là thuộc loại ngưòi vượt thường, đáng để cho kẻ khác chia xẻ chút may mắn mà thiên ân hay quỷ mị đã để lại trong thân xác họ.

Ai chê phía Nam mọi rợ thì có dẫn chứng từ phía Bắc của một nhân vật văn học có uy tín. Phạm Đình Hổ kể rằng: (10) "Làng NgọcCục của huyện ta (Đường An, Hải Dương)... thờ yêu hổ... Cứ mỗi năm trong làng phải cử một người làm chủ tế." Người ấy "lừa kẻ hành khách nào đi một mình, bắt lấy, giam ở hầm dưới đất, đem mài da gót chân cho mỏng đi, đến khi tế thần thì giết, thái nhỏ trộn lẫn với thịt trâu thịt bò mà cúng. Cúng rồi thừa huệ cùng ăn. Người nào gặp được miếng thịt người thì hí hửng lấy làm mừng, cho là cái triệu năm ấy được thuận lợi." Một năm, một nạn nhân, tuy bị mài gót chân cho khỏi chạy, vẫn bò trốn được, đi tố giác quan trên. Làng bị phạt vạ, phải đút lót quan trấn mới yên, "nhưng bắt được người nào đi một mình, cũng vẫn đem giết để tế." Phạm Đình Hổ không chỉ thuật chuyện cũ rích đời xưa vì ông biết rõ "Từ năm Canh thân [1800] trở về sau, thói ấy mới bỏ nhưng hành khách đi qua làng ấy vẫn còn khiếp sợ." Và nếu còn không hiểu thì có thêm chứng cớ của Giáo sĩ de la Bissachère ở đầu thế kỉ XIX. Nhà Nguyễn đem ra xử tội những kẻ thù cũ trong đó nữ tướng Bùi Thị Xuân tỏ ra can đảm hơn hết trước nhục hình. Thế là người giáo sĩ thấy sau đó dân chúng giành nhau xương thịt tay chân của Bà tướng Tây Sơn!

Và đây là chứng cớ của thời hiện đại, không sai chạy là thời Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa. Chứng cớ sao mà kéo dài quá lâu!Nhân chứng gián tiếp nhưng chắc chắn, ông Nguyễn Duy Hinh, một sử gia, thuật lại: "Năm 1980 khi đến tham quan cuộc khai quật di chỉ Cồn Cổ Ngựa ở xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá, người viết những dòng này được đồng chí bí thư đảng uỷ xã cho biết trong xã có một làng thờ Đinh Công Tráng, đến ngày tế thần thì hôm trước người lạ mặt nào đi qua làng sẽ bị bắt làm thịt tế thần. Cho đến khi ông làm bí thư đảng uỷ xã mà đến ngày đó người khác làng cũng không dám sang làng đó trong thời gian tế thần. Thịt người hiến tế chia cho dân làng ăn lấy phước, ai ăn được sinh thực khí thì phước lớn nhất. Viết đến đây bèn kiểm tra thông tin hỏi lại nhà khảo cổ học Nguyễn Văn Hảo, người phụ trách cuộc khai quật Cồn Cổ Ngựa năm đó thì được ông khẳng định có biết thông tin về tục "săn đầu người" ở Hà Lĩnh khi ông chủ trì cuộc khai quật ở Cồn Cổ Ngựa." (11)

Xa hơn về phía nam, ở Khánh Hoà trong những năm 30 thế kỉ XX còn có dấu vết dân chài đốt người tế thần biển nhưng không ăn thịt. Tục ăn thịt người ở Thanh Hoá chắc không thể tồn tại dưới con mắt của quan lại Pháp, Nam thời ngoại thuộc. Trong một khoảng thời gian, ta có nơi đó một ông quan tinh ranh, ông Cử Hà Ngại, từng cai trị đất con vua cháu chúa và phàn nàn về dân xứ này nhưng không nghe thoảng qua chuyện ăn thịt người, chắc đã là của thời dã man, "tiền sử" rồi. Đinh Công Tráng là nhân vật Cần Vương cuối thế kỉ XIX, vậy việc thờ ông có dáng như một biện minh ái quốc mượn-tiếng để cho tục ăn thịt người đàng hoàng trở lại, ít ra là lúc quyền bính Pháp suy sụp. "Thịt người hiến tế chia cho dân làng ăn lấy phước, ai ăn được sinh thực khí thì phước lớn nhất." Thời chiến tranh đói kém, được miếng thịt đã là điều quý giá, lại còn được chia xẻ cái thần khí, theo tin tưởng xưa, có triển vọng đem lại phồn vinh cho cá nhân, cho gia tộc: Nhu cầu cụ thể trong hiện tại được phối hợp với tin tưởng truyền thống ẩn khuất đâu đó đã giúp cho dân làng kia nuốt được lí thuyết xã hội "tân tiến" nhất mà không thấy tự mâu thuẫn, vào lúc chưa phải sợ quyền bính đương đại đang chăm chú lo việc cứu nhân loại, quên cả dân nước mình! Loại tin tưởng thần bí về sự chia xẻ tính thiêng liêng qua bộ phận thân xác khiến cho trong chiến tranh vừa qua còn loan truyền - và cũng có thể xuất hiện lẻ tẻ, hiện tượng lấy mật người luyện phép. Tin tưởng kéo dài qua Mĩ bây giờ với câu chuyện gởi đầu lâu con gái để luyện Thiên linh cái với lối lập luận "có lập trường" nhờ thời thếchính trị ("Chính phủ Việt Nam muốn quan trọng hoá vấn đề nên bắt người... chứ họ đã từng san bằng nghĩa địa..."), nhờ vị trí bên lề một chừng mực trên đất tạm dung nên mạnh dạn "ngây thơ" về pháp luật, cho rằng bưu điện Mĩ cũng coi chuyện gởi đầu lâu là bình thường. (12)

Chú thích:

(7) Tập san Khai trí tiến đức 3-1941, in lại La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Hữu Ngọc, Nguyễn Đức Hiền sưu tập, biên soạn, tập II, Nxb. Giáo dục 1998, tr. 565-598.
(8) Thi văn Việt Nam... các lớp trung học, 1951, in lại La Sơn Yên Hồ... tập III, tr. 40-56.
(9) Chu Thuấn Thuỷ, Kí sự đến Việt Nam năm 1657, Vĩnh Sính dịch 1999, tr. 41.
(10) Phạm Đình Hổ, Vũ trung tuỳ bút, Nxb. Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh 1998, tr. 160.
(11) Nguyễn Duy Hinh, Văn minh Lạc Việt, Nxb. Văn hoá Thông tin 2004. tr. 221-222. (12) Việt Weekly [California] số 31, July 28 - August 3, 2005, tr. 94, 97.

Tạ Chí Đại Trường



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.